"Khởi nghiệp không phải là cuộc chơi của người nhiều tiền. Các bạn trẻ thường suy nghĩ đơn giản chỉ cần có ý tưởng hay, kiếm được nhà đầu tư là có thể khởi nghiệp. Thực sự, cả hai điều đó đều không có tính quyết định đối với một thị trường mà gần như tất cả đều mới như Việt Nam hiện giờ", Thi Anh Đào bắt đầu câu chuyện bằng phát biểu khá tâm huyết với phong trào khởi nghiệp hiện nay.
Là người gây dựng nên công ty cung cấp dịch vụ digital marketing từ khi thị trường vẫn còn ở giai đoạn đầu của internet, đến nay, hai chủ nhân Hồng Thành và Anh Đào của Emerald là hai gương mặt khá thân thiết với phong trào thanh niên khởi nghiệp.
Bởi, không những sẵn sàng tư vấn, hỗ trợ miễn phí dịch vụ tiếp thị số, cả hai đều rất nhiệt tình trong vai trò cố vấn, giám khảo... ở các sân chơi khởi nghiệp. "Càng tham gia càng thấy các bạn trẻ có nhiều khát khao nhưng lại thường sai lầm về mặt nhận thức", Đào cho biết.
Theo phân tích của Đào, ở các nước phát triển, những mô hình kinh doanh đều đã bão hòa nên việc đưa ra ý tưởng mới được đánh giá rất cao. Ở Việt Nam, thị trường vẫn còn nhiều đất trống nên chỉ cần chịu khó tìm tòi, học hỏi những mô hình các nước đã làm rồi tùy biến theo hoàn cảnh hiện tại là được.
"Những người khởi nghiệp trước tiên cần có một kế hoạch cụ thể để biến các ý tưởng thành hiện thực. Đó là cuộc chơi của những người biết xài tiền chứ không phải chỉ lo gọi vốn hay sáng tạo ý tưởng mới lạ”, Anh Đào khẳng định.
Ngay khi Đào còn đang trong học kỳ cuối cùng của chương trình đào tạo thạc sĩ truyền thông ở Anh Quốc, bộ đôi này đã bắt đầu gây dựng Emerald. Đó là những ngày cả hai khát khao sẽ gây dựng được một công ty tư vấn truyền thông chuyên nghiệp tại Việt Nam dù rằng thời điểm ấy, các công ty truyền thông mọc lên như nấm.
"Thị trường bão hòa, muốn không bị lẫn vào số đông rồi chìm đi, chúng tôi phải tìm ngách khác", Đào chia sẻ. Cái "ngách" ấy bắt đầu từ làm dịch vụ quảng bá thương hiệu trên các diễn đàn nhưng cách tiếp cận là từ phía người dùng.
Bằng kinh nghiệm tham gia các diễn đàn, bộ đôi này đưa ra các chủ đề để các thành viên của diễn đàn tranh luận, từ đó khéo léo giới thiệu tên của khách hàng mình đang phục vụ.
Cùng lúc, theo xu thế chung toàn cầu, các trang blog hết thời, cư dân mạng đổ dồn vào Facebook, tạo tiền đề cho mạng xã hội này trở thành địa chỉ hoạt động của đại đa số cư dân mạng Việt Nam.
Cơ hội để Emerald bắt đầu triển khai thêm nhiều dịch vụ giúp doanh nghiệp (DN) tương tác với khách hàng từ đó mà thành. Chính tiềm năng lẫn nội lực của Emerald đã thu hút được đầu tư của Masso Group.
Từ phát triển nóng đến phát triển bền vững
Có dịch vụ, có nhu cầu từ phía khách hàng, lại có cả tài chính từ Masso Group, Emerald như diều gặp gió, nhanh chóng trở thành đơn vị được các DN tìm đến và có doanh thu ổn định.
Đáng tiếc, nhìn lại danh sách khách hàng, vẫn thấy chỉ là những DN vừa và nhỏ. Lợi nhuận thu được cũng chỉ ở mức an toàn. "Chúng tôi rơi vào trạng thái không tìm thấy hướng phát triển cho đứa con tinh thần của mình", Thi Anh Đào thổ lộ.
Quyết tâm bước khỏi "vùng an toàn", cả hai thống nhất tìm kiếm nhân lực để mở rộng quy mô Công ty. Rất may, tinh thần khởi nghiệp cũng như định hướng phát triển của họ lại "trúng tần số” với Lê Thanh Nhàn, một chuyên viên marketing khá giàu kinh nghiệm trong hợp tác với các thương hiệu quốc tế.
Đúng với kỳ vọng, cộng sự mới đã giúp Emerald có được những hợp đồng lớn hơn rất nhiều so với trước đây. Điển hình là hợp đồng quảng bá cho Heineken suốt 3 năm liền. Việc thắng thầu quảng bá cho thương hiệu lớn này không những giúp Emerald tăng doanh thu mà còn tăng cả vị thế trên thị trường, đưa Emerald bước vào giai đoạn phát triển "nóng".
"Ngay trong thời điểm phát triển rất tốt ấy của Emerald, tôi vẫn thấy có rất nhiều rủi ro. Bởi, một DN mà 30 - 50% doanh thu phụ thuộc vào một khách hàng cũng đồng nghĩa với không an toàn", cô gái được đào tạo chuyên sâu về phát triển bền vững tiết lộ.
Rủi ro thứ hai của phát triển nóng, theo Anh Đào, là việc tuyển chọn nhân lực thường thiên về hướng được việc chứ không chú ý đến sự hòa hợp lâu dài. Chạy theo đà phát triển, cả hai đều xem nhẹ nhiệm vụ phổ biến tầm nhìn chung cho nhân viên, đó là việc Emerald xác định mang đến dịch vụ nhưng đối đãi với khách hàng như bạn, sẵn sàng chia sẻ kiến thức, tư vấn... dù hợp đồng với khách hàng có hay không.
Đào không giấu giếm: "Nhận ra thiếu sót của mình, chúng tôi bắt đầu quy hoạch, cải tổ lại". Cùng với cải tổ, một lần nữa Emerald lại mở cửa cho nhà đầu tư. Tập đoàn Tiếp thị số toàn cầu Isobar thuộc mạng lưới Dentsu Aegis Network chính là đối tác Hồng Thành - Anh Đào hợp tác.
Việc sáp nhập giúp Isobar thâm nhập thị trường Việt Nam và ngược lại, Emerald - Linked by Isobar cũng được hưởng lợi từ nguồn khách hàng, các giải pháp kinh doanh... từ "ông lớn" của khu vực, mở đường cho Emerald đến với khách hàng ở thị trường khu vực.
Đào giải thích: "Sáp nhập, với tôi, không phải để kiếm lãi vì trách nhiệm với nhà đầu tư nặng hơn rất nhiều. Sáp nhập là để có điều kiện lớn nhanh hơn".
Theo đồ thị của phát triển bền vững, khi một DN bước qua giai đoạn phát triển "nóng" sẽ rơi vào giai đoạn khủng hoảng. "Sống sót" qua giai đoạn khủng hoảng này, DN sẽ tiến đến phát triển bền vững. Anh Đào bảo, Emerald đang ở giai đoạn cố gắng để vượt qua thử thách cam go ấy, và mọi người ở Emerald đều đang rất nỗ lực.
"Bởi, ngoài lương, phúc lợi..., Emerald còn áp dụng chính sách chia lợi nhuận cuối năm. Chúng tôi muốn nhân viên được hưởng trọn vẹn thành quả lao động của họ”, Đào khẳng định.
(Doanh Nhân Sài Gòn)