Kiến thức chứng khoán - Kinh nghiệm đầu tư chứng khoán

Thứ Ba, 19 tháng 7, 2016

Làm gì để tránh rủi ro “đi lùi” khi cổ đông lớn rút vốn?

(ĐTCK) Việc thị trường chứng khoán tăng điểm trùng với thời điểm đóng quỹ của nhiều tổ chức đầu tư tài chính quốc tế vào Việt Nam và chủ trương Nhà nước thoái bớt vốn tại các doanh nghiệp không cần nắm giữ đang được thực hiện quyết liệt là các nguyên nhân quan trọng dẫn tới thông tin cổ đông lớn thoái vốn tại nhiều doanh nghiệp sẽ xuất hiện dày đặc.
Lãnh đạo nhiều công ty cho biết, trong quá trình phát triển của doanh nghiệp, cổ đông tốt đóng vai trò rất quan trọng, thậm chí quan trọng hơn cả doanh nghiệp tốt. Bởi vậy, quản trị được tình huống nhà đầu tư rút vốn và “biết người - biết ta” sẽ là chìa khóa đảm bảo cho sự phát triển ổn định của công ty.

Một điểm dễ nhận thấy với doanh nghiệp bị thoái vốn, đó là giá trị của công ty được nâng lên. Bởi lẽ, phải đánh giá cao hệ thống quản trị, tài chính và tình hình hoạt động của doanh nghiệp, mới có nhà đầu tư khác chịu trả giá cao hơn để sở hữu cổ phần. Khi mua lại, nhà đầu tư mới phải nhận thấy được tiềm năng tăng trưởng lợi nhuận từ việc đầu tư này. 

Song trong nhiều trường hợp, sự xuất hiện của nhóm cổ đông mới không được lòng cổ đông cũ, bất đồng giữa các nhóm cổ đông sẽ đẩy lùi sự phát triển của doanh nghiệp. Vậy trách nhiệm đặt lên vai công ty, cũng như các cổ đông lớn, có ý định gắn bó với doanh nghiệp là gì? 

Chủ động tìm hiểu

Đối với hầu hết các tổ chức đầu tư, vấn đề thoái vốn luôn nằm trong kế hoạch. Vì thế, không khó để doanh nghiệp biết được ý định của đối tác. Tuy nhiên, điều quan trọng là doanh nghiệp phải biết chính xác thời điểm, thời hạn, hình thức cũng như quy mô thoái vốn của cổ đông. Muốn vậy, doanh nghiệp cần thường xuyên trao đổi với các tổ chức đầu tư.

Đặc biệt, đối với những khoản góp vốn đến từ các quỹ đầu tư, doanh nghiệp cần lưu ý đến nguồn gốc vốn của quỹ. Bởi lẽ, khi một quỹ đầu tư sắp đến hạn đóng quỹ, việc rút vốn là điều khó tránh khỏi. Doanh nghiệp cũng cần theo dõi tình hình kinh doanh của tổ chức đầu tư. Trong trường hợp tổ chức đầu tư gặp khó khăn hay muốn tập trung vào ngành nghề chính, động thái thường thấy là bán bớt các khoản mục đầu tư ngoài ngành.

Bên cạnh đó, khủng hoảng tài chính cũng là nguyên nhân tác động đến mức độ quan tâm của các tổ chức đầu tư dành cho doanh nghiệp. Vì thế, việc quan sát và dự báo xu hướng đầu tư sẽ giúp doanh nghiệp đỡ lúng túng khi thoái vốn xảy ra. 

Công bố thông tin kịp thời

Khi xảy ra thoái vốn, nhất là những khoản thoái vốn trên quy mô lớn, nhà đầu tư, đặc biệt là những cổ đông nắm giữ cổ phần tại doanh nghiệp, sẽ cảm thấy bất an. Lúc này, những thông tin kịp thời, chính xác được công ty công bố sẽ góp phần giảm tâm lý hoang mang. Tuy nhiên, để có thể đưa ra thông tin kịp thời, giảm thiểu tác động tiêu cực của việc thoái vốn, doanh nghiệp cần sớm nghĩ đến những điều kiện ràng buộc với nhà đầu tư. 

