Ở ngành sữa, các sản phẩm dành cho trẻ em nhiều hơn rất nhiều so với sản phẩm dành cho người già. Ảnh: Minh Tâm |
Công ty nghiên cứu thị trường Kantar Worldpanel Việt Nam trong báo cáo “Tiềm năng tăng trưởng thị trường dinh dưỡng 2017” phát hành hôm nay, 14-8 dẫn số liệu của Tổng cục Thống kê Việt Nam và Cục Điều tra dân số Mỹ cho biết, đến năm 2020, số lượng người trên 50 tuổi tại Việt Nam sẽ đạt 22 triệu, tăng 4 triệu so với năm 2015 và chiếm khoảng 22% tổng dân số.
Đây chính là cơ hội cho các doanh nghiệp ở ngành hàng thực phẩm với việc tìm ra các loại thực phẩm và thức uống đáp ứng nhu cầu dinh dưỡng của nhóm khách hàng độ tuổi này.
Bởi lẽ, một trong những xu hướng lớn nhất của ngành dinh dưỡng trong tương lai là người tiêu dùng đòi hòi ngày càng cao về việc được đáp ứng nhu cầu cá nhân.
Không chỉ vậy, dư địa tăng trưởng của các doanh nghiệp vẫn còn rất lớn khi ở thời điểm hiện tại, theo Kantar Worldpanel, thị phần của thức uống dinh dưỡng dành cho lứa tuổi từ 50 trở lên chỉ mới chiếm khoảng 18% trong tổng thị phần nước uống không cồn. Con số này thấp hớn rất nhiều so với nhóm khách hàng ở lứa tuổi 4-6 (tới 80,6%); 7-13 (59,7%) hay thậm chí là nhóm 14-19 tuổi (30,1%)…
Theo ghi nhận của TBKTSG Online, thị trường sản phẩm dinh dưỡng dành cho người già ở thời điểm hiện tại vẫn chưa thực sự sôi nổi khi vẫn chưa nhiều doanh nghiệp khai thác. Chẳng hạn như sản phẩm sữa, cũng chỉ vài nhà sản xuất tham gia (chủ yếu vẫn tập trung vào khách hàng trẻ em) như Abbott (sữa Ensure), Vinamilk (Sure Prevent)... Một số doanh nghiệp có sản phẩm nhưng chưa chuyên biệt cho người già, mà hướng đến đồng thời nhiều đối tượng, từ trẻ em đến người già.
Trở lại với báo cáo của Kantar Worldpane, ngược lại, ở nhóm sản phẩm dành cho trẻ em 0-13 tuổi, tình hình cạnh tranh giữa các chủng loại, dòng sản phẩm mới sẽ ngày càng khốc liệt.
Nguyên nhân là số trẻ em không những không tăng mà còn giảm đi (dự báo là 22,3 triệu vào năm 2020, giảm 0,4 triệu so với năm 2015).
Quan trọng hơn là lượng dinh dưỡng của trẻ em ngày càng cải thiện, nạp vào khá đầy đủ. Điều này do các hộ gia đình, nhất là khu vực nông thôn, ngày càng quan tâm đến sức khỏe của con em mình và chi nhiều tiền cho các sản phẩm sữa, thức uống dinh dưỡng…
Những biểu hiện này, theo Kantar Worldpanel, cho thấy xu hướng chính định hình tương lai của ngành thực phẩm và đồ uống dinh dưỡng mà các nhà sản xuất phải đặc biệt lưu ý là phát triển những sản phẩm phù hợp với nhu cầu cá nhân. Bởi lẽ, người tiêu dùng đòi hỏi ngày càng cao tính cá nhân hóa.
Không chỉ vậy, các nhà sản xuất còn phải lưu ý hàng loạt vấn đề khác.
Thứ nhất, họ nghi ngờ nhiều hơn các thông tin trên tin tức, quảng cáo, truyền miệng, khuyến mãi theo hướng càng nghe nhiều, càng tin ít. Do vậy, họ muốn tự mình tìm kiếm thông tin về sản phẩm trước khi quyết định.
Đồng thời, họ ngày càng phản ứng gay gắt hơn với các vụ bê bối, diễn ra ở cả thành thị và nông thôn khi người tiêu dùng ở đây đã cập nhật tin tức nhiều hơn.
Khảo sát cho thấy, một loại nước tăng lực đã mất lần lượt 43% và 40% người tiêu dùng ở thành thị và nông thôn sau 3 tháng xảy ra bê bối về sản phẩm.
Thứ hai, người tiêu dùng sẵn sàng chi trả cao hơn cho những thực phẩm tự nhiên, tốt cho sức khỏe (80% người tiêu dùng được hỏi đồng ý với quan điểm này). Cứ có thông điệp này là sản phẩm sẽ tăng được sản lượng tiêu thụ. Chẳng hạn, sản phẩm bánh gạo đã tăng được số hộ mua thêm trên dưới 18 điểm phần trăm (tính bình quân cả ở nông thôn lẫn thành thị) sau 2 năm (năm 2016 so với năm 2014).
Thứ ba là nhu cầu cân bằng dinh dưỡng để kiểm soát chiều cao và cân nặng. Trong đó, trẻ em ở nông thôn sẽ được cha mẹ cho sử dụng nhiều sữa, sản phẩm từ sữa hơn.
Nhờ vậy, các sản phẩm như sữa bột pha sẵn, thức uống lúa mạch dạng nước, bánh mềm… sẽ tiếp tục tăng trưởng. Trong khi đó, người lớn ở thành thị lại ưu tiên các sản phẩm không hoặc ít đường, chất béo… như sữa chua không đường, sữa nước không đường…
Cuối cùng là xu hướng về dinh dưỡng hơn mức cơ bản, nghĩa là người tiêu dùng chú trọng chăm sóc sức khỏe có xu hướng tìm kiếm những sản phẩm cung cấp nhiều dinh dưỡng hơn như sữa bổ sung canxi cho người lớn; nhân sâm… và tiện lợi. Trong thời gian qua, các sản phẩm dạng này đã tăng trưởng khá về tỷ lệ hộ gia đình mua.
Theo Kantar Worldpanel, thị trường dinh dưỡng đã tăng trưởng 2 con số trong 5 năm qua và dự báo tiếp tục tăng tốc để đạt 6 tỉ đô la Mỹ vào năm 2020 (đã đạt 4,1 tỉ đô la vào năm 2016). Thị trường chính của các sản phẩm này vốn là thành thị nhưng đang phát triển nhanh ở nông thôn. Người tiêu dùng ngày càng có nhiều sự lựa chọn, nhất là các gia đình có con nhỏ.
Ngành hàng dinh dưỡng được định nghĩa gồm sữa, sản phẩm từ sữa; thức uống lúa mạch; mỳ, cháo; bánh quy, bánh mềm; thực phẩm đóng hộp; thực phẩm chế biến và thực phẩm đông lạnh.
TBKTSG