Kiến thức chứng khoán - Kinh nghiệm đầu tư chứng khoán

Thứ Ba, 3 tháng 9, 2013

Lịch sử ngành ngân hàng thế giới (P2): Ngân hàng cho các Hoàng đế châu Âu

Quyền lực của xứ Florence (Italy) còn được củng có bởi những khoản nợ lớn mà các chủ ngân hàng ở đây đang nắm giữ. Con nợ, không ai xa lạ, chính là các vị Hoàng đế uy quyền bậc nhất châu Âu.

Tôn giáo và ngân hàng: Thế kỷ 12 và 13

Phần lớn các tôn giáo có nguồn gốc tại vùng Cận Đông không cản trở hành vi cho vay nặng lãi. Các xã hội này tin rằng những thực thể vô tri giác có đời sống giống như cây cỏ và động vật, và do đó, cũng có khả năng tự tái tạo.

Tại các vùng châu thổ lưỡng hà (Mesopotamia), vùng đất khởi thủy của đạo Do Thái Hitties, vùng Canaan và Ai Cập, việc tính lãi vay được coi là hợp pháp và triều đình thường đặt ra một mức lãi suất cố định. Chỉ có một sự khác biệt trong đạo lý của người Do Thái. Trong phần cuối của kinh Hebrew, người Do Thái không được tính lãi trong các khoản vay với người Do Thái. Lãi suất chỉ được áp dụng trong giao dịch với những kẻ vô thần hoặc không thuộc Do Thái giáo.

Người theo đạo Cơ đốc không được phép cho vay nặng lãi. Và đó là cơ hội cho các nhà ngân hàng thuộc tôn giáo khác. Khi cuộc Thập tự chinh bắt đầu đầu, các vương triều châu Âu thịnh vượng cần các hoạt động tài chính. Người Do Thái, xuất hiện ở hầu khắp các lĩnh vực và nghề nghiệp, đáp ứng nhu cầu này. Nhưng sự thành công của họ, sự hiện hiện đông đảo những người cùng tôn giáo Do Thái mang lại nhiều nguy hiểm cho chính họ.

Một nhóm khác cũng nổi lên trong thời kỳ này là các Hiệp sĩ thánh chiến (Knights Templar), những người sau vài năm đã trở thành các nhà ngân hàng hùng mạnh ở khắp châu Âu và Trung Đông. Cũng giống như người Do Thái, các Hiệp sĩ có những nghi lễ tôn giáo riêng và dễ dàng trở thành nạn nhân của lời đồn tai tiếng, ngờ vực và ruồng bố.

Việc kinh doanh ngân hàng mang lại nhiều lợi nhuận dần được chuyển sang tay “những người anh em” có nguồn gốc Cơ đốc giáo, được biết tới đầu tiên là những người Lombards. Lombard, tiếng Latinh viết là Langobardi, còn được gọi biết tới với tên Langobards hay Longobards, là nhóm người có nguồn gốc chủng tộc German, đến từ phía bắc châu Âu và định cư tại vùng lưu vực sông Danube. Tới năm 568, dưới sự chỉ huy của vua Alboin tiến vào nước Italia và lập nên Vương triều riêng, tồn tại tới năm 774.

Hậu duệ của người Lombards, các thương nhân tại Genoa, Milan, Venice và Florence là những người đầu tiên lập nên hệ thống ngân hàng hiện đại và đưa và thực hành các nghiệp vụ quan trọng.

Ngân hàng cho các Hoàng đế châu Âu: Thế kỷ 13 và 14

Trong suốt thế kỷ 13, các nhà ngân hàng ở bắc Italy, được biết tới tên gọi chung ”những người Lombards”, dần thay thế vai trò của người Do Thái trong hoạt động truyền thống: cung cấp tiền bạc cho những người giàu có và quyền lực, các hoàng gia châu Âu.

Kỹ năng kinh doanh của ngân hàng được phát triển với phát kiến về nghiệp vụ ghi sổ kép và cách thức bù trừ nghĩa vụ tín dụng của khách hàng trên ghi chép sổ sách giữa các ngân hàng trong hệ thống, vốn được các ngân hàng ở Genoa áp dụng từ thế kỷ 12.

