Kiến thức chứng khoán - Kinh nghiệm đầu tư chứng khoán

Thứ Sáu, 8 tháng 11, 2013

Paul Trần Văn Thình thay châu Âu đàm phán với châu Á (4)

Một hôm đàm phán đến tận 2 giờ sáng, vị trưởng đoàn yêu cầu nghỉ giải lao để uống trà và gặp riêng tôi. Lúc chỉ còn hai người, ông ấy hỏi: “Trung Quốc và VN vừa có va chạm. Điều này có ảnh hưởng tới đàm phán không?”. Tôi trả lời: “Không có vấn đề gì vì trong cuộc đàm phán này, tôi đại diện cho quyền lợi của châu Âu”.
>> Chuyện đời Paul Trần Văn Thình (1)
>> Những năm đầu ở Pháp của Paul Trần Văn Thình (2)
>> Paul Trần Văn Thình vào nghề đàm phán thương mại (3)
Trần Văn Thình trên báo Le Point ngày 3-12-1990 với lời chú thích: “Paul Trần Văn Thình: đây là một cuộc cải cách chứ không phải sự tự sát
Trần Văn Thình trên báo Le Point ngày 3/12/1990 với lời chú thích: “Paul Trần Văn Thình: đây là một cuộc cải cách chứ không phải sự tự sát. Ảnh: Tuổi Trẻ.

Tháng 6/1977, tôi được bổ nhiệm là đặc sứ của Ủy ban châu Âu (EC) dẫn đầu nhóm chuyên gia 80 người chịu trách nhiệm tham gia đàm phán Hiệp định dệt may đa sợi lần hai của Hiệp định chung về thuế quan và thương mại (GATT).

Tháng mười cùng năm, tôi còn lãnh một nhiệm vụ khó khăn khác là đàm phán 32 thỏa thuận song phương về dệt may nhằm hạn chế sự tấn công của hàng dệt may vào các nước trong Cộng đồng kinh tế châu Âu (EEC) lúc bấy giờ.

Có một kỷ niệm thú vị. Trong lần đàm phán với Hong Kong, dẫn đầu đoàn đại biểu gồm nhiều người châu Á là một ông Tây tóc hung, râu quai nón cao lớn. Còn tôi, một người châu Á nhỏ thó, da vàng mũi tẹt lại dẫn đầu đoàn đàm phán gồm một nhóm trợ lý tóc hung mũi lõ. Chính một nhà báo Mỹ ở Hong Kong phát hiện điều này và báo chí được dịp tha hồ bình luận.

Tôi suy nghĩ rất nhiều về cách thức làm sao đạt được mục đích của mình mà không gây thất vọng cho các đối tác đàm phán. Lúc đó, tài khéo xoay xở - một trong những vốn quí của người Việt - được dịp phát huy. Tôi phân tích rằng không thể nào yêu cầu các nước giảm ngay lập tức lượng hàng xuất khẩu, thế nhưng nếu yêu cầu họ xuất khẩu một cách hợp lý - một dạng hạn ngạch - thì chắc chắn họ sẽ không phản ứng nhiều. Cách thức này tỏ ra khá hiệu quả.

Đàm phán với Hong Kong, Đài Loan và Hàn Quốc cam go nhất. Lúc đó, đây là ba nhà xuất khẩu mới nổi nhưng đầy đe dọa đối với thị trường EEC. Trong khi dệt may chiếm một phần ba sản lượng xuất khẩu của các nước kém phát triển lúc bấy giờ, sản lượng hàng dệt của ba nước nói trên chiếm hơn hai phần năm, còn hàng quần áo chiếm tới ba phần tư.

Tôi kiên quyết giảm số lượng hàng của ba nước này vì họ xuất khẩu rất nhiều hàng nhái và hàng giả rẻ tiền. Người Hong Kong tỏ ra rất giận dữ. Có lúc họ từ chối đàm phán. Tôi nói với họ: “Hãy tìm cách tăng chất lượng hàng hơn là tăng số lượng. Bán năm cái áo sơmi với giá 3 đôla/chiếc chắc chắn là lãi hơn bán mười cái áo với giá 1 đôla/chiếc”. Sau đó, Hong Kong đi theo hướng này và họ ngỏ lời cảm ơn tôi vì đã tư vấn đúng đắn.

Tôi đã thực hiện cuộc marathon đàm phán hơn 30 hiệp định trong một thời gian kỷ lục là sáu tuần lễ. Ngay sau khi hoàn tất đàm phán hiệp định thứ 32, tôi lập tức phải nhập viện để phẫu thuật sỏi mật. 

Tôi còn giữ được một bài báo của Financial Times số ra ngày 3/12/1977 đưa tin về sự kiện EEC đàm phán dệt may với các nhà xuất khẩu châu Á. “Một cỗ máy nhỏ với chiến thuật kiểu Napoleon”, họ trích dẫn một vài người mô tả về tôi như vậy. Họ gọi tôi là “Nhân vật trong tuần” (Man of the week). Họ cũng tường thuật lại cuộc họp báo do tôi tổ chức. Tại cuộc họp báo đó, tôi đã tuyên bố rằng tôi chấp nhận công việc đi đàm phán với điều kiện tôi sẽ từ chức một cách rùm beng nếu tôi biết EEC đang đối xử không công bằng với các nhà cung cấp dệt may. 
Trần Văn Thình trong một bản tin nội bộ của Ủy ban châu Âu với chú thích “Trần: không có đối thủ”. Ảnh: Tuổi Trẻ.
Trần Văn Thình trong một bản tin nội bộ của Ủy ban châu Âu với chú thích “Trần: không có đối thủ”. Ảnh: Tuổi Trẻ.

