Nếu thường xuyên đọc những bài viết về doanh nghiệp trẻ, bạn sẽ
nhận ra rất nhiều sai lầm mà các nhà sáng lập thường mắc phải. Dưới đây
là 9 lỗi sai điển hình nhất mà các nhà sáng lập non trẻ dễ mắc trên
chặng đầu tiên trong bước đường sự nghiệp của họ.

1. Xuất hiện trên báo giới quá sớm
Nếu
có ý định muốn nhờ vào báo chí để đánh bóng tên tuổi của doanh nghiệp
mình, trước tiên hãy đặt ra câu hỏi, Tại sao bạn lại phải làm điều đó?
Bạn cần tới báo chí để làm gì? Bạn đã sẵn sàng chưa? Một bài báo thì có
thể mang lại cho bạn những gì?
Nếu chỉ vì muốn
trở nên vĩ đại hơn trong con mắt bạn bè và đồng nghiệp, thì hãy dừng
ngay ý định này lại. Còn nếu thực sự muốn tăng lượng người đăng kí/sử
dụng sản phẩm của công ty, thì bạn nên biết là tác dụng của một bài báo
chỉ có tính chất tạm thời.
Tất nhiên trong
nhiều trường hợp thì báo chí lại là một công cụ hỗ trợ đắc lực. Bạn có
thể nhờ đó mà thu hút các nhà đầu tư nếu muốn tìm kiếm nguồn tài trợ .
Nếu có mục đích đó thì hãy nghĩ đến sự trợ giúp của báo chí.
2. Một mình tạo lập doanh nghiệp
Sáng
lập một doanh nghiệp là một công việc cực kì căng thẳng, và chẳng ai là
làm tốt được mọi việc. Để không phải vắt kiệt sức lực và khả năng, bạn
cần có một người đồng sáng lập và/ hoặc một vài người cố vấn để nhờ cậy
và chia sẻ khối lượng công việc. Công việc sẽ được thực hiện năng suất
nếu có sự giúp đỡ của người khác.
Mở công ty
cần rất nhiều thời gian, nên hãy coi đó là việc bình thường nếu bạn thấy
mình bị dính vào một khối lượng công việc đồ sộ. Nhưng bạn vẫn cần
tương tác với người khác và tổ chức những buổi gặp mặt để đẩy nhanh tiến
độ công việc lên.
3. Có quá nhiều người đồng sáng lập
Mở
công ty cùng với những người bạn thân là một ý tưởng tuyệt vời. Nhưng
nếu có quá nhiều người đồng sáng lập thì dễ xảy ra sự mất cân bằng về vị
trí nắm giữ trong công ty.
Hãy chỉ hợp tác với một ai đó mà bạn tin là có thể chia sẻ đường lối. Nếu không, tất cả sẽ dẫn đến sự sụp đổ đáng tiếc.
4. Tiệc tùng quá nhiều.
Thường
thì có khá nhiều những sự kiện và tiệc tùng được tổ chức trong giới
doanh nghiệp. Bạn có thể bị rơi vào tình trạng giao lưu quá nhiều còn
làm việc thì quá ít.
Hãy cố gắng giữ cân bằng.
Bạn nên dành nhiều thời gian hơn ở bàn làm việc. Nếu không, hình ảnh của
bạn sẽ không mấy tốt đẹp trong con mắt nhân viên và những nhà đầu tư.
5. Giao tiếp kém và phớt lờ những phán xét
Hãy
giao tiếp cởi mở với mọi người và biết lắng nghe những lời phê bình.
Học cách quản lí người khác cũng đem lại hiệu quả. Nếu bạn không biết
cách giao tiếp, mối quan hệ của bạn với khách hàng và nhân viên sẽ bị
phá hủy.
6. Nói dối
Vì
doanh nghiệp trẻ là những công ty tư nhân, nên các doanh nhân có thể
nói dối với cánh nhà báo và giới đầu tư chịu trách nhiệm đánh giá và
thẩm định các dự án kinh doanh. Nếu bạn đang gây vốn trong tuyệt vọng và
cố gắng giữ doanh nghiệp được sống sót, thì bạn thường sẽ nói dối về
tốc độ phát triển của công ty.
Sự thật sẽ hé lộ
một sớm một chiều nếu công ty đang gặp thất bại. Nên nhớ là nói dối chỉ
trì hoãn thất bại và kìm hãm bạn tìm ra những thứ có giá trị hơn.
7. Thiếu kiên nhẫn
Doanh
nghiệp khác nhau thì có tốc độ phát triển khác nhau. Hãy đặt ra mục
tiêu phát triển dựa trên quỹ đạo của các doanh nghiệp trẻ tương tự và
kiểm soát những hi vọng của bạn dựa vào đó.
Nếu
điều hành một công ty truyền thông, bạn sẽ phải đợi chờ cho đến khi
công ty đủ mạnh để có thể thuê đội ngũ bán hàng trực tiếp trước khi có
lợi nhuận. Điều này có thể mất vài năm. Nếu điều hành một hoạt động kinh
doanh dựa vào giao dịch, bạn cần biết phải làm những gì để duy trì một
doanh nghiệp lâu dài.
8. Đánh giá thấp mức độ khó khăn
Chúng
ta thường được rót vào tai những câu chuyện thành công của doanh nghiệp
trẻ. Nhưng sự thật là con đường khởi nghiệp không phải lúc nào cũng
được trải thảm hoa. Sự thực là:
Tạo dựng doanh
nghiệp là một mặt trận của những khó khăn. Sẽ có lúc bạn phải ngồi một
góc và khóc một mình. Bạn không thể làm bất cứ một việc gì khác. Bạn
không có một cuộc sống xã hội bình thường. Bạn không thể tương tác với
gia đình và bạn bè bởi vì sẽ không có thời gian và không gian cho họ.
Bạn sẽ chỉ quẩn quanh bên công ty và cố gắng tồn tại, cố gắng để không
trở thành một tên ngốc trong con mắt của nhân viên.
Có
một cách nhìn nhận khác, đó là, doanh nghiệp trẻ là một tập hợp những
vấn đề của thế giới thứ nhất (những vấn đề chỉ có ở những nước thịnh
vượng), không hề liên quan đến những vấn đề như chiến tranh, nạn đói,
hay đại loại như thế. Nhưng khi toàn bộ cuộc sống của bạn chỉ xoay quanh
một việc là cố gắng khoe mẽ với mọi người về thành công của bạn và rằng
mọi thứ đang rất ổn đối với bạn, còn thực sự bên trong con người bạn
lại đang sợ hãi tột độ, thì đây là cả một áp lực thật sự.
9. Không có ước mơ lớn lao
Thế
giới có 2 kiểu người: môt là thực tế, và hai là người hay mơ ước. Những
nhóm doanh nghiệp trẻ tốt nhất tuyển dụng cả 2 kiểu người này để cả 2
bên có thể hỗ trợ nhau khi làm việc để gặt hái thành quả lớn.
Tư duy quá nhỏ hẹp tức là bạn đang tự giới hạn bản thân mình và giới hạn khả năng mà bạn có.
Nếu có thể sáng tạo ra điều gì đó ngay từ lúc đầu, thì bạn sẽ có thể tạo ra bất kì điều gì mà bạn muốn sau này.
Theo Trí Thức Trẻ/BusinessInsider