Kiến thức chứng khoán - Kinh nghiệm đầu tư chứng khoán

Thứ Hai, 18 tháng 7, 2016

Những giá trị cuộc sống khiến chúng ta phải suy ngẫm

Mỗi một giá trị trong số đó đều góp phần nhất định trong việc hình thành giá trị chung của chúng ta trong đời sống, có tính chất hỗ tương với các giá trị khác, cũng như có khả năng được rèn luyện và phát triển như một giá trị độc lập.
Khi hiện hữu trong cuộc sống này, chúng ta tất yếu cần đến một số những giá trị khác nhau để sinh tồn, và qua sự sinh tồn, chúng ta dần dần sở hữu một phần nhất định các giá trị đó.
Tất nhiên, khi nói đến những giá trị trong cuộc sống theo cách này, chúng ta không hàm ý chỉ đến tự thân giá trị hay ý nghĩa rốt ráo của cuộc sống. Đó là một vấn đề có tầm vóc bao quát và sâu xa hơn.
Phần lớn trong chúng ta thường chỉ lưu tâm đến những giá trị nổi bật mà ta có được như vật chất, vốn có thể dễ dàng đo lường bằng các đơn vị quy ước, hay tri thức, trong phạm vi được xác định bởi hệ thống văn bằng, học vị... Tuy nhiên, đời sống của ta không chỉ đơn thuần được tạo thành riêng bởi các giá trị đó.

Chúng ta còn sở hữu - và cần thiết phải sở hữu - nhiều giá trị khác nữa, như sức khỏe, thời gian, chuyên môn, kinh nghiệm sống, quan hệ xã hội, tình thương... Mỗi một giá trị trong số đó đều góp phần nhất định trong việc hình thành giá trị chung của chúng ta trong đời sống, có tính chất hỗ tương với các giá trị khác, cũng như có khả năng được rèn luyện và phát triển như một giá trị độc lập.

Vì thế, trong khi chúng ta luôn có thể thấy rõ sự tương quan thống nhất của tất cả các giá trị này trong việc hình thành giá trị chung của đời sống, thì đồng thời ta cũng có thể xem xét, phân tích từng giá trị đó như những giá trị độc lập, có những ý nghĩa và tính chất đặc thù khi so sánh với các giá trị khác.

Khi được phân tích như các giá trị khác biệt, mỗi giá trị trong đời sống sẽ được nhận hiểu và phát triển theo một cách thích hợp hơn. Mặt khác, khi thấy được tính chất kết hợp của nhiều giá trị khác nhau trong đời sống, chúng ta sẽ có được một nhận thức toàn diện hơn, không quá nhấn mạnh vào một số giá trị nào đó cũng như không bỏ lỡ cơ hội phát triển những giá trị khác mà ta thực sự đang cần đến.
Dưới đây, chúng ta sẽ thử tìm hiểu qua một số các giá trị như vừa đề cập trên.

Giá trị vật chất

Vật chất là giá trị nổi bật dễ nhìn thấy nhất trong cuộc sống. Vật chất luôn gắn liền và là yếu tố thiết yếu cho sự sống còn của chúng ta. Từ thực phẩm ta sử dụng hằng ngày cho đến quần áo, vật dụng, xe cộ... mọi thứ ấy đều là những giá trị vật chất.

Giá trị vật chất đối với chúng ta trước hết là giá trị sử dụng. Ta cần đến thực phẩm để ăn, cần quần áo để mặc, cần nhà cửa để có chỗ trú ẩn tránh nắng mưa... Khi nền văn minh nhân loại phát triển, đời sống chúng ta có thêm những nhu cầu phức tạp hơn, tinh tế hơn, như các nhu cầu thẩm mỹ, nghệ thuật, giải trí... thì nói chung những giá trị vật chất tương ứng cũng được sử dụng với mục đích đáp ứng các nhu cầu này, như tranh vẽ, nhạc cụ, phim ảnh... Tuy nhiên, bằng vào trí thông minh, con người nhận ra rằng sau khi thỏa mãn các nhu cầu của mình trong hiện tại, người ta còn có thể tích lũy vật chất để sử dụng cho cùng các nhu cầu ấy trong tương lai. Và do đó, ngoài giá trị sử dụng trực tiếp, các giá trị vật chất cũng bắt đầu được chuyển thành giá trị tích lũy.

Giá trị đạo đức không chỉ ảnh hưởng đến từng cá nhân, mà còn có sức lan tỏa mạnh mẽ đến mọi người chung quanh. Trong bất kỳ cộng đồng xã hội nào, một khi các giá trị đạo đức được nhiều người trân trọng và làm theo, chắc chắn xã hội đó sẽ được chuyển biến theo hướng ngày càng tốt đẹp hơn.
Mặt khác, cùng với sự phát triển của nền văn minh con người, các giá trị vật chất cũng phát triển ngày càng đa dạng, phức tạp hơn. Nếu như vào thuở ban sơ con người chỉ biết sử dụng các giá trị vật chất đơn giản nhất có được từ tự nhiên như thức ăn, nước uống... thì càng về sau con người càng có khả năng tạo ra nhiều dạng vật chất khác hơn để đáp ứng các nhu cầu ngày càng phát triển trong cuộc sống.

Và khi con người bắt đầu biết sử dụng các giá trị vật chất vào việc tích lũy hoặc trao đổi với người khác, họ cũng bắt đầu nghĩ đến những phương thức thuận tiện hơn để phục vụ các nhu cầu này. Từ đó nảy sinh các hình thức tiền tệ có giá trị theo quy ước từ thô sơ cho đến tinh vi như ngày nay. Song song với hệ thống tiền tệ, người ta cũng sử dụng các kim loại quý (vàng, bạc...) như một kiểu tiền tệ đặc biệt, có giá trị phổ biến hầu như trên toàn thế giới.

Sự hình thành hệ thống tiền tệ là một sáng tạo của con người, nhờ đó mà sự tích lũy và trao đổi các giá trị vật chất trở nên thuận tiện hơn rất nhiều. Khi một người kiếm được quá nhiều thực phẩm, thay vì lưu trữ chúng, họ có thể bán ra để đổi thành tiền. Sau đó, khi cần họ lại dùng tiền để mua lại thực phẩm.

