Hàng loạt cổ phiếu đang trong diện bị cảnh báo, kiểm
soát, hoặc đứng trước nguy cơ bị hủy niêm yết đang khiến nhà đầu tư
"khóc dở" khi băn khoăn lựa chọn cắt lỗ hay tiếp tục chờ đợi.
Gỗ Trường Thành (TTF): Vừa xong scandal hàng tồn kho lại đến nguy cơ hủy niêm yết
Mới đây nhất là thông tin cổ phiếu TTF của Tập đoàn Kỹ nghệ Gỗ Trường Thành đang đứng trước nguy cơ phải hủy niêm yết bắt buộc do LNST thuộc về công ty mẹ 1,3 tỷ đồng và LNST chưa phân phối đến 30/6/2017 trên BCTC soát xét bán niên là số âm 1.462 tỷ đồng, chiếm 98% vốn điều lệ.
Bên cạnh đó, kiểm toán cho rằng khoản thu nhập do được miễn lãi vay của công ty gần 84 tỷ đồng ghi nhận vào khoản thu nhập khác là không chắc chắn và không đúng quy định hiện hành. Đây được xem là khoản cứu cánh cho một kỳ kinh doanh không khả quan của Gỗ Trường Thành.
Nếu không ghi nhận khoản lãi này, TTF sẽ lỗ lũy kế đến cuối tháng 6 lên con số 1.500 tỷ đồng, vượt vốn điều lệ, thuộc trường hợp chứng khoán bị hủy niêm yết bắt buộc. Mọi việc còn chờ giải trình hoặc các hành động khác từ phía công ty. Một trong những giải pháp hiện hữu của Gỗ Trường Thành khi không “gỡ” được lợi nhuận là hành động tăng vốn.
Trước đó, cổ phiếu TTF đã bị đưa vào diện bị kiểm soát từ 24/4/2017 do LNST chưa phân phối đến cuối năm 2016 là -1.417 tỷ đồng và LNST thuộc về cổ đông công ty mẹ -1.271 tỷ đồng.
Diễn biến giá cổ phiếu TTF trong 3 năm qua.
Việc để cổ phiếu rơi vào diện bị kiểm soát từ cuối tháng 4 và nay lại đứng trước nguy cơ bị hủy niêm yết trong lúc công ty đang tích cực cải cách, hàng loạt biện pháp cải tổ đang được đưa ra lại một lần nữa khiến cổ đông Gỗ Trường Thành băn khoăn nên “dứt áo ra đi” hay vẫn bám trụ chờ thời cơ mới với doanh nghiệp.
Trong số đó, lý do hủy niêm yết cổ phiếu BHS của Đường Biên Hòa là do công ty sáp nhập với Mía đường Thành Thành Công Tây Ninh. Cổ đông Đường Biên Hòa đã được chuẩn bị trước tư tưởng từ rất lâu, và cũng đã có sự chọn lựa giữa việc hoán đổi hay bán chốt lãi cổ phiếu trước thời điểm sáp nhập do bộ đôi BHS, SBT tăng mạnh thời gian đó.
VHG của Cao su Quảng Nam chọn đường hủy niêm yết để bảo vệ cổ đông
Đối với VHG của Cao su Quảng Nam, ĐHCĐ công ty đã thông qua tờ trình đề nghị hủy niêm yết tự nguyện cổ phiếu VHG trên HoSE và chuyển sang đăng ký giao dịch trên UpCOM. Nguyên nhân cũng không hay ho gì khi kết quả kinh doanh công ty không khởi sắc. Riêng 6 tháng đầu năm 2017 đã lỗ 246 tỷ đồng trong khi mục tiêu năm 2017… lỗ 200 tỷ đồng. Và dù "hoàn thành mục tiêu lỗ", cổ phiếu VHG cũng “sẽ” rơi vào diện bị kiểm soát đặc biệt, thời gian giao dịch bị rút ngắn còn 15 phút cuối phiên hoặc không được giao dịch. Do vậy VHG đã “tính” trước quyền lợi cho cổ đông để tránh việc cổ phiếu bị kiểm soát.
Trên thị trường, VHG cũng đang bắt đáy với giá giao dịch quanh mốc 1.820 đồng/cổ phiếu. Tuy nhiên, thanh khoản cổ phiếu VHG vẫn khá cao, lượng cổ phiếu khớp lệnh mỗi phiên rất lớn, nhà đầu tư hoàn toàn có cơ hội lựa chọn ở lại cùng công ty hoặc thoát hàng đều dễ.
G20 và hành trình trên sàn
Một điển hình gần đây chính là cổ phiếu G20 của CTCP Đầu tư Dệt may G.Home. Vào tháng 3/2015, G20 chính thức đưa 9,6 triệu cổ phiếu lên giao dịch tại thị trường UPCoM và 6 tháng sau thì chuyển lên niêm yết tại HNX với giá tham chiếu 11.300 đồng/CP. Tuy nhiên, chưa tròn 2 năm sau cổ phiếu G20 đã phải rời sân chơi HNX và xuống giao dịch lại tại UPCoM do kiểm toán từ chối đưa ra ý kiến đối với báo cáo tài chính kiểm toán 2016.
