Kiến thức chứng khoán - Kinh nghiệm đầu tư chứng khoán

Thứ Năm, 3 tháng 8, 2017

Điều gì xảy ra nếu toàn bộ thế giới được vận hành bằng blockchain?

Hãy tưởng tượng đến 1 thế giới mà trong đó các danh sách tự vận hành, không cần đến người giữ sổ và người giám sát. Đây cũng chính là thứ mà “blockchain” hứa hẹn, hệ thống làm nền tảng cho đồng tiền ảo bitcoin và những công nghệ phân phối sổ cái (distributed ledger technology) tương tự. 


THE WORLD IF (tạm dịch: Thế giới nếu…) là chùm bài viết của tạp chí The Economist về những kịch bản có thể xảy ra trên tất cả các lĩnh vực kinh tế, chính trị, xã hội, khoa học công nghệ… sẽ ảnh hưởng đến thế giới. Các giả định được đưa ra dựa trên chính những diễn biến của thế giới ở thời điểm hiện tại.

Thời gian gần đây, thế giới đang chứng kiến sự nổi lên mạnh mẽ của tiền ảo. Tuy nhiên tiền ảo mới chỉ là 1 phần, đằng sau nó là 1 công nghệ mang tính đột phá có thể thay đổi hoàn toàn cuộc sống của chúng ta - công nghệ blockchain.

“Chúng ta thích những danh sách bởi vì chúng ta không muốn chết”, Umberto Eco, một tác gia người Italy đã viết như vậy. Nếu không có những danh sách theo dõi mọi thứ từ con người đến đồ vật, có lẽ các tổ chức lớn sẽ sụp đổ.

Danh sách được nhắc đến ở đây bao gồm cả những danh sách đơn giản đến những bảng dữ liệu phức tạp. Tuy nhiên chúng đều có điểm chung là chúng ta phải tin tưởng vào người giữ nó, và ở đây người quản trị sẽ có quyền lực. Kế toán trưởng có thể chỉnh sửa, bóp méo bảng cân đối kế toán hay thêm những cái tên vào bảng lương của công ty. Để tránh tình trạng người quản trị gian lận, chúng ta đang dựa vào nhiều công cụ, từ kiểm toán đến hội đồng giám sát.

Bây giờ hãy tưởng tượng đến 1 thế giới mà trong đó các danh sách tự vận hành, không cần đến người giữ sổ và người giám sát. Đây cũng chính là thứ mà “blockchain” hứa hẹn, hệ thống làm nền tảng cho đồng tiền ảo bitcoin và những công nghệ phân phối sổ cái (distributed ledger technology) tương tự.

Nói thêm về blockchain, một Blockchain là một cuốn sổ cái của nhiều hồ sơ được sắp xếp theo lô dữ liệu, sử dụng các thuật toán mã hoá để liên kết chúng lại với nhau theo thời gian. Điểm đặc biệt là những cái sổ cái không lưu trữ ở một nơi tập trung hoặc bị quản lý bởi bất kỳ một cá nhân cụ thể nào mà được phân phối trên nhiều máy tính. Bất cứ ai tham gia vào blockchain đều có thể tải về bản sao. Quan trọng nhất, bản chất phân tán khiến khả năng bị hack gần như không có. Để bẻ khóa, hacker cần truy cập tất cả phiên bản cùng lúc.

Vì những đặc tính ưu việt của blockchain, có thể tưởng tượng đến 1 ngày công nghệ này thống trị thế giới?

Đây không phải là lần đầu tiên 1 hình thức “lên danh sách” hoàn toàn mới thay đổi thế giới. Hơn 500 năm trước, kỹ thuật kế toán ghi sổ kép ra đời ở miền bắc Italy, đánh dấu 1 bước tiến lớn trong quá trình phát triển của các doanh nghiệp và toàn bộ nền kinh tế. Nhà xã hội học người Đức Werner Sombart thậm chí cho rằng kỹ thuật ghi sổ kép đánh dấu sự ra đời của chủ nghĩa tư bản, cho phép mọi người chứ không phải riêng chủ doanh nghiệp theo dõi tình hình tài chính của doanh nghiệp đó.


