Kiến thức chứng khoán - Kinh nghiệm đầu tư chứng khoán

Thứ Năm, 21 tháng 9, 2017

'Bàn tay đen': Những phi vụ khuấy đảo hiếm có

Hành vi thao túng trên thị trường chứng khoán ngày càng tinh vi và vẫn chưa thuyên giảm nhiều cho dù mức phạt tiền ngày càng có xu hướng gia tăng. Đó được xem như những 'bàn tay đen' gây ra hàng loạt các biến động gây náo loạn, bất ổn cho thị trường. Dù bị phạt cả tỷ đồng nhưng món lợi quá lớn khiến 'tay to' không biết sợ. 

Vụ thao túng kinh điển

Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCK) vừa ban hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực chứng khoán và thị trường chứng khoán đối với ông Phan Sỹ Hải với số tiền phạt lên tới 550 triệu đồng.

Theo kết luận, ông Phan Sỹ Hải đã dùng 28 tài khoản, trong đó 3 tài khoản đứng tên mình và 25 tài khoản đứng tên người khác để thao túng giá cổ phiếu VMD trong khoảng thời gian từ đầu tháng 1 cho đến cuối tháng 4/2016.

Sau gần 1 năm rưỡi, ông Phan Sỹ Hải đã bị buộc tội mua bán để tạo cung cầu giả tạo đối với cổ phiếu VMD của công ty Cổ phần Y Dược phẩm Vimedimex.

Trong khoảng thời gian khoảng 4 tháng ông Hải tạo cung cầu giả đối với VMD, cổ phiếu này đã có giá biến động khá mạnh trong khoảng từ 26 ngàn đồng/cp lên đến 40 ngàn đồng/cp với khối lượng giao dịch trung bình hơn 60 ngàn đơn vị được chuyển nhượng trong mỗi phiên.
 Thao túng kinh điển trên thị trường chứng khoán.

Tổng khối lượng giao dịch lên tới hơn 7 triệu đơn vị, trị giá hàng trăm tỷ đồng. Với chênh lệch mua bán cao nhất lên tới 14 ngàn đồng/cp, số tiền chênh lệch trung bình giữa giá mua vào bán có thể lên tới hàng chục tỷ đồng.

Mặc dù vậy, theo kết luận của UBCK, căn cứ kết quả kiểm tra và các tài liệu có trong hồ sơ, xem xét tính toán số lợi bất hợp pháp từ việc thực hiện hành vi vi phạm cho thấy không có số lợi bất hợp pháp từ hành vi vi phạm của ông Phan Sỹ Hải.

Trước đó, hồi giữa tháng 8, cơ quan chức năng đã xử phạt bà Trần Thị Minh Phượng 600 triệu đồng vì hành vi thao túng cổ phiếu HNG của CTCP Nông nghiệp Quốc tế Hoàng Anh Gia Lai (HAGL Agrico) của ông Đoàn Nguyên Đức (Bầu Đức).

Theo kết luận, bà Phượng đã sử dụng 42 tài khoản mở tại 16 công ty chứng khoán để giao dịch cổ phiếu HNG nhằm mục đích tạo cung cầu giả tạo, thao túng cổ phiếu HNG.

Hành vi “thao túng” của bà Trần Thị Minh Phượng bắt đầu từ đúng ngày cổ phiếu này lên sàn từ giữa tháng 7/2015 và kéo dài gần nửa năm. Gần một năm rưỡi sau đó, ngày 10/8/2017, UBCKNN mới ra quyết định xử phạt.

Khoảng thời gian bà Trần Thị Minh Phượng thực hiện hành vi mua bán thao túng cổ phiếu HNG cũng là giai đoạn cổ phiếu hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp của ông Đoàn Nguyên Đức (Bầu Đức) giữ mức giá cao chót vót 30.000-33.500 đồng/cp.

