Kiến thức chứng khoán - Kinh nghiệm đầu tư chứng khoán

Thứ Ba, 12 tháng 7, 2016

Từ chàng trai mù thất nghiệp đến giao dịch viên ngoại hối xuất sắc tại Standard Chartered

Trong khi 8 người đồng nghiệp khác của anh đều dùng mắt thường để theo dõi bảng chỉ số thì anh lại dùng tai để nghe chuyển động của giá cả.

Dù phải dò đường bằng một cây gậy batoong, Vishal Agrawal – năm nay 29 tuổi – vẫn đến bàn giao dịch tại văn phòng Standard Chartered trên con phố nhỏ sầm uất ở thành phố Mumbai vào đúng 8:00 sáng mỗi ngày.

Trong khi 8 người đồng nghiệp khác của anh đều dùng mắt thường để theo dõi bảng chỉ số thì anh lại dùng tai để nghe chuyển động của giá cả được phát đi từ thiết bị Terminal giao dịch thông qua một phần mềm nhận diện giọng nói truyền đến tai nghe của riêng anh.

Agrawal dùng phần mềm trên điện thoại di động để nghe tỷ giá hối đoái. Ảnh: Prashanth Vishwanathan/Bloomberg
Agrawal dùng phần mềm trên điện thoại di động để nghe tỷ giá hối đoái. Ảnh: Prashanth Vishwanathan/Bloomberg

“Tôi lắng nghe những chuyển động giá cả và chốt giao dịch. Với sự hỗ trợ từ công nghệ, tôi không gặp bất cứ trở ngại nào trong hoạt động giao dịch mặc dù 2 mắt tôi không nhìn thấy gì.” Agrawal chia sẻ.

Nhưng không vì khuyết tật mà Agrawal làm kém hơn người khác. Gopikrishman – giám đốc sàn giao dịch Nam Á tại Standard Chartered, người quản lý trực tiếp Agrawal nhận định năng lực làm việc của anh tương đương với các đồng nghiệp khác trong công ty và có tiềm năng để phát triển xa hơn. Kể từ khi bắt đầu làm việc cho đến nay, hạn ngạch giao dịch của Agrawal tăng đều, điều đó chứng tỏ anh đã không chọn lầm công việc cho mình.

Sinh ra tại đất nước của những người khiếm thị

Ấn Độ là quốc gia có số lượng người khiếm thị nhiều nhất thế giới. Ảnh: Hiệp hội khiếm thị Ấn Độ.
Ấn Độ là quốc gia có số lượng người khiếm thị nhiều nhất thế giới. Ảnh: Hiệp hội khiếm thị Ấn Độ.
Với 5,4 triệu người, Ấn Độ là quốc gia có nhiều khiếm thị hơn tất cả các nước khác trên thế giới. Thư ký giám đốc tại Hiệp hội người mù Ấn Độ - Bhushan Punani cho biết những người chủ doanh nghiệp thường không muốn thuê người khiếm thị vì sợ khuyết tật cơ thể sẽ làm cản trở công việc. Punani cho biết thành công của Agrawal là trường hợp xưa nay hiếm.

“Cho đến khi nào người khiếm thị vẫn còn bị kỳ thị trong tầng lớp lao động thì họ vẫn còn phải vật lộn để có một công việc tốt.” Punani chia sẻ.

Số người khiếm thị làm tài chính trên toàn thế giới chỉ đếm được trong đầu ngón tay. Phố Wall có ít nhất 2 phụ nữ khiếm thị: cô Laura Sloate – đồng sáng lập Sloate Weisman Murray, kiêm quản lý quỹ Strong Value và Lauren Oplinger – giao dịch viên trái phiếu đô thị tại JPMorgan Chase New York. Tại London cũng có một quản lý tài chính khiếm thị tại BlueCrest Capital Management – Ashish Goyal. Trước đó anh là giám đốc danh mục tại JP Morgan London. Anh cũng chính là người định hướng cho Agrawal đến với công việc giao dịch tại Standard Chartered.