Nếu như trong lịch sử kỹ thuật ghi sổ kép đã “giải thoát” các thương nhân khỏi nỗi lo về sổ sách kế toán, công nghệ blockchain sẽ “giải thoát” cho các tổ chức. Có lẽ đó không phải là điều mà Satoshi Nakamoto – người được cho là cha đẻ của đồng bitcoin – nghĩ ra từ đầu. Như những gì công bố năm 2008, mục tiêu của anh chỉ là tạo nên một phiên bản tiền điện tử phân phối theo dạng thức peer-to-peer và để làm như vậy người này đã tạo ra một loại cơ sở dữ liệu mới – blockchain.

Cơ sở dữ liệu này có thể cung cấp bằng chứng về sự sở hữu bất cứ lúc nào cũng như thông tin về lịch sử giao dịch của mỗi đồng tiền đã được đưa vào lưu thông. Việc mã hóa khiến gần như toàn bộ thông tin không thể được thay đổi sau khi đã đăng ký, và có nhiều bản sao được phân phối trên nhiều máy tính. Tất cả tạo nên mạng lưới blockchain công khai để bất kỳ ai cũng có thể kiểm tra khi có điều gì sai trái xảy ra. Quá trình mã hóa phức tạp chính là “người gác cổng” thay thế cho “người giữ sổ”, biến blockchain thành 1 thực thể độc lập.

Không chỉ là tiền ảo

Những bộ óc thông minh nhanh chóng cho rằng có thể sử dụng cơ chế tương tự cho nhiều thứ khác chứ không phải chỉ đối với tiền. Ethereum là 1 ví dụ. Hệ thống này cũng có 1 đồng tiền ảo giống như bitcoin với tên gọi ether, nhưng nó đã tiến thêm 1 bước khi cho phép người dùng sử dụng “hợp đồng thông minh”, những hợp đồng được tạo ra bởi hệ thống máy tính cho phép hai bên có thể tự đưa ra các điều khoản và thực thi thỏa thuận bằng công nghệ blockchain, không cần đến bên thứ ba.
Khi thầy tu dòng Francis Luca Pacioli viết cuốn sách giáo khoa đầu tiên về kỹ thuật ghi sổ kép vào cuối thế kỷ 15, ông đã không thể tiên đoán về những lợi ích to lớn mà kỹ thuật này mang lại. Tuy nhiên, ngày nay rất nhiều startup đã khẳng định rằng cuối cùng thì công nghệ blockchain sẽ thay đổi thế giới.

Công ty quản lý tài sản Everledger là 1 ví dụ. Công ty này đã đăng ký thông tin cho hơn 1 triệu viên kim cương để theo dõi chúng tốt hơn bằng công nghệ blockchain.

Một số công ty khác thì muốn sử dụng blockchain để theo dõi con người. Những em bé mới sinh sẽ được ghi vào những cuốn sổ cái trong blockchain, và mã được cấp cho mỗi người sẽ tương đương với giấy khai sinh. Nếu thông tin cá nhân của mọi người đều được đưa vào blockchain, họ sẽ kiểm soát thông tin của mình tốt hơn. Nếu 1 người đi thuê muốn chứng minh với chủ nhà rằng thu nhập của mình đủ cao để trang trải tiền thuê nhà, anh ta chỉ cần tiết lộ một số thông tin cần thiết thay vì phải cho chủ nhà xem toàn bộ lịch sử tín dụng như hiện nay.