Cách thức kế toán sáng tạo này giúp họp tránh được “tội lỗi” cho vay nặng lãi được qui định trong giáo lý Cơ đốc. Lợi nhuận của khoản vay được ghi trong các tài khoản dưới dạng quà tặng tự nguyện của người vay hoặc phần thưởng cho những rủi ro mà nhà ngân hàng đã trải qua. Hẳn nhiên, những món quà và phần thưởng của các hoàng tộc đứng đầu châu Âu không bao giờ có giá trị nhỏ.

Các ngân hàng tại Siena và Lucca, Milan và Genoa đều thu lợi từ những thương vụ mới này. Nhưng xứ Florence mới thực sự chiếm phần lớn nhất. Hệ thống ngân hàng Florence thống lĩnh hệ thống tài chính quốc tế nhờ đồng tiền vàng florin nổi tiếng. Được đúc lần đầu tiên vào năm 1252, đồng florin nhanh chóng nhận được sự tín nhiệm và công nhận rộng rãi, thực sự trở thành đồng tiền mạnh (hard currency) vào thời đó.

Tới đầu thế kỷ 14, hai dòng họ Bardi và Peruzzi là những người giàu có nhất tại Florence nhờ vào việc cung cấp các dịch vụ tài chính. Họ tổ chức việc thu và chuyển tiền dựa trên các hệ thống phong kiến quyền lực nhất, đặc biệt là nhờ Đức Giáo hoàng. Hoạt động buôn bán và trao đổi hàng hóa trở nên thuận tiện với những hóa đơn trao đổi (bill of exchange) mà nhà Bardi và Peruzzi cấp cho các thương nhân. Khi xuất trình những hóa đơn này, thương nhân có thể nhận được tiền ở bất kỳ ngân hàng trong hệ thống. (Đây là hình thức tương đồng với việc sử dụng cheque ngày nay).

Các ngân hàng xứ Florence đảm bảo dịch vụ này nhờ số lượng chi nhánh ở khắp nước Italia và tại các trung tâm buôn bán lớn của châu Âu. Tới đầu thế kỷ 14, hệ thống ngân hàng Bardi đã hiện diện tại Barcelona, Seville và Majorca; Paris, Avignon, Nice và Marseilles; London, Bruges, Constantinople, Rhodes, Cyprus và Jerusalem.

Quyền lực của xứ Florence còn được củng có bởi những khoản nợ lớn mà các chủ ngân hàng ở đây đang nắm giữ. Con nợ, không ai xa lạ, chính là các vị Hoàng đế uy quyền bậc nhất châu Âu. Cũng chính vì lẽ đó, không lâu sau, các ngân hàng này rơi vào cảnh tồi tệ.

Năm 1340, vua Edward III của nước Anh thực hiện “thương vụ” cực kỳ tốn kém: cuộc chiến với nước Pháp, sự khởi đầu của một thế kỷ chiến tranh. Vị Hoàng đế vay rất nhiều tiền từ xứ Florence. Nhà Peruzzi cho vua Edward III vay 600.000 florin vàng còn nhà Bardi cung cấp khoản vay 900.000 florin vàng. Tới năm 1345, nhà vua vỡ nợ và cả hai dòng họ ngân hàng Florence cũng lâm vào cảnh phá sản.
Tuy vậy, vai trò trung tâm ngân hàng châu Âu của xứ Florence vẫn tiếp tục sau thảm họa này. Nửa thế kỷ sau, những gia tài lớn nhất lại được các gia tộc ngân hàng ở đây tạo dựng. Lần này hai dòng họ lừng danh của thế kỷ 15: Pazzi và Medici.

Nguồn: historyworld.net (Bản dịch tiếng Việt của saga.vn) 

>> Lịch sử ngành ngân hàng thế giới (P1): Thế kỷ 18 TCN – Hy Lạp và La Mã cổ đại
>> Lịch sử ngành ngân hàng thế giới (P5): Ngân hàng quốc gia, Tiền giấy và Gia tộc Rothschild 
 
Share:

Trang

Nổi bật

Giới siêu giàu kiếm tiền từ đâu?