Trong thời kỳ khủng hoảng 2008, thị
trấn Slavic Village gần thành phố Cleveland-Mỹ được coi là tâm bão của
việc xiết nợ tịch thu nhà từ ngân hàng sau sự đổ vỡ của bong bóng bất
động sản.
Sự hồi phục của thị trường bất động sản Mỹ không giúp ích được nhiều cho nơi đây khi các nhà máy sản xuất chuyển dần việc làm ra nước ngoài còn tầng lớp trung lưu của thị trấn thì chuyển đi nơi khác hoặc dọn dần ra ngoại ô sinh sống.
Nhằm giải quyết tình trạng nhiều ngôi nhà bị tịch thu xiết nợ nhưng vẫn bị bỏ không, Bộ Tài chính Mỹ đã chi hàng trăm triệu USD cho việc dỡ bỏ những ngôi nhà này. Quan điểm của chính phủ là việc dỡ bỏ những ngôi nhà hoang bị tịch thu này sẽ khiến ổn định lại thị trường bất động sản đang thừa cung thiếu cầu tại đây, đồng thời tạo áp lực khiến các ngân hàng cân nhắc kỹ trước khi quyết định xiết nợ.
Thêm vào đó, việc có quá nhiều nhà hoang sẽ khiến khu vực nhà đất ở đây trở nên hoang vu, khiến người mua ngần ngại và càng khiến người dân từ bỏ ngôi nhà để chuyển đi nơi khác. Vì vậy giải pháp này của chính phủ Mỹ có lẽ cũng dễ hiểu.
Hiện Cleveland vẫn tràn ngập những căn nhà bị tịch thu, bỏ hoang và tình trạng trông khá tồi tệ. Một yếu tố nữa khiến khu vực này không hấp dẫn được người mua là nhiều căn nhà được nhà máy tại đây xây lên cho công nhân ở tạm nên khá cũ kỹ và chất lượng kém.
Sửa nhà tại Cleveland
Tuy nhiên, mọi chuyện bắt đầu có chuyển biến vào năm 2014 khi một số tổ chức phi lợi nhuận tại Cleveland thành lập dự án Slavic Village Recovery Project (SVRP) với 450.000 USD khởi nghiệp.
Tổ chức này mua lại những ngôi nhà bỏ hoang với giá rẻ, sửa chữa chúng và bán lại cho người mua. Ý tưởng của chương trình này là trang hoàng lại các ngôi nhà hoang để khiến khu vực bất động sản này trở nên đẹp đẽ hơn, thu hút người mua hơn.
Khi người dân đã quay trở lại đây nhiều hơn để mua nhà, tất nhiên thị trường bất động sản sẽ tự động ấm dần lên.
Dẫu vậy, có một điều không ngờ tới là công việc này lại đem về khá nhiều lợi nhuận. Thông thường, nhóm này mua lại những ngôi nhà bị tịch thu từ ngân hàng với giá chưa đến 1.000 USD. Sau đó sửa lại sàn nhà, tường và các hệ thống điện nước...
Tiếp đó, nhóm bán lại ngôi nhà cho các khách mua với một phần trợ giúp vay vốn từ ngân hàng. Thông thường mỗi ngôi nhà bán được khoảng 70.000 USD sau khi sửa lại.
Hiện nhóm đã bán được 34 ngôi nhà và đang sửa lại 20 ngôi nhà khác để bán. Dẫu vậy, việc tìm người mua cũng như vay vốn mua nhà từ ngân hàng khá khó khăn khi thị trường bất động sản nơi đây chưa hồi phục lại.
Tuy vậy, nhóm SVRP không có ý định kiếm lợi nhuận mà chỉ muốn cải thiện cuộc sống ở Slavic. Họ dự kiến sẽ sửa 500 ngôi nhà và cố gắng nhân rộng mô hình này sang các địa phương khác để kích thích thị trường ấm trở lại.
Vào tháng 3/2006, giá nhà bình quân tại Cleveland đạt đỉnh 85.900 USD/căn. Tính đến tháng 5/2016, giá nhà bình quân tại đây chỉ còn 51.200 USD/căn.
Giá nhà bình quân tại Cleveland đã giảm 40% kể từ mức đỉnh tháng 3/2006
Ông Jeremy Grove, một giáo viên 26 tuổi tại trung tâm thành phố Cleveland đã quyết định mua nhà ở Slavic do giá cả rẻ và ý thức cộng đồng tại đây khá tốt. Gia đình ông thực sự thích thú với ngôi nhà 3 phòng ngủ sau cải tạo với sự lai tạo giữa phong cách hiện đại lẫn cổ kính.
Hiện khoảng 30 gia đình đang sống trong khu vực của nhà ông Grove và họ cùng tham gia một xứ đạo. Hiện tiền trả lãi hàng tháng cho ngôi nhà này không đến 500 USD và tương đối “mềm” so với thu nhập của gia đình ông Grove.
(Theo Trí thức trẻ / Cafebiz)