Kiến thức chứng khoán - Kinh nghiệm đầu tư chứng khoán

Thứ Hai, 12 tháng 9, 2016

Chứng khoán tuần tới: VNM sẽ làm thị trường 'xanh vỏ, đỏ lòng'?

>> Bán cổ phần bia: Thị trường có thêm hàng hóa tốt
>> Chứng khoán và “bẫy” của khối ngoại
>> Những điều NĐT cần chú ý trong tuần giao dịch 12/9 – 16/9
>> VNM ETF loại PVT và SHB, thêm VNM
VNM - khối ngoại bán quá xuất sắc 

Ngay sau khi VNM được mở room hoàn toàn cho khối ngoại, lần đầu tiên cổ phiếu này bị bán ra với quy mô rất lớn. Giao dịch từ phía tổ chức đáng chú ý nhất là các quỹ thuộc Dragon Capital thoái tổng cộng 4,5 triệu cổ phiếu. Các giao dịch đăng ký là từ 6/9-5/10.

Quan sát giao dịch của khối ngoại nói chung thì khối lượng bán lớn nhất đều diễn ra trong thời điểm giá VNM tăng rất mạnh và thanh khoản rất lớn. Bản thân hai quỹ của Dragon Capital bắt đầu bán ra mấy hôm nay, tuy giá cũng có giảm, nhưng so với thời điểm đầu tháng 7, giá vẫn cao hơn gần 30%.

Với một quy mô bán ra cực kỳ lớn, trong bối cảnh thông thường, khối ngoại sẽ không thể nào tìm kiếm được khối lượng mua đối ứng. Kể từ giữa tháng 8 đến nay, thanh khoản của VNM liên tục tăng rất cao với liên tục các phiên trên 300 tỷ đồng giá trị giao dịch.

Thanh khoản tăng mạnh và giá tăng ở VNM được cho là xuất phát từ rất nhiều kỳ vọng thực tế, chẳng hạn hiệu ứng của việc mở room, tới khả năng lọt vào hai rổ cổ phiếu của các quỹ ETF, chia thưởng. Trên thực tế thì VNM đã lọt vào cả rổ ETF FTSE lẫn V.N.M với khối lượng cần mua cỡ 12,2 triệu cổ phiếu.

Khối ngoại có nhu cầu bán đã chọn đúng thời điểm để giao dịch với hiệu quả cao nhất về giá và đặc biệt là có sức cầu đủ lớn để hấp thu khối lượng đó mà không ảnh hưởng quá nhiều đến giá. Trong điều kiện thông thường như 6 tháng đầu năm nay, khối lượng khớp lệnh bình quân 20 phiên của VNM không quá 700.000 đơn vị/phiên. Đến đầu tháng 9, thanh khoản trung bình đã trên 1 triệu đơn vị/phiên, những ngày cá biệt giao dịch 3-4 triệu cổ phiếu/phiên.

Với mức thanh khoản hiện tại, việc bán ra vài triệu cổ phiếu của nhóm Dragon Capital không phải là khó khăn. Phía mua, ngoài việc nhà đầu tư trong nước nhảy vào thu gom, còn có hai quỹ ETF cần phải tích lũy đủ số lượng hơn 12,2 triệu cổ.

Tuy nhiên liệu VNM sẽ tăng vù vù trong tuần tới khi hai quỹ ETF bắt đầu mua vào? Diễn biến này là có thể xảy ra vì lực cầu tăng vọt cộng với nhu cầu đầu cơ ăn theo sẽ xuất hiện. VNM tăng điểm sẽ là điều ảnh hưởng tích cực đến thị trường.

Mặc dù vậy, cần lưu ý rằng các giao dịch ăn theo ETF cần có thời gian để cổ phiếu về tài khoản, mà cụ thể là chỉ các giao dịch xong trước thứ Tư. Nói cách khác, nếu muốn đầu cơ VNM để bán cho quỹ ETF vào ngày cuối cùng của đợt tái cơ cấu danh mục, giao dịch mua muộn nhất phải thực hiện trong thứ Ba, muộn hơn sẽ không kịp bán.

Thứ hai là các quỹ đã đăng ký bán sẽ tiếp tục bán ra và giá càng tăng càng có lợi cho họ. Đó là nghệ thuật chọn thời điểm bán có lợi nhất. Cần lưu ý là không chỉ có 2 quỹ của Dragon Capital bán ra mà còn có cả nhà đầu tư nước ngoài khác.  Nếu nhìn lại lịch sử giao dịch những ngày gần đây của VNM, hai quỹ nói trên chỉ bắt đầu bán từ ngày 6/9. Trong tuần này, VNM liên tục bị bán ròng lớn với giá trị bán ròng lần lượt là 50,8 tỷ đồng, 294,1 tỷ đồng, 99,5 tỷ đồng và 129,9 tỷ đồng.

