Kiến thức chứng khoán - Kinh nghiệm đầu tư chứng khoán

Thứ Bảy, 30 tháng 7, 2016

Tổ chức tài chính “thư giãn” trên thị trường trái phiếu


(TBKTSG Online) - Các ngân hàng, công ty chứng khoán, công ty bảo hiểm, quỹ đầu tư đang tận hưởng thời gian thư thái trên thị trường trái phiếu khi mà các yếu tố trên thị trường khá yên bình và nhiều tổ chức đã chốt lời tương đối khá so với kế hoạch năm và cùng kỳ năm ngoái.
Diễn biến giao dịch của khối ngoại trên thị trường trái phiếu Chính phủ thứ cấp gần đây. (Nguồn: BVSC)
 
Thị trường trái phiếu Chính phủ dự báo có thêm một năm tốt đẹp khi mà Bộ Tài chính đã bán chạy loại hàng hóa này từ đầu năm tới nay. Tỷ giá, lãi suất và thanh khoản của các tổ chức tín dụng đến thời điểm này đều ổn định hơn nhiều năm trước.

Các nhà đầu tư trên thị trường cũng đã hấp thụ tốt lượng trái phiếu Bộ Tài chính bán ra và đẩy giao dịch sôi động hơn trên thị trường thứ cấp. Nhà đầu tư nước ngoài đã mua ròng khá mạnh trái phiếu Chính phủ.

Tính tới thời điểm hiện tại, tổng khối lượng huy động trái phiếu Chính phủ đã đạt 81,3% so với kế hoạch cả năm của Bộ Tài chính (250.000 tỉ đồng).

Theo số liệu của Bộ Tài chính, tổng thu ngân sách nhà nước từ đầu năm đến thời điểm 15-7-2016 ước tính đạt 500.800 tỉ đồng, bằng 49,4% dự toán năm. Trong đó thu nội địa đạt 397.300 tỉ đồng, bằng 50,6%; thu từ dầu thô đạt 21.600 tỉ đồng, bằng 39,6%. Thu cân đối ngân sách từ hoạt động xuất, nhập khẩu đạt 80.400 tỉ đồng, bằng 46,8%.

Con số này nếu cộng thêm nguồn huy động bằng trái phiếu Chính phủ, theo Sở giao dịch chứng khoán Hà Nội (HNX) là trên 206.878 tỉ đồng tính đến ngày 27-7 thì có thể thấy trái phiếu chính phủ đã “đỡ” cho đầu vào ngân sách nhà nước một phần khá lớn. Ở đây tổng số huy động chưa trừ đi khối lượng trái phiếu huy động để bù vào phần đáo hạn trong năm nay.

Nhà đầu tư nước ngoài trên thị trường trái phiếu thứ cấp tiếp tục xu hướng mua ròng tuần thứ tám liên tiếp. Tính từ đầu năm đến ngày 25-7, khối ngoại đã mua ròng tổng cộng 17.057 tỉ đồng trên thị trường trái phiếu Chính phủ.

Lợi suất trái phiếu vài tuần qua diễn biến trái chiều. Trong đó lợi suất trung bình các kỳ hạn ngắn 1-3 năm giảm nhẹ, ngược lại lợi suất các kỳ hạn 5 năm và 10 năm tăng nhẹ, riêng kỳ hạn 7 năm và 15 năm hiện xoay quanh mức 6,6% và 7,6%/năm.

Cụ thể, lợi suất trái phiếu kỳ hạn 1 năm và 3 năm lần lượt đứng ở mức 4,36% và 5,3%/năm, kỳ hạn 2 năm ở mức 4,8%/năm. Lợi suất trái phiếu kỳ hạn 5 năm và 10 năm ở mức 6,15% và 7%/năm.

Kho bạc Nhà nước sẽ phát hành tổng khối lượng 50.000 tỉ đồng trái phiếu Chính phủ trong quý 3 này, gồm 5.000 tỉ đồng kỳ hạn 3 năm, 22.000 tỉ đồng kỳ hạn 5 năm, 10.000 tỉ đồng kỳ hạn 7 năm, 2.000 tỉ đồng kỳ hạn 10 năm, 7.000 tỉ đồng kỳ hạn 15 năm, 1.000 tỉ đồng kỳ hạn 20 năm và 3.000 tỉ đồng kỳ hạn 30 năm.

Tuy nhiên, đáng lưu ý với các nhà đầu tư là trái phiếu Chính phủ kỳ hạn 5 năm đã phát hành được 93,6% so với kế hoạch mới (145.000 tỉ đồng). Nghị quyết của Quốc hội chỉ cho phép phát hành trái phiếu kỳ hạn từ 5 năm trở xuống không quá 30% tổng lượng trái phiếu bán ra trong năm (250.000 tỉ đồng). Vì thế, các tổ chức dự báo lãi suất trúng thầu trái phiếu Chính phủ các phiên tới nhiều khả năng sẽ có xu hướng đi ngang.

Dữ liệu của Hiệp hội thị trường trái phiếu chính phủ (VBMA) cho biết, tại thời điểm cuối tháng 6, tổng giá trị lưu hành của trái phiếu Chính phủ, trái phiếu Chính phủ bảo lãnh, trái phiếu chính quyền địa phương là 869.808 tỉ đồng.

Giá trị lưu hành của trái phiếu Chính phủ đạt 708.107 tỉ đồng, chiếm 81,41% thị trường, của trái phiếu Chính phủ bảo lãnh là 137.191 tỉ đồng, chiếm 15,77% và của trái phiếu chính quyền địa phương là 24.510 tỉ đồng, chiếm 2,82% toàn thị trường.

>> Mở tài khoản chứng khoán - Tư vấn Đầu tư Chứng khoán


 
Share:

Trang

Nổi bật

Giới siêu giàu kiếm tiền từ đâu?