Kiến thức chứng khoán - Kinh nghiệm đầu tư chứng khoán

Thứ Bảy, 25 tháng 3, 2017

Toan tính của Kido khi bán mảng kem và sữa chua

Tập đoàn Kido dự kiến bán 35% cổ phần ngành hàng kem và sữa chua vào giữa năm nay, dù đây là “mỏ vàng” mang về hơn 1.400 tỷ đồng doanh thu trong năm qua.

Thông tin từ Công ty cổ phần Chứng khoán TP HCM cho biết, Công ty cổ phần Tập đoàn Kido (MCK: KDC) đang có kế hoạch bán 35% cổ phần của Công ty Thực phẩm đông lạnh Kinh Đô trong đợt chào bán cổ phiếu lần đầu. Đây là đơn vị quản lý ngành hàng lạnh, cụ thể là mảng kem và sữa chua do Kido sở hữu toàn bộ vốn điều lệ 560 tỷ đồng.

HSC nhận định, Kido có thể ghi nhận lợi nhuận đáng kể nếu thương vụ này hoàn thành theo dự kiến vào khoảng tháng 6 năm nay. Khoản lợi nhuận này dự báo vào khoảng 238 tỷ đồng, cao hơn nhiều so với lợi nhuận từ hoạt động kinh doanh của công ty.

Đây sẽ là bước đi ẩn chứa nhiều toan tính bởi hoạt động của mảng kem và sữa chua của Kido đang rất ổn định với mức tăng trưởng 35% một năm. Doanh thu từ kem và sữa chua trong năm qua đạt khoảng 1.405 tỷ đồng, chiếm 63% tổng doanh thu thuần của tập đoàn. Mảng kinh doanh này từng có thời điểm dẫn đầu thị trường kem nội địa với mức nắm giữ khoảng 37% thị phần.

Báo cáo tài chính công bố mới đây cũng đưa ra dự báo, mảng kinh doanh này sẽ tiếp tục tăng trưởng mạnh trong năm nay khi nhà máy kem thứ hai tại Bắc Ninh đã chính thức hoạt động trong quý IV/2016. Với tổng công suất thiết kế 15 triệu lít một năm cho cả hai dòng sản phẩm kem và sữa chua, nhà máy này được kỳ vọng giúp công ty nhanh chóng tiếp cận thị trường miền Bắc và nâng cao hiệu quả hoạt động của ngành hàng lạnh.

Kido dự tính bán 35% cổ phần của công ty quản lý mảng kem và sữa chua.

Theo HSC, dù bán lượng lớn cổ phần tại đơn vị quản lý ngành hàng đông lạnh nhưng trong ngắn hạn, đây vẫn là nguồn thu chủ lực của Kido. Trong năm qua, việc tập trung mở rộng kênh đông lạnh đã khiến chi phí bán hàng và quản lý tăng thêm 2% so với năm trước. Do đó, sau khi xây dựng vị thế ổn định ở ngành hàng này thì công ty đang nhắm đến nhiều sản phẩm mới nhằm chia đều gánh nặng chi phí. Đây được xem là chiến lược quan trọng không chỉ giúp tăng doanh thu mà còn giúp công ty củng cố mối quan hệ với các nhà phân phối. Rau củ và khoai tây chiên đông lạnh là 2 mặt hàng đang được xem xét bổ sung, dù tỷ suất lợi nhuận từ những sản phẩm này không cao.

Kể từ sau khi chuyển nhượng toàn bộ mảng bánh kẹo trị giá khoảng 10.000 tỷ đồng cho Tập đoàn Mondelēz International vào tháng 8 năm ngoái, Kido liên tiếp đưa ra nhiều quyết định mở rộng hoặc dừng kinh doanh đối với nhiều mặt hàng, đồng thời thực hiện hàng loạt thương vụ mua bán, sáp nhập nhằm tăng sở hữu tại các công ty trong lĩnh vực ngành hàng thiết yếu.

