Kiến thức chứng khoán - Kinh nghiệm đầu tư chứng khoán

Thứ Ba, 22 tháng 8, 2017

Cổ phiếu ngành dược: Triển vọng tích cực cho những ai đủ kiên nhẫn!


Không giống như các nhóm ngành ngân hàng, chứng khoán, dầu khí, bất động sản... cổ phiếu dược là một trong những nhóm ngành ít nhận được sự quan tâm của nhà đầu tư trên thị trường chứng khoán (TTCK). Tuy vậy, với triển vọng ngành khá tích cực, cổ phiếu dược vẫn hứa hẹn mang lại hiệu quả đầu tư tốt cho những ai đủ kiên nhẫn.


Vẫn tăng trưởng đều

Doanh nghiệp nổi bật nhất trên sàn hiện nay là Công ty cổ phần Dược Hậu Giang (mã DHG) vừa công bố báo cáo tài chính hợp nhất quí 2-2017. Theo đó, doanh thu thuần quí 2 đạt 925 tỉ đồng, tăng 5,7%; sáu tháng đạt 1.808 tỉ đồng, tăng 7% so với cùng kỳ năm trước. Lợi nhuận sau thuế sáu tháng của DHG đạt 360 tỉ đồng, riêng quí 2 đạt 186 tỉ đồng, tăng 20%. Dược Hậu Giang cho biết: công ty nhận được chính sách ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp tại nhà máy dược phẩm mới với tổng số tiền ưu đãi thuế trong quí 2-2017 hơn 49 tỉ đồng, trong khi cùng kỳ năm trước chỉ gần 23 tỉ đồng, qua đó tác động làm lợi nhuận sau thuế tăng mạnh. Tuy vậy, với việc đặt kế hoạch lợi nhuận trước thuế cả năm ở mức 820 tỉ đồng, hiện DHG mới chỉ hoàn thành gần 43% kế hoạch.

Trong khi đó, tình hình kinh doanh của Công ty cổ phần Dược phẩm IMEXPHARM (mã IMP) có sự cải thiện mạnh hơn. Trong quí 2-2017, doanh thu thuần của IMP đạt 276 tỉ đồng, tăng 16,7%; lợi nhuận gộp đạt 121 tỉ đồng, tăng 26% và lợi nhuận sau thuế đạt 34 tỉ đồng, tăng 74,8% so với cùng kỳ năm trước. IMP cho biết: sở dĩ doanh thu thuần và đặc biệt là lợi nhuận sau thuế có mức tăng trưởng mạnh là do công ty tiếp tục mở rộng thị trường. Bên cạnh đó, IMP cơ cấu lại danh mục sản phẩm bán ra, tập trung vào các sản phẩm chủ lực có giá trị và lợi nhuận biên cao nên lợi nhuận gộp tăng. Lũy kế sáu tháng, IMP đạt 500 tỉ đồng doanh thu thuần, tăng 16,6%; lợi nhuận sau thuế đạt 59,8 tỉ đồng, tăng hơn 47% so với cùng kỳ trước. Năm 2017, IMP đặt kế hoạch lợi nhuận trước thuế 160 tỉ đồng. Với kết quả nói trên, IMP đã hoàn thành 46,6% kế hoạch năm.

Trong nhóm tăng trưởng cao còn có Dược phẩm Hà Tây (DHT) và Dược phẩm OPC (OPC). Doanh thu thuần quí 2-2017 của DHT đạt 334 tỉ đồng, tăng 17,4%; lợi nhuận trước thuế đạt 19 tỉ đồng, tăng 43,3% so với quí 2-2016. Theo Dược Hà Tây, quí 2 lợi nhuận tăng mạnh nhờ doanh thu thuần tăng và tỷ suất lợi nhuận gộp trên doanh thu đạt mức 14,5%, cải thiện so với mức 13,5% của cùng kỳ năm trước. Còn với OPC, doanh thu thuần hợp nhất quí 2-2017 của công ty này đạt 209 tỉ đồng, tăng 17%; lợi nhuận sau thuế hợp nhất đạt 21 tỉ đồng, tăng 21% so với cùng kỳ năm trước. Theo OPC, lợi nhuận sau thuế tăng chủ yếu do doanh thu tăng và tỷ trọng chi phí bán hàng trên doanh thu giảm 2,9% so với cùng kỳ năm trước.

Triển vọng tích cực

Đối với một nước có dân số trẻ, đang phát triển, môi trường nhiều ô nhiễm dẫn đến các loại bệnh tật gia tăng như Việt Nam thì ngành dược được đánh giá có triển vọng khá tích cực trong trung và dài hạn. Doanh thu toàn thị trường được dự báo tăng trưởng đều 6-7%/năm trong ba năm tới, và có thể đạt mức hơn 7 tỉ đô la Mỹ vào năm 2020. Chi phí chăm sóc sức khỏe cho toàn bộ người dân dự kiến có mức tăng trưởng 12%/năm, đạt khoảng 18 tỉ đô la Mỹ trong năm 2018. Cùng với đó, chi phí thuốc bình quân/đầu người của Việt Nam hiện chỉ khoảng 25 đô la Mỹ/người/năm; thấp hơn khá nhiều so với các nước trong khu vực như Philippines (45 đô la Mỹ/người/năm); Thái Lan (60 đô la Mỹ/người/năm); Trung Quốc (64 đô la Mỹ/người/năm); Malaysia (66 đô la Mỹ/người/năm).

Về ngắn hạn, Luật Dược sửa đổi, bắt đầu có hiệu lực kể từ đầu năm 2017 được đánh giá sẽ trở thành đòn bẩy cho sản xuất nội địa. Cụ thể, khoản 4a và 4b, điều 7 của luật sửa đổi quy định rõ: Đối với thuốc mua từ nguồn vốn ngân sách nhà nước, quỹ bảo hiểm y tế, nguồn thu từ dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh và các nguồn thu hợp pháp khác của các cơ sở y tế công lập thì sẽ không chào thầu dược liệu, thuốc nhập khẩu nếu thuốc trong nước đáp ứng được yêu cầu về giá trị, giá thuốc và khả năng cung cấp. Bên cạnh đó, cũng theo điều 7 của luật này, Nhà nước phải tạo điều kiện thuận lợi về trình tự, thủ tục nộp đơn đăng ký lưu hành thuốc generic (thuốc có cùng dược chất, hàm lượng, dạng bào chế với biệt dược gốc) sắp hết hạn bằng sáng chế. Điều này sẽ giúp rút ngắn đáng kể thời gian đưa thuốc generic mới ra thị trường. Ngoài ra, khoản 1, điều 60 của luật tạo điều kiện thuận lợi hơn cho việc nhập nguyên liệu sản xuất thuốc thông qua quy định: thuốc, nguyên liệu thuốc là dược chất có giấy đăng ký lưu hành tại Việt Nam được nhập khẩu mà không phải thực hiện cấp phép nhập khẩu. Đồng thời, khoản 3a và 3b của điều 89 quy định thuốc mới lưu hành ở nước ngoài chưa đủ năm năm phải thử lâm sàng ở Việt Nam. Điều này được đánh giá sẽ thúc đẩy hoạt động sản xuất nhượng quyền trong nước.

Tóm lại, Luật Dược sửa đổi mang đến cơ hội rất lớn cho các doanh nghiệp dược, đặc biệt là các doanh nghiệp có nhà máy đạt chuẩn PIC/S và GMP-EU khi các điều khoản đều theo hướng tạo điều kiện phát triển thuốc nội địa, nhất là trong bối cảnh thuốc sản xuất trong nước hiện mới chỉ đáp ứng được 48% nhu cầu tiêu thụ.

>> Liên hệ Mua bán cổ phiếu - Tư vấn đầu tư - Ủy thác đầu tư

Thời Báo Ngân Hàng
Share:

Trang

Nổi bật

Giới siêu giàu kiếm tiền từ đâu?