
Thuê ngân hàng quản lý tài khoản
Để tăng tính chuyên nghiệp trong cung
cấp dịch vụ, cũng như góp phần làm minh bạch hơn nữa trong quản lý tài
sản khách hàng, lần đầu tiên UBCK đề xuất giải pháp mới tại dự thảo
Thông tư sửa đổi Thông tư 210/2012 là CTCK được lựa chọn, hoặc chỉ định
một ngân hàng lưu ký (ngân hàng quản lý tài khoản) đồng thời là thành
viên thanh toán của Trung tâm Lưu ký (VSD) để thực hiện quản lý, vận
hành tài khoản cho khách hàng của mình.
Để quy định chặt chẽ trách nhiệm của
ngân hàng quản lý tài khoản và CTCK, UBCK định ra nguyên tắc: hai bên ký
hợp đồng phối hợp cung cấp dịch vụ giao dịch, thanh toán bù trừ chứng
khoán. Trong đó nêu rõ quyền, nghĩa vụ, trách nhiệm của ngân hàng và của
CTCK; cơ chế phối hợp, chia sẻ thông tin để cung cấp dịch vụ cho khách
hàng, bảo đảm an toàn cho hoạt động thanh toán, bù trừ và giao dịch
chứng khoán của khách hàng và của thị trường. Ngân hàng mở tài khoản
thanh toán riêng cho từng khách hàng của CTCK để quản lý tách biệt tài
sản của khách hàng.
Ngoài chịu trách nhiệm thanh toán cho
mọi lệnh giao dịch của khách hàng đã được thực hiện, ngân hàng còn có
trách nhiệm bảo đảm khách hàng có đủ nguồn vốn để thực hiện giao dịch.
CTCK chịu trách nhiệm tiếp nhận, thực hiện lệnh giao dịch và thông báo
cho ngân hàng về nghĩa vụ thanh toán của khách hàng. Ngân hàng không
được ủy quyền lại cho bên thứ ba để thực hiện các dịch vụ này, trừ
trường hợp bị đình chỉ hoạt động, tạm ngừng hoạt động, bị rút giấy phép
thành lập và hoạt động, bị thanh lý, giải thể… hoặc bị VSD đình chỉ, tạm
ngừng, chấm dứt tư cách thành viên.
Tuy vẫn cho phép CTCK thiết lập tài
khoản tổng sau khi đã tách bạch tài khoản tới tận chân từng NĐT tại ngân
hàng, hoặc đã thuê ngân hàng lưu ký quản lý tách bạch tài khoản của
NĐT, nhưng để đảm bảo đúng chức năng của CTCK, điểm mới đáng chú ý tại
dự thảo Thông tư là thay vì hiện hành quy định: CTCK không được nhận ủy
quyền của khách hàng thực hiện chuyển tiền nội bộ giữa các tài khoản của
các khách hàng, thì UBCK đề xuất quy định chặt hơn: CTCK không được
chuyển tiền nội bộ giữa các tài khoản của các khách hàng…
Vấn đề này hiện thường phát sinh tại các
CTCK thực hiện quản lý tiền giao dịch chứng khoán của NĐT theo hình
thức tài khoản tổng. Khi đó, thông qua việc thực hiện bút toán chuyển
tiền giữa các tài khoản trên cơ sở đề nghị của khách hàng, CTCK lại trở
thành một đơn vị bù trừ tiền cho khách hàng?
Tiền gửi giao dịch chứng khoán của khách
hàng được CTCK quản lý trên tài khoản chuyên biệt không được sử dụng
vào mục đích nào khác ngoại trừ thanh toán giao dịch cho khách hàng,
hoặc hoàn trả lại cho khách hàng. Trường hợp CTCK giải thể, phá sản,
khoản tiền này phải hoàn trả cho khách hàng, không được sử dụng để xử lý
tài chính cho cổ đông, thành viên góp vốn, chủ nợ...
Như vậy, ngoài hai phương thức tách bạch
tài khoản như quy định hiện hành là: tách bạch đến tận chân tài khoản
tiền của NĐT tại ngân hàng (bắt buộc) và tách bạch ở dạng tài khoản tổng
(chỉ được thực hiện khi đã tách bạch tài khoản theo phương thức bắt
buộc), thì nay, UBCK đề xuất thêm một phương thức thứ ba là CTCK có thể
ký kết hợp tác với ngân hàng lưu ký để thuê tổ chức này quản lý, vận
hành tài khoản cho khách hàng của mình.
Một số ý kiến nhìn nhận, giải pháp mới
này có khả thi và chấp nhận được. Tuy nhiên về lâu dài, cần tính đến
hình thành một định chế chuyên biệt thuộc mô hình tổ chức, hoạt động của
TTCK như kinh nghiệm trên thế giới, để quản lý tiền gửi của NĐT, thay
vì vẫn phải đi “vay mượn” các tổ chức tín dụng như hiện nay, dẫn đến rủi
ro pháp luật, bởi trong lĩnh vực chứng khoán không phải trong mọi
trường hợp đều có thể điều chỉnh hoạt động của các tổ chức này.
Thúc đẩy “xóa tên” các CTCK ốm yếu
Để đẩy nhanh quá trình tái cấu trúc
CTCK, ngoài bổ sung các quy định nhằm chuẩn hóa quy trình đình chỉ, giải
thể… CTCK, tại dự thảo Thông tư, lần đầu tiên UBCK đề xuất giải pháp
mới là CTCK sẽ bị đình chỉ hoạt động khi hết thời hạn cảnh báo quy định
tại Điều 74 Luật Chứng khoán, nhưng vẫn không khắc phục được tình trạng
cảnh báo (không thực hiện kiểm toán BCTC hoặc không cung cấp báo cáo tỷ
lệ an toàn tài chính đã được kiểm toán và các tài liệu chứng minh đã
khắc phục được tình trạng cảnh báo) và có lỗ gộp đạt 50% vốn điều lệ
hoặc có vốn chủ sở hữu (tại thời điểm BCTC đã được kiểm toán hoặc soát
xét gần nhất) thấp hơn vốn pháp định theo các nghiệp vụ kinh doanh được
cấp phép.
Nếu quy định mới trên được đưa vào áp
dụng, căn cứ vào BCTC soát xét 6 tháng đầu năm 2015 đã được công bố, ước
có khoảng 1/3 trong tổng số 100 CTCK đang tồn tại đứng trước áp lực
phải tăng vốn nếu không muốn bị “xóa tên” do không đáp ứng được yêu cầu
về vốn.
Ngoài bổ sung các quy định
mới về quản trị công ty áp dụng đối với CTCK cho phù hợp với quy định
mới tại Luật Doanh nghiệp, một điểm mới nữa tại dự thảo là lần đầu tiên
UBCK đề xuất nội dung hướng dẫn về hoạt động đầu tư ra nước ngoài dưới
hình thức lập chi nhánh hoặc văn phòng đại diện.
Theo đó, CTCK muốn lập chi
nhánh, văn phòng đại diện, đầu tư ra nước ngoài phải được UBCK chấp
thuận trên cơ sở đáp ứng các yêu cầu: có dự án lập chi nhánh, văn phòng
đại diện, đầu tư ra nước ngoài đã được ĐHCĐ, HĐQT, chủ sở hữu chấp thuận
bằng văn bản; đáp ứng quy định về an toàn tài chính sau khi trừ đi vốn
cấp cho chi nhánh, chi phí thành lập văn phòng đại diện, vốn đầu tư ra
nước ngoài…
|
Hữu Hòe - ĐTCK