Đã
rất lâu rồi mới thấy cổ phiếu bất động sản gần như đồng loạt tăng, thậm
chí tăng trần một vài phiên liên tiếp. Không chỉ những mã thị giá rẻ
hai, ba ngàn đồng/cổ phiếu, mà cả những ông lớn như VIC, NVL cũng tăng.
Các mã hạng trung thị giá trên dưới 20.000 đồng tuy vào nhịp sóng chậm
hơn nhưng đã nhanh chóng bắt kịp đà.
Diễn biến mà giới đầu tư đang đỏ mắt trông chờ là liệu con sóng bất
động sản lần này có lan sang các cổ phiếu trên sàn Hà Nội. Sở dĩ diễn
biến này quan trọng vì nó khẳng định đây thực sự là sóng đầu cơ, mà một
khi sóng đầu cơ trỗi dậy, cuộc chơi của VN-Index có thể còn kéo dài.
Một trong những đặc điểm tương đối rõ ràng của sóng đầu cơ là tốc độ tăng giá khủng khiếp đi kèm với khối lượng giao dịch khủng, có thể lên tới hàng chục triệu đơn vị/mã. Thanh khoản của toàn thị trường cải thiện đột biến. Trong khoảng 5 phiên trở lại đây, thanh khoản của sàn phía Nam ở mức 180-200 triệu đơn vị/ngày với tổng giá trị khớp lệnh 3.500-4.000 tỉ đồng. Mức thanh khoản này chỉ có được vào năm 2014, tức cách đây đã ba năm.
Tốc độ tăng giá nhanh kích thích lòng tham và dòng tiền đổ vào thị trường cũng nhanh như giá. Chưa biết tiền cũ, tiền mới, nhưng tiền giao dịch ký quỹ đang hoạt động hết công suất. Khi margin căng hết cỡ, các công ty chứng khoán không còn bơm thêm tiền được nữa, các lệnh kích hoạt bán tự động sẽ làm việc và cổ phiếu điều chỉnh.
Hiện nay mỗi công ty chứng khoán có một danh sách cổ phiếu cho vay margin riêng với tỷ lệ ký quỹ khác nhau tùy định hướng mỗi công ty. Mỗi cổ phiếu trong danh sách này lại được phân bổ một mức tổng margin cụ thể. Thí dụ cổ phiếu A được phân bổ 100 tỉ đồng, hết hạn mức trên, khách hàng dù vẫn còn hạn mức ký quỹ riêng vẫn không mua được cổ phiếu đó. Họ bắt buộc phải chọn những cổ phiếu khác vẫn còn hạn mức chung. Sự chọn lựa bắt buộc không phải lúc nào cũng tốt và thường chứa đựng rủi ro.
Giá lên nhanh cỡ nào, thì cũng có thể xuống nhanh như thế. Những nhà đầu tư kinh nghiệm sẽ canh sự tích lũy cổ phiếu ở vùng giá cao để làm cơ sở bán ra dần dần. Nếu thị giá vẫn tăng nhờ tiền mới, họ sẵn sàng mua lại cổ phiếu ấy ở vùng giá cao hơn với khối lượng hạn chế bởi lúc này nguy cơ cổ phiếu và thị trường chung đảo chiều treo lơ lửng.
Đặc điểm thứ hai trong sóng đầu cơ là cổ phiếu tốt, xấu gì đều tăng giá, chỉ là tăng ít, tăng nhiều, tăng sớm, tăng muộn. Trong trường hợp có thông tin tích cực hỗ trợ và tâm lý nhà đầu tư hưng phấn, thị trường sẽ đạt tầm cao mới. Một sự quan sát kỹ cho thấy vẫn có một lượng tiền không nhỏ nằm trong các cổ phiếu vốn hóa lớn. Những thời điểm niềm tin trên thị trường lỏng lẻo, các “tay chơi” lớn xoay sang đẩy giá cổ phiếu vốn hóa lớn, nhờ đó chỉ số Vn-Index tăng nhằm củng cố tinh thần cho nhà đầu tư. Chỉ cần VNM, VCB, VIC, BID, CTG tăng 400-500 đồng hoặc tầm 1.000 đồng/cổ phiếu, chỉ số sẽ chạy 3-4 điểm. Khi ấy tiền sẽ được “nhồi” tiếp vào các mã đầu cơ.
Ở giai đoạn đầu của sóng đầu cơ như hiện nay, những mã đã giảm sâu và có kết quả kinh doanh tốt hơn cùng kỳ hoặc tốt hơn các quí trước được dòng tiền ghé thăm đầu tiên. Tiền có thể luân chuyển giữa các nhóm nhỏ cổ phiếu chưa tăng giá. Đến khi thị trường ở một mặt bằng giá mới, cơ hội tìm kiếm cổ phiếu tăng trưởng ít đi, và cho đến khi cơ hội nhỏ dần, co lại, đấy là quãng thời gian “nguy hiểm”.
Các tổ chức, nhất là các quỹ đầu tư lớn với danh mục cổ phiếu mạnh, cơ bản, nền tảng, có giá trị vốn hoá lớn, thường đứng ngoài sóng đầu cơ. Họ tin trước sau các cổ phiếu cơ bản cũng thống lĩnh thị trường. Có thể đúng, có thể sai. Trong quá khứ đã có năm sóng đầu cơ mạnh và kéo dài đến mức các quỹ không chịu nổi nhiệt ở ngoài quan sát và đành tham gia. Họ đẩy sóng đầu cơ đi xa hơn và khi sóng vỡ, hậu quả nặng nề hơn.
Sự dịch chuyển của dòng tiền tới đây được nhận định chảy vào những cổ phiếu có EPS khoảng 2.000-3.000 đồng và PE đâu đó 5-6 lần. Còn nhiều những cổ phiếu như thế trong mớ hỗn độn các mã chưa biết thế nào là tăng giá trong 12 tháng qua. Chúng đang kiên nhẫn chờ đợi đến lượt tăng giá. Hãy sàng lọc và đừng bỏ qua chúng. Trên bầu trời, các ngôi sao sáng đôi khi thức dậy muộn!