Sau hơn nửa năm ở ngưỡng cao ngất ngưởng, cổ phiếu HNG bất ngờ tụt giảm xuống dưới 10 ngàn đồng và có lúc xuống tới 5.000 đồng/cp, khiến nhiều cổ đông thủng túi. Đến thời điểm hiện tại, HNG vẫn chưa vượt lên được trên mệnh giá.

Bề nổi của tảng băng chìm

Tình trạng vi phạm trên thị trường chứng khoán vẫn khá phổ biến và mức xử lý vi phạm có chiều hướng gia tăng. Tuy nhiên, giới đầu tư cho rằng, thực tế sai phạm ở mức cao hơn nhiều, số lượng bị xử phạt mới chỉ là bề nổi.

Sai phạm chứng khoán còn nhiều.
Sai phạm chứng khoán còn nhiều.

Không những thế, việc xử phạt dường như mới chỉ có tính răn đe ở mức khá thấp bởi lợi ích mà những người vi phạm trục lợi có thể lớn hơn nhiều so với số tiền phạt nếu không may bị phát hiện.

Những trưởng hợp như ông Hoàng Đức Dũng cũng đã bị phạt 550 triệu đồng và nộp 400 triệu đồng khắc phục hậu qua do mở 26 tài khoản để thao túng giá cổ phiếu TNT, hay ông Trần Thanh Hữu, thành viên HĐQT Cmistone (CMI) bị phạt 705 triệu đồng vì thao túng giá cổ phiếu CMI, ông Trần Thanh Điền cũng đã bị phạt do dùng tài khoản của mình và 7 tài khoản tạo cung cầu giả cổ phiếu DAT… rất nhiều.

Nhiều cổ phiếu tụt giảm cả chục lần và biến mất như các cổ phiếu ma MTM, HID… sau một thời gian tăng nóng… Vụ HNG của Bầu Đức, với 770 triệu cổ phiếu, ở vào thời kỳ đỉnh cao, DN này có vốn hóa lên tới 1,2 tỷ USD nhưng sau đó bốc hơi 800 triệu USD. Rất nhiều nhà đầu tư thủng túi khi mua vào ở đỉnh cao.

Thao túng xảy ra khá nhiều đối với các cổ phiếu mới lên sàn, tăng giá rất mạnh rồi giảm sâu. Thao túng kinh điển còn diễn ra ở nhiều cổ phiếu nóng, tăng chóng mặt nhưng rồi tụt giảm khiến nhiều nhà đầu tư thủng túi.

Thời gian để xử lý các vi phạm cũng khá lâu. Nhiều vụ xử lý với mức tiền lớn như trường hợp ông Phan Sỹ Hải hay bà Trần Thị Minh Phương gần đây đều có sai phạm diễn ra trước đó khoảng 1 năm rưỡi.

Điều đáng nói là, mức phạt hiện khá cao, có thể lên tới 500 triệu đồng đến cả tỷ đồng. Tuy nhiên, nếu so với những biến động có thể chênh lệch tới vài chục cho tới cả ngàn tỷ của vốn hóa doanh nghiệp đó thì mức phạt nói trên có lẽ chưa đủ sức răn đe.

Nếu đặt ra bài toán về lợi ích, việc “làm giá” cổ phiếu xem ra là một hình thức kinh doanh rất béo bở, nếu bị phát hiện vẫn có thể lời rất nhiều. Còn nếu không bị phát hiện thì “được tất”. Nếu bị phạt thì cũng chỉ là phạt hành chính bởi theo hầu hết các kết luật, cơ quan quản lý không thể được khoản lợi bất chính từ hành vi vi phạm như kết luận đối với hành vi vi phạm của ông Phan Sỹ Hải. 

Điều đó có nghĩa là không thể xử lý hình sự.

Tại Trung Quốc, việc xử lý sai phạm trên TTCK có sự vào cuộc rất mạnh của cơ quan công an. Gần đây, Trung Quốc đã quyết định điều tra lãnh đạo ủy ban giám sát chứng khoán vì tham nhũng.
 



Vietnamnet
Share:

Trang

Nổi bật

Giới siêu giàu kiếm tiền từ đâu?