Giáo sư Kevin Werbach của trường kinh doanh Wharton (ĐH Pennsylvania) thậm chí cho rằng blockchain còn cho phép con người lập ra những đất nước ảo với những luật lệ của riêng mình. Ra đời từ cuối năm 2014, đến nay, quốc gia ảo Bitnation đã có dân số khoảng 1.500. Bất cứ ai cũng có thể trở thành công dân, được cấp hộ chiếu ảo và còn có thể kết hôn, bất kể quốc tịch ngoài đời của họ. Các “công dân” được mã hóa, các giao dịch được thanh toán bằng tiền ảo.

Những “sổ cái số” có thể trở thành nguồn cung cấp sự thật đáng tin cậy. Ví dụ, 1 chiếc xe tham gia vào chuỗi blockchain sẽ có đầy đủ thông tin về xuất xứ, lịch sử sửa chữa và thậm chí những hành trình mà nó đã trải qua.

Georgia, Thụy Điển và Ukraine là những nước đang thử nghiệm công nghệ blockchain để quản lý đất đai. Bang Delaware của Mỹ, nơi phất lên nhờ thu hút được các công ty trên khắp thế giới đến đăng ký kinh doanh để tận dụng những chính sách ưu đãi hiếm có, cũng đang hướng tới sử dụng công nghệ blockchain.

Các giao dịch trên 1 blockchain có thể được sử dụng làm dữ liệu đầu vào cho những hợp đồng thông minh. Trong tương lai có thể xuất hiện những công ty ảo chỉ tồn tại trên nền tảng blockchain với những hợp đồng thông minh. Nỗ lực đầu tiên cho dạng này đã thất bại. Cách đây hơn năm, “The DAO” ra đời như một quỹ đầu tư mạo hiểm ảo. Nó đã huy động được hơn 160 triệu USD nhưng sau đó bị ăn cắp 60 triệu và phá sản. Tuy nhiên, một dạng đơn giản hơn là ICO – cách huy động vốn giống với IPO nhưng thay vì phát hành cổ phiếu các công ty sẽ phát hành mã token – đã cất cánh, hơn nữa còn làm dấy lên lo ngại về nguy cơ bong bóng.

Theo dạng thức gọi vốn tự động, các startup thiết lập hợp đồng thông minh trong Ethereum và phát hành “white paper” (hiểu nôm na là tài liệu giới thiệu). Sau đó nhà đầu tư có thể gửi tiền ảo ether đến hợp đồng thông minh, mã token sẽ tự động được tạo ra và có thể được giao dịch như các cổ phiếu. Tổng cộng hơn 550 triệu USD đã được huy động qua các vụ ICO. Tuy nhiên một số vụ ICO đã trở thành vụ lừa đảo.

Đến thời phi tập trung?

Albert Wenger, người đang làm việc tại quỹ đầu tư mạo hiểm Union Square Ventures (USV), cho rằng những tổ chức phi tập trung có thể thách thức các ông lớn công nghệ. Theo ông, xét đến cùng thì các ông lớn công nghệ hiện là những cơ sở dữ liệu tập trung khổng lồ. Nếu Amazon có lịch sử mua hàng thì Facebook sở hữu nhiều thông tin về người dùng và bạn bè của họ, trong khi Google có lịch sử duyệt web và tìm kiếm. “Những giá trị của các ông lớn công nghệ xuất phát từ hiện thực là họ kiểm soát gần như toàn bộ dữ liệu”, ông nói.

USV đang đầu tư vào chợ thương mại điện tử OpenBazaar. Thay vì phải truy cập vào website, người dùng sẽ down 1 ứng dụng kết nối trực tiếp họ với những người muốn mua bán hàng hóa dịch vụ. Quỹ còn đầu tư vào những startup xây dựng mạng xã hội dựa trên nền tảng blockchain cho phép người đóng góp nội dung kiếm tiền.

Trong thế giới vận hành bởi blockchain, đồ vật cũng có thể tự đưa ra quyết định. Cách đây vài năm, Mike Hearn, người từng phát triển bitcoin và hiện vẫn đang nghiên cứu về blockchain, đưa ra ý tưởng những chiếc xe tự lái hoàn toàn tự chủ. Với các hợp đồng thông minh, xe tự lái có thể kiếm tiền ảo sau khi trở khách, tự chi tiền sửa chữa hay thay thế linh kiện.

