Bóng đen nặng trĩu kéo dài gần một
thập kỷ qua dường như đã được giải tỏa, giúp chứng khoán Việt Nam thăng
hoa lên đỉnh cao nhất kể từ cuối quý I/2008. Trong khi đầu cơ vàng đang
trải qua một đợt đau thương thì chứng khoán liên tục lập kỷ lục khiến
nguồn tiền đầu cơ có thể chuyển hướng.
Đã rất lâu rồi, TTCK Việt Nam mới có một phiên giao dịch tăng điểm thăng hoa và đầy cảm xúc như hôm 13/7.
Thị trường lạc quan tăng điểm mạnh ngay từ đầu giờ sáng sau khi đón nhận những diễn biến tích cực trên TTCK thế giới và sự suy giảm của giá vàng. Tuy nhiên, mấu chốt của sự hứng khởi trong phiên giao dịch có lẽ không hẳn đến từ đó.
TTCK thực sự bùng nổ sau giờ nghỉ trưa. Từ mức tăng gần 10 điểm, VN-Index liên tục mở rộng đà tăng điểm: 12, 13, 14... rồi 16 điểm. Tới giữa giờ chiều, VN-Index đã tăng gần 17 điểm lên 675,77 điểm, trước khi chốt phiên tăng 16,22 điểm đứng trên 675 điểm.
Đây là một ngưỡng điểm đáng mơ ước với nhiều người bởi trong gần một thập kỷ trước đó, phần lớn thời gian VN-Index loanh quanh trong phạm vi 400-500 điểm, có lúc còn xuống tới 235 điểm (đầu 2009). Có một số thời điểm, VN-Index vượt lên trên 600 điểm nhưng rất thời gian trụ lại rất ngắn ngủi cho dù trước đó 2007 có thời điểm đã lên tới gần 1.200 điểm.
Dòng tiền đổ vào thị trường dồn dập cho dù rất nhiều cổ phiếu có giá vượt đỉnh mọi thời đại như VIC, VCB, VNM... Một số cổ phiếu thậm chí tăng tới hàng chục lần như cổ phiếu DRH, SHN, TNT, TLT… trong khoảng 2 năm qua. Hàng loạt các cổ phiếu đã lên mức “10 chấm” (hơn 100 ngàn đồng) như: CTD, VCF, BMP, VNM, TRA, NCT, BTP, WCS, VCS, SLS, MAS… VN-Index liên tục vượt đỉnh 8 năm, rồi 8 năm rưỡi.
“Tiền như lũ. Sập thế nào được. Con chị đi con dì lớn, vui quanh năm suốt tháng”, một NĐT chia sẻ.
Thị trường thực sự sôi động đến bất ngờ và tình trạng này mới chỉ diễn ra trong khoảng 2 tuần qua. Trong 5-7 năm trước đó, NĐT hiếm khi nào gặp một phiên tăng mạnh như vậy. Những gì mà họ nghe thấy thường chỉ là: “Bốc hơi vài tỷ USD”, “đỏ rực trước tin dữ”, “thị trường hoảng loạn”, “mất hết thành quả 2015”, “ẩn số Trung Quốc”, “đáy ở đâu”, “ngày đen tối”, “mất điểm kỷ lục”, “chứng khoán vỡ trận”, “cú sốc rơi tự do”, “bão giá dầu”…
Không ít người tỏ ra sốt ruột khi còn cầm tiền trong bối cảnh tiền dân gửi tiết kiệm quá nhiều và nhiều NĐT đã nghĩ tới những kịch bản khó tưởng như giá nhiều cổ phiếu lên tới hàng trăm ngàn đồng như trước kia hay hàng loạt cổ phiếu trụ cột cũng sẽ lên “10 chấm”.
“Biết đâu VCB lên 100 (ngàn đồng), GAS lấy lại mốc 120, 140 bất chấp giá dầu thô xuống 45. CTD có thể lên 300 không chừng”, một NĐT chia sẻ.