Như vậy dễ dàng hơn rất nhiều. Mặt khác, khi muốn trao đổi một vật dụng này để lấy một loại vật dụng khác, người ta cũng không cần thiết phải làm điều đó một cách trực tiếp. Họ chỉ cần bán đi loại vật dụng mình hiện có và dùng tiền để tìm mua loại vật dụng nào mình thích. Hơn thế nữa, việc quy đổi thành tiền những giá trị vật chất cũng giúp cho các giao dịch trao đổi trở nên dễ dàng hơn, bởi vì tất cả đều đã được xác định giá trị thông qua tiền tệ.

Tiền bạc do con người tạo ra và gán những giá trị theo quy ước để giúp cho việc sử dụng mọi giá trị vật chất trở nên dễ dàng, thuận tiện hơn. Vì thế, bản thân tiền bạc không phải là một giá trị có thể sử dụng trực tiếp. Chúng ta phải chuyển đổi tiền bạc thành giá trị vật chất mà mình đang cần mới có thể sử dụng được, chẳng hạn như dùng tiền để mua thực phẩm, quần áo, vật dụng... Mặc dù vậy, tính chất vạn năng của tiền bạc đã mang lại cho nó những quyền lực ngày càng mạnh mẽ hơn trong các xã hội văn minh vật chất. Khi có nhiều tiền trong tay, hầu như người ta có thể có được bất kỳ điều gì họ muốn, thậm chí còn có thể dựa vào quyền lực đó để mua chuộc, sai khiến người khác...

Và như một quy luật tất yếu, quyền lực luôn khêu gợi sự ham muốn. Những nhu cầu trực tiếp của chúng ta như cơm ăn, áo mặc... thường luôn có những giới hạn nhất định của nó. Khi bạn đã no nê, thức ăn được dọn thêm lên bàn sẽ không còn hấp dẫn, không còn gợi lên sự thèm muốn nơi bạn.
Nhưng với tiền bạc thì khác, bạn có thể tích lũy gần như không giới hạn, và bạn biết rằng giá trị tích lũy đó sẽ có khả năng đáp ứng mọi nhu cầu của bạn vào bất cứ lúc nào, cũng như sẽ mang lại cho bạn quyền lực chi phối người khác. Vì thế, tiền bạc rất dễ dàng gợi lên sự ham muốn mạnh mẽ nơi con người. Khả năng sử dụng tiền bạc là không giới hạn, nên sự ham muốn đó cũng là không giới hạn. Cho dù bạn đã tích lũy được bao nhiêu đi chăng nữa, bạn vẫn có thể dễ dàng bị lôi cuốn bởi ý muốn có được nhiều hơn và nhiều hơn...

Nếu như phần lớn các giá trị vật chất có thể sử dụng trực tiếp thường là những nhu cầu thiết yếu cho cuộc sống chúng ta, thì những giá trị vật chất theo quy ước như tiền, vàng... lại không nhất thiết là những nhu cầu thiết yếu. Trong chừng mực để đáp ứng các nhu cầu cần thiết cho sự sống thì chúng là những giá trị thiết yếu, như tiền lương hằng tháng của công nhân chẳng hạn. Nhưng khi vượt quá xa các nhu cầu đó, như những khoản tiền tham nhũng hàng triệu đô-la chẳng hạn, thì chúng không còn là nhu cầu thiết yếu nữa, mà thực sự trở thành đối tượng của lòng tham.

Những giá trị vật chất là tiền đề thiết yếu cho sự sinh tồn cũng như mang đến những tiện nghi nâng cao cuộc sống chúng ta. Chúng ta không thể sống còn nếu không có được những giá trị vật chất tối thiểu cần thiết cho sự sống, và sự đầy đủ về vật chất sẽ giúp ta có được một cuộc sống với mọi tiện nghi thoải mái, cũng như giúp ta thực hiện được nhiều điều ta mong muốn. Vì thế, rất dễ thấy là quanh ta luôn có không ít người chạy theo vật chất, xem những giá trị vật chất tích lũy được như một mục đích đeo đuổi của đời mình.

Tuy nhiên, sự thật là mỗi chúng ta đều sinh ra trần trụi trong cuộc đời này và đến lúc chết đi cũng chẳng mang theo được gì. Mọi giá trị vật chất đều do chính ta tích lũy quanh mình trong một quãng thời gian nào đó, nhằm phục vụ những nhu cầu nào đó, nhưng cuối cùng rồi ta sẽ không thể nào ôm giữ chúng mãi mãi. Tính chất giả tạm của những giá trị vật chất là một thực tế, và sự giả tạm ấy chắc chắn không thể là giá trị rốt ráo của đời sống.

Những giá trị vật chất có thể là phương tiện hữu hiệu giúp ta có một đời sống tốt đẹp hoặc làm được những việc có ý nghĩa, nhưng tự thân chúng không thể là ý nghĩa rốt ráo của đời sống mà ta đang tìm kiếm. Vì thế, không ai trong chúng ta phủ nhận những tác dụng tích cực của giá trị vật chất, nhưng việc sử dụng những giá trị vật chất mà ta có được theo cách như thế nào để thực sự mang lại lợi lạc cho chính bản thân ta và người khác thì dường như vẫn luôn là một phần trong bài học làm người của mỗi chúng ta.

Giá trị tri thức

Cùng với thời gian, mỗi chúng ta luôn tích lũy cho bản thân mình một lượng tri thức nhất định trong cuộc sống. Tri thức giúp ta nhận hiểu những sự việc xảy ra trong đời sống và nhờ đó có thể giải quyết sự việc theo cách mà ta cho là thích hợp nhất. Như vậy, tri thức góp phần vào việc quyết định phương thức ứng xử của ta, và phương thức ứng xử đúng đắn, thích hợp sẽ giúp cho cuộc sống của ta được tốt đẹp hơn. Vì thế, tri thức là một trong những giá trị rất hữu ích cho cuộc sống. Giá trị tri thức tuy không đo lường một cách cụ thể được như các giá trị vật chất nhưng lại rất dễ dàng nhận biết, vì nó được biểu lộ qua phương thức ứng xử của ta, và biểu hiện đó luôn có thể được những người khác quanh ta nhận biết rõ rệt. Và trong một chừng mực nhất định, những tri thức được tiếp nhận qua hệ thống đào tạo quy ước của xã hội thường được xác định bởi hệ thống các văn bằng, học vị...

