Kết thúc năm 2015, thị trường UPCoM đã
đón nhận thêm gần 100 “tân binh” lên sàn, con số này gấp 1,6 lần so với
cả năm 2013 và 2014 cộng lại.
Tính đến hết ngày 31/12/2015, có 256
doanh nghiệp đang giao dịch cổ phiếu trên thị trường UPCoM với giá trị
đăng ký giao dịch hơn 50,4 nghìn tỷ đồng, vốn hóa thị trường đạt trên 61
nghìn tỷ đồng.
Theo Sở GDCK Hà Nội, trong năm qua, thị
trường UPCoM đã tạo ra kênh huy động vốn hiệu quả cho doanh nghiệp với
giá trị huy động đạt gần 1,5 nghìn tỷ đồng thông qua đăng ký giao dịch
bổ sung, gấp 4 lần so với năm 2014.
Ngoài ra, thanh khoản thị trường có sự
tăng trưởng mạnh mẽ. Tổng khối lượng giao dịch toàn thị trường đạt 934,6
triệu cổ phiếu, tăng 70,9% so với cùng kỳ, giá trị giao dịch tương ứng
đạt 14,28 nghìn tỷ đồng, gần gấp 3 lần giá trị giao dịch năm 2014.
Chính sách mở đường bùng nổ hàng mới
Năm 2015, hàng loạt các chính sách hỗ
trợ tạo nguồn hàng mới cho UPCoM tiếp tục được ban hành và có hiệu lực.
Cụ thể, Nghị định 60/2015 được ban hành đã rút ngắn thời gian đưa cổ
phiếu lên sàn giao dịch sau cổ phần hóa từ 90 ngày theo Quyết định
51/2014 xuống còn 60 ngày.
Trong khi đó, Thông tư 180 quy định tất
cả các công ty đại chúng hình thành trước ngày 01/01/2016 (ngày Thông tư
có hiệu lực) mà không niêm yết trên Sở GDCK sẽ phải thực hiện đăng ký
giao dịch trên hệ thống UPCoM trong vòng một năm.
Đối với các công ty đại chúng hình thành
sau ngày 01/01/2016, thời hạn để đăng ký giao dịch là trong vòng 30
ngày kể từ ngày Ủy ban Chứng khoán Nhà nước có công văn xác nhận hoàn
tất việc đăng ký công ty đại chúng, hoặc kể từ ngày kết thúc đợt chào
bán chứng khoán ra công chúng.
Cũng trong năm 2015, Thủ tướng Chính phủ
lần đầu tiên ban hành quyết định thành lập Vụ Giám sát công ty đại
chúng. Điều này góp phần thúc hàng nghìn doanh nghiệp đại chúng vào sàn,
tuân thủ nghiêm các quy định trong lĩnh vực chứng khoán đối với các
công ty đại chúng.
Để tăng sức hấp dẫn, sàn UPCoM cũng được
tăng biên độ giao dịch cổ phiếu từ ±10% lên ±15%, áp dụng bắt đầu từ
phiên giao dịch ngày 01/7/2015.
“Ông lớn” đổ bộ
Như đã đề cập, các quy định mới nói trên
đã thúc gần 100 doanh nghiệp đưa cổ phiếu lên sàn UpCom trong năm qua.
Trong số đó, sự đổ bộ của hàng loạt các “ông lớn”, các tập đoàn, tổng
công ty nhà nước với vốn điều lệ nghìn tỷ đã bổ sung nguồn hàng chất
lượng cho thị trường.
Một
số cái tên đáng chú ý có thể kể đến như CTCP Tài nguyên Masan (mã
MSR), vốn điều lệ 7.194 tỷ đồng, giao dịch từ 17/9; CTCP DAP - VINACHEM
(mã DDV), vốn điều lệ hơn 1.461 tỷ đồng, lên UPCoM từ 10/6 hay CTCP
Dịch vụ Hàng không Sân bay Tân Sơn Nhất (SBS), Tổng Công ty Thiết bị
Điện Việt Nam (Gelex- GEX)...
Cổ phiếu tăng giá khủng, khớp lệnh kỷ lục
Với sự bổ sung hàng hóa chất lượng, diễn
biến giao dịch trên UPCoM đã được cải thiện đáng kể trong năm qua. Đặc
biệt, một số cổ phiếu gây bất ngờ, thậm chí xác lập kỷ lục mới trên thị
trường về thanh khoản hay mức tăng giá như NCS, GER, NHN, GEX.
Về mức tăng giá, cổ phiếu GER của CTCP
Thể thao ngôi sao Geru từng đạt mức tăng khủng tới 91,67% một tuần.
Trong khi đó, NCS của CTCP Suất ăn Hàng không Nội Bài tăng giá hơn 500%
kể từ khi lên sàn vào đầu tháng 12, cao hơn mức tăng trong cả năm của
bất kỳ cổ phiếu nào tại HNX.
Cũng trong năm qua, cổ phiếu GEX của
Tổng Công ty Thiết bị Điện Việt Nam gây bão với màn khớp lệnh hơn 122
triệu cổ phiếu (hoạt động thoái vốn của Bộ Công thương) trong vòng 30
phút tại phiên giao dịch ngày 25/12.
Phiên giao dịch ngày 25/12 là phiên dẫn
đầu về khối lượng khớp lệnh trong năm qua. Tuy nhiên, phiên giao dịch có
giá trị giao dịch cao nhất là phiên giao dịch ngày 19/10 khi Tập đoàn
Vingroup (VIC) tiến hành giao dịch thoả thuận gần 79,8 triệu cổ phiếu
NHN của CTCP Phát triển Đô thị Nam Hà Nội với giá trị lên tới 3.396 tỷ
đồng. Mục đích thực hiện giao dịch là nhằm tái cơ cấu sở hữu công ty
con.
Giao dịch này đã khiến giá trị giao dịch
trên UPCoM lần đầu vượt qua sàn HOSE, HNX và cũng là giao dịch lớn nhất
trong một phiên khớp lệnh kể từ khi chính thức triển khai hình thức
khớp lệnh liên tục.
Cổ phiếu “hồi sinh” trên UPCoM
Trong năm qua, sàn UPCoM cũng tạo điều
kiện