Kiến thức chứng khoán - Kinh nghiệm đầu tư chứng khoán

Thứ Ba, 6 tháng 1, 2015

Người quá thông minh khó có thể trở thành doanh nhân giỏi

Một trong những đặc điểm dễ gây hại cho các doanh nhân nhất là sự thông minh. Càng thông minh và tài năng, bạn càng khó điều hành một doanh nghiệp. 
Thực tế ai cũng nghĩ rằng thông minh, năng động và có tài là những yếu tố hiển nhiên khiến ai đó trở thành ứng viên sáng giá để trở thành doanh nhân. Tuy nhiên thật không may điều này không đúng.

Suy nghĩ “Tôi tốt hơn tất cả mọi người trong mọi công việc” là một rào cản

Vấn đề mà một người quá thông minh gặp phải có thể được giải thích thông qua các nhiệm vụ nhóm được giao khi còn đi học. Nếu tuân theo quy tắc 80/20 (nghĩa là 80% công việc được hoàn thành bởi 20% số lượng người) thì bạn nghĩ điều gì sẽ xảy ra với mỗi nhóm trong lớp?

Những thành viên thông minh và tài năng nhất trong mỗi nhóm quyết định sẽ đảm nhận hầu hết nhiệm vụ được giao. Họ không muốn gây nguy hiểm cho vị trí xếp hạng trong lớp của mình bằng việc chia sẻ công việc công bằng với mỗi thành viên và hy vọng rằng Timmy (một thành viên luôn vắng mặt 2 ngày 1 tuần và những ngày còn lại thì ngủ trên lớp) có thể làm tốt phần việc của anh ấy. 
Chính vì vậy, những người thông minh thường đảm nhiệm và làm toàn bộ công việc bằng chính sức lực của họ.

Họ lao vào vòng quay công việc. Những người thông minh nhất làm mọi thứ đều tốt hơn hầu hết những người còn lại. Họ viết tốt hơn, lên kế hoạch tốt hơn. Tuy nhiên, điều này lại không đúng cho đến khi họ điều hành một doanh nghiệp.

Mỗi ngày chỉ có 24 giờ và mỗi người đều cần phải ngủ, ăn, tắm giặt và làm một số việc cần thiết khác. Vì vậy, mỗi ngày trôi qua những người thông minh cứ cố tự mình làm mọi thứ bởi họ không thể tin tưởng giao việc cho một ai khác. Sau đó, họ dính chặt vào một “doanh nghiệp công việc” và kết thúc là doanh nghiệp đó không thể phát triển được.

Người lười có khả năng trở thành doanh nhân

Đây thực sự là một điều thú vị. Thực tế một vài người lười biếng lại phù hợp trở thành doanh nhân hơn so với những người quá thông minh. Tại sao? Ngay từ đầu, những người có bản tính lười biếng đã biết tính toán và sắp xếp xung quanh họ là những người thông minh và có khả năng làm việc tốt. Họ biết cách làm thế nào để uỷ thác, giao phó trách nhiệm và thậm chí là điều khiển một người làm cho họ công việc mà họ không muốn làm.

Bạn chỉ thông minh khi có thể tự động hoá mọi thứ

Khi một người thông minh tự làm mọi việc, họ không thể học thêm những kỹ năng quan trọng để khiến một doanh nghiệp thành công, bao gồm cả tự động hoá và uỷ thác nhiều công việc nhất có thể.

Quá thông minh với chính bản thân

Người ta thường nói “có tài đi đôi với tật”. Những người thông minh và tài năng không thích tuân theo quy luật KISS (để mọi thứ đơn giản và ngốc nghếch) - công thức đạt được thành công của một doanh nghiệp.

Có thể bạn nghĩ dây chuyền lắp ráp sản xuất trong một nhà máy hay sự hiện diện trên toàn cầu của McDonald’s rất phức tạp nhưng thực tế chúng lại là sự gắn kết của những chức năng vô cùng đơn giản. Mỗi công việc đều được chia nhỏ thành các bước và khâu rõ ràng để mọi người làm theo. Công nhân dây chuyển sản xuất thì lặp đi lặp lại một số nhiệm vụ đã được xác định rõ. Các đầu bếp của McDonald’s, nhân viên thu ngân, người giao hàng cũng vậy.

Một vài doanh nghiệp lớn nhất và thành công nhất trên thế giới thường không bố trí những người thông minh nhất vào vị trí lãnh đạo các bộ phận chính. Thực tế họ thường chọn những người ở mức bình thường, trung bình. Những tổ chức này chỉ có một vài người đủ thông minh để chuẩn hoá, tự động hoá và biết uỷ thác công việc cho những bộ phận chính theo cách mà những nhân viên bình thường không thể làm được.

Vì vậy, là một người thông minh và có tài sẽ không giúp ích được nhiều cho bạn trừ khi bạn có thể sử dụng những yếu tố này để tìm ra cách đơn giản hoá các công việc và giúp doanh nghiệp đạt được thành công. Đây đương nhiên không phải là việc dễ làm bởi nó đi ngược lại so với tất cả những gì bạn đã làm trước đó. Tuy nhiên, điều này thực sự cần thiết nếu muốn một doanh nghiệp thành công. Đây cũng là lý do tại sao nói người chỉ thông minh và có tài sẽ khó trở thành một doanh nhân thành công.

Có quá nhiều thứ để mất

Một vấn đề khác mà những người thông minh gặp phải là khi mở một doanh nghiệp, họ thường sở hữu quá nhiều thứ. Càng thông minh, bạn càng có được nhiều sự ưu ái của xã hội và nhiều lựa chọn hơn. Bạn cũng có khả năng hoạt động trong nhiều lĩnh vực khác nhau, dễ dàng được thăng tiến và có thể kiếm được nhiều tiền hơn.


Điều này đồng nghĩa với việc, khi khởi nghiệp kinh doanh, bạn sẽ gặp phải nhiều nguy hiểm hơn so với  những người vốn kiếm được ít tiền và có ít lựa chọn nghề nghiệp hơn. Và vì chịu rủi ro cao hơn, bạn cần phải tìm ra một cơ hội kinh doanh có khả năng mang lại thành quả lớn hơn so với cái mà bạn đáng nhận được.

Ví vụ, nếu kiếm được 250.000 USD/năm (hay có khả năng đạt được mức thu nhập như vậy), doanh nghiệp của bạn sẽ phải thành công gấp 5 lần so với doanh nghiệp của một ai đó chỉ kiếm được 50.000 USD/năm.

Chính vì vậy, việc sở hữu nhiều ưu điểm, chọn lựa, các thiên hướng và nỗ lực phức tạp hơn khiến những người tưởng như “chắc chắn sẽ thành công” cuối cùng lai kết thúc sự nghiệp tại một công ty hay tập đoàn nào đó. Trong khi một trong số những người được đánh giá ở mức trung bình sau cùng lại trở thành doanh nhân và điều hành doanh nghiệp của riêng họ.
Theo Trí Thức Trẻ/Entrepreneur
Share:

Trang

Nổi bật

Giới siêu giàu kiếm tiền từ đâu?