Chúng ta không ai có thể sở hữu tri thức ngay từ lúc mới sinh ra. Việc tích lũy các giá trị tri thức là cả một quá trình liên tục và lâu dài. Trong suốt quá trình sống, chúng ta không ngừng học hỏi, tiếp nhận tri thức từ người khác và từ sự quan sát, suy luận của chính mình về thế giới chung quanh. Tri thức đã có cũng thường xuyên được ta đối chiếu, so sánh với thực tiễn đời sống và qua đó ta sẽ có khả năng thay đổi, điều chỉnh, cập nhật tri thức theo với những gì được ta nhận thức là đúng đắn, thích hợp nhất. Vì thế, tri thức thường phát triển gắn liền với kinh nghiệm sống chứ không chỉ đơn thuần là những lý thuyết được nhận biết qua sách vở.

Những tri thức phổ thông, được chúng ta tiếp nhận thông qua hệ thống giáo dục quy ước trong xã hội, luôn có một cấu trúc chung nhất cho tất cả mọi người và thường được chọn lọc theo cách sao cho có thể trở thành nền tảng để phát triển mọi nguồn tri thức khác. Điều này là một thực tế phổ biến nhưng không phải tuyệt đối. Trong rất nhiều trường hợp, khi không có điều kiện tiếp nhận tri thức nền tảng thông qua hệ thống giáo dục quy ước, chẳng hạn như nhà trường, người ta vẫn có khả năng tự trang bị cho mình một lượng tri thức tương đương hoặc thậm chí là sâu rộng hơn từ nhiều nguồn khác. Vì thế, điều quan trọng chính là lượng tri thức mà chúng ta thực sự có được chứ không phải là việc ta đã tiếp nhận lượng tri thức đó bằng cách nào.

Khả năng và phương cách tiếp nhận tri thức của mỗi cá nhân cũng không hoàn toàn giống nhau. Một số người có năng lực tiếp thu nhanh nhạy, nhận hiểu rất nhanh các tri thức mới và dễ dàng tích lũy vào vốn tri thức của bản thân họ. Một số khác cần có nhiều nỗ lực hơn, hoặc cần có người giảng giải, chỉ dẫn, và cũng phải mất nhiều thời gian mới có thể tiếp thu được tri thức mới. Tuy nhiên, điểm chung nhất cho tất cả mọi người là, dù nhanh hay chậm, dễ hay khó, nhưng bất kỳ ai trong chúng ta cũng luôn sẵn có khả năng tiếp thu và tích lũy thêm tri thức, phát triển ngày càng sâu rộng hơn những tri thức sẵn có của bản thân mình. Đây chính là điểm cốt lõi giúp cho mỗi chúng ta luôn có khả năng tự vươn lên hoàn thiện, luôn hướng đến những điều tốt đẹp hơn so với hiện tại.

Cách nhìn nhận của mỗi người về giá trị tri thức cũng không giống nhau. Có những người luôn khát khao tri thức mới, luôn theo đuổi việc học hỏi dưới mọi hình thức. Một số người khác lại hài lòng với những gì đã biết, xem đó như một chuẩn mực chấp nhận được, và vì thế không cần thiết phải mất thêm công sức cho việc tiếp tục học hỏi. Trong trường hợp đó, những người này thường bỏ lỡ đi nhiều cơ hội để vươn lên hoàn thiện chính mình, chỉ vì họ không thấy hết được tầm quan trọng của giá trị tri thức trong đời sống.

Tri thức cũng là một trong những phương tiện quan trọng giúp ta có thể tiếp nhận được những kinh nghiệm quý giá từ nhiều thế hệ đi trước và vận dụng vào cuộc sống của chính mình. Nhờ sự trao truyền tri thức qua nhiều thế hệ, chúng ta thừa hưởng được các lợi thế từ những người đi trước, đồng thời cũng có thể truyền lại những khám phá, thành tựu của bản thân mình cho thế hệ mai sau. Tri thức nhân loại nhờ đó mà trở thành một dòng chảy liên tục ngày càng lớn mạnh hơn.

Cho dù bản thân ta có nhận biết hay không thì những giá trị tri thức mà ta có được cũng luôn ảnh hưởng trực tiếp đến cuộc sống của mỗi chúng ta. Phát triển tri thức giúp ta có sự cảm nhận sâu rộng hơn về những gì xảy ra quanh ta, và điều đó không chỉ nâng cao chất lượng đời sống mà còn luôn có ý nghĩa nhất định trong quá trình tìm kiếm giá trị chân thật của cuộc đời.

Giá trị sức khỏe

Thông thường, sức khỏe là một giá trị rất ít khi được chúng ta quan tâm đến, cho dù đó là một giá trị cực kỳ quan trọng và ảnh hưởng trực tiếp đến cuộc sống của ta. Sự thiếu quan tâm này có lý do rất đơn giản, vì hầu hết chúng ta luôn xem việc có sức khỏe tốt chỉ là điều tất nhiên và quá thông thường, nên chỉ khi nào ta “kém sức khỏe”, nghĩa là có bệnh, thì ta mới thấy cần quan tâm. Nhưng một sự quan tâm theo cách đó là không hợp lý và cũng rất nhiều khi dễ trở thành quá muộn màng.

Ở các nước phát triển, trong các biện pháp bảo vệ sức khỏe thì quy định về việc khám sức khỏe định kỳ luôn được tôn trọng. Người ta không đợi khi có bệnh mới đến với bác sĩ. Tùy theo hiện trạng sức khỏe của mỗi người, bác sĩ thường có sự chỉ định rõ về thời gian mà người ấy phải đến khám sức khỏe, bất kể là có bệnh hay không. Việc khám sức khỏe tổng quát định kỳ giúp ta phát hiện kịp thời khi nảy sinh các vấn đề về sức khỏe, thay vì phải đợi những vấn đề ấy biểu hiện thành bệnh lý rồi mới nghĩ đến việc chữa trị.