Tháng 10/1979, tôi được bổ nhiệm đi Thụy Sĩ với trọng trách là trưởng phái đoàn thường trực đầu tiên của EC bên cạnh các tổ chức quốc tế tại Geneva (Thụy Sĩ), đại sứ của EC tại GATT. Trước khi rời Brussels (Bỉ), tôi tới Bắc Kinh đàm phán hiệp định dệt may cuối cùng với Trung Quốc - một sự kiện nhiều điều đáng nhớ.
Đây là hiệp định đầu tiên về dệt may mà Trung Quốc ký kết với nước ngoài, vì vậy phía Trung Quốc rất cẩn trọng. Việc đàm phán bị kéo dài đã lâu. Tôi tới Bắc Kinh ngày thứ sáu 13/7/1979. Một cán bộ của Bộ Thương mại nói rằng anh ta được chỉ thị sẽ đáp ứng mọi yêu cầu về ăn nghỉ của tôi. 

Tôi ngỏ ý muốn đi Tây Tạng tham quan. Một tiếng sau anh cán bộ trả lời rằng Tây Tạng xa, đi và về phải mất bốn ngày nhưng sau này dù ký hay không ký được hiệp định dệt may thì Chính phủ Trung Quốc vẫn mời tôi thăm Tây Tạng. Vài năm sau, họ thực hiện lời hứa của mình.

Trong vòng bốn ngày, đàm phán luôn trong tình trạng căng thẳng bởi vị trưởng đoàn, một người đã lớn tuổi, luôn luôn giữ một quan điểm. Không hiểu sao tôi lại nhớ nhất đặc điểm là ông ấy đeo toàn răng giả. Người ta giới thiệu với tôi là ông ấy từng tham gia cuộc Vạn lý trường chinh.

Một hôm đàm phán đến tận 2 giờ sáng, vị trưởng đoàn yêu cầu nghỉ giải lao để uống trà và muốn gặp riêng tôi. Lúc chỉ còn hai người, ông ấy hỏi: “Trung Quốc và VN vừa có va chạm. Điều này có ảnh hưởng tới đàm phán không?”. Tôi trả lời: “Không có vấn đề gì vì trong cuộc đàm phán này, tôi đại diện cho quyền lợi của châu Âu”.

Tới ngày thứ năm, thứ trưởng Bộ Thương mại Trung Quốc - một phụ nữ khá lịch thiệp mà tôi không còn nhớ tên - mời tôi đi dạo và uống cà phê. Phiên dịch cho tôi là một người Pháp gốc Trung Quốc sinh ra ở Thượng Hải, lúc ấy là đại diện thương mại của EC ở đó. Chúng tôi đi dạo quanh một cái hồ rất đẹp, đi nửa tiếng đồng hồ nói đủ thứ chuyện, chẳng liên quan gì tới dệt may hay thương mại.  

Bỗng nhiên, bà thứ trưởng nói: “Tôi đã đồng ý hết mọi điều kiện ông đưa ra. Nhưng tôi muốn ký kết ngay hôm nay”. Tôi nói: “Văn kiện phải dịch ra tiếng Pháp, tiếng Anh và tiếng Trung Quốc, rồi phải so sánh đối chiếu, tôi sợ không kịp”. Nhưng bà ấy khăng khăng không chịu. Thế là đoàn đàm phán hai bên làm việc thâu đêm để ký kết hiệp định vào lúc 5 giờ sáng. Thỏa thuận này có giá trị năm năm và cho phép Trung Quốc tăng đáng kể số lượng hàng dệt may vào EEC. Sau này, tôi nhận được phản hồi từ Trung Quốc là họ rất hoan nghênh thỏa thuận đã đạt được.

Duyên nợ của tôi với Trung Quốc vẫn chưa hết. Sau đó, khi Trung Quốc đàm phán gia nhập GATT, họ lại chạm trán tôi. Không biết là may hay rủi. Cách thức đàm phán của họ lặp lại y như lần đàm phán hiệp định dệt may, cứ nhùng nhằng kéo dài. Một lần tôi nói thẳng: “Các ngài xin gia nhập GATT chứ không phải GATT xin gia nhập Trung Quốc”. Họ nổi giận, lập tức viết một bức thư gửi chủ tịch EC phàn nàn về tôi.

Bị Trung Quốc kiện cũng là điều không đơn giản, tôi có thể bị mất chức. Nhưng chủ tịch EC lúc bấy giờ là Jacques Delors nói với tôi: “Ông toàn quyền quyết định trong đàm phán. Những điều ông nói là đúng. Tôi không can thiệp gì cả”. Mặc dù có nhiều “kỷ niệm” đáng nhớ như vậy nhưng chính phủ Trung Quốc luôn coi trọng tôi. Trước khi VN và Pháp ký hiệp định lãnh sự miễn thị thực đối với hộ chiếu ngoại giao, tôi về VN vẫn phải mất thời gian cho khâu xin thị thực trong khi từ lâu Trung Quốc đã cho tôi hưởng qui chế miễn thị thực lâu dài.
Share:

Trang

Nổi bật

Giới siêu giàu kiếm tiền từ đâu?