Kiến thức chứng khoán - Kinh nghiệm đầu tư chứng khoán

Thứ Tư, 8 tháng 3, 2017

Quỹ Hưu trí bổ sung tự nguyện: An toàn, nhưng liệu có thu hút?

Việc hình thành Quỹ hưu trí bổ sung tự nguyện không chỉ đơn thuần là một sản phẩm đầu tư như các quỹ mở khác, mà thể hiện quyết tâm của Chính phủ trong việc xây dựng thêm các trụ cột cho hệ thống an sinh xã hội, bên cạnh trụ cột truyền thống là bảo hiểm xã hội được tổ chức theo mô hình hưởng xác định.

>> Quỹ hưu trí bổ sung tự nguyện: Thêm kênh đầu tư cho người lao động
 
 
Ông Trần Lê Minh

Chia sẻ với phóng viên Thời báo Ngân hàng, ông Trần Lê Minh, Phó Tổng giám đốc Công ty Quản lý quỹ Việt Nam (VFM) cho biết, đơn vị đang phối hợp với đối tác là Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) và Trung tâm Lưu ký chứng khoán Việt Nam (VSD) gấp rút cho ra đời sản phẩm Quỹ hưu trí bổ sung tự nguyện (HTBSTN) đầu tiên tại Việt Nam vào đầu năm 2018.

Thưa ông, qua khảo sát ông thấy mức độ quan tâm của DN và người lao động (NLĐ) đến quỹ này như thế nào?

Chúng tôi nhận thấy nhu cầu tiết kiệm, đầu tư để có thể tạo thu nhập bổ sung sau khi nghỉ hưu ngày càng gia tăng. Ngay từ năm 2007, chúng tôi đã nhận thấy điều này khi bảo hiểm xã hội bắt đầu áp dụng trần đóng góp vào quỹ bảo hiểm xã hội tối đa bằng 20 lần lương cơ bản. Các cá nhân có thu nhập từ trung bình trở lên và đã có thời gian làm việc khoảng 10 năm hay dài hơn là nhóm quan tâm nhiều tới việc tiết kiệm cho hưu trí.

Trước khi có Nghị định 88, bản thân một số DN, đặc biệt các DN có vốn đầu tư nước ngoài đã có sẵn quỹ này và nó nằm dưới sự quản lý công đoàn của DN. Khảo sát ở một số công ty khác trên thị trường, thấy khi có cơ sở pháp lý và có giấy phép thành lập quỹ này thì họ sẵn sàng là những khách hàng đầu tiên của VFM. Như vậy có thể khẳng định sự quan tâm của NĐT, đặc biệt của NLĐ rất lớn. Ngay tên của Nghị định cũng nói lên ý nghĩa của nó là bổ sung thêm nguồn thu nhập cho người về hưu.

Việc hình thành Quỹ HTBSTN không chỉ đơn thuần là một sản phẩm đầu tư như các quỹ mở khác, mà thể hiện quyết tâm của Chính phủ trong việc xây dựng thêm các trụ cột cho hệ thống an sinh xã hội, bên cạnh trụ cột truyền thống là bảo hiểm xã hội được tổ chức theo mô hình hưởng xác định. Điều này mang tính đột phá trong việc đảm bảo an sinh cho người dân.

Đối với ngành Quản lý quỹ, thành lập Quỹ HTBSTN có tác động dài hạn tới hoạt động của ngành. Với tình hình cụ thể hiện nay, ngành Quản lý quỹ Việt Nam đã đủ các điều kiện cần thiết về nhân lực và vật lực để thành lập Quỹ HTBSTN. Nếu triển khai thành công, Quỹ HTBSTN có thể sẽ tạo tiền đề phát triển dài hạn cho ngành quản lý quỹ.

Trên thực tế, hiện nay một số công ty bảo hiểm đã bán sản phẩm bảo hiểm hưu trí tự nguyện. Vậy liệu khi Quỹ HTBSTN này ra đời có bị cạnh tranh và  bị chia sẻ nguồn lực không?

