Kiến thức chứng khoán - Kinh nghiệm đầu tư chứng khoán

Thứ Năm, 17 tháng 8, 2017

Khối ngoại mua ròng mạnh trong bảy tháng đầu năm

Trên sàn HOSE, khối ngoại đã mua ròng trong cả bảy tháng đầu năm 2017 với tổng giá trị mua ròng đạt 11.638 tỉ đồng. Mặc dù nắm tỷ trọng khá thấp nhưng nhà đầu tư nước ngoài vẫn có ảnh hưởng nhất định lên tâm lý thị trường.

Bảy tháng đầu năm, khối ngoại mua vào 381,5 triệu cổ phiếu, trị giá 12.624 tỉ đồng, trong khi bán ra 344,5 triệu cổ phiếu, trị giá 10.080 tỉ đồng. Ảnh: TL

 Mua ròng liên tiếp trong bảy tháng đầu năm

Trong tháng 7, giao dịch của nhà đầu tư nước ngoài trên thị trường chứng khoán Việt Nam tuy không còn sự đột biến từ hoạt động tái cơ cấu danh mục của các quỹ ETF như trong tháng 6 nhưng vẫn duy trì được sự sôi động. Cụ thể, khối ngoại mua vào 381,5 triệu cổ phiếu, trị giá 12.624 tỉ đồng, trong khi bán ra 344,5 triệu cổ phiếu, trị giá 10.080 tỉ đồng. Tổng khối lượng mua ròng đạt 37 triệu cổ phiếu, tương ứng giá trị mua ròng đạt 2.544 tỉ đồng.

Trên sàn HOSE, khối ngoại tiếp tục mua ròng rất mạnh, đạt hơn 2.807 tỉ đồng, tăng 33% so với giá trị mua ròng của tháng trước, tương ứng khối lượng mua ròng lên đến gần 63 triệu cổ phiếu. Trong đó, đáng chú ý nhất là động thái mua ròng tại cổ phiếu PGD. Cổ phiếu này trong tháng 7 đã được khối ngoại mua ròng lên đến 1.271 tỉ đồng, đa phần tập trung vào phiên 25-7-2017. Trong phiên đó, PGD bất ngờ được khối ngoại mua thỏa thuận lên đến 1.268 tỉ đồng (22,4 triệu cổ phiếu). Ngoài PGD thì tân binh ngành chứng khoán là Chứng khoán Bản Việt (mã: VCI) cũng được mua ròng rất mạnh, đạt 717 tỉ đồng. HPG tiếp tục là cái tên thu hút khối ngoại với giá trị mua ròng đạt trên 364 tỉ đồng.

Vai trò dẫn dắt tâm lý và điểm số của khối ngoại vẫn đang được duy trì nhưng sức mua để nâng đỡ thanh khoản cho thị trường hiện phần lớn thuộc về các nhà đầu tư trong nước.
Ở chiều ngược lại, SSI bị bán ròng hơn 373 tỉ đồng. Trái ngược với HPG, một cổ phiếu ngành thép khác là HSG bị bán ròng trên 272 tỉ đồng. Hai mã CTG và MSN bị bán ròng lần lượt 130 tỉ đồng và 129 tỉ đồng.

Như vậy, trên sàn HOSE, khối ngoại đã mua ròng trong cả bảy tháng đầu năm 2017 với tổng giá trị đạt 11.638 tỉ đồng.

Ngược với diễn biến của sàn HOSE, trên sàn HNX, trong tháng 7, khối ngoại có tháng bán ròng thứ hai liên tiếp với giá trị gấp 3,6 lần so với tháng trước và đạt 263,6 tỉ đồng, tương ứng khối lượng 25,9 triệu cổ phiếu. Mã bị bán ròng mạnh nhất là PVS, đạt 177 tỉ đồng. Tiếp đến, hai cổ phiếu ngân hàng là SHB và ACB bị bán ròng lần lượt 154 tỉ đồng và 32 tỉ đồng. Trong khi đó, VCS được mua ròng mạnh nhất nhưng giá trị chỉ đạt 21,2 tỉ đồng.

Trong tuần đầu tháng 8, mặc dù không còn giao dịch đột biến như tuần cuối tháng 7 nhưng khối ngoại vẫn duy trì trạng thái mua ròng mạnh với tổng giá trị lên tới gần 730 tỉ đồng. Trong đó, các cổ phiếu tài chính như BID, VCI, SHB... được khối này giao dịch mua bán khá mạnh.