Qua rồi thập kỷ đen tối?
Không ít NĐT đã nghĩ tới triển vọng sáng sủa của TTCK sau gần một thập kỷ đen tối. “Giờ khác rồi, không còn như sự cố biển Đông năm nào khiến VNI đi vài chục điểm. Nhân dân tệ hay chứng Trung Quốc sập sàn cũng không hề hấn gì, chứ nói chi tới Brexit, hay cả EU rạn nứt”, ông Nguyễn Văn Tần, một NĐT trên sàn chứng khoán SSI hào hứng.
Trên thực tế, TTCK Việt Nam cũng đã trải qua một số giai đoạn như vậy. Thị trường có thể tăng điểm bất chấp tin vĩ mô không hẳn sáng sủa, tin vi mỗ tình hình hoạt động của DN không phải nổi bật. Nhưng dòng tiền đến, niềm tin đến… thì VN-Index có thể liên tục chinh phục những đỉnh cao mới.
Một tín hiệu đồng thuận với thị trường là nhiều CTCK đưa ra những nhận định khá tích cực về triển vọng tăng điểm của VN-Index.
Trong một báo cáo nghiên cứu vừa đưa ra, CTCK Sài Gòn SSI của ông Nguyễn Duy Hưng cho rằng, trong bối cảnh chung của thế giới, Việt Nam hoàn toàn có thể nới lỏng tiền tệ và đẩy nhanh giải ngân vốn tài khóa để thúc đẩy tăng trưởng trong nửa cuối năm. Nếu vậy, luồng tiền sẽ dồi dào và tạo ra sự tích cực cho TTCK.
Theo SSI, VN-Index không phải ngẫu nhiên diễn biến tích cực trong thời gian vừa qua. Theo đó, dù kinh tế tăng trưởng chậm lại nhưng chính phủ mới đang chứng tỏ quyết tâm hỗ trợ DN. Bên cạnh đó, SSI cho rằng, nhu cầu thị trường ổn định cũng có thể giúp nhiều cổ phiếu, nhiều nhóm ngành tăng trưởng tiếp trong nửa cuối năm như trong lĩnh vực: thủy sản, BDDS, đá xây dựng, thép, cảng, logistics, thủy điện.
Trước đó, trước con sóng lớn ngày 13/7, đại diện một số CTCK thậm chí còn cho rằng, câu chuyện tăng mạnh của TTCK Việt Nam mới chỉ bắt đầu. Nhận định được đưa ra dựa trên cơ sở: quy mô thị trường lớn hơn, chất lượng tốt hơn, sự quan tâm và tham gia sâu hơn của khối ngoại.
Ông Nguyễn Trung Hưng, một NĐT có 10 năm kinh nghiệm trên sàn chứng khoán Vietcombank cho rằng, TTCK tăng điểm là do dòng tiền đang dồn vào đây.
“Dòng tiền thời gian qua vào BĐS nhưng chủ yếu theo nhu cầu thật, tiền không còn dồn vào ngoại tệ như trước đây và cũng chỉ lướt nhanh qua vàng và giờ có lẽ đang chọn chứng khoán như một kênh đầu tư hấp dẫn nhất”, NĐT chia sẻ.
Diễn biến trên thị trường trong 6 tháng đầu năm cho thấy, thanh khoản đang tăng lên, niềm tin của NĐT trong và ngoài nước đã được cải thiện rõ rệt. Bên cạnh đó, tình thế hiện tại cũng đã thay đổi. Nỗi lo sợ về những tác động tiêu cực trong khu vực không còn như trước. Bên cạnh đó, niềm tin vào một chu kỳ phát triển cũng là yếu tố để chứng khoán đóng vai trò không chỉ là hàn thử biểu mà còn là chỉ số dự báo cho tương lai.
Mặc dù vậy, đặc tính bất định của thế giới trong thời buổi hiện nay là yếu tố khiến nhiều NĐT thận trọng.
(Vietnamnet)