Đa số người bình dân nước ta thường hiếm khi nghĩ đến việc khám sức khỏe định kỳ, và đó chính là một biểu hiện rõ nét của sự thiếu quan tâm đến sức khỏe. Khi bạn sử dụng một chiếc xe gắn máy, nếu bạn không có sự bảo dưỡng định kỳ, không thay dầu nhờn hoặc thường xuyên kiểm tra các chi tiết trong xe thì chiếc xe đó sẽ không thể hoạt động tốt và bền bỉ được. Cơ thể chúng ta không chỉ đơn giản là một cỗ máy, mà là một thực thể sống phức tạp hơn rất nhiều. Nếu chúng ta không có sự quan tâm rèn luyện, bảo vệ sức khỏe một cách hợp lý, ta không thể duy trì được sức khỏe hiện có theo cách tốt nhất có thể được.

Sức khỏe của mỗi chúng ta là một giá trị đặc biệt vô cùng quý báu. Sức khỏe chi phối trực tiếp cuộc sống của ta. Ta không thể sống thoải mái, vui vẻ với một thân thể ốm đau bệnh hoạn. Ta cũng không thể vui sống khi sức khỏe không cho phép ta làm được những điều ta muốn. Khi có sức khỏe tốt, ta sẽ thấy trong người sảng khoái và dễ dàng có được sự lạc quan vui sống. Ngược lại, khi sức khỏe suy sụp, ta luôn có khuynh hướng thụ động và nhìn cuộc sống với một màu sắc bi quan, ảm đạm. Do đó, sức khỏe rõ ràng là một giá trị quan trọng đóng góp vào cuộc sống của mỗi chúng ta, cho dù ta có nhận biết được điều đó hay không.

Mỗi chúng ta đều sẵn có một sức khỏe tùy theo những điều kiện khác nhau, trong đó có sự tùy thuộc vào hoàn cảnh sống và làm việc trong hiện tại, tùy thuộc vào môi trường mà ta được nuôi dưỡng từ nhỏ, nhưng quan trọng hơn hết là tùy thuộc vào phương cách mà ta thường xuyên rèn luyện và bảo vệ sức khỏe hiện có của mình. Bởi vì, khác với tri thức là một giá trị được tích lũy qua thời gian, sức khỏe của mỗi chúng ta lại là một kiểu “tài nguyên” có giới hạn và luôn có khuynh hướng suy giảm sau khi ta qua khỏi tuổi tráng niên. Sự suy giảm đó là tất yếu, không thể tránh khỏi, nhưng nếu ta biết lựa chọn một lối sống lành mạnh và sự rèn luyện thích hợp thì tiến trình suy giảm đó sẽ có thể diễn ra chậm hơn, cũng như giúp ta có được nhiều hơn những phút giây khỏe mạnh trong cuộc sống.

Duy trì một sức khỏe tốt bao giờ cũng là một trong những yếu tố quan trọng giúp ta có được cuộc sống lạc quan yêu đời, giúp ta có thể sống hữu ích hơn cho bản thân và người khác. Và chính nhờ vào những điều đó mà ta mới có thể dễ dàng hơn trong việc nhận ra được ý nghĩa thực sự của cuộc đời.

Giá trị thời gian

Chúng ta thường nghe những câu nói đại loại như “thời giờ là vàng bạc”, và hầu hết chúng ta đều thừa nhận rằng sự quý báu của thời gian là vô giá, không thể đánh đổi bằng bất kỳ giá trị vật chất nào. Tuy nhiên, nếu không chọn được cho bản thân mình một cách sống tốt, chúng ta sẽ rất dễ dàng rơi vào những hoàn cảnh mà khi nhìn lại bỗng thấy như thời gian đã mất đi của mình là hoàn toàn vô giá trị! Đó là khi mà nhiều ngày, nhiều tháng, nhiều năm... cứ dần qua đi nhưng ta không thấy được một sự thay đổi tích cực nào nơi bản thân mình, không tích lũy được thêm chút vốn liếng tri thức hay giá trị đạo đức nào, và vì thế mà ta có cảm giác như thời gian đã qua đi của mình chẳng mang lại được điều gì đáng giá cả.

Giá trị thời gian là giá trị được chia đều một cách bình đẳng cho tất cả chúng ta. Mỗi chúng ta đều có một quỹ thời gian như nhau, mỗi năm 12 tháng, mỗi tháng 30 ngày và mỗi ngày 24 giờ... Việc sử dụng quỹ thời gian ấy theo cách như thế nào, nhắm đến mục đích gì cũng như sẽ thực sự đạt được những gì phần lớn là do chính ta quyết định.

Trong thực tế, thời gian là một giá trị ẩn tàng sau mọi giá trị khác. Không có thời gian, sẽ không có bất kỳ giá trị nào được tạo ra hay phát huy tác dụng. Mỗi một giá trị đều cần có thời gian để tự thân chúng có thể trở thành một giá trị. Vì thế, khi bạn dành thời gian cho một mục đích nhất định thì điều đó cũng đồng nghĩa với việc bạn đang sử dụng một số những giá trị nào đó cho mục đích ấy. Tuy nhiên, tính chất ẩn tàng của giá trị thời gian đôi khi cũng làm cho một số người không nhận thức đầy đủ về nó.

Việc nhận thức đúng về thời gian như một trong các giá trị của đời sống giúp ta tổ chức đời sống của chính mình một cách hiệu quả hơn. Khi xem xét đến giá trị thời gian, ta mới có thể đánh giá đúng thật về những gì mình đạt được, và từ đó mới xác định được đúng hướng cho những nỗ lực trong tương lai. Cũng chính nhờ vào sự cân nhắc giữa những phương cách sử dụng thời gian khác nhau sao cho hiệu quả nhất, chúng ta mới thường xuyên nâng cao được những giá trị khác trong đời sống.

