Kiến thức chứng khoán - Kinh nghiệm đầu tư chứng khoán

Thứ Sáu, 1 tháng 1, 2016

Những chính sách chứng khoán đáng chú ý có hiệu lực từ năm 2016

Năm 2015 được xem là “năm của các chính sách phát triển thị trường” với nhiều các chính sách lớn được ban hành.

http://www.blogchungkhoan.com/2015/09/mo-tai-khoan-tu-van-au-tu-chung-khoan.html#.VoY3qE-fesV

Năm 2015, mặc dù chịu ảnh hưởng bởi biến động từ nền kinh tế thế giới như kinh tế và thị trường chứng khoán (TTCK) Trung Quốc, tình hình giá dầu, vấn đề về tỷ giá, sự dịch chuyển các dòng vốn… nhưng nhờ điều kiện kinh tế vĩ mô trong nước diễn biến tương đối ổn định và khả quan (với tăng trưởng GDP ước đạt 6,68%) đã giúp TTCK Việt Nam có “điểm tựa” tốt để triển khai các giải pháp phát triển TTCK.

Năm 2015 được xem là “năm của các chính sách phát triển thị trường” với nhiều các chính sách lớn được ban hành như Nghị định 60/NĐ-CP sửa đổi bổ sung một số điều của Nghị định 58/NĐ_CP hướng dẫn Luật chứng khoán; Nghị định 42/NĐ-CP về chứng khoán phái sinh (CKPS) và thị trường chứng khoán phái sinh (TTCKPS), ban hành 08 Thông tư và nhiều Quy chế hướng dẫn. Trong đó, một số chính sách có hiệu lực áp dụng ngay trong năm 2015 và một số chính sách sẽ có hiệu lực trong năm 2016.

Một số chính sách đáng chú ý như:

Quy chế hoạt động bù trừ và thanh toán giao dịch chứng khoán, áp dụng chu kỳ thanh toán T+2  có hiệu lực từ ngày 1/1/2016. 

Tại Quyết định 211/QĐ-VSD về việc ban hành Quy chế hoạt động bù trừ và thanh toán giao dịch chứng khoán, từ ngày 1/1/2016, ngày thanh toán giao dịch cổ phiếu, chứng chỉ quỹ là ngày làm việc thứ 2 sau ngày giao dịch (T+2) và ngày thanh toán giao dịch trái phiếu là ngày làm việc liền kề sau ngày giao dịch (T+1). Cùng với đó, trong năm 2016 TTLKCK dự kiến sẽ nghiên cứu để tiếp tục rút ngắn chu kỳ thanh toán đối với chứng chỉ quỹ xuống T+1.

Cùng với Quy chế hoạt động bù trừ và thanh toán giao dịch chứng khoán, 02 quy chế khác của TTLKCK cũng sẽ có hiệu lực ngay từ 1/1/2016 là:
  1. Quy chế hoạt động giao dịch hoán đổi, đăng ký, lưu ký, thanh toán bù trừ, thực hiện quyền đối với chứng chỉ hoán đổi danh mục (ETF) ban hành kèm theo Quyết định số 212/QĐ-VSD ngày 18/12/2015; thay thế Quyết định số 110/QĐ-VSD ngày 19/08/2014; Quy chế đăng ký mã số giao dịch chứng khoán của NĐT nước ngoài ban hành kèm theo Quyết định số 213/QĐ-VSD ngày 18/12/2016 thay thế Quyết định số 47/QĐ-VSD ngày 13/03/2013.
Thông tư 155 hướng dẫn về công bố thông tin (CBTT) trên TTCK- Có hiệu lực 1/1/2016.  