Đúng là chúng tôi đang phải đối mặt với vấn đề này vì sản phẩm bảo hiểm hưu trí tự nguyện đã được cung cấp từ năm 2013. Đây là sản phẩm bảo hiểm nhân thọ do DN bảo hiểm cung cấp như: PVI Sun Life, Manulife, Bảo Việt nhân thọ, Dai-ichi Life Việt Nam… Theo số liệu chúng tôi quan sát được sau 4 năm hoạt động thì đến cuối năm 2016, tổng giá trị hợp đồng các công ty bán được đạt trên 200 tỷ đồng.

Tuy nhiên, điểm khác biệt là tham gia bảo hiểm hưu trí thì mang tính bảo hiểm nhiều hơn, nghĩa là nó bảo hiểm cho các bạn một số vấn đề trong quá trình đóng góp, nhưng ngược lại, bạn phải chi trả cho quỹ bảo hiểm, đồng nghĩa với việc thu nhập của bạn khi về hưu sẽ giảm đi. Còn đối với sản phẩm Quỹ HTBSTN thì chỉ tập trung tạo nguồn thu tối đa từ khoản đóng góp của mình khi nghỉ hưu, nên thu nhập chúng tôi kỳ vọng sẽ cao hơn đáng kể.

Cụ thể, thực tế bảo hiểm hưu trí sẽ chỉ cam kết cho người đóng góp bảo tức cố định 2%/năm trong khoảng thời gian dài của thời gian đóng tiền vào quỹ. Còn với Quỹ HTBSTN, khi chạy thử trên dữ liệu quá khứ đối với các mô hình sản phẩm, thì nó sẽ đưa lại cho các NĐT lợi tức trung bình khoảng 6,9%/năm trở lên. Khoảng cách từ 2% đến 6,9% mà duy trì trong khoảng thời gian dài 10 - 20 năm thì số dư cuối cùng trên tài khoản cá nhân sẽ là gần gấp đôi. Đây chính là sự khác biệt giữa 2 sản phẩm này.

Điều quan trọng của NLĐ hay với NĐT khi tham gia quỹ là họ cần biết được mức độ an toàn. Vậy NLĐ có gì để đảm bảo an toàn khi tham gia quỹ này?

Với sự ra đời của Nghị định 88, Nhà nước đang xây dựng trụ cột mới trong hệ thống an sinh xã hội. Chính vì vậy nó phải an toàn vì liên quan đến quyền lợi và đời sống người dân.

Nhà nước bảo vệ sự an toàn này bằng cách quy định rất rõ phạm vi đầu tư cho Công ty VFM. Cụ thể, VFM chỉ được đầu tư tối thiểu 50% vào TPCP và Chứng chỉ quỹ đầu tư TPCP. Tức là 50% liên quan đến TPCP. 50% còn lại có thể đầu tư vào các chứng chỉ quỹ mở trên thị trường. Đối với quỹ đầu tư, thì rất an toàn vì danh mục và cách thức đầu tư cũng đã được quy định một cách rất thận trọng.

Hiện tại, có 2 mức để bảo vệ kết quả khoản đầu tư của Quỹ HTBSTN. Thứ nhất là bắt buộc đầu tư vào TPCP để gia tăng sự an toàn và mức bảo vệ. Thứ hai là bắt buộc phải đầu tư thông qua quỹ đầu tư, chứ không được đầu tư trực tiếp vào cổ phiếu trên thị trường. Đây chính là cách thiết kế không chỉ với Việt Nam, mà rất phổ biến trên thế giới để đảm bảo an toàn, từ đó bảo đảm quyền lợi của người tham gia vào quỹ.

Xin cảm ơn ông!


 Trần Hương
Thời Báo Ngân Hàng
Share:

Trang

Nổi bật

Giới siêu giàu kiếm tiền từ đâu?