Cho dù thời gian là một giá trị phổ quát và được phân chia bình đẳng ở tất cả mọi người, nhưng giá trị đóng góp thực sự của nó cho đời sống luôn khác nhau ở mỗi cá nhân và điều đó hoàn toàn tùy thuộc vào nhận thức của chúng ta trong việc thừa nhận giá trị đặc biệt này. Dòng chảy thời gian vẫn liên tục trôi qua không chờ đợi và chính tự thân mỗi chúng ta luôn là người quyết định việc thời gian trôi qua đó có thực sự là vô giá hay chỉ là những ngày tháng hoàn toàn vô nghĩa.

Giá trị chuyên môn

Mỗi chúng ta được nuôi sống nhờ vào một công việc nào đó. Để thực hiện tốt công việc, ta cần phải học hỏi, rèn luyện chuyên môn. Do đó, quá trình sống cũng giúp ta ngày càng nâng cao khả năng chuyên môn của mình, và điều đó trở thành một giá trị trong đời sống của ta. Khả năng chuyên môn cao có thể giúp ta đạt được một số giá trị tương ứng khác, nhờ đó mà ngày càng hoàn thiện hơn nữa chất lượng cuộc sống.

Mặc dù những kiến thức chuyên môn cũng có thể xem là một phần trong giá trị tri thức, nhưng sự khác biệt ở đây là, trong chuyên môn thì những kiến thức phải luôn đi kèm với kỹ năng thực hiện, hay nói khác đi là bạn phải vận dụng được kiến thức đó để đáp ứng những yêu cầu thực tiễn thì mới được xem là có khả năng chuyên môn.

Khả năng chuyên môn là một giá trị ta có được qua sự nỗ lực học hỏi và rèn luyện. Giá trị đó đóng góp trực tiếp vào cuộc sống, mang lại lợi ích cho bản thân ta và mọi người quanh ta. Mặt khác, khả năng chuyên môn cũng giúp ta khẳng định phần đóng góp của bản thân mình cho cộng đồng xã hội và qua đó giúp ta cảm thấy đời sống trở nên có ý nghĩa hơn.

Hoạt động chuyên môn còn là một khía cạnh quan trọng trong đời sống của mỗi chúng ta. Những công việc thuộc chuyên môn không chỉ đơn thuần là phương tiện mưu sinh, mà còn là niềm say mê của rất nhiều người trong chúng ta. Thông qua công việc, chúng ta luôn tự mình đề ra những mục tiêu xây dựng hay học hỏi nào đó để theo đuổi, và chính điều đó sẽ là động lực thúc đẩy ta trong công việc cũng như mang lại cho ta niềm vui sống. Nói chính xác hơn, chỉ khi nào tạo ra được niềm say mê trong công việc thì ta mới có thể có một cuộc sống thực sự hạnh phúc. Đơn giản chỉ là vì công việc thường luôn chiếm một phần lớn thời gian trong cuộc sống của mỗi chúng ta cũng như luôn chi phối trực tiếp đến nhiều yếu tố khác của cuộc sống.

Giá trị kinh nghiệm sống

Trải qua những năm tháng trong cuộc đời, ngoài việc phát triển tri thức, chúng ta cũng đồng thời tích lũy được những kinh nghiệm về đời sống. Mỗi một hoàn cảnh đã trải qua hay mỗi một sự việc cụ thể đều mang đến cho ta những kinh nghiệm nhất định, giúp ta nhận hiểu sâu sắc hơn về cuộc đời, không chỉ qua những lý thuyết đã học được, mà còn là qua những quy luật vận hành trong thực tế.

Kinh nghiệm sống là những giá trị rất riêng của mỗi người, được tích lũy từ vốn sống, từ sự từng trải của bản thân người đó. Kinh nghiệm sống giúp ta khai thác và vận dụng tốt hơn những giá trị khác trong đời sống. Kinh nghiệm sống cũng giúp ta điều chỉnh những sai lệch trong tri thức hoặc nhận thức và làm cho các giá trị khác trở nên thực sự hữu ích trong đời sống.

Giá trị kinh nghiệm sống có phạm trù rất rộng, bao quát từ những vấn đề nhỏ nhặt ta phải tiếp cận hằng ngày cho đến những vấn đề có tầm vóc lớn lao như nhân sinh quan, vũ trụ quan... Chính từ sự vận dụng và chiêm nghiệm các lý thuyết đã biết vào đời sống thực tế, ta mới dần dần hình thành và tích lũy được những giá trị kinh nghiệm sống của riêng mình. Những giá trị này, đến lượt nó lại trở thành những đóng góp tích cực vào giá trị chung cho cuộc sống của ta.

Thông qua kinh nghiệm sống, chúng ta ngày càng có khả năng hòa nhập và cảm thông nhiều hơn với mọi người khác, với cả cộng đồng quanh ta. Nhờ vào kinh nghiệm sống, ta cảm nhận được từng hoàn cảnh, tâm trạng của người khác bằng sự trải nghiệm đã qua của chính bản thân mình chứ không chỉ thông qua những diễn đạt bằng ngôn từ. Đây chính là yếu tố quan trọng giúp ta có khả năng thực sự rung động trước những hoàn cảnh bi thương hay ngưỡng mộ trước những tấm gương dũng cảm... Và chính những trải nghiệm đó lại làm giàu thêm cho kinh nghiệm sống của bản thân ta. Cuộc sống nhờ đó mà trở nên ngày càng phong phú, đa dạng thay vì là đơn điệu và buồn tẻ.

Nói tóm lại, kinh nghiệm sống có thể xem như một chất keo gắn kết giúp ta trở nên một thành phần gắn bó với cộng đồng thay vì chỉ là một cá nhân lẻ loi, cô độc. Kinh nghiệm sống giúp ta mở rộng nhận thức về đời sống cũng như hòa nhập vào đó để thấu hiểu được những ý nghĩa sâu xa, ẩn tàng phía sau từng số phận con người, trong đó có chính bản thân ta. Vì thế, giá trị kinh nghiệm sống là không thể đo lường nhưng nó lại thực sự là một giá trị có công năng làm chuyển biến cuộc đời ta.

