ĐTCK lược trích báo cáo phân tích kỹ thuật của một số CTCK cho phiên giao dịch ngày 12/11.
CTCK FPT – FPTS
Qua mô hình nến ngày 11/11, có thể thấy
bên bán vẫn đang giữ vai trò kiểm soát xu hướng trong phiên. Cụ thể,
phần bóng trên khá dài (bao quát phần lớn diễn biến phiên liền trước)
kèm theo việc VN-Index đóng cửa ở mức thấp nhất trong ngày phản ánh nỗ
lực hồi phục tiếp tục bị hạn chế bởi lượng cung tăng cường cuối phiên.
Thanh khoản phiên này mặc dù có sự sụt
giảm về dưới mức bình quân 22 phiên, nhưng nếu kết hợp với biến động của
VN-Index thì có thể thấy rằng dòng tiền vào thị trường đang không ủng
hộ cho kịch bản hồi phục sớm.
Đánh giá về nhóm chỉ báo đo mức độ biến
động của chỉ số, do Bollinger bands đang có chiều hướng thu hẹp và ATR
đi ngang trong vùng giá trị thấp nên rủi ro xuất hiện của xu hướng giảm
nhanh và mạnh là không lớn.
Tuy nhiên, dấu hiệu từ MACD và
Stochastic Oscillator vẫn đang ủng hộ cho kịch bản điều chỉnh. Theo đó,
nhiều khả năng VN-Index sẽ tiếp tục hướng xuống kiểm tra lại vùng hỗ trợ
590-600 điểm trong phiên kế tiếp.
CTCP Chứng Khoán Bản Việt - VCSC
Hai chỉ số có thể sẽ kiểm định các vùng
hỗ trợ ngắn hạn 600 của VN-Index và 80.5 của HNX-Index. Đồng thời, lực
cầu ngắn hạn có thể gia tăng dần trong vài phiên tới ở các vùng hỗ trợ
này, cho nên hai chỉ số có thể sẽ xuất hiện các nhịp hồi phục kỹ thuật.
Tuy nhiên, theo chỉ báo dòng tiền và hệ thống chỉ báo trạng thái xu
hướng, rủi ro ngắn hạn vẫn còn cao và đây vẫn chưa phải là thời điểm
thích hợp để giải ngân.
Hệ thống chỉ báo xu hướng hạ mức xu
hướng ngắn hạn của HNX-Index từ tăng xuống giảm và duy trì mức tăng xu
hướng ngắn hạn của VN-Index với mức cắt lỗ ở mức 600.24 cho nên hạ mức
xu hướng ngắn hạn của thị trường từ tăng xuống trung tính, đây cũng chưa
phải là mức cảnh báo đảo chiều xu hướng ngắn hạn.
Do đó, các nhà đầu tư ngắn hạn chưa nên
mở vị thế mua và chỉ nên bán ra ở các cổ phiếu đã vi phạm mức cắt lỗ
hoặc nắm giữ tỷ trọng cổ phiếu ở mức an toàn hiện tại (tức là tỷ trọng
cổ phiếu ở mức 30% danh mục).
CTCK Sài Gòn Hà Nội – SHS
Sàn HOSE tiếp tục điều chỉnh trên diện
rộng, chỉ số lùi sát về mốc hỗ trợ 600 điểm. Độ rộng thị trường tiếp tục
thu hẹp với thanh khoản giảm cho thấy dòng tiền đang dần có xu hướng
thận trọng đứng ngoài quan sát. VN-Index vẫn nằm bên trên đường SMA20,
tuy nhiên đã rơi xuống dưới mẫu hình Rising Wedge, do vậy rủi ro điều
chỉnh giảm đang tăng dần. Mốc hỗ trợ tiếp theo là vùng 595-600 điểm.
HNX-Index tiếp tục xu hướng điều chỉnh
giảm. Sau 4 phiên giảm liên tiếp, chỉ số này cũng đã chính thức phá vỡ
kênh tăng giá ngắn hạn. Hiện mốc hỗ trợ ngắn hạn gần nhất của HNX-Index
là đường SMA50 tương đương mốc hỗ trợ 79.5 điểm. Các chỉ báo kỹ thuật
cũng đang suy giảm củng cố cho đà điều chỉnh của thị trường. Chỉ báo
Band%B đã giảm xuống vùng quá bán, tuy vậy tín hiệu đảo chiều vẫn chưa
xuất hiện.
CTCK MB – MBS
Về mặt kỹ thuật, hai chỉ số đang giảm về
các mức hỗ trợ thấp hơn tại vùng 600 điểm với VN-Index (trung bình động
20 ngày) và 79-80 điểm với HNX-Index (50% Fibonacci Retracement). Thị
trường vẫn tiếp tục diễn biến dao động tại vùng giá này và chờ đợi các
chỉ số kiểm nghiệm các vùng hỗ trợ. Nhà đầu tư duy trì danh mục hiện tại
và theo dõi diễn biến thị trường tại các ngưỡng hỗ trợ để có hành động
phù hợp.
CTCK Bảo Việt – BVSC
VN-Index có thêm phiên điều chỉnh với áp
lực bán tăng dần về cuối phiên. Tuy biên độ giảm không lớn, nhưng độ
rộng thị trường lại chứng kiến sự áp đảo của số mã đỏ, trong khi thanh
khoản có sự sụt giảm đáng kể và rơi xuống dưới mức khối lượng khớp lệnh
trung bình 10 phiên gần nhất. Diễn biến này cho thấy áp lực cung cầu
đang dần trở lại trạng thái cân bằng, bên bán đã hạn chế bán ở các mức
giá thấp, còn người mua lại có tâm lý chờ đợi để giải ngân ở các vùng
giá thấp. Điều này có thể khiến chỉ số tiếp tục có biến động điều chỉnh
tích lũy trong biên độ hẹp quanh đường SMA20 trong một vài phiên kế
tiếp.
Về mặt chỉ báo kỹ thuật, đường MACD đang
nới rộng khoảng cách với đường tín hiệu và hướng xuống ngưỡng 0 với độ
dốc lớn, còn chuyển động của nhóm chỉ báo dao động (RSI, William%R và
STO) vẫn đang trong xu hướng giảm mạnh, đặc biệt chỉ báo STO đã tạo ra
khoảng cách giảm lên đến hơn 20 điểm so với đường tín hiệu.
Đồng thời, đà giảm của các chỉ báo MFI,
Momentum và ADX cũng đang có dấu hiệu gia tăng dần cường độ. Những tín
hiệu tương đối tiêu cực này có thể khiến chỉ số đối mặt với nguy cơ
xuyên thủng đường SMA20 và hướng về ngưỡng hỗ trợ SMA100 trong những
phiên còn lại của tuần.
Mặc dù vậy, như đã đề cập trong bản tin
trước, rủi ro sụt giảm mạnh của chỉ số vẫn được đánh giá thấp, bởi đường
giá vẫn đang nhận được sự nâng đỡ khá tốt từ đường PSAR và nhóm MA ngắn
hạn đang hướng lên. Đồng thời, để ngỏ khả năng chỉ số sẽ có phản ứng
hồi phục khi chớm phá xuống các vùng hỗ trợ vừa đề cập ở trên.Vùng hỗ
trợ gần của 2 chỉ số được dự báo nằm tại 595-600 điểm đối với VN-Index
và 80,5-81 điểm đối với HNX-Index. Đây được xem là điểm mua trading lại
một phần tỷ trọng cho các vị thế ngắn hạn đã hiện thực hóa lợi nhuận
trước đó.