Hiện nay, giá cao su có xu hướng tăng
trở lại do đà tăng của giá dầu thế giới, nguồn cung cao su sụt giảm khi
ba nước xuất khẩu cao su lớn đồng thuận cắt giảm sản lượng sản xuất, nhu
cầu tiêu thụ cao su từ thị trường Trung Quốc có dấu hiệu phục hồi.
Neo theo giá cao su thế giới, trong quý
I/2016, giá bán cao su bình quân của DPR và PHR ước tính vào khoảng
27-28 triệu đồng/tấn, cao hơn khoảng 4-7% so với kế hoạch cả năm được
giao từ Tập đoàn cao su Việt Nam. Mức giá vốn hàng bán được DN khống chế
ở mức 25-25,5 triệu đồng/tấn chủ yếu thông qua việc tiết chế chi phí
nhân công.
Cũng trong quý I/2016 vừa qua, hoạt động
thanh lý vườn cây cao su, vốn chiếm tỷ trọng lớn trong cơ cấu lợi nhuận
ròng của các DN cao su gần như đã hoàn tất. Cụ thể, đại diện DN DPR cho
biết, trong quý I/2016, họ đã thành công thanh lý khoảng 460 ha cao su,
đạt 100% kế hoạch thanh lý cả năm.
Trong khi đó, PHR cũng đã thanh lý được
700/1000 ha, hoàn thành được 70% kế hoạch thanh lý cây cao su cả năm.
Giá thanh lý ước tính vào khoảng 150 triệu đồng/ha, giảm 17%-20% so với
cùng kỳ. Nguồn cung cây cao su tăng cao trong năm là nguyên nhân chính
đẩy giá bán cao su sụt giảm trong năm nay.
Trong quý II/2016, PHR và DPR có khả
năng ghi nhận doanh thu từ thanh lý vườn cây cao su lần lượt khoảng 68
và 28 tỷ đồng. Bên cạnh đó, doanh thu từ các hoạt động như cho thuê khu
công nghiệp cũng cho kết quả doanh thu ổn định.
Nhìn về thị trường cao su 6 tháng cuối
năm 2016, chuyên viên phân tích của Rồng Việt vẫn giữ nguyên quan điểm
là đà tăng trưởng của giá cao su vẫn được giữ vững trong nửa cuối năm
2016. Cụ thể, trung bình giá cao su được dự báo sẽ duy trì ở mức 1.575
USD/tấn trong năm 2016, tương đương năm 2015. Rủi ro lớn nhất mà các DN
phải đối diện là rủi ro biến động giá cao su và tình hình thời tiết mà
chủ yếu là La Nina.
Từ đây, nhà đầu tư có thể suy xét đầu tư
cổ phiếu cao su để hưởng lợi về giá. Trong đó, DPR đặc biệt được chú ý.
Ví dụ, dựa vào các giả định bao gồm sản lượng sản xuất và thu mua theo
đúng kế hoạch năm;
Bình quân giá bán cao su thế giới vào
khoảng 1,575 USD/tấn và diện tích thanh lý vườn cây vào khoảng 460 ha
với giá thanh lý vào khoảng 150 triệu đồng/ha, người ta dự phóng doanh
thu và LNST của DPR trong năm 2016 lần lượt là 829,1 tỷ đồng (giảm 3,1%
so với cùng kỳ) và 131 tỷ đồng (giảm 9,3% so với cùng kỳ). Sau khi trừ
đi quỹ khen thưởng phúc lợi, EPS của DN có thể vào khoảng 2.286 đồng/cp.
Với mức giá đóng cửa gần đây nhất, DPR
hiện đang giao dịch ở mức PE là 15 lần, không quá hấp dẫn so với lịch sử
giao dịch. Tuy nhiên, với triển vọng phục hồi của giá cao su và mức tỷ
suất cổ tức tiền mặt hấp dẫn (8,7%), nhà dầu tư giá trị có thể xem xét
tích lũy cổ phiếu này trong dài hạn…
(Thời Báo Ngân Hàng)