Giá trị quan hệ xã hội
Mỗi chúng ta đều có một phạm vi quan hệ với nhiều người khác. Phạm vi này có thể hạn hẹp ở một số người và ở một số người khác có thể mở rộng hơn nhiều. Trong thực tế, phạm vi quan hệ xã hội cũng là một giá trị trong đời sống, vì nó thực sự có đóng góp, làm thay đổi đời sống của ta theo hướng dễ dàng hơn hoặc khó khăn hơn. Với nhiều mối quan hệ rộng và tốt đẹp, ta có thể thực hiện công việc dễ dàng hơn. Ngược lại, với những ai có quá ít quan hệ xã hội hoặc phải đối diện với những mối quan hệ không tốt đẹp, chắc chắn công việc của họ sẽ thêm phần khó khăn.

Vì thế, việc tạo dựng các quan hệ tốt đẹp cũng như mở rộng quan hệ xã hội cũng là một phương cách tích cực có thể giúp ta tăng thêm giá trị cuộc sống. Hơn thế nữa, các mối quan hệ đồng cảm còn có giá trị chia sẻ tâm tình, giải tỏa những căng thẳng tâm lý và thúc đẩy sự phát triển tinh thần, giúp ta có một khuynh hướng lạc quan hơn trong cuộc sống.

Trong rất nhiều trường hợp, giá trị quan hệ xã hội cũng tác động trực tiếp đến đời sống của chúng ta không kém các giá trị như vật chất hay tri thức. Đồng thời, các quan hệ xã hội cũng có sự tác động gián tiếp thông qua việc giúp ta đạt được các giá trị khác một cách dễ dàng hơn. Chẳng hạn, thông qua những quan hệ bạn bè, ta có thể tìm được một công việc làm ăn tốt hơn, thuận lợi hơn; hoặc thông qua những quan hệ tốt đẹp, ta có thể giải quyết một vấn đề bất ổn theo cách nhanh chóng hơn, êm thắm hơn. Các mối quan hệ rộng cũng giúp ta có điều kiện dễ dàng hơn trong việc học hỏi phát triển tri thức, rèn luyện chuyên môn v.v...

Khi xác định các mối quan hệ như một giá trị trong đời sống, ta sẽ có một khuynh hướng đúng đắn hơn trong việc hình thành và bảo vệ các mối quan hệ tốt đẹp, cũng như hạn chế và chuyển đổi các mối quan hệ nhiều mâu thuẫn, xung đột. Khuynh hướng này sẽ giúp cho cuộc sống ta thay đổi theo chiều hướng ngày càng tốt hơn.

Giá trị tình thương
Một số người có thể thấy hơi lạ lẫm khi nói về tình thương như một giá trị trong cuộc sống. Tuy nhiên, nếu xét đến những đóng góp thực sự của nó cho cuộc sống của mỗi chúng ta thì việc thừa nhận giá trị này cũng là điều tất yếu.

Cho dù mỗi người đều sẵn có khả năng thương yêu, nhưng không phải tất cả chúng ta đều có cùng một khả năng thương yêu như nhau, và điều đó cũng không phải tự nhiên có được. Đây là một giá trị tích lũy qua thời gian, nhờ có sự rèn luyện, tu dưỡng cũng như tác động từ môi trường sống. Những ai phải sống trong một môi trường không có sự khuyến khích, nuôi dưỡng lòng thương yêu thì rất dễ trở thành những con người khô khan, ít tình cảm. Ngược lại, nếu được sống trong một môi trường ngập tràn sự thương yêu và quan tâm của người khác, bạn sẽ rất dễ phát triển khả năng thương yêu của chính mình.

Tuy nhiên, tác động từ môi trường cũng chỉ là thứ yếu. Điều quan trọng hơn chính là nhận thức từ bản thân ta. Nếu thực sự nhận biết được những giá trị đóng góp của tình thương cho cuộc sống chính mình, ta sẽ có sự nỗ lực tích cực để rèn luyện và phát triển lòng thương yêu. Bằng cách chú ý sao cho từng suy nghĩ, lời nói và hành vi của mình luôn hướng về sự lợi lạc cho người khác, biết quan tâm chia sẻ và cảm thông với người khác, ta sẽ dần dần phát triển được một khả năng thương yêu ngày càng rộng mở. Và điều này sẽ đóng góp vào cuộc sống của chính bản thân ta những giá trị rất lớn lao.

Nhiều người không nhận ra những giá trị đóng góp của tình thương trong cuộc sống. Thậm chí, có người còn bi quan cho rằng, sống với lòng thương yêu rộng mở thì có chăng cũng chỉ là những giá trị thua thiệt. Thực ra hoàn toàn không phải thế. Nếu nhìn thoáng qua, ta sẽ thấy có vẻ như việc ứng xử đầy lòng thương yêu với người khác thường mang lại những thiệt thòi về vật chất cho bản thân ta. Nhưng đó chỉ là một cách nhìn hạn hẹp, không chính xác. Môi trường xã hội của chúng ta bao giờ cũng là một môi trường tương tác, trong đó sự ứng xử của mỗi người cũng chính là tác nhân góp phần trong việc hình thành cung cách ứng xử của người khác. Nói một cách cụ thể, việc bạn quyết định ứng xử như thế nào với một người trước hết thường là chịu ảnh hưởng từ cung cách ứng xử của người đó đối với bạn. Và nếu bạn ứng xử với ai đó theo cách tốt đẹp, chính là bạn đang góp phần tạo ra một phản ứng tích cực từ người đó đối với bạn. Vì thế, xét cho cùng thì tình thương chính là một chất xúc tác vô cùng hiệu quả để mọi người ứng xử tốt đẹp với nhau hơn, và điều này chắc chắn sẽ luôn mang lại những lợi ích lớn lao cho cuộc sống, không chỉ cho bản thân ta mà còn cho cả những người quanh ta.

Trong thực tế, đã có không ít những trường hợp nhờ có sự chuyển hóa của tình thương mà các quan hệ căng thẳng hay xung đột dần trở nên tốt đẹp, mang lại lợi ích thiết thực cho cả đôi bên. Xét từ góc độ đó, nếu ta có thể sống với sự thương yêu và tạo ra được một môi trường thương yêu quanh mình thì đó chính là một giá trị rất lớn lao trong cuộc sống. Trong một chừng mực nhất định, giá trị này sẽ góp phần làm thay đổi phẩm chất cuộc sống của chúng ta.

