IBC: 3 tháng, giá tăng 367%
Dẫn đầu về mức tăng giá trong 3 tháng
vừa qua là cổ phiếu IBC của Công ty cổ phần Đầu tư APAX HOLDINGS. IBC
đăng ký giao dịch trên UPCoM từ ngày 25/10/2016, với giá chào sàn 10.000
đồng/CP.
Sau hơn 1 tháng dao động nhẹ quanh mệnh
giá, cổ phiếu IBC bắt đầu tăng giá mạnh kể từ đầu tháng 12/2016, đóng
cửa phiên giao dịch cuối tuần qua ở mức 46.700 đồng/CP, tương đương mức
tăng 367% sau 3 tháng. Từ giữa tháng 2 đến nay, trung bình mỗi phiên có
100.000 cổ phiếu IBC được giao dịch.
IBC thành lập ngày 19/3/2012, vốn điều
lệ ban đầu 3 tỷ đồng, với định hướng hoạt động trong 3 lĩnh vực chính là
tư vấn, đầu tư và kinh doanh thương mại hàng hóa nhập khẩu. Trong các
năm đầu, IBC không có doanh thu từ bán hàng và cung cấp dịch vụ, lợi
nhuận đến từ hoạt động đầu tư tài chính (đầu tư chứng khoán và lãi tiền
gửi). Từ năm 2015 đến nay, IBC ghi nhận doanh thu từ kinh doanh hạt nhựa
và thiết bị y tế.
IBC có 1 công ty con là Công ty cổ phần
Sản xuất và Kinh doanh tấm bông Hà Nội (EVC). Công ty này đóng góp lớn
vào kết quả kinh doanh hợp nhất các năm qua của IBC. 2 năm 2014 và 2015,
IBC đạt doanh thu thuần hợp nhất lần lượt 48,48 tỷ đồng và 59,5 tỷ
đồng, lợi nhuận sau thuế hợp nhất tương ứng là 478 triệu đồng và 1,08 tỷ
đồng.
Năm 2016, IBC chưa công bố kết quả kinh
doanh hợp nhất, riêng Công ty mẹ đạt doanh thu 14,35 tỷ đồng, lợi nhuận
sau thuế đạt 11,86 tỷ đồng, trong khi năm 2015 lãi vỏn vẹn 32 triệu
đồng. Lợi nhuận trong năm qua của IBC chủ yếu đến từ hoạt động tài chính
(15,8 tỷ đồng doanh thu hoạt động tài chính, trong khi chi phí tài
chính là 303 triệu đồng).
Tại thời điểm lên UPCoM, bản cáo bạch
của IBC cho thấy, Công ty có vốn điều lệ hơn 63 tỷ đồng. Sau đó, trong
tháng 12/2016, Công ty tăng vốn lên hơn 313 tỷ đồng bằng cách phát hành
25 triệu cổ phần cho cổ đông chiến lược - Công ty cổ phần Tập đoàn giáo
dục E-group. Năm nay, IBC dự kiến phát hành 37,5 triệu cổ phần cho cổ
đông hiện hữu, nâng vốn điều lệ lên 688 tỷ đồng.
Nguồn vốn trong 2 đợt tăng vốn nói trên
được IBC sử dụng để mua cổ phiếu thâu tóm Công ty cổ phần Anh Ngữ Apax
(vốn điều lệ 118 tỷ đồng). Trong năm 2016, IBC đã chi 284 tỷ đồng để mua
4 triệu cổ phiếu của công ty này và dự kiến mua thêm 7,57 triệu đơn vị
để nâng tỷ lệ sở hữu lên 98%.
NTC: Lợi nhuận 2014 - 2016 tăng đột biến
Cổ phiếu NTC của Công ty cổ phần Nam Tân
Uyên tăng giá gần 250% trong 3 tháng qua, thanh khoản trung bình trên
50.000 đơn vị mỗi phiên.
