“Tôi cũng không hiểu tại sao mình lại có niềm đam mê với “rác thải” lớn đến như vậy. Có lẽ nó xuất phát từ nỗi ám ảnh khi tôi chứng kiến hàng nghìn tấn rác thải vẫn được đổ vào lòng đại dương mỗi ngày. Đó là động lực giúp tôi nghĩ ra ý tưởng và bắt tay vào thực hiện nó” – chàng trai trẻ cho biết.
Rác thải nhiều hơn tôm, cá
Vào mùa hè năm 2011 khi vừa bước sang tuổi 16, trong một chuyến đi chơi ở Hy Lạp và lặn dưới biển, Slat đã nảy sinh ý định “dọn sạch rác” trong lòng đại dương.
“Tôi thấy rác thải trên biển còn nhiều hơn tôm, cá. Nhưng điều làm tôi sốc hơn cả là sự thờ ơ của những người xung quanh. Khi tôi hỏi: Liệu có giải pháp nào để khắc phục tình trạng này không? Mọi người đều nói rằng: Chả có cách nào thực hiện được cả vì rác thải vẫn được đổ vào lòng đại dương mỗi ngày” - Boyan Slat kể lại.
Trong khoảng 30-40 năm gần đây, hàng triệu tấn rác thải đã được đổ vào lòng đại dương. Sản xuất chai nhựa trên toàn cầu đã lên tới con số 288 triệu tấn mỗi năm; 10% trong số được đổ thẳng ra đại dương. 80% được vứt trôi nổi trên đất liền nhưng theo thời gian, mưa lũ… chúng tiếp tục được “trả về” đại dương.
Thậm chí không chỉ nhai nhựa mà các nắp vỏ chai hay đầu mẩu thuốc lá bạn vô tình ném trên đường…, kết quả đều sẽ trôi ra biển.
Theo các chuyên gia thống kê, đến năm 2020, lượng rác biển sẽ đạt tới 7,25 triệu tấn, tương đương với 1000 tháp Eiffel trôi nổi trên biển. Nhưng số lượng chất thải khổng lồ này phải cần tới 79 nghìn năm mới có thể hoàn thành việc thu hồi, điều này cũng giống như một nhiệm vụ bất khả thi với vô vàn khó khăn.
Nhưng với Boyan Slat, không gì là không thể, chỉ cần bạn có đủ nỗ lực, quyết tâm và lòng đam mê. Chính chuyến nghỉ dưỡng và đi bơi ở Hy Lạp năm 16 tuổi đã tạo bước ngoặt lớn cho cuộc đời Slat.
Sau đó, chàng trai trẻ bắt đầu nghiên cứu tìm hiểu về vấn đề làm sạch rác biển. Cậu phát hiện rằng lượng rác màu đỏ có ít nhất trên biển, bởi vì màu đỏ làm cho những con chim cảm thấy đó là thức ăn hơn so với các màu khác. Từ những xác chết của các loài chim có thể dễ dàng nhận thấy, bụng của chúng chứa toàn rác nhựa màu đỏ.
Phát minh “máy hút bụi đại dương” và thu nhập 500 triệu USD mỗi năm
Năm 19 tuổi, Boyan quyết định bỏ học tại trường đại học công nghệ Delft và thành lập một nhóm nghiên cứu để thực hiện giấc mơ của mình. Nhóm nghiên cứu của Boyan có khoảng 100 người, đa số đều là tình nguyện viên và họ sẵn sàng đi khắp nơi trên thế giới để dọn rác trong lòng đại dương.
“Lãnh đạo một nhóm khi còn quá trẻ là một trải nghiệm tuyệt với đối với tôi. Tôi còn nhớ khi mới thành lập nhóm, chúng tôi có một thực tập sinh 24 tuổi và mọi người trong nhóm không hài lòng về anh ấy. Họ nói rằng anh ấy còn quá trẻ và cần học hỏi nhiều. Tuy nhiên, họ không biết rằng họ đang nói chuyện với một cậu bé còn ít tuổi hơn. Khi đó tôi mới 19 tuổi” – Boyan hài hước kể lại.
