Kiến thức chứng khoán - Kinh nghiệm đầu tư chứng khoán

Thứ Hai, 11 tháng 7, 2016

Tháng 10-2016 sẽ triển khai chỉ số chứng khoán chung

Đó là thông tin được đua ra tại buổi họp báo định kỳ quý 2-2016 do Sở Giao dịch Chứng khoán TP.HCM (HOSE) tổ chức chiều 7-7.

Kết thúc quý 2-2016, giá trị vốn hóa sàn HOSE đã đạt trên 1,27 triệu tỷ đồng, tăng trên 13% so với cuối quý 1-2016.

Tổng khối lượng giao dịch trong quý 2-2016 tuy có giảm 15,6% so với quý 1-2016, (đạt xấp xỉ 8 tỷ chứng khoán) nhưng giá trị giao dịch lại tăng thêm 13%, đạt trên 147.000 tỷ đồng. Tương ứng với đó, khối lượng giao dịch bình quân/ngày trong kỳ cũng giảm nhẹ 6%, đạt 128 triệu chứng khoán/ngày, nhưng giá trị giao dịch lại tăng 7%, đạt 2.373 tỷ đồng/ngày.

Trong kỳ, giao dịch của nhà đầu tư nước ngoài có sự sụt giảm so với quý trước. Khối lượng mua vào – bán ra đạt lần lượt 600 triệu và 548 triệu cổ phiếu, giảm 15% và 17%. Về giá trị, khối ngoại mua vào xấp xỉ 20.000 tỷ đồng và bán ra 20.364 tỷ đồng, giảm tương ứng 12% và 13% so với quý 1-2016.

Tỷ trọng mua – bán của nhà đầu tư nước ngoài cũng giảm từ 17,18% và 17,99 trong quý 1-2016 xuống còn 13,36% và 13,84% trong quý 2-2016.

Tính đến ngày 30-6, tại HOSE có 349 mã chứng khoán niêm yết với tổng khối lượng trên 43,6 tỷ chứng khoán, đạt giá trị trên 445.500 tỷ đồng.


Tại buổi họp báo, bà Trần Anh Đào, Phó Tổng Giám đốc HOSE cho biết, Dự thảo thông tư hướng dẫn phát hành, niêm yết và giao dịch sản phẩm chứng quyền có đảm bảo đã hoàn tất và trình Bộ Tài chính.

Bà Đào cũng thông tin, trong quý 3-2016, HOSE tiếp tục hoàn chỉnh quy tắc chỉ số chung và dự kiến triển khai vào tháng 10-2016. Hiện tại, HOSE cũng đang xây dựng Chỉ số phát triển bền vững và dự kiến triển khai vào quý 1-2017.

Theo nhận định của bà Đào, cơ hội đầu tư trên thị trường chứng khoán Việt Nam luôn luôn hiện hữu. Cụ thể, quy mô thị trường chứng khoán so với GDP của Việt Nam hiện chỉ đạt trên 26%. Trong khi đó, tại nhiều nước trong khu vực, tỷ lệ này cao hơn rất nhiều (Philippines là 72%, Malaysia là 98%, Thái Lan 84%, Nhật Bản là 108%, Hàn Quốc là 85%, thậm chí tại Singapore tỷ lệ này lên tới trên 203%).

Bên cạnh đó, quá trình tái cơ cấu doanh nghiệp Nhà nước cùng với những quy định về đăng ký niêm yết hứa hẹn sẽ tạo ra nguồn hàng dồi dào cho thị trường chứng khoán. Ngoài ra, yêu cầu về công bố thông tin nhanh hơn, minh bạch hơn, công bố thông tin bằng tiếng Anh cũng giúp nâng cao tính minh bạch của thị trường và mở ra cơ hội thu hút thêm nguồn vốn quốc tế.

Theo Nguyễn Hiền
Báo Hải quan
Share:

Trang

Nổi bật

Giới siêu giàu kiếm tiền từ đâu?