Agrawal chào hỏi đồng nghiệp tại Standard Chartered. Ảnh: Bloomberg.
Agrawal chào hỏi đồng nghiệp tại Standard Chartered. Ảnh: Bloomberg.

“Tôi nói với Vishal Agrawal rằng anh ấy cần tìm một người tình nguyện trao cho anh ấy 1 cơ hội. Một khi bạn tìm thấy người đó, kiến thức sẽ là chìa khóa và vấn đề chỉ còn là bạn thể hiện năng lực bản thân như thế nào. Hãy cho người khác thấy bạn có bị khuyết tật hay không”. Ashish Goyal chia sẻ.

Năm 2004, Agrawal được chuẩn đoán bị mắc bệnh viêm võng mạc sắc tố khi anh mới 19 tuổi. Agrawal đã từng ước mơ nối nghiệp cha theo nghề buôn bán kim cương. Kể từ sau khi biết mình không thể nhìn thấy nữa, Agrawal đã quyết định học kế toán tại một trường đại học gần nhà ở Mumbai. Nhờ có tính năng đọc văn bản trên Kindle, anh có thể dành vài giờ mỗi ngày để nghe về tài chính và công nghệ, cũng như các kênh radio về kinh tế.

Từ 2 lần thất nghiệp đến Standard Chartered

Vào thời điểm tốt nghiệp trường đại học năm 2008, anh là một cử nhân khiếm thị quyết không từ bỏ con đường sự nghiệp để trở thành nhà giao dịch và nhà đầu tư tài sản. Nhưng anh phát hiện ra rằng không công ty nào nhận một người mù vào làm việc. Lúc đó Agrawal 22 tuổi với vài trăm USD huy động từ bạn bè. Anh quyết định tự đầu tư vào cổ phiếu bằng chiến lược của riêng mình. 3 năm sau, danh mục đầu tư của anh thu về lợi nhuận 400% nhưng anh lại rút hết tiền trả lại cho nhà đầu tư và quay về học MBA ngành tài chính.

Lúc đó anh cho rằng một tấm bằng từ trường đại học danh giá sẽ giúp anh có được công việc giao dịch cổ phiếu tại một công ty lớn. Tuy nhiên, sau khi tốt nghiệp từ Viện nghiên cứu quản lý Jamnalal Bajaj, cùng với 120 sinh viên khác, một lần nữa anh lại đối mặt với cảnh thất nghiệp.

7 tháng ròng rã sau ngày tốt nghiệp, anh liên tiếp tìm việc làm, từ những công ty nhỏ đến những công ty danh giá. Cuối cùng, Standard Chartered đã quyết định thuê anh về bộ phận giao dịch ngoại hối.

Vào thời điểm bắt đầu làm việc tại Standard Chartered, giống như những giao dịch viên không có kinh nghiệm khác, anh được yêu cầu ghi tại tất cả những giao dịch có thể thay vì tham gia giao dịch thực để kiểm tra năng lực cũng như bồi đắp sự tự tin. Không lâu sau anh được chuyển sang giao dịch thực. Anh tiếp tục đầu tư vào cổ phiếu bằng tài khoản cá nhân với sự chấp thuận từ phòng tuân thủ của ngân hàng.

Gopikrishman – giám đốc giao dịch tại Standard Chartered Mumbai cho biết: "Tôi thường khuyên Agrawal tập trung vào giao dịch chủ động, dựa vào đánh giá tiềm năng của các công ty trên sàn thay vì giao dịch theo phân tích kỹ thuật”. Loại giao dịch này cần có cái nhìn tổng quan về xu hướng dịch chuyển của cả một nền kinh tế hoặc một nhóm tài sản.

Từ năm 2004,kể từ khi Agrawal phát hiện ra căn bệnh của mình, Agrawah đã luôn thần tượng George Soros như một vị anh hùng. Đối với anh, khuyết tật của bản thân không là gì nếu so sánh với những khó khăn mà Soros đã phải đối mặt khi di cư từ Hungary đến London năm 1947.

(Theo Trí thức trẻ/Bloomberg)

Share:

Trang

Nổi bật

Giới siêu giàu kiếm tiền từ đâu?