Kiến thức chứng khoán - Kinh nghiệm đầu tư chứng khoán

Thứ Tư, 20 tháng 7, 2016

Từ bỏ 3,6 triệu đô để thoát cơn nghiện giàu có, giao dịch viên xuất sắc tại phố Wall cho rằng đây mới là hạnh phúc

“Sau tất cả đó chính là cảm giác mà chúng ta nhận được. Lần đầu tiên trong cuộc đời tôi cảm thấy mình là một con người". Polk chia sẻ. Anh thực sự cảm thấy hài lòng với cuộc sống của mình hiện nay, khi anh tìm kiếm những cơ hội mới trong các doanh nghiệp xã hội hướng đến phục vụ cộng đồng.

Khoản tiền thưởng 3,6 triệu USD chắc chắn là mơ ước của rất nhiều người. Nhưng đối với Sam Polk – cựu giao dịch viên tại quỹ Galleon Group lại không thấy đó là niềm vui, anh giận dữ với điều đó.

Sau khi rời bỏ vị trí giao dịch viên xuất sắc, anh trở về viết sách và làm bình luận viên cho tờ CNBC cũng như cố vấn cho chương trình truyền hình “Billions”.

Tại sao anh lại quyết định rời bỏ một công việc đáng mơ ước của bao người cùng với khoản tiền thưởng hậu hĩnh giúp anh có thể mua được một chiếc siêu xe Bugatti Chiron mà vẫn còn thừa tiền để mua thêm nửa chiếc nữa. Vì khoản tiền đó quá ít hay vì một lý do nào khác?

“Tôi đã muốn có nhiều tiền hơn theo đúng cách mà một gã nghiện rượu muốn có thêm một ly nữa: Tôi đã là một con nghiện tiền. Anh viết những dòng này trong một bài viết trên tạp chí New York Times năm 2014 và ngay lập tức thu hút được sự quan tâm đông đảo của cộng đồng mạng. Năm 30 tuổi, anh quyết định rời bỏ phố Wall và trả giá bằng khoản tiền thưởng 3,6 triệu USD để theo đuổi con đường riêng của mình: Thoát khỏi cơn nghiện giàu.
Lần đầu tiên Sam Polk bước chân đến Wall Street là những ngày hè đầu thế kỷ 20, khi đó, anh mới 22 tuổi, vừa tốt nghiệp đại học Columbia và chỉ là thực tập sinh tại Credit Suisse. Sau đó, anh trở thành nhân viên giao dịch trái phiếu và hợp đồng hoán đổi tín dụng nợ tại Bank of America. Lúc đó, anh có tuổi trẻ, tài năng và là ngôi sao đang lên tại phố Wall.

Từ khi còn rất trẻ, Polk đã tin rằng giàu có là thứ quan trọng nhất trên thế giới. Đó là bài học mà anh nhận được từ người cha của mình mà Polk vẫn gọi đó là “Willy Loman thời hiện đại” với giấc mơ giàu có vĩ đại chưa bao giờ được hiện thực hóa. Sam Polk vốn là một chiến binh đầy tham vọng và có tính ganh đua. Vừa bước chân vào cánh cửa trường ĐH Columbia, Polk trở thành một tay chơi, uống rượu, hút cỏ và cắn cocaine hàng ngày. Bản tính nghiện sự giàu có đã tự nhiên đưa anh đến công việc tại phố Wall.

Với một chút may mắn, anh đã tìm đúng đường đến với sự nghiệp của mình mà không phải vật lộn quá nhiều như những người bạn đồng lứa, nhưng Polk vẫn rất nỗ lực phấn đấu, học hỏi để vươn lên. Sau một mùa thực tập tại Credit Suisse, anh không nhận lời làm việc tiếp tại đây mà muốn tìm một công ty khác. Anh gọi và để lại lời nhắn cho một vị giám đốc mỗi ngày trong suốt 3 tuần trước khi người này gọi lại và tất nhiên kèm theo một lời mời làm việc tại công ty của anh ta.

"Tôi làm việc như một kẻ điên và bắt đầu thăng tiến trên từng nấc thang ở phố Wall". Polk chia sẻ.