Tuy nhiên, khi bắt đầu kế hoạch nghiên cứu, trong túi Boyan chỉ còn có 200 euro để tiêu, và cậu đã rất nhanh dùng hết số tiền này. Vì vậy cậu phải cố gắng để tìm các nhà tài trợ. Năm 2013, trong một bài phát biểu của mình trên trang web TedX, trong vòng 15 ngày cậu đã huy động thành công 80.000 USD vốn đầu tư và bắt đầu tiến hành phát minh của mình.
Ở tuổi 21, chàng trai trẻ đã phát minh ra máy hút bụi đại dương với khả năng làm sạch tới 7.250.000 tấn nhựa thải. Máy hút bụi đại dương của Boyan chủ yếu thiết kế một chiếc thuyền di động theo dòng hải lưu và sóng biển, sử dụng những tấm pin năng lượng mặt trời để làm sạch đáy biển.
Chiếc máy này có hình dáng giống như cá đuối, thông qua việc lưu thông của dòng hải lưu, các nhân viên môi trường cũng không cần phải chủ động chạy theo ra biển. Việc thu thập sinh vật phù du và những miếng nhựa nhỏ được phân cách bằng lực ly tâm. Thiết bị này không chỉ tiết kiệm nhân lực, giảm thiểu ô nhiễm mà còn tiết kiệm chi phí.
Boyan và các đồng sự đã thực hiện thí nghiệm tại khu vực nhiều rác nhất trên thế giới là biển Thái Bình Dương, nằm tại giữa Hawaii và California.
Nhóm nghiên cứu của Boyan lên kế hoạch trong năm 2016 sẽ thu hồi rác thải suốt chiều dài 2km ở vùng biển giao nhau giữa Nhật Bản và Bắc Triều Tiên, sau đó chuyển hoá thành điện năng.
Kế hoạch đầy tham vọng tiếp theo của họ là lắp đặt một thiết bị làm sạch dài 100km ở Thái Bình Dương vào năm 2020. Và họ sẽ phải mất 10 năm mới có thể làm sạch Thái Bình Dương. Điều khiến người ta sốc hơn đó là, nếu biến những chất thải này thành dầu và các sản phẩm khác thì họ sẽ kiếm được ít nhất 500 triệu USD mỗi năm.
Và một điều có thể khiến bạn bất ngờ hơn nữa đó là Boyan Slat đã rất quan tâm đến tên lửa khi mới 13 tuổi. Cậu đã tự chế ra một chiếc tên lửa chạy bằng hơi nước và được ghi vào kỷ lục thế giới.
“Chính những trải nghiệm từ thời niên thiếu dạy cho tôi nhiều bài học sau này. Tôi đã học cách làm cho mọi người phát cuồng để làm những điều mà mình muốn, sau đó sẽ kêu gọi đầu tư” – chàng trai trẻ cho biết.
Một trong những khó khăn lớn nhất khi bạn làm các dự án liên quan đến đại dương là không có đủ hình ảnh và tự liệu về rác thải thực tế vì khu vực này cách xa chúng ta hàng triệu cây số và không thể chụp được hình ảnh từ vệ tinh.
“Chúng tôi chỉ có thể thu thập dữ liệu nhỏ lẻ. Nhưng có một điều mà các bạn có thể làm ngay từ bây giờ để bảo vệ môi trường sống cho chính bản thân và gia đình mình đó là hãy dùng các loại nguyên liệu có thể tái chế được và giảm tiêu thụ chai nhựa. Hãy cứu lấy đại dương của nhân loại bằng những việc làm đơn giản nhất!” – Boyan kêu gọi.
Theo Trí Thức Trẻ