Thông tư số 155/2015/TT-BTC (Thông tư 155) mở rộng hơn các đối tượng thực hiện CBTT so với Thông tư số 52/2012/TT-BTC trước đây. Điển hình như (i) đối tượng công ty đại chúng quy mô lớn (trước đây là Cty có vốn điều lệ >120 tỷ đồng và số cổ đông >= 300) là các Cty có vốn góp của chủ sở hữu từ 120 tỷ đồng trở lên mà không quy định về số cổ đông và (ii) đối tượng là người nội bộ của công ty (ngoài các “cổ đông nội bộ” theo Thông tư 52 là thành viên HĐQT; Ban kiểm soát; TGĐ/GĐ, Phó TGĐ/Phó GĐ; kế toán trưởng,...) như các chức danh quản lý tương đương TGD/GĐ, Phó TGD/Phó GĐ... người đại diện theo pháp luật, người được ủy quyền CBTT sẽ phải chấp hành việc thực hiện yêu cầu CBTT theo quy định mới từ ngày 1/1/2016.

Thông tư 180 hướng dẫn về đăng ký giao dịch chứng khoán trên hệ thống giao dịch cho chứng khoán chưa niêm yết- Có hiệu lực từ 1/1/2016

Trên cơ sở Nghị định 60/NĐ-CP ngày 6/6/2015 đã rút ngắn thời gian đưa cổ phiếu lên sàn giao dịch sau cổ phần hóa từ 90 ngày xuống còn 60 ngày, Thông tư số 180/2015/TT-BTC có hiệu lực từ ngày 1/1/2016 quy định, trong vòng một (01) năm kể từ ngày Thông tư có hiệu lực, công ty đã là công ty đại chúng và công ty đại chúng đã hủy niêm yết trước thời điểm Thông tư có hiệu lực phải hoàn tất thủ tục đăng ký giao dịch trên hệ thống giao dịch Upcom.

Thông tư 197 quy định về hành nghề chứng khoán- Có hiệu lực từ ngày 25/1/2016

Thông tư 197/2015/TT-BTC ngày 03/12/2015 quy định về hành nghề chứng khoán sẽ thay thế Quyết định số 15/2008/QĐ-BTC và Thông tư số 147/2012/TT-BTC trước đây. Thông tư 197 có nhiều điểm mới theo hướng quản lý chặt chẽ hơn quy định về hành nghề chứng khoán như: (i) Các chứng chỉ chuyên môn về chứng khoán phải do Trung tâm Nghiên cứu khoa học và Đào tạo chứng khoán thuộc UBCKNN cấp; loại bỏ các cơ sở đào tạo được UBCKNN chấp thuận (ii) Quy định rõ trách nhiệm của người hành nghề chứng khoán, những điều mà người hành nghề chứng khoán không được làm; (iii) bổ sung mới quy định liên quan đến chứng chỉ chuyên môn về CKPS và việc thực hiện các nghiệp vụ chuyên môn liên quan đến CKPS tại các tổ chức kinh doanh chứng khoán… Các quy định mới này sẽ có hiệu lực từ 25/1/2016.

Thông tư 202 hướng dẫn về niêm yết chứng khoán trên SGDCK- Có hiệu lực từ 1/3/2016

Kể từ ngày 1/3/2016, các công ty niêm yết phải tuân thủ theo các điều kiện niêm yết chung trên 02 SGDCK, điều kiện niêm yết của công ty hợp nhất, nhận sáp nhập; điều kiện niêm yết của công ty thực hiện phát hành cổ phiếu để hoán đổi lấy cổ phiếu, phần vốn góp tại doanh nghiệp khác; việc niêm yết của doanh nghiệp nhà nước cổ phần hóa…tại Thông tư 202/2015/TT-BTC; cũng như điều kiện hủy bỏ niêm yết bắt buộc, hủy niêm yết tự nguyện, đăng ký niêm yết lại.

Thông tư 202 có những điểm mới nhằm phù hợp với quy định tại Luật Doanh nghiệp 2014 và Nghị định 60/NĐ-CP sửa đổi bổ sung một số điều của Nghị định 58 hướng dẫn Luật chứng khoán và phù hợp điều kiện thực tiễn thị trường.

Thông tư 203 hướng dẫn giao dịch trên TTCK- Có hiệu lực từ 1/7/2016
 
Ngày 21/12/2015, Bộ Tài chính đã ban hành Thông tư số 203/2015/TT-BTC thay thế cho Thông tư 74/2011/TT-BTC ngày 1/6/2011 về hướng dẫn giao dịch trên TTCK. Thông tư 203 là một bước tiến khá lớn về quy định giao dịch chứng khoán trên thị trường, khi có rất nhiều điểm mới đột phá so với Thông tư 74 cũ như cho phép NĐT được đặt lệnh vừa mua vừa bán nhưng trong phiên khớp lệnh liên tục, không áp dụng cùng mua cùng bán trong phiên khớp lệnh định kỳ xác định giá mở cửa/đóng cửa; cho phép bán chứng khoán trên đường về và thực hiện giao dịch trong ngày (day-trading); quy định về quyền lợi và trách nhiệm của thành viên tạo lập thị trường (market-maker)...

Quy định về các tội danh trong lĩnh vực chứng khoán tại Bộ luật Hình sự (sửa đổi, bổ sung)- Có hiệu lực từ 1/7/2016. 

Đối với lĩnh vực chứng khoán, Luật hình sự số37/2009/QH12 ngày 19/6/2009 quy định 3 tội danh là: tội cố ý công bố thông tin sai lệch hoặc che giấu sự thật trong hoạt động chứng khoán, tội sử dụng thông tin nội bộ để mua bán chứng khoán, tội thao túng giá chứng khoán. Tại Luật hình sự sửa đổi bổ sung  năm 2015 đã bổ sung thêm một tội danh mới là: tội làm giả tài liệu trong hồ sơ chào bán, niêm yết chứng khoán nhằm nâng cao tính răn đe, phòng ngừa vi phạm, xử lý nghiêm khắc các hành vi vi phạm gây hậu quả nghiêm trọng, ảnh hưởng đến hoạt động của TTCK. Và quy định mới này sẽ có hiệu lực áp dụng từ ngày 1/7/2016.
Các chính sách dự kiến ban hành trong năm 2016
Thông tư hướng dẫn Nghị định 42/NĐ-CP về chứng khoán phái sinh và thị trường chứng khoán phái sinh.
Mặc dù Nghị định 42 đã có hiệu lực áp dụng từ ngày 1/7/2015, nhưng việc chưa có Thông tư hướng dẫn và chưa có TTCKPS tại Việt Nam khiến Nghị định chưa thực sự đi vào cuộc sống. Để vận hành TTCKPS theo kế hoạch đã được phê duyệt tại Quyết định 366/QĐ-TTg ngày 11/3/2014 của Thủ tướng Chính phủ thì Thông tư hướng dẫn về CKPS và TTCKPS sẽ là văn bản pháp lý được trông đợi nhất trong năm 2016.
Thông tư hướng dẫn về phát hành và giao dịch sản phẩm Chứng quyền có bảo đảm (Covered Warrant)
Hiện tại dự thảo Thông tư dướng dẫn về phát hành và giao dịch Chứng quyền có bảo đảm (CW) niêm yết trên SGDCK đã ở những khâu hoàn thiện cuối cùng. Dự thảo Thông tư đã được đăng trên website để lấy ý kiến rộng rãi của thành viên thị trường trước khi được ban hành. Cũng giống như các Thông tư hướng dẫn về ETF và REIT, Thông tư về CW sẽ là cơ sở để triển khai một sản phẩm mới, được xem là sản phẩm bước đệm cho thị trường phái sinh.
Có thể thấy, hệ thống chính sách cho TTCK của Việt Nam ngày càng được hoàn thiện và đầy đủ hơn theo thông lệ quốc tế. Trải qua 15 năm hình thành và phát triển, TTCK Việt Nam cần thiết có những chính sách “đột phá” như những gì đã và đang làm trong năm 2015 và tiếp tục trong năm 2016.
Khánh Ly
Theo Trí thức trẻ

Share:

Trang

Nổi bật

Giới siêu giàu kiếm tiền từ đâu?