Vẫn có vai trò dẫn dắt tâm lý dù tỷ trọng giao dịch giảm

Thống kê cho thấy trong sáu tháng đầu năm, thanh khoản trên thị trường chứng khoán Việt Nam có xu hướng tăng mạnh với tổng giá trị giao dịch tăng 57% so với cùng kỳ 2016. Tuy nhiên, giá trị giao dịch của nhà đầu tư nước ngoài chỉ tăng 20,3% khiến tỷ trọng giao dịch của khối ngoại giảm từ 13,4% xuống 10,3%. Điều này đồng nghĩa với việc giao dịch của nhà đầu tư trong nước ngày càng chiếm ưu thế. Cụ thể, tỷ trọng của nhóm nhà đầu tư cá nhân trong nước chiếm 76%, nhóm tổ chức trong nước tăng từ 6,8% trong năm 2016 lên 10,9% trong năm tháng đầu năm 2017. Ngược lại, nhóm tổ chức nước ngoài giảm từ 15,3% xuống 12,3%. Tỷ trọng của nhóm nhà đầu tư cá nhân nước ngoài vẫn không đáng kể.

Mặc dù nắm tỷ trọng khá thấp nhưng nhà đầu tư nước ngoài vẫn có ảnh hưởng nhất định lên tâm lý thị trường, điển hình trong những phiên giao dịch tái cơ cấu danh mục của các quỹ ETF. Trong nửa đầu năm 2017, nhà đầu tư nước ngoài đã mua ròng 92 phiên và chỉ bán ròng 29 phiên. Việc khối ngoại liên tiếp mua ròng đã tạo tâm lý hứng khởi cho thị trường. VN-Index đã tăng 18% so với thời điểm đầu năm với giá trị giao dịch bình quân tăng hơn 60% so với cùng kỳ năm 2016.

Dòng tiền của khối ngoại trong sáu tháng đầu năm hướng đến riêng lẻ một số cổ phiếu vốn hóa lớn có tác động mạnh đến VN-Index như VNM, PLX, ROS, HPG...

Cụ thể, giá trị mua ròng của VNM là hơn 4.300 tỉ đồng và SAB là 417,5 tỉ đồng; lần lượt chiếm 90% và 8,6% giá trị mua ròng của nhóm thực phẩm và đồ uống. Dòng tiền này chủ yếu đến từ việc tập đoàn F&N mua thành công VNM trực tiếp trên sàn với tổng cộng 34,6 triệu cổ phiếu sau khi tổ chức này đã mua vào 78,4 triệu cổ phiếu VNM do SCIC bán ra thông qua đấu giá hồi cuối tháng 12-2016. Lực cầu từ F&N cùng với những chuyển động tích cực của yếu tố cơ bản như tăng thị phần nội địa, mở rộng kênh xuất khẩu và giá nguyên liệu ổn định là động lực chính giúp VNM là cổ phiếu đóng góp chính (+21,8 điểm) vào 111,1 điểm gia tăng của VN-Index trong sáu tháng đầu năm.

Trong nhóm xây dựng và vật liệu, khối ngoại mua ròng chủ yếu ở các cổ phiếu ROS (1.006 tỉ đồng), CTD (594 tỉ đồng), CII (299 tỉ đồng), VGC (149,6 tỉ đồng). Trường hợp đáng chú ý là ROS được mua ròng chủ yếu thông qua hai quỹ ETF vào kỳ xem xét danh mục tháng 3 và tháng 6-2017 nên dù được mua vào giá trị lớn thì giá cổ phiếu vẫn không được hỗ trợ nhiều, thậm chí ROS đã lấy mất 4,2 điểm của VN-Index trong sáu tháng đầu năm.Trong khi đó, một mã vật liệu khác là HT1 bị bán ròng 253,6 tỉ đồng và một mã xây dựng là HBC bị bán ròng 115,3 tỉ đồng.

Nhóm cổ phiếu duy nhất bị khối ngoại bán ròng mạnh trong hai quí đầu năm là nhóm bất động sản với giá trị 1.080 tỉ đồng, rải đều ở các nhà phát triển bất động sản đang niêm yết hiện nay như DXG (389 tỉ đồng), QCG (276 tỉ đồng), VIC (211 tỉ đồng), NLG (210 tỉ đồng), KDH (130 tỉ đồng), SCR (125,5 tỉ đồng).

Về tổng thể, vai trò dẫn dắt tâm lý và điểm số của khối ngoại vẫn đang được duy trì trên thị trường chứng khoán Việt Nam. Tuy nhiên, sức mua để nâng đỡ thanh khoản cho thị trường hiện phần lớn thuộc về các nhà đầu tư trong nước.


TBKTSG
Share:

Trang

Nổi bật

Giới siêu giàu kiếm tiền từ đâu?