Hiện giá giao dịch cổ phiếu G20 ở mức 1.500 đồng/cổ phiếu, tạo lập đáy mới.
Diễn biến giá cổ phiếu G20 từ khi lên sàn.
TBT quyết định ngừng kinh doanh 1 năm
Không thuộc số chứng khoán phải hủy niêm yết, nhưng CTCP Xây dựng công trình Giao thông Bến Tre vừa phát đi thông báo sẽ tạm ngừng hoạt động kinh doanh 1 năm kể từ đầu tháng 10 tới do nguồn tài chính gặp khó khăn. Kết quả kinh doanh của công ty cũng không khả quan khi khoản lỗ 47,6 tỷ đồng năm 2016 đã nâng tổng lỗ lũy kế lên gần 60 tỷ đồng và là năm báo lỗ thứ 4 liên tiếp.
Giá cổ phiếu TBT cũng đã mất đi 65% giá trị kể từ đầu tháng 8 đến nay. Cổ phiếu TBT đã bị
đưa vào danh sách những cổ phiếu bị hạn chế giao dịch trên UpCOM từ 14/4/2017, chỉ được giao dịch vào phiên thứ 6 hàng tuần. Cũng rất ít giao dịch được khớp lệnh. Kể cả việc Phó TGĐ Dương Văn Phê muốn bán hết 2.100 cổ phiếu trong tháng 6 vừa qua cũng không thực hiện được do diễn biến thị trường chưa phù hợp.
BGM bị hủy niêm yết bắt buộc do vi phạm công bố thông tin
Không phải do lỗ, mà cổ phiếu BGM bất ngờ bị hủy niêm yết bắt buộc trên HoSE do vi phạm nghiêm trọng về nghĩa vụ công bố thông tin từ 10/8 vừa qua, tuy nhiên trước đó cổ phiếu BGM đã bị tạm ngừng giao dịch từ 29/3/2017, sau hơn 6 tháng đưa vào diện bị kiểm soát đặc biệt. Giá đóng cửa phiên giao dịch cuối cùng trên HoSE chỉ 860 đồng/cổ phiếu.
Hàng loạt cổ phiếu đang ở trong diện kiể, soát, kiểm soát đặc biệt
Cổ phiếu OGC của Tập đoàn Đại Dương có lẽ là một trong những cổ phiếu được nhà đầu tư quan tâm rất nhiều. Cổ phiếu này đã bị đưa vào diện bị kiểm soát từ 21/4/2017 do LNST công ty mẹ và LNST chưa phân phối đến cuối năm 2016 là số âm.
Tính ngược lại, 3 năm trước OGC đang ở mức giá xấp xỉ 14.000 đồng/cổ phiếu, tuy nhiên hiện giờ chỉ quanh mốc 2.600 đồng/cổ phiếu, đã tăng khá mạnh so với giai đoạn quý 1 giao dịch dưới 1.400 đồng/cổ phiếu.
Mới đây HoSE đã thông báo giữ nguyên diện cảnh báo với cổ phiếu NVT của Minh Vân Bay do LNST công ty mẹ và LNST chưa phân phối đến 31/6/2017 là số âm.
Cổ phiếu PNC bất ngờ tăng trần 3 phiên giao dịch gần đây với lượng khớp lệnh mỗi phiên chỉ hàng chục cổ phiếu. PNC bị đưa vào diện bị cảnh báo và kiểm soát đặc biệt từ 13/2/2017 do LNST chưa phân phối đến cuối năm 2016 là số âm, đồng thời công ty đã vi phạm nghiêm trọng về nghĩa vụ công bố thông tin.
Cẩn trọng với những cổ phiếu đang bị cảnh báo, kiểm soát
Theo thống kê tính đến tháng 9/2017, trên HOSE có hơn 10 mã chứng khoán thuộc diện bị kiểm soát, trong đó có 3 mã thuộc diện kiểm soát đặc biệt (TTF, JVC, PNC). Bên cạnh đó, có hơn 20 mã chứng khoán thuộc diện bị cảnh báo (bao gồm JVC và PNC).
Trên sàn HNX có 1 cổ phiếu ngừng giao dịch là HNM, 5 cổ phiếu bị hạn chế giao dịch là CMI, FID, KHL, MIM, SGO còn trên sàn UPCoM, ngoài một số mã bị tạm ngừng giao dịch như FBA, KTB, MTM, PTK, VKP, VSP, còn có gần 90 mã bị hạn chế giao dịch.
>> Liên hệ Mua bán cổ phiếu - Tư vấn đầu tư - Ủy thác đầu tư
Theo Trí thức trẻ