Kiến thức chứng khoán - Kinh nghiệm đầu tư chứng khoán

Thứ Hai, 12 tháng 9, 2016

Bán cổ phần bia: Thị trường có thêm hàng hóa tốt

Việc cổ phần hoá các DNNN có thương hiệu lớn như Sabeco, Habeco là một thông điệp tích cực đối với thực hiện các cam kết mà Chính phủ hứa với các nhà đầu tư trong và ngoài nước về một môi trường kinh doanh cởi mở hơn, minh bạch hơn, công bằng hơn, dần tiến lên các tiêu chuẩn quốc tế mà Việt Nam đang theo đuổi.


 >> Bứt phá từ nội lực

TTCK tới đây có thể sẽ đón nhận thêm một số tài sản có giá trị. Sau một khoảng thời gian dài chờ đợi, Chính phủ đã có những động thái trong việc bán cổ phần Nhà nước đang sở hữu tại 2 công ty bia nội lớn nhất của Việt Nam là Công ty bia Sài Gòn (Sabeco) và Công ty bia Hà Nội (Habeco).

Trong đó, Chính phủ dự kiến sẽ bán toàn bộ 89,59% cổ phần tại Sabeco với ước tính vào khoảng 1,8 tỷ USD; đồng thời sẽ bán 82% cổ phần tại Habeco với giá trị ước tính khoảng 404 triệu USD. Cổ phần của Sabeco sẽ được bán làm hai đợt trong cuối năm nay và năm sau, trong khi cổ phần Habeco sẽ được thoái vốn một lần trong năm nay.

Như vậy, ngân sách Nhà nước có cơ hội thu về được một khoản tiền khủng, lên đến 2,2 tỷ USD từ các động thái này để giải tỏa phần nào áp lực thâm hụt ngân sách. Tất nhiên là con số thặng dư vốn trên thực tế có thể cao hơn nữa, khi đang có nhiều tập đoàn bia rượu nổi tiếng thế giới đã bày tỏ ý định thâu tóm 2 hãng bia danh tiếng này.




Có thể kể đến các tên tuổi lớn như Heineken, Anheuser-Busch InBev, SAM Miller, Asahi Group Holidings, Kirkin Holdings. Ông trùm của Thái Lan, Tập đoàn Singha, cũng đã bày tỏ ý định tham gia vào cuộc đua thâu tóm Sabeco sau khi đã đầu tư 1,1 tỷ USD để thâu tóm Masan Brewery and Masan Consumer Holdings - đơn vị đang sở hữu Bia Sư tử Trắng.

Hiện tại các tập đoàn thực phẩm trong nước như Masan và các quỹ đầu tư lớn chưa thấy lên tiếng tham gia vào các đợt đấu giá này.

Sự thèm khát của các nhà đầu tư và các DN ngoại cũng là điều dễ hiểu. Là quốc gia tiêu thụ bia rượu lớn nhất trong khu vực Đông Nam Á và hiện mức tiêu thụ bia bình quân trên đầu người của Việt Nam là khoảng 40 lít mỗi năm thì dư địa cho tăng trưởng tiêu thụ rượu bia ở Việt Nam vẫn còn rất hấp dẫn.

Theo ước tính của hãng nghiên cứu thị trường Euromonitor International, trong năm nay Việt Nam có thể đạt sản lượng tiêu thụ 4,04 tỷ lít bia, cao hơn đáng kể so với con số 3,88 tỷ lít của năm ngoái và đây là mức đứng đầu Đông Nam Á.

Tuy vậy, áp lực cạnh tranh đang rất khốc liệt trong ngành khiến các hãng bia sẽ rất chật vật để gia tăng được thị phần. Năm 2015, Sabeco dẫn đầu thị trường với thị phần 41%, Nhà máy bia Việt Nam VBL sở hữu các thương hiệu ngoại là Heineken, Tiger, Larue… chiếm vị trí thứ hai với thị phần 21%, trong khi Habeco chiếm vị trí thứ ba với 19,62%.

Công cụ M&A (mua-bán sáp nhập) vì thế sẽ giúp các hãng nhanh chóng giành được phần bánh to hơn và từ đó đề ra các chính sách bán hàng có lợi cho mình. Không chỉ thế, với việc nhận được thêm các nguồn lực mới từ bên ngoài, Sabeco hay Habeco sẽ có thêm cơ hội cải thiện hiệu quả hoạt động và gia tăng năng lực cạnh tranh.

Trong cuộc đua này, có vẻ khối ngoại đang có lợi thế. Theo ông Nguyễn Duy Hưng, Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Tổng giám đốc Công ty chứng khoán SSI, với quy mô của các tổ chức trong nước như hiện nay, với lãi suất hiện hành thì các nhà đầu tư trong nước không thể hấp thụ được.

Và một điều rất đáng nói, là tư duy về cổ phần hóa các DNNN của các nhà điều hành cũng đã được thay đổi về căn bản.

“Sabeco không cần biết người mua là nước ngoài hay trong nước. Tất cả những gì chúng tôi quan tâm là ai trả giá cao nhất”, ông Lê Hồng Xanh, Tổng giám đốc của Sabeco nói.

Việc cổ phần hoá các DNNN có thương hiệu lớn như Sabeco, Habeco là một thông điệp tích cực đối với thực hiện các cam kết mà Chính phủ hứa với các nhà đầu tư trong và ngoài nước về một môi trường kinh doanh cởi mở hơn, minh bạch hơn, công bằng hơn, dần tiến lên các tiêu chuẩn quốc tế mà Việt Nam đang theo đuổi. Đây cũng là những cam kết mở cửa thị trường mà Việt Nam đàm phán trong các hiệp định thương mại kinh tế lớn như Hiệp định đối tác Xuyên Thái Bình Dương (TPP), hay Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - EU.

Nhưng vui nhất có lẽ là các nhà đầu tư trên TTCK, bởi họ sẽ có cơ hội tiếp cận với các tài sản quý giống như Vinamilk. TTCK Việt bấy lâu nay được đánh giá là có tiềm năng tăng trưởng lớn, nhưng việc thiếu vắng các tài sản có chất lượng cao đã làm chùn bước ý định tham gia của các nhà đầu tư ngoại.

Trong 2015, Chính phủ đã thực hiện cổ phần hóa được 289 DNNN, còn xa so với mục tiêu là 514 đặt ra.

Thời Báo Ngân Hàng
>> Mở tài khoản chứng khoán - Tư vấn Đầu tư Chứng khoán - Ủy thác đầu tư
Share:

Trang

Nổi bật

Giới siêu giàu kiếm tiền từ đâu?