Chẳng hạn, trong điều khoản hợp đồng mua bán, doanh nghiệp cần quy định rõ mức thoái vốn cho phép trong một thời gian nhất định (ví dụ tổ chức đầu tư sở hữu 20% cổ phần không được thoái vốn quá 10% mỗi năm sau 3 năm hạn chế chuyển nhượng). Hay doanh nghiệp cần yêu cầu tổ chức tài chính báo trước kế hoạch thoái vốn để có thời gian chuẩn bị. Ngoài ra, doanh nghiệp cần nắm rõ phương thức thoái vốn để có cách xử lý thích hợp. 

Tìm hiểu đối tác mới

Trong trường hợp cổ đông chiến lược thoái vốn qua hình thức bán cổ phần cho đối tác khác, doanh nghiệp có thuận lợi là không phải tìm đối tác thay thế. Tuy nhiên, điều quan trọng đối với doanh nghiệp là cần tìm hiểu kỹ về đối tác mới. Bên cạnh đó, doanh nghiệp có thể tham gia quá trình tìm kiếm đối tác. Tuy nhiên, doanh nghiệp chỉ nên tìm kiếm sự đồng thuận trên cơ sở bảo vệ quyền lợi đôi bên, không nên gây khó khăn cho việc thoái vốn. 

Kế hoạch quản lý vốn

Vạch ra trước kế hoạch quản lý vốn sẽ giúp doanh nghiệp chủ động hơn trong tình huống thoái vốn, như hoạch định kế hoạch tăng vốn hay mua cổ phiếu quỹ một cách phù hợp. Ví dụ, nếu có nhà đầu tư đang tiến hành thoái vốn, doanh nghiệp không nên tăng vốn để tránh nguồn cung tăng đột biến, ảnh hưởng tiêu cực đến giá trị cổ phiếu. Hoặc nếu có ý định mua cổ phiếu quỹ, doanh nghiệp nên chọn thời điểm mua vào và thương lượng với tổ chức có ý định bán ra để việc chuyển nhượng, dù trên quy mô lớn, vẫn không gây ảnh hưởng xấu đến giá cổ phiếu của công ty. 

Một kế hoạch quản lý vốn chặt chẽ bao gồm cả việc phân bổ thành phần ban quản lý hợp lý để tránh những xáo trộn về nhân sự giữa kỳ. 

Tập trung sản xuất kinh doanh

Nhà đầu tư tham gia góp vốn hay rút vốn khỏi doanh nghiệp, suy cho cùng đều dựa trên tình hình hoạt động sản xuất – kinh doanh của doanh nghiệp. Điều khác biệt là nhà đầu tư ra đi sau khi đã “cày cấy” và nhận thấy đến lúc phải “thu hoạch”. Trong khi người mới đến quyết định đầu tư vì nhìn thấy triển vọng tăng trưởng.
Bởi vậy, doanh nghiệp nên tập trung vào hoạt động sản xuất kinh doanh. Đó là cách cơ bản, thực chất để chứng minh cho cổ đông, nhất là những cổ đông mới, thấy được tiềm năng và hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp            

Một số thương vụ thoái vốn lớn gần đây

-Ngày 7/10/2015, Công ty cổ phần Đầu tư và Sản xuất Thống Nhất (mã GTN) đã hoàn thành việc chuyển tiền mua 74,99% vốn của Tổng công ty Chè Việt Nam (Vinatea).

- Bộ công thương bán toàn bộ 122 triệu cổ phần, tương đương 78,84% vốn điều lệ của Tổng công ty cổ phần Thiết bị điện Việt Nam (GELEX - mã chứng khoán GEX) vào tháng 12/2015.

-Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn Nhà nước (SCIC) thoái vốn thành công khỏi Tổng công ty cổ phần Đầu tư Xây dựng và Thương mại Việt Nam (Constrexim) vào tháng 12/2015.

-l SCIC bán toàn bộ 3.647.433 cổ phần (tương đương 52,4% số lượng cổ phần đang lưu hành) của Công ty cổ phần Du lịch Kim Liên ra công chúng theo hình thức bán cổ phần trọn lô vào tháng 12/2015.

- Bộ Giao thông Vận tải thoái vốn Nhà nước tại Tổng công ty Công nghiệp Ô tô Việt Nam - CTCP (Vinamotor) vào tháng 1/2016. Trọn lô 85,58 triệu cổ phiếu chào bán đã được đấu giá thành công với mức giá khởi điểm là 14.620 đồng/CP.

-Tổng công ty Cơ khí Giao thông vận tải Sài Gòn (SAMCO) bán ra toàn bộ 3,63 triệu cổ phiếu HAX của Công ty cổ phần Dịch vụ ô tô Hàng Xanh mà SAMCO nắm giữ, tương ứng 32,63% lượng cổ phiếu lưu hành.

Hỏi đáp

Được biết, công ty cổ phần có thể không cần thành lập Ban kiểm soát. Xin hỏi, pháp luật quy định cụ thể như thế nào? Bỏ mô hình Ban kiểm soát thì ai sẽ giám sát hoạt động của doanh nghiệp? Các nước trên thế giới có bỏ mô hình Ban kiểm soát hay không?

Theo quy định của khoản 1 Điều 134 Luật Doanh nghiệp 2014 - Cơ cấu tổ chức quản lý công ty cổ phần, công ty cổ phần có quyền lựa chọn tổ chức quản lý và hoạt động theo một trong hai mô hình sau đây, trừ trường hợp pháp luật về chứng khoán có quy định khác:

a) Đại hội đồng cổ đông, Hội đồng quản trị (HĐQT), Ban kiểm soát và Giám đốc hoặc Tổng giám đốc. Trường hợp công ty cổ phần có dưới 11 cổ đông và các cổ đông là tổ chức sở hữu dưới 50% tổng số cổ phần của công ty thì không bắt buộc phải có Ban kiểm soát;

b) Đại hội đồng cổ đông, Hội đồng quản trị và Giám đốc hoặc Tổng giám đốc. Trường hợp này ít nhất 20% số thành viên Hội đồng quản trị phải là thành viên độc lập và có Ban kiểm toán nội bộ trực thuộc Hội đồng quản trị. Các thành viên độc lập thực hiện chức năng giám sát và tổ chức thực hiện kiểm soát đối với việc quản lý điều hành công ty.

Hiện nay trên thế giới đang áp dụng phổ biến 3 mô hình quản trị công ty: Mô hình đơn cấp, Mô hình nhị cấp và Mô hình hỗn hợp. Trong đó Việt Nam là một trong những nước áp dụng mô hình hỗn hợp.

Theo đó, với mô hình quản trị đơn cấp kiểu Mỹ và nhị cấp kiểu Đức, chức năng giám sát được trao cho thành viên HĐQT độc lập.

Hiện nay, các nước áp dụng mô hình hỗn hợp có xu hướng cho phép các doanh nghiệp linh động lựa chọn mô hình quản trị (có hoặc không có Ban kiểm soát), để phù hợp với đặc thù hoạt động sản xuất kinh doanh, cơ cấu tổ chức quản lý của công ty, cũng như áp dụng các thông lệ quản trị công ty tốt trên thế giới.

Ông Đinh Ngọc Sơn,Giám đốc Tư vấn quản trị doanh nghiệp, CTCP Chứng khoán FPT
Share:

Trang

Nổi bật

Giới siêu giàu kiếm tiền từ đâu?