Tại Việt Nam, vay tiêu dùng chủ yếu là mua điện thoại, ô tô, vật dụng, trang thiết bị không thiết yếu. Đó đều không phải là những món hàng cấp thiết đến mức bắt bạn phải mua ngay lập tức. Trong trường hợp bạn nhất quyết mua, hãy sẵn sàng tinh thần trả lãi ít nhất 30%/năm cho khoản nợ của mình.
Nếu đi qua các cửa hàng bán điện thoại di động lớn như Viettel Store, Thế giới di động, FPT Shop,... chúng ta có thể dễ dàng đọc được những bảng quảng cáo như cho vay mua điện thoại với những lời quảng cáo hết sức ngọt ngào như cho vay trả góp 0%, cho vay trả góp lãi suất 0,76%, kỳ hạn thì rất thoải mái từ 6 - 12 tháng, thậm chí có cả 24 tháng.
Với những sản phẩm đắt tiền hơn, như ô tô chẳng hạn, sân chơi chính lại thuộc về các ngân hàng.
Đặc điểm chung của những chương trình cho vay tiêu dùng này đó là những lời quảng cáo hết sức ngọt ngào: Trả trước chỉ 10%, trả góp từ 0%, kỳ hạn dài, lãi suất thấp, không cần nhiều tài sản bảo đảm... để người vay có cảm giác thoải mái khi đăng ký các gói này.
Theo vụ Chính sách tiền tệ (Ngân hàng Nhà nước), các khoản vay tiêu dùng đang tăng trưởng mạnh. Tổng dư nợ cho vay tiêu dùng đến tháng 9/2015 tăng mạnh 31,49% so với thời điểm 31/12/2014, chiếm tỷ trọng 8,02% so với tổng dư nợ tín dụng toàn hệ thống.
Tuy nhiên, nếu tỉnh táo một chút, bạn sẽ nhanh chóng nhận ra rằng không bao giờ có khoản vay không cần nhiều tài sản đảm bảo nào mà lại có lãi suất thấp (trừ trường hợp bạn quá nổi tiếng, uy tín "đầy mình").
Thông thường, tổng số tiền bạn phải trả cho khoản vay 12 tháng (bao gồm tiền gốc + lãi) sẽ cao hơn khoảng 30%, đồng nghĩa với lãi suất 30%/năm. “Rủi ro càng lớn – lãi suất càng cao” là quy tắc số 1 của các ngân hàng và với khoản vay nhỏ, không bảo đảm, mức lãi suất không thể thấp.
Khi người tiêu dùng chủ quan, chưa nghiên cứu kỹ, việc lãi suất cao cộng thêm các khoản phí phạt khi thanh toán chậm có thể khiến khoản nợ của họ rơi vào cảnh "trả mới không dứt". Người tiêu dùng cảm thấy mình rơi vào bẫy của các tổ chức tài chính.
Vậy làm sao để tránh cảm giác "bị lừa" khi vay?
Dưới đây là một số gợi ý:
- Cân nhắc kỹ trước khi đặt bút ký vào hợp đồng, hỏi nhân viên tư vấn đầy đủ về các khoản phí phải trả (nhân viên chắc chắn phải trả lời đầy đủ cho bạn). Đọc thật kỹ các khoản trong hợp đồng. So sánh các tổ chức tài chính với nhau để chọn được khoản vay ưu đãi nhất (Các trang bán hàng hiện nay đều tích hợp công cụ để người dùng dễ so sánh).
- Việc kiểm tra độ tin cậy của tổ chức cho vay trên cũng rất quan trọng. Người dùng có thể vào website của Ngân hàng Nhà nước để tìm những tổ chức tài chính đang hoạt động hợp pháp tại Việt Nam dưới sự quản lý của Ngân hàng Nhà nước, để không bị vướng vào mối quan hệ tín dụng với một tổ chức hay cá nhân cho vay phi pháp.
- Đừng bao giờ vay nếu bạn không có nguồn thu ổn định hoặc không có tiền tiết kiệm. Bên cạnh lãi suất cao, các khoản phạt cho vì trả nợ chậm với hình thức cho vay tiêu dùng là rất nặng. Kết quả là khoản nợ sẽ ngày một phình to hơn, gây áp lực cho người vay như đi vay nặng lãi.
- Cuối cùng, nếu được thì tốt nhất là không vay. Không phủ nhận, vay tiêu dùng là một công cụ tốt giúp người tiêu dùng tiếp cận với những món đồ mơ ước của mình khi không có nhiều tiền trong tay. Nhưng về lâu về dài, nó gây ra thiệt hại lớn tới dòng tiền của bạn. Trong khi đó, tại Việt Nam, vay tiêu dùng mới phổ biến để mua điện thoại, ô tô, vật dụng, những món hàng không thiết yếu.
Trong trường hợp bạn nhất quyết phải đặt bút ký hợp đồng, hãy mặc định cộng trong tâm tưởng rằng, bạn phải trả thêm ít nhất 30% khoản nợ của mình.
Theo Trí Thức Trẻ