Động thái trên cho thấy giới chức Trung Quốc đã một lần nữa phải can
thiệp để ngăn đà bán tháo trên sàn chứng khoán. Hôm qua, các chỉ số
chính trên thị trường nước này đã giảm 7%, làm bốc hơi 590 tỷ USD vốn
hóa trong phiên đầu năm tệ nhất từ trước đến nay.
Mùa hè năm 2014, họ cũng phải áp dụng các biện pháp chưa từng có tiền
lệ để cứu thị trường. Dù việc can thiệp này có thể phần nào làm giảm sức
ép, nó cũng khiến Trung Quốc ngày càng rời xa cam kết rằng sẽ để thị
trường tự điều tiết.
"Thị trường đã nhận được sự trợ giúp từ quỹ thuộc Chính phủ và sẽ hỗ
trợ giá cổ phiếu trong ngắn hạn. Tuy nhiên, trong dài hạn, nó phải cần
sức mạnh riêng để tự đứng lên, chứ không thể cứ dựa vào nguồn lực quốc
gia mãi được", Wang Zheng - Giám đốc Đầu tư tại Jingxi Investment
Management cho biết. CSI 300 hôm nay đã đảo chiều tăng 0,3%.
Trung Quốc đã 2 lần phải can thiệp cứu thị trường từ hè năm ngoái. Ảnh: AP
Hôm qua là ngày đầu tiên Trung Quốc áp dụng quy định ngừng giao dịch
khi thị trường giảm đến một mức độ nhất định. Tuy nhiên, biện pháp này
đã phản tác dụng khi chỉ làm nhà đầu tư thêm hoảng loạn.
Lệnh cấm cổ đông lớn bán ra được áp dụng từ tháng 7 năm ngoái - đỉnh
điểm của đợt bán tháo cổ phiếu. Lẽ ra lệnh này sẽ hết hiệu lực ngày 8/1,
nhưng sẽ được gia hạn cho đến khi có lệnh hạn chế mới. Các công ty niêm
yết cũng được khuyến khích công bố rằng họ sẵn sàng ngừng các giao dịch
thế này, nguồn tin của Bloomberg cho biết.
Một số công ty đã làm theo khuyến nghị này. Zhejiang Century Huatong
cho biết cổ đông kiểm soát của họ sẽ không bán cổ phiếu trong một năm
tới. Cổ đông của Changshu Tianyin Electromechanical cũng khẳng định
không bán trong 9 tháng tới.
Các nhà hoạch định chính sách Trung Quốc từng sử dụng các quỹ có liên
quan đến Chính phủ để đẩy giá cổ phiếu, khi CSI 300 mất tới 43% hè năm
ngoái. Các quỹ này đã chi tới 236 tỷ USD để mua cổ phiếu trong 3 tháng
cho đến tháng 8, theo Goldman Sachs.
(Vnexpress)