Nhiều nước châu Á tìm cách kích thích
xuất khẩu và đạt mục tiêu lạm phát, nhưng động thái phá giá bất ngờ của
Trung Quốc đã phá hỏng mọi thứ.
Đợt phá giá gần 2% ngày 11/8 của Trung Quốc là bằng chứng mới nhất cho
thấy nền kinh tế này đang gặp rắc rối. Còn với thế giới, việc này đã gây
ra tình trạng hoảng loạn, với mối lo chiến tranh tiền tệ đang đến gần.
Thị trường tiền tệ và chứng khoán trong khu vực đã liên tục lập đáy kể
từ đó, kéo theo cả hệ thống tài chính toàn cầu. Nhà đầu tư lo ngại về
vai trò của Trung nâng lãi suất.
Châu Á vẫn còn bị ám ảnh bởi cuộc khủng hoảng 1997-1998. Vì thế, lựa
chọn để tiền tệ hạ giá nhẹ đã bị gạt qua một bên trong tình cảnh hỗn
loạn hiện nay.
Bên ngoài một quầy đổi tiền tại Hong Kong (Trung Quốc). Ảnh: AFP
|
Ngân hàng trung ương các nước từ Hàn Quốc đến Thái Lan đều đã hoãn giảm
lãi suất, do việc này sẽ càng gây áp lực lên nội tệ. Tiền tệ rơi tự do
sẽ khiến dòng vốn rút ra ào ạt, làm chao đảo thị trường và tăng chi phí
đi vay. Các kế hoạch kích thích và tăng trưởng vì thế cũng đành gác lại.
Ngân hàng Trung ương Indonesia đã giữ nguyên lãi suất trong đợt xem xét
tuần trước. Họ cũng tuyên bố ổn định tiền tệ đang là ưu tiên hàng đầu,
kể cả khi nền kinh tế đang tăng trưởng chậm nhất 6 năm và lạm phát cũng
giảm tốc. "Chúng tôi sẽ không tham gia cuộc chiến phá giá", Thống đốc
Ngân hàng Trung ương Indonesia - Agus Martowardojo tuần này cho biết.
Cơ quan này đã can thiệp tích cực vào thị trường để đồng rupiah không
bị đầu cơ giá xuống. Indonesia là nước chịu ảnh hưởng đặc biệt lớn, khi
nội tệ mất 14% so với USD năm nay, dự trữ ngoại hối thấp và khối nợ bằng
ngoại tệ lớn.
Các ngân hàng trung ương Ấn Độ và Singapore cũng không thể giảm lãi khi
thị trường còn biến động. "Giới chức châu Á phải sẵn sàng chịu lãi suất
cao thêm một thời gian nữa", Cliff Tan - Giám đốc nghiên cứu các thị
trường châu Á tại Mitsubishi UFJ nhận xét.
Gareth Leather và Daniel Martin - hai nhà phân tích tại Capital
Economics cũng nhận định Malaysia và Indonesia có thể còn bị buộc nâng
lãi "nếu tiền tệ bị bán tháo mạnh nữa".
Citibank đã giảm dự báo tăng trưởng của khu vực châu Á năm nay, từ 6,1%
xuống 6%, do các bất ổn liên quan đến việc NDT yếu đi, Trung Quốc tăng
trưởng chậm lại và những chính sách có thể gây phản ứng tiêu cực từ các
nước khác.
Với Thái Lan, dự báo tăng trưởng bị hạ từ 3,5% xuống 2,7%. Dù
thừa nhận nền kinh tế yếu hơn dự báo và đồng baht mất giá đúng là cứu
cánh cho mình, Ngân hàng Trung ương Thái Lan vẫn cam kết giữ lãi suất ổn
định trong tháng 8 và bóng gió là do biến động trên thị trường tài
chính. Đồng baht tuần này đã xuống thấp nhất 6 năm so với USD, và mức
giảm 8% từ đầu năm chủ yếu rơi vào vài tháng gần đây.
"Rõ ràng là việc này không thoải mái cho lắm. Có lẽ họ đang bắt đầu
nghĩ rằng đây là biến động không mong muốn, hơn là sự giảm giá được chờ
đợi", Richard Yetsenga - Giám đốc Nghiên cứu Các thị trường Tài chính
tại ANZ nhận xét.
Ngân hàng Trung ương Hàn Quốc đã phải bán USD để làm chậm lại đà giảm
của đồng won tuần này, sau khi nội tệ xuống đáy gần 4 năm so với USD.
Động thái này hoàn toàn ngược lại so với chiến lược đầu năm nay, là làm
yếu nội tệ để cạnh tranh xuất khẩu với Nhật Bản. Trong tuyên bố tháng
này, họ cũng giữ lãi suất không đổi, sau khi Trung Quốc phá giá nội tệ.
Tan cho rằng các ngân hàng trung ương châu Á hiện không thể tìm
được chính sách tiền tệ nào tốt hơn và sẽ chủ động hơn trong việc sử
dụng khối dự trữ ngoại tệ hàng nghìn tỷ USD để bảo vệ nội tệ. "Họ đã sẵn
sàng phòng thủ rồi, vấn đề là phòng thủ mạnh hay yếu mà thôi", Tan nói.
Hà Thu - Vnexpress/Theo Reuters