Anh trở thành giao dịch viên tại Bank of America, trong suốt năm thứ 2 trên bàn giao dịch trái phiếu, anh nảy sinh ra một ý tưởng giao dịch lớn đầu tiên. Polk đặt cược vào trái phiếu Western Mining. Theo anh, chúng đang được định giá thấp do sắp sửa tham gia vào một thương vụ M&A. Khi một công ty nhận được yêu cầu mua lại, khoản nợ của công ty này trở thành khoản nợ của công ty đi mua. Đây thường là tin tốt đối với giá trái phiếu, tuy nhiên một trong số những công ty bên mua lại đang sở hữu khoản nợ lớn. Do đó, nếu công ty này trúng thầu, giá trái phiếu Western Mining sẽ giảm.

Tin chắc rằng trái phiếu Western Mining sẽ không giảm, Polk mua vào 20 triệu USD trái phiếu – quá lớn đối với một giao dịch viên mới vào nghề. Nhưng sau đó 1 khách hàng đã đến gặp anh và cuối cùng thương vụ của anh đã lên đến 100 triệu USD. Đến thời điểm này, đó không chỉ là một hành động đầu tư của riêng anh, mà còn là danh dự, uy tín trong nghề. Sợ hãi, lo lắng, anh tìm đến chất kích thích nhưng anh thích cảm giác đó.

Nhiều ngày trắng đêm trôi qua, nếu Polk phán đoán sai, anh có thể sẽ mất đi 5 triệu USD hoặc thậm chí 10 triệu USD. 1 tuần sau, anh nhận được thông tin rằng công ty có nợ cao không trúng thầu và Polk đã nhận được khoản lợi nhuận 7 con số đầu tiên. Hình ảnh của anh nhanh chóng thay đổi trong mắt những người đồng nghiệp. Anh ngồi vào một vị trí cao hơn và tiếp tục thăng tiến cho đến khi rời bỏ nghề.

Hiện nay anh làm về mảng doanh nghiệp xã hội hướng đến cộng đồng.
Hiện nay anh làm về mảng doanh nghiệp xã hội hướng đến cộng đồng.

Polk rời khỏi phố Wall một vài năm sau cuộc khủng hoảng tài chính, mặc dù cơn sụp đổ của thị trường tài chính toàn cầu đã giúp anh kiếm được tấn tiền từ việc phân loại nợ phái sinh từ những công ty mạo hiểm. Khi cả thế giới rung chuyển, anh kiếm lời. Anh đã nhìn thấy viễn cảnh khủng khoảng, nhưng thay vì cứu thế giới, anh lại kiếm tiền từ rủi ro đó.

“Tôi rời khỏi phố Wall là bởi vì tiếng gọi của một cuộc sống ý nghĩa cuối cùng đã lấn át tiếng gọi của đồng tiền.” Polk chia sẻ.

Tạm biệt phố Wall và những khoản tiền thưởng triệu đô, anh trở thành sáng lập viên kiêm giám đốc điều hành Groceryships – một tổ chức phi lợi nhuận tập hướng đến cải thiện sức khỏa và lợi ích của cộng đồng người dân thu nhập thấp. Anh cũng là sáng lập viên và CEO của Everytable – một doanh nghiệp xã hội bán đồ ăn tươi và thực phẩm giá bình dân cho mọi người.

Cuối cùng, Polk đã có thể định nghĩa khái niệm của thành công đối với bản thân mình – một thứ mà không một tài khoản ngân hàng nào có thể mang lại cho anh.

“Sau tất cả đó chính là cảm giác mà chúng ta nhận được. Lần đầu tiên trong cuộc đời tôi cảm thấy mình là một con người. Tôi sử dụng mọi chức năng trên cơ thể - bộ não, trái tim, kinh nghiệm và tinh thần. Tôi làm những việc mà tôi thấy thực sự có ý nghĩa và giá trị.” Polk chia sẻ với tờ CNBC. “Cuối cùng tôi đã trở thành một người đàn ông thực thụ”.
(Theo Trí thức trẻ/CNBC)


Share:

Trang

Nổi bật

Giới siêu giàu kiếm tiền từ đâu?