Kiến thức chứng khoán - Kinh nghiệm đầu tư chứng khoán

Thứ Ba, 15 tháng 9, 2015

TTCK phái sinh, muốn sôi động phải làm mới

(ĐTCK) Các thành viên thị trường cho rằng, để TTCK phái sinh (dự kiến vận hành vào cuối năm tới) diễn ra sôi động, nhà quản lý, tổ chức thị trường cần làm mới cách thức triển khai các bước chuẩn bị mở cửa theo hướng khẩn trương, đồng bộ, sát hơn với nhu cầu thực tế. Mở cửa thị trường là một chuyện, để nó thực sự sôi động còn khó hơn nhiều.
Cần tín hiệu sớm từ “đầu tàu”

Sở GDCK Hà Nội (HNX) và Trung tâm Lưu ký chứng khoán (VSD) là những “đầu tàu” trực tiếp triển khai các giải pháp công nghệ, hệ thống quy trình giao dịch, thanh toán, bù trừ chứng khoán phái sinh. Khi các “đầu tàu” này sớm phát đi những tín hiệu cụ thể sẽ là cơ sở quan trọng để các thành viên tham chiếu, sớm lên phương án đầu tư cho hệ thống công nghệ; đội ngũ nhân sự; nghiên cứu phát triển sản phẩm, dịch vụ…

Theo ông Trịnh Hoài Giang, Phó tổng giám đốc CTCK TP. HCM (HSC), để đảm bảo năng lực tham gia TTCK phái sinh khi thị trường này mở cửa, HSC đang bắt tay triển khai các bước chuẩn bị về hệ thống giao dịch, quy trình nghiệp vụ, đội ngũ nhân sự… 

“Để việc chuẩn bị trên diễn ra hiệu quả, chúng tôi cần có các hướng dẫn chi tiết từ HNX và VSD về hệ thống tài khoản của NĐT và CTCK cũng như cách thức quản lý tài khoản; các quy trình chuyển lệnh, xác nhận kết quả giao dịch, bù trừ và thanh toán; quy định chi tiết về cơ chế vận hành của Đối tác thanh toán trung tâm (CCP); các hướng dẫn chi tiết về đặc tả kỹ thuật để kết nối giữa hệ thống của Sở GDCK và hệ thống của CTCK”, ông Giang nói.

Do chứng khoán phái sinh là sản phẩm phức tạp, chứa đựng nhiều rủi ro và đặc biệt là còn rất mới ở Việt Nam, nên ông Nguyễn Khắc Hải, Phó tổng giám đốc Công ty Quản lý quỹ SSI (SSIAM) đề xuất, ngoài sự nỗ lực của bản thân các công ty quản lý quỹ, rất cần sự hỗ trợ của nhà quản lý, nhằm giúp các tổ chức này có năng lực chuyên sâu về cơ sở hạ tầng, đội ngũ nhân sự có kiến thức và kinh nghiệm, hệ thống quản lý rủi ro bài bản... Đây là các điều kiện quan trọng để đảm bảo cho các công ty quản lý quỹ có thể triển khai và áp dụng an toàn, có hiệu quả các sản phẩm, nghiệp vụ chứng khoán phái sinh. 

“SSIAM đang tích cực triển khai các bước chuẩn bị về nhân sự; nghiên cứu các nghiệp vụ, sản phẩm mới; xây dựng hệ thống quản lý rủi ro… để đảm bảo tham gia TTCK phái sinh ngay khi thị trường này mở cửa”, ông Hải chia sẻ. 

Đừng “dạy chay”

Kinh nghiệm triển khai TTCK phái sinh trên thế giới cho thấy, số lượng NĐT quan tâm, tham gia ngay khi thị trường mở cửa là yếu tố quan trọng giúp cho thị trường sôi động, thanh khoản tốt. Do đó, việc tổ chức đào tạo, phổ cập kiến thức cho NĐT được xác định là ưu tiên hàng đầu, phải được triển khai rất sớm trước thời điểm mở cửa TTCK phái sinh.

Tuy nhiên, điểm cần lưu ý, theo các chuyên gia là việc đào tạo cho NĐT cần chú trọng trang bị kỹ thuật thực hành, tránh kiểu “dạy chay”. 

Từ kinh nghiệm tổ chức đào tạo NĐT tham gia TTCK phái sinh của Hiệp hội Đầu tư tài chính Hàn Quốc (KOFIA), ông Jay Keun Lee, Giám đốc Văn phòng Dịch vụ phái sinh thuộc KOFIA cho biết, NĐT cá nhân tại Hàn Quốc muốn tham gia đầu tư trên TTCK phái sinh, ngoài việc phải trải qua 30 giờ đào tạo lý thuyết, họ còn phải trải qua 50 giờ thực hiện mô phỏng giao dịch. 

Cách đào tạo lấy trọng tâm là thực hành này vừa giúp NĐT nắm được các kỹ năng giao dịch, vừa thành thạo các bước phòng vệ rủi ro. 

“Thực tiễn hoạt động của các TTCK phái sinh trên thế giới cho thấy, sẽ là rủi ro lớn cho các NĐT thiếu hiểu biết và kinh nghiệm khi đầu tư trên TTCK phái sinh. Các công cụ phái sinh một mặt giúp NĐT phòng ngừa rủi ro, cố định chi phí tài chính, nhưng mặt khác làm giảm đi các khoản lãi tiềm năng nếu NĐT không nhận định đúng về diễn biến thị trường”, ông Cấn Văn Lực, hàm Phó tổng giám đốc Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) chia sẻ, đồng thời khuyến nghị, việc đào tạo, phổ cập kiến thức cho NĐT cần được triển khai hiệu quả ngay từ bây giờ và cần được tiến hành bài bản, dài hơi.

“Bản thân các NĐT phải có kiến thức chuyên sâu về chứng khoán phái sinh thì mới tích cực tham gia thị trường, qua đó cùng với các nhà cung cấp dịch vụ đẩy thị trường phát triển”, ông Nguyễn Khắc Hải nói và hy vọng các cơ quan quản lý sẽ tiếp tục hỗ trợ đào tạo kiến thức cho các thành viên thị trường, cũng như công chúng đầu tư để TTCK phái sinh có thể phát triển tốt trong thời gian tới.
Hữu Đạo - Tin Nhanh Chứng Khoán
Share:

Trang

Nổi bật

Giới siêu giàu kiếm tiền từ đâu?