Giá trị đạo đức

Đạo đức là một khái niệm quen thuộc với hầu hết chúng ta, nhưng lại là một khái niệm có phần mơ hồ, không hoàn toàn rõ nét. Những tiêu chí, chuẩn mực về đạo đức thường không giống nhau ở những nền văn hóa khác nhau, những cộng đồng xã hội khác nhau. Hơn thế nữa, trong mỗi cộng đồng xã hội thì nhận thức về đạo đức của mỗi cá nhân cũng không hoàn toàn giống nhau, bởi điều này thường tùy thuộc vào nền tảng gia đình, giáo dục, tín ngưỡng... mà mỗi cá nhân đã tiếp nhận từ thuở nhỏ.

Tuy nhiên, dù có những khác biệt về chi tiết nhưng nhìn chung thì khái niệm đạo đức luôn bao hàm những tiêu chí giúp cho mỗi chúng ta đều ứng xử tốt hơn trong cộng đồng. Những tiêu chí đạo đức trong mỗi cộng đồng được thành viên trong cộng đồng đó tán thành và khuyến khích. Những hành vi, tư tưởng đi ngược với các chuẩn mực đạo đức luôn bị phản đối, khinh rẻ, cho dù chúng có thể là không vi phạm vào pháp luật.

Giá trị đạo đức của mỗi chúng ta được xác định qua khả năng tuân thủ, thực hiện theo các tiêu chí, chuẩn mực đạo đức đã được xã hội thừa nhận. Tất nhiên, việc sống theo với các chuẩn mực đạo đức không phải bao giờ cũng dễ dàng. Từ khả năng nhận hiểu một chuẩn mực đạo đức cho đến khả năng sống theo đúng với chuẩn mực đó là một khoảng cách. Lấy ví dụ như sự trung thực chẳng hạn. Mỗi chúng ta đều có thể nhận biết thế nào là trung thực cũng như có thể dễ dàng thừa nhận phẩm chất tốt đẹp này là cần thiết cho một xã hội tốt đẹp. Tuy nhiên, trong từng hoàn cảnh ứng xử cụ thể, một cách sống trung thực có nhiều khi lại là điều không dễ dàng chút nào. Đôi khi bạn có thể thiếu trung thực chỉ do thói quen lâu ngày chưa thể nhất thời từ bỏ. Trong một số trường hợp khác, bạn có thể thiếu trung thực do sự thúc đẩy bởi lòng ham muốn đạt được một điều gì đó. Và trong một số trường hợp khác nữa, sự thiếu trung thực của bạn có thể là kết quả của việc nhân nhượng, nể nang hay thậm chí là sợ sệt người khác... Nếu bạn quả thật có sự nỗ lực hoàn thiện chính mình, rất có thể mỗi ngày bạn sẽ tiến gần hơn đến một nếp sống trung thực, nhưng việc ngay tức thời trở nên một con người trung thực thường là điều rất khó khăn.

Đối với hầu hết các tiêu chí, chuẩn mực đạo đức khác cũng đều như vậy. Trước hết, bạn phải nhận thức được tính đúng đắn của một chuẩn mực đạo đức nào đó, và sau đó phải trải qua một quá trình rèn luyện bản thân để sống theo chuẩn mực đạo đức đó. Nếu không trải qua quá trình như vậy, bạn không thể biến chuẩn mực đạo đức đó trở thành một giá trị đạo đức của chính bản thân mình.

Khi rèn luyện các phẩm chất tốt đẹp để trở thành một con người đạo đức, chúng ta không nhằm mục đích để được người khác ngợi khen, tôn trọng. Thế nhưng, đó hầu như là một kết quả tất nhiên khi bạn thực sự có thể sống theo với các chuẩn mực đạo đức mà xã hội thừa nhận. Vì thế, giá trị đạo đức của mỗi cá nhân vừa là một giá trị do người khác thừa nhận, vừa là một giá trị biểu lộ từ tự thân cá nhân đó. Khi bạn tiếp xúc với một người giàu lòng nhân ái, bạn có thể dễ dàng cảm nhận được phẩm chất tốt đẹp này được biểu hiện rõ nét qua phong cách nói năng hay hành vi ứng xử, nhưng đồng thời bạn cũng có thể nhận biết được giá trị này biểu hiện qua sự yêu mến và kính trọng mà những người chung quanh dành cho người ấy.

Giá trị đạo đức không chỉ ảnh hưởng đến từng cá nhân, mà còn có sức lan tỏa mạnh mẽ đến mọi người chung quanh. Trong bất kỳ cộng đồng xã hội nào, một khi các giá trị đạo đức được nhiều người trân trọng và làm theo, chắc chắn xã hội đó sẽ được chuyển biến theo hướng ngày càng tốt đẹp hơn. Và một xã hội tốt đẹp hơn sẽ tạo điều kiện để cho mọi người trong xã hội ấy có thể dễ dàng rèn luyện và sống theo các chuẩn mực đạo đức. Chính sự tương tác theo hướng này là một trong các động cơ tích cực thúc đẩy sự phát triển xã hội. Ngược lại, dấu hiệu đầu tiên của một xã hội suy thoái thường chính là những biểu hiện suy thoái hay lệch lạc của các tiêu chí, chuẩn mực đạo đức.

Vì thế, việc tu dưỡng và rèn luyện các giá trị đạo đức là một trong những nỗ lực tích cực để nâng cao giá trị đời sống cho bản thân cũng như cho cộng đồng xã hội. Trong mối tương quan với các giá trị tích cực khác, giá trị đạo đức luôn có vai trò thúc đẩy và định hướng. Lấy ví dụ, một con người đạo đức không thể chạy theo những cách kiếm tiền vô đạo đức, cũng không thể phát triển những mối quan hệ xã hội không lành mạnh... Do đó, những giá trị mà người ấy đạt được trong cuộc sống phải luôn phù hợp với những tiêu chí, chuẩn mực đạo đức mà bản thân người ấy cũng như cộng đồng xã hội đã thừa nhận và theo đuổi.