Điển hình như việc cách đây không lâu, Kido cho biết sẽ dừng kinh doanh mảng mì ăn liền (thương hiệu Đại Gia Đình) từng được kỳ vọng sẽ mang về nguồn thu lớn. Nguyên nhân được xác định do thời hoàng kim của mì ăn liền đã kết thúc, sức tiêu thụ ngày càng đi xuống trong khi công ty chỉ mới “chân ướt chân ráo” tham gia thị trường nên gặp nhiều khó khăn.

Trong năm qua, Kido ghi nhận những thành công ban đầu từ mảng kinh doanh bánh mì và bánh bao đông lạnh được hâm nóng ngay tại các điểm bán lẻ và bán như một loại thực phẩm tiện lợi. Ông Trần Lệ Nguyên - Tổng giám đốc công ty nhận định, đây là sản phẩm tiềm năng vì mức sinh lời cao khi tỷ suất lợi nhuận khoảng từ 40% đến 50%. Dù mới bắt đầu kinh doanh mặt hàng này từ cuối năm 2015 nhưng bánh bao đã sớm mang về lợi nhuận cho công ty.

Với mảng dầu ăn, đây được xác định là mũi nhọn của Kido trong thời gian tới và công ty cũng không giấu tham vọng bành trướng thị phần nội địa thông qua việc thâu tóm nhiều doanh nghiệp hàng đầu trong ngành này.

Điều này thể hiện qua việc Kido lập tức bắt tay với Tập đoàn Fleda Global Ventures (FGV) của Malaysia và Tập đoàn Indo - Trans Logistics Corporation (ITL) ngay sau khi hoàn tất thương vụ bán mảng bánh kẹo để sản xuất và kinh doanh các sản phẩm dầu cọ đóng chai cho thị trường Việt Nam và tiến tới lập liên doanh.

Tiếp theo đó vào cuối tháng 11/2016, Kido thông báo hoàn tất mua 12,34 triệu cổ phiếu, tương đương 65% của Công ty Dầu thực vật Tường An (MCK: TAC). Để đảm bảo thành công của thương vụ thâu tóm công ty chiếm thị phần lớn thứ hai trong ngành dầu ăn, Kido không ngại tăng giá chào mua từ 78.000 đồng lên 82.000 đồng một cổ phiếu. Ước tính số tiền Kido bỏ ra cho thương vụ này xấp xỉ 1.012 tỷ đồng.

Chia sẻ tại ngày trở thành cổ đông lớn và nhậm chức Chủ tịch HĐQT Dầu Tường An, ông Trần Lệ Nguyên khẳng định sẽ tập trung xây dựng chiến lược sản phẩm, định hướng phân khúc thị trường nhắm vào dòng sản phẩm cao cấp đang bị nhiều công ty nước ngoài nắm giữ. “Doanh nghiệp nội địa chưa làm tốt nên dầu nhập khẩu cao cấp mới tràn vào thị trường Việt Nam, dù chi phí vận chuyển không hề nhỏ. Tường An sẽ tận dụng hệ thống phân phối sẵn có của Kido để mở rộng thị trường, nhất là đẩy mạnh hoạt động ở khu vực phía Bắc đang bị buông lỏng trong thời gian qua và nỗ lực giành lại thị phần”, ông Nguyên cho biết.

Mới đây, tại đại hội cổ đông bất thường của Tổng công ty Công nghiệp Dầu thực vật Việt Nam (Vocarimex, MCK: VOC), cổ đông cũng đã chấp thuận cho Kido chào mua thỏa thuận cổ phiếu của công ty này để nâng tỷ lệ sở hữu vốn điều lệ từ 24% lên 51%. Dự kiến thương vụ này cũng sẽ hoàn thành trước cuối quý II và hợp nhất vào kết quả kinh doanh nửa cuối năm nay. Doanh thu lũy kế cả năm 2016 của Kido đạt 2.240 tỷ đồng, tăng 43% so với năm 2015. Tuy nhiên, lợi nhuận trước thuế mới đạt 1.491 tỷ đồng, chưa hoàn thành kế hoạch đề ra hồi đầu năm là 1.500 tỷ đồng.

>> Liên hệ Mua bán cổ phiếu - Tư vấn đầu tư - Ủy thác đầu tư
Vnexpress
Share:

Trang

Nổi bật

Giới siêu giàu kiếm tiền từ đâu?