Trước đó, VNM cũng đã xuất hiện các ngày bán ròng rất lớn từ giữa tháng 7 với 3 phiên trên 100 tỷ đồng ròng, đặc biệt là một ngày kỷ lục 230,3 tỷ đồng hôm 19/8.

Cần lưu ý rằng đây chỉ là giá trị bán ròng, tức là quy mô bán ra trừ đi quy mô mua vào. Khối lượng bán đã lớn hơn nhiều so với mức 4,5 triệu cổ phiếu được đăng ký. Thậm chí có thể hai quỹ của Dragon Capital còn chưa bán xong. Nói cách khác, VNM đang bị nhiều nhà đầu tư nước ngoài bán ra và việc cầu tăng vọt dù là do nhà đầu tư trong nước hay ETF mua vào tới đây cũng sẽ là cơ hội để các tổ chức khác bán ra.

Tác động có thể xấu hơn cho thị trường 

Việc VNM được hai quỹ ETF mua nhiều có thể tạo cơ hội cho cổ phiếu này tăng giá và VN-Index sẽ được cộng thêm nhiều điểm vào chiều tăng. Tuy nhiên như đã phân tích ở trên, vẫn có khả năng VNM không đột biến được do lực bán ra cũng rất lớn, từ cả giao dịch thoái vốn đã đăng ký lẫn các giao dịch đầu cơ nói chung.

Khi VNM mở room, nhà đầu tư nước ngoài có thể đầu cơ một cách thoải mái mà không lo “mất hàng”. Giao dich ngắn hạn kiểu bán trước mua sau ăn chênh lệch giá trước kia không thực hiện được do room bị giới hạn và đã đầy. Từ sau khi mở room, VNM luôn có sẵn hàng trăm triệu cổ phiếu để khối ngoại giao dịch.

Trong khi triển vọng đẩy VN-Index của VNM còn chưa rõ ràng hoàn toàn, thì việc thêm vào cổ phiếu này trong rổ đầu tư của hai quỹ ETF đã dẫn đến một hệ lụy chắc chắn: Rất nhiều cổ phiếu lớn khác sẽ bị bán bớt đi để giành chỗ chỗ cho VNM.

Dự kiến trong tuần tới, sẽ chỉ có VNM, HSG và VIC là được hai quỹ ETF mua thêm, trong khi toàn bộ các mã khác bị bán bớt với khối lượng lớn trong đó có các mã bị loại hoàn toàn là PVT, SHB, TTF.

Trong trường hợp VNM tăng giá, mức tăng của cổ phiếu này sẽ phải bù đắp cho hàng chục cổ phiếu khác có nguy cơ giảm giá rất cao. Tổng thể là hai quỹ sẽ phải bán ròng vì tỷ trọng đầu tư hiện tại cao hơn quy định.

Do đó, tuần tới sẽ là thời gian rất khó đoán cho thị trường chung vì các lực tác động trái chiều không rõ sẽ nghiêng về bên nào. Tuy nhiên rõ ràng là xác suất giảm giá ở số lớn cổ phiếu là cao hơn, nếu chỉ căn cứ vào giao dịch trọng tâm của hai quỹ ETF.

Mặt khác, thị trường sẽ chịu ảnh hưởng không nhỏ từ những biến động mới trên thị trường chứng khoán toàn cầu. Phiên cuối tuần, chứng khoán Mỹ chứng kiến một ngày giảm kỷ lục khi DownJones giảm 2,2%, S&P500 giảm 2,4% Nasdaq giảm 2,4%, Chứng khoán Anh giảm 1,19%, Pháp giảm 1,12%, giá dầu giảm 4,1%...

Chứng khoán châu Á, thậm chí là cả châu Âu đều kết thúc sớm hơn thị trường Mỹ nên chưa phản ánh hết các biến động này. Thị trường chứng khoán toàn cầu lẫn giá hàng hóa thế giới chịu áp lực tăng lãi suất USD trong 2 tuần nữa.
 
>> Mở tài khoản chứng khoán - Tư vấn Đầu tư Chứng khoán - Ủy thác đầu tư


Share:

Trang

Nổi bật

Giới siêu giàu kiếm tiền từ đâu?