Giá trị cao quý nhất

Tuy có thể tạm nêu ra các giá trị trong đời sống theo từng phạm trù như trên, nhưng thật ra còn có rất nhiều những giá trị khác mà không phải bao giờ chúng ta cũng có sự nhận biết và lưu tâm đúng mức. Mặc dù vậy, tất cả những giá trị khác nhau đều thực sự hiện hữu và cùng góp phần trong việc tạo thành một giá trị chung cho cuộc sống. Nếu nhìn nhận theo cách này, ta sẽ thấy ngay một điều là không có bất kỳ một giá trị nào mà tự thân nó có thể được xem là đáp ứng đầy đủ các nhu cầu trong cuộc sống của chúng ta. Chẳng hạn, cho dù ta luôn phải vất vả lo toan chuyện cơm áo, nhưng nếu sống một đời chỉ để hoàn toàn chạy theo các giá trị vật chất thì hẳn ta sẽ rất khó tìm thấy được chút ý nghĩa gì cao đẹp. Ngược lại, ta cũng không thể suốt ngày ca ngợi đạo đức nhưng lại chẳng có bất kỳ nỗ lực đóng góp cụ thể nào về vật chất cho xã hội. Trong trường hợp đó, dù muốn hay không thì ta cũng đang trở thành một gánh nặng cho cộng đồng, bởi luôn có nhiều người khác phải vất vả làm ra các giá trị vật chất để đáp ứng nhu cầu cơm áo cho chính bản thân ta. Và như vậy, ngay chính cuộc sống của ta đã không thể là một bài học đạo đức cho người khác...

Và bao trùm lên tất cả những giá trị đã được xét đến thì sự sống hay sinh mạng của mỗi chúng ta tự nó là một giá trị cao quý nhất. Khi sự sống chấm dứt thì mọi giá trị khác đều trở thành vô nghĩa. Vì thế, một cuộc sống có ý nghĩa thì trước hết phải là một cuộc sống biết trân quý từng phút giây được sống. Khi biết trân quý sự sống của chính mình và mọi sinh vật quanh mình, ta mới có thể hiểu được thế nào là ý nghĩa của đời sống. Bởi vì, xét cho cùng thì mọi nỗ lực cố gắng của mỗi chúng ta, cho dù là những nỗ lực tinh thần hay thể xác, cũng đều là hướng đến mục đích làm cho mỗi giây phút đang sống của ta luôn được giảm nhẹ khổ đau, đạt đến sự an vui, hạnh phúc.

Nói cách khác, mọi nỗ lực trong đời sống đều hướng đến việc giúp ta trải nghiệm từng phút giây đang sống theo cách tốt đẹp nhất có thể được, và vì thế mà ta phải luôn cảm nhận được mỗi một phút giây như thế đều vô cùng quý giá.

Mục đích cao nhất

Khi xét đến mục đích cao nhất trong cuộc sống là làm thế nào để bớt khổ thêm vui, để có được một đời sống nhiều an vui, hạnh phúc, chúng ta sẽ bắt đầu nhận ra rằng sự đóng góp của mỗi giá trị khác nhau đều có những hạn chế nhất định trong phạm trù của nó, và tất cả đều quy về dưới sự chi phối, dẫn dắt của ý thức như bộ phận chỉ huy tối cao.

Cách đây hơn 25 thế kỷ, đức Phật Thích-ca đã nhận biết rõ điều này và có lời dạy trong kinh Pháp cú như sau:

Ý dẫn đầu các pháp,
Ý làm chủ, ý tạo;
Nếu với ý ô nhiễm,
Nói lên hay hành động,
Khổ não bước theo sau,
Như xe, chân vật kéo.
Ý dẫn đầu các pháp,
Ý làm chủ, ý tạo,
Nếu với ý thanh tịnh,
Nói lên hay hành động,
An lạc bước theo sau,
Như bóng, không rời hình.
Kinh Pháp cú
(Kệ số 1 và 2 - HT Thích Minh Châu dịch)
Chỉ trong hai bài kệ ngắn nhưng đức Phật đã đưa ra một nhận thức khái quát và có tính nguyên tắc trong cuộc sống mà không ai có thể làm cho thay đổi khác đi được. Theo đó, “khổ não” hay “an lạc” trong cuộc sống của mỗi chúng ta không được quyết định hoàn toàn bởi việc ta có nhiều hay ít tiền bạc, hoặc có học vị bằng cấp cao hay thấp v.v... mà là được quyết định bởi việc ý thức đã dẫn dắt ta “nói lên hay hành động” theo cách như thế nào.

Các giá trị vật chất, tri thức v.v... khi được tạo ra và tích lũy không nhất định là sẽ mang lại cho ta cuộc sống an vui hạnh phúc hay buồn đau khổ não, mà điều đó tùy thuộc vào việc ta tạo ra các giá trị đó theo cách như thế nào, nghĩa là “với ý ô nhiễm” hay “với ý thanh tịnh”.

Nếu với tâm ý thanh tịnh, hiền thiện, thì mọi giá trị được tạo ra đều sẽ góp phần giúp cho cuộc sống của ta trở nên an vui hạnh phúc hơn. Ngược lại, với tâm ý ô nhiễm, xấu ác, thì những giá trị được tạo ra sẽ không thể nào giúp ta có được sự an vui hạnh phúc, bởi ngay từ sâu thẳm trong tâm hồn ta lúc đó đã có sự ngự trị của những hạt giống buồn đau khổ não.

Nói tóm lại, mỗi một giá trị mà ta tạo ra và tích lũy trong cuộc sống đều có sự góp phần nhất định trong việc tạo thành giá trị chung của đời sống, nhưng tất cả các giá trị ấy đều hướng đến một mục đích cao nhất là kiến tạo một đời sống an vui, hạnh phúc. Và để đạt được mục đích này thì việc quan tâm tu dưỡng, rèn luyện một ý thức hiền thiện lại là yếu tố đóng vai trò quyết định nhất.

(Trích trong "Cho Là Nhận" - Nhà Xuất Bản Văn Hóa Thông Tin)

Theo Trí Thức Trẻ/Thiền Viện Đại Đăng

Share:

Trang

Nổi bật

Giới siêu giàu kiếm tiền từ đâu?