Tỷ phú cho rằng bong bóng xuất phát từ những giả
thiết nghe có vẻ hợp lý, kích thích người ta mua vào và đẩy giá tăng
lên chóng mặt.
Trong một cuộc phỏng vấn với Ủy ban Điều tra Khủng hoảng Tài chính năm
2010, huyền thoại đầu tư Warren Buffett đã trả lời một số câu hỏi về
quan điểm cá nhân với bong bóng nhà đất và tín dụng. Ông cũng đưa ra
giải thích về cách cách bong bóng hình thành, giúp những người muốn đầu
tư hoặc nghiên cứu kinh tế học hành vi:
"Người thầy cũ của tôi - Ben Graham khoảng 50 năm trước đã nói một điều
khiến tôi nhớ đến tận bây giờ và ngày càng thấy đúng. Ông ấy nói: 'Con
sẽ gặp nhiều rắc rối hơn khi đầu tư dựa trên một giả thiết có lý, so với
một giả thiết phi lý'.
Nếu bạn giả sử mặt trăng làm từ phô mai hay thứ gì đó, nghe đã thấy kỳ
cục rồi. Nhưng nếu bạn cho rằng cổ phiếu sẽ cho lợi nhuận cao hơn trái
phiếu, nó đã trở thành giả thiết thổi phồng bong bóng chứng khoán 1929.
Khi ấy, mọi người nghĩ rằng cổ phiếu bắt đầu hấp dẫn. Và thế là họ quên
hết những hạn chế của giả thiết ban đầu. Theo thời gian, giả thiết này
trở thành lực đẩy tạo nên bong bóng. Nó bị lãng quên khi diễn biến giá
xuất hiện.

Giờ đây, chúng ta đang chứng kiến điều tương tự trên thị trường nhà đất.
Bạn hoàn toàn có lý khi cho rằng giá nhà sẽ tăng dần theo thời gian, do
đôla Mỹ yếu đi.
Khi có tới 66 - 67% người dân muốn có nhà riêng, rồi bạn lại có thể đi
vay tiền để mua nhà, và thực sự tin rằng giá nhà sẽ tăng, bạn sẽ mua
càng nhanh càng tốt. Đó là một giả thiết rất hợp lý.
Rồi diễn biến giá xuất hiện, bạn sẽ muốn mua 3 căn, 5 căn, đồng ý với
những khoản thanh toán không đủ khả năng chi trả. Vì giá năm sau sẽ
tăng.
Người cho vay cũng cảm thấy điều tương tự. Họ thực sự không quan tâm là
người vay có đủ tiêu chuẩn hay không đâu. Vì kể cả nếu phải tịch thu
nhà, giá nhà năm tới cũng tăng lên cơ mà. Và một khi đà tăng đã có, lại
được củng cố bởi diễn biến giá, và giả thiết ban đầu bị lãng quên, tình
cảnh như năm 1929 đã xuất hiện.
Internet cũng thế. Internet sẽ thay đổi cuộc sống của chúng ta. Nhưng nó
không có nghĩa công ty nào cũng phải có vốn hóa 50 tỷ USD, tạo nên bong
bóng dotcom.
Diễn biến giá quan trọng với mọi người đến nỗi che lấp cả tâm trí họ.
Nhà cửa là tài sản lớn nhất. Người dân có thể không hiểu mấy về cổ
phiếu, về hoa tulip, nhưng họ đều quen thuộc với nhà đất, và muốn mua
bằng mọi giá. Vì thế, việc đi vay mua nhà đã tạo ra một bong bóng lớn
chưa từng có".
Những ngày cuối tháng 8, đầu tháng 9/2008, cuộc khủng hoảng kinh tế tồi
tệ nhất kể từ sau Thế chiến thứ II bắt đầu lan rộng. Từ sự suy thoái của
thị trường nhà đất Mỹ với nguyên nhân được người ta nhắc đến nhiều nhất
sau này là "cho vay dưới chuẩn" (tài sản thế chấp cho các khoản vay bất
động sản không đủ đảm bảo trả nợ), cuộc khủng hoảng lan sang thị trường
tài chính và rồi tới kinh tế toàn cầu.
Cơn địa chấn thực sự nổ ra vào ngày 7/9 với việc hai đại gia cho vay thế
chấp của Mỹ là Fannie Mae và Freddie Mac bị quốc hữu hóa. Sau đó, lần
lượt Lehman Brothers, Washington Mutual tuyên bố phá sản. Merill Lynch
bị Bank of America mua lại, còn AIG phải nhận hàng chục tỷ USD cứu trợ
từ Chính phủ Mỹ.
Để cứu vãn nền tình thế, ngân hàng trung ương các nước đã phải cắt giảm
lãi suất, bơm tiền cho các công ty hay mua lại nợ xấu. Tuy nhiên, động
thái đó cũng không thể ngăn cản Nhật, EU, Mỹ, Nga và nhiều quốc gia khác
trên thế giới rơi vào suy thoái trong quý IV năm đó. Theo cựu Chủ tịch
Cục dự trữ liên bang Mỹ (FED) - Alan Greenspan, đây là cuộc khủng hoảng
"hàng trăm năm mới có một lần".
Vnexpress/BI