Giữa tháng 2/2017, NTC công bố, năm
2016, Công ty đạt 147,2 tỷ đồng doanh thu, tăng 18% so với năm 2015; lợi
nhuận sau thuế đạt 131,2 tỷ đồng, gấp hơn 2 lần năm 2015 (59,3 tỷ đồng)
và gấp gần 4,5 lần lợi nhuận năm 2014 (29,4 tỷ đồng). Lợi nhuận trên
mỗi cổ phiếu (EPS) năm 2016 đạt 8.800 đồng.
NTC giải trình, mức lợi nhuận lớn trong
năm qua là do doanh thu tăng khi ghi nhận các hợp đồng cho thuê mới,
trong khi giá vốn giảm do được miễn tiền thuê đất, đồng thời lãi tiền
gửi và cổ tức tăng, chi phí tài chính giảm khi hoàn nhập dự phòng khoản
đầu tư vào Công ty cổ phần Công nghiệp An Điền.
NTC được thành lập năm 2005, hoạt động
chính là quản lý, khai thác Khu công nghiệp Nam Tân Uyên (Bình Dương).
Công ty hiện có vốn điều lệ 160 tỷ đồng, trong đó 3 cổ đông lớn nắm giữ
hơn 60% vốn gồm: Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam (20,42%), Công ty
cổ phần Cao su Phước Hòa (32,85%) và bà Nguyễn Thị Thanh Thủy - vợ Chủ
tịch Hội đồng quản trị NTC (7%).
DPG: giá tăng gấp 3 sau 10 phiên
Cổ phiếu DPG của Công ty cổ phần Đạt
Phương chào sàn UPCoM ngày 12/1/2017, với giá tham chiếu 31.000 đồng/CP,
đến ngày 25/1 đạt 102.600 đồng/CP. Sau đó, giá cổ phiếu này dao động
trong biên độ 80.000 - 100.000 đồng/CP, đóng cửa phiên giao dịch cuối
tuần qua ở mức 94.000 đồng/CP.
DPG hoạt động trong lĩnh vực xây dựng,
chuyên thi công xây lắp các công trình giao thông thủy lợi và các công
trình thủy điện. Doanh thu từ các hợp đồng xây dựng chiếm trên 90% cơ
cấu doanh thu của Công ty, phần còn lại đến từ bán điện thương phẩm và
bán hàng hóa vật tư. DPG chưa công bố kết quả kinh doanh 2016, kết quả
hoạt động các năm trước rất tích cực.
Năm 2015, DPG đạt doanh thu xấp xỉ 1.994
tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế 153 tỷ đồng, lần lượt tăng 83,55% và 56,44%
so với năm 2014. 2 năm 2014 và 2015, DPG đều đạt tỷ lệ lợi nhuận trên
vốn cổ phần (ROE) trên 30% và trả cổ tức lần lượt là 25% và 30%.
DPG hiện có vốn điều lệ 65,8 tỷ đồng, trong đó 4 cổ đông lớn là cá nhân sở hữu tổng cộng 34,87% vốn.
SDJ: Đi lên từ “vực thẳm”
Từ đầu năm 2017, cổ phiếu SDJ của Công
ty cổ phần Sông Đà 25 tăng giá mạnh, sau hơn 2 năm trước đó lình xình
trong khoảng 2.000 - 3.000 đồng/CP. Cụ thể, từ ngày 9/1 đến 15/2/2017,
giá cổ phiếu này tăng từ 2.400 đồng/CP lên 11.700 đồng/CP. Sau đó, giá
cổ phiếu SDJ liên tục tăng giảm trong khoảng 8.000 - 11.000 đồng/CP, thị
giá hiện tại là 10.300 đồng/CP.
Trước khi lên UPCoM, SDJ là cổ phiếu bị
hủy niêm yết tại HNX năm 2013 do lỗ lũy kế hơn 50 tỷ đồng, vượt quá vốn
điều lệ thực góp (43,4 tỷ đồng). Giai đoạn 2014 - 2015, SDJ bắt đầu kinh
doanh có lãi, nhưng lợi nhuận chỉ đạt vài trăm triệu đồng/năm.
ĐTCK