Khi đến cả đồ vật cũng có thể tự quyết định số phận của nó, vai trò của các Chính phủ sẽ là gì? Dù nhiều người mơ về viễn cảnh vô chính phủ, thực tế thì vẫn cần ai đó đảm bảo chắc chắn rằng thông tin được đưa vào blockchain là đúng. Ví dụ, ở Trung Quốc, các cơ quan chức năng cũng phải tham gia vào dự án thử nghiệm do IBM và Walmart thực hiện để đảm bảo mạng lưới cung cấp của Walmart minh bạch hơn.

Công nghệ blockchain sẽ giúp các chính phủ nhàn hạ hơn. Năm ngoái, chính phủ Dubai thông báo kế hoạch đưa tất cả các tài liệu lên blockchain vào năm 2020. Công nghệ sẽ tạo ra 1 hệ thống có chi phí khá rẻ mà các nước nghèo đang thiếu: 1 bộ máy lãnh đạo hoạt động hiệu quả hơn và có độ tin cậy cao hơn.

Dù blockchain đe dọa sẽ thay thế các NHTW, ngay từ đầu các thống đốc đã rất hào hứng với công nghệ này. Khi tất cả các ngân hàng có chung 1 sổ cái thay vì lưu trữ dữ liệu riêng rẽ, các nhà quản lý sẽ dễ dàng quan sát dòng tiền hơn. NHTW Canada và NHTW Trung Quốc đã thử nghiệm ý tưởng phát hành tiền ảo.

Nếu tiền điện tử thực sự thay thế tiền mặt, chính sách tiền tệ cũng sẽ đổi khác. Ví dụ, để kích cầu đối phó với khủng hoảng kinh tế, đồng tiền ảo sẽ được lập trình để giảm giá trị nếu như chúng không được tiêu trong 1 khoảng thời gian nhất định.

Công nghệ ngày nay vẫn chưa đủ phát triển để hỗ trợ cho những giả thiết nói trên. Các blockchain chưa thể nhận rộng (hệ thống bitcoin chỉ cho phép thực hiện 7 giao dịch mỗi giây, trong khi 1 mạng lưới thẻ tín dụng thông thường có thể thực hiện hàng nghìn giao dịch mỗi giây). Tuy nhiên, nếu nhìn vào lịch sử công nghệ, các rào cản này cuối cùng sẽ bị phá vỡ.

Một vấn đề lớn hơn là sự phản kháng của các định chế. Khi mọi thứ tự động vận hành thì một số người, một số bộ phận cũng mất đi quyền lực. Bên cạnh đó là rào cản về chính trị. Sau nhiều năm được đem ra bàn luận, đến nay bitcoin vẫn bị hoài nghi. Tuần trước Ủy ban chứng khoán Mỹ đã tuyên bố rằng hoạt động phát hành tiền ảo ICO nên được áp dụng một số yêu cầu an toàn giống như chứng khoán truyền thống.

Điều này dẫn đến câu hỏi lớn nhất: liệu có nên để blockchain vận hành thế giới? Đã xuất hiện một vài tiếng nói cảnh báo nhiều việc làm sẽ mất đi hoặc xã hội trở nên “điên loạn” vì những hệ thống blockchain lạnh lùng cứng nhắc và những hợp đồng quá đỗi thông minh. Và chắc chắn danh sách những mối lo sẽ ngày càng dài thêm.

>> Không phải bitcoin hay ethereum, đây mới là sản phẩm tài chính "bá đạo" nhất: tăng gần 4.000% từ đầu năm đến nay

 Theo Trí thức trẻ/Economist
Share:

Trang

Nổi bật

Giới siêu giàu kiếm tiền từ đâu?