Mới niêm yết nhưng cổ phiếu VPBank được định giá tới 39.000 đồng, cao hơn Vietcombank, gấp đôi BIDV, VietinBank.
Ngân hàng Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank) sẽ chính thức giao dịch hơn 1,3
tỷ cổ phiếu VPB trên Sở giao dịch chứng khoán TP HCM (HoSE) từ ngày
17/8. Mức giá tham chiếu trong ngày chào sàn của VPB được thông báo là
39.000 đồng một cổ phần, cao hơn cả mức 37.000 - 38.000 đồng của cổ
phiếu vốn được mệnh danh là "vua" trong ngành ngân hàng như VCB của Ngân
hàng Ngoại thương (Vietcombank) gần đây. Nếu so với mức giá khoảng
20.000 đồng của 2 "ông lớn" khác như BID (Ngân hàng Đầu tư và Phát triển
Việt Nam) hay CTG (Ngân hàng Công Thương Việt Nam), cổ phiếu VPB còn
được định giá gần gấp đôi.
Lý giải với VnExpress về sự "bất thường" này, ông Bùi Nguyên
Khoa - Trưởng bộ phận Phân tích thị trường Công ty chứng khoán BIDV
(BSC) cho rằng điều này là dễ hiểu nếu nhìn vào các chỉ số tạo lợi
nhuận. Ông Khoa cho biết, với chiến lược bán lẻ của mình, VPBank đang có
các chỉ số như ROE (tỷ suất lợi nhuận trên vốn chủ sở hữu), ROA (tỷ
suất lợi nhuận trên tổng tài sản bình quân) hay NIM vượt trội, thậm chí
gấp đôi so với mặt bằng chung ngành ngân hàng nên mức giá đó không quá
khó hiểu.
VPBank lên sàn HoSE từ ngày 17/8.
Thực tế, trong năm 2016, VPBank có mức lãi sau thuế gần 3.900 tỷ đồng,
dẫn đầu các nhà băng cổ phần và chỉ bằng khoảng 70% so với các ông lớn
quốc doanh. Tuy nhiên, nếu xét về khả năng tạo lợi nhuận thì họ lại dẫn
đầu. Trong khi mặt bằng chung của các ngân hàng đã niêm yết chỉ đạt ROAE
khoảng 11-14%, riêng Vietcombank cao nhất là 14,7% thì của VPBank tới
25,7%. Tương tự với ROA, ngoại trừ Ngân hàng Quân đội có tỷ suất trên
1%, các nhà băng khác, kể cả Vietcombank, VietinBank hay BIDV đều dưới
1% thì tỷ suất của VPBank tới 1,7%.
Tuy nhiên, đi kèm với những con số
tạo lợi nhuận "đẹp như tranh" này, VPBank cũng là ngân hàng đang có tỷ
lệ nợ xấu khá cao so với mặt bằng chung. Chưa kể, phân
khúc khách hàng mà VPBank đang đối mặt cũng khá rủi ro, chủ yếu là tín
chấp với bán lẻ và vẫn còn nhiều bóng dáng của các ông lớn "bất động
sản" trong mảng bán buôn.
Trao đổi với VnExpress, ông Nguyễn Đức Vinh - Tổng giám đốc
VPBank thẳng thắn thừa nhận là đơn vị có tỷ lệ nợ quá hạn nằm trong nhóm
những ngân hàng cao. "Nhưng chúng tôi có hai điểm, một là số liệu đưa
ra cố gắng rõ ràng và minh bạch nhất. Hai là VPBank có các giải pháp
cũng như hệ thống kiểm soát rủi ro có thể kiểm soát được. Tôi nghĩ chúng
tôi có thể làm ra đủ doanh thu để dự phòng cho những tình huống xấu
nhất", ông Vinh nói.
Nói thêm về mức giá 39.000 đồng, có ý kiến cho rằng, giá cổ phiếu
VPBank "thăng hoa" còn một phần nhờ "hợp thời". Từ đầu năm 2016, giá cổ
phiếu ngân hàng đều bứt tăng mạnh. Nếu như trước đây các cổ phiếu OTC
(sàn giao dịch chưa niêm yết) không được nhiều người để ý và rất nhiều
mã giá chỉ dưới mệnh giá thì năm nay, hầu hết đã vượt 10.000 đồng. Một
số cổ phiếu như VIB, Techcombank, VPBank thậm chí còn tăng "nóng".
Trước khi lên HoSE, giá của cổ phiếu VPB tại OTC đã nhiều lần vượt
37.000, 38.000 đồng. Trường hợp này khá giống với VIB trước khi niêm yết
trên UPCoM vào đầu năm 2017. Theo nhiều chuyên gia, giá các cổ phiếu
trước khi niêm yết luôn có xu hướng bứt tăng khá mạnh.
Lý giải thêm về việc này, ông Bạch An Viễn - Trưởng phòng phân tích
Công ty chứng khoán KIS Việt Nam bình luận: "Xu hướng thị trường hiện
nay VNIndex liên tục tăng nên có vẻ các doanh nghiệp niêm yết mới cũng
có xu hướng để giá hấp dẫn nhất với các cổ đông hiện hữu".
"Thực tế nếu so sánh mức định giá thì tôi nghĩ 39.000 đồng không phải
đắt nhưng mức này duy trì được bao lâu thì cần cân nhắc. Theo tôi, trong
1-2 năm tới, mảng bán lẻ VPBank vẫn sẽ tốt vì họ còn đang đi đầu. Nhưng
tạm thời đó là trong ngắn hạn, còn lâu dài thì tôi e là khó", ông Bùi
Nguyên Khoa phân tích.
Ngược lại, cũng không ít ý kiến cho rằng mức giá này là đắt với một cổ
phiếu ngân hàng mới trên sàn. Lý do theo ông Bạch An Viễn là thị trường
đã có hơn 10 cổ phiếu ngân hàng niêm yết, như vậy hàng hoá trong phân
khúc này không còn là hiếm và nhà đầu tư đang có rất nhiều lựa chọn tốt
với mức giá còn hợp lý. Tuy nhiên, theo đại diện của Chứng khoán KIS
Việt Nam, nhà đầu tư đã mua trước đó nên nắm giữ chờ đợi sau niêm yết có
mức giá hợp lý hơn để chốt lời.
"Ngược lại, nếu muốn mở vị thế mua mới thì nhà đầu tư nên cân nhắc kỹ
hơn bởi với một cổ phiếu theo tôi là chất lượng như VPBank thì lo lắng
về rủi ro kinh doanh không nhiều. Thay vào đó, một rủi ro cần lưu ý lại
là áp lực chốt lời bởi mức giá ban đầu đã khá cao với P/B lên đến 2,7
lần, cao nhất trong khối ngân hàng niêm yết cho dù hiệu quả kinh doanh
của VPB cũng là tốt nhất. Do đó, có vẻ như chiến lược nắm giữ và mua
thêm chỉ phù hợp với nhà đầu tư dài hạn”, ông Bạch An Viễn phân tích.
Sau niêm yết, giá trị vốn hoá của VPBank ước tính khoảng gần 52.000 tỷ
đồng, thành nhà băng tư nhân có giá trị vốn hoá lớn nhất trên thị trường
chứng khoán.
Trước đó, trong năm 2017 đã có 2 ngân hàng đưa cổ phiếu lên sàn chứng
khoán UPCoM, gồm Ngân hàng Quốc tế (VIB), Ngân hàng Kiên Long
(KienLongBank). Sắp tới, thị trường sẽ chờ đón hai ngân hàng nữa là
Techcombank và LienVietPostBank lên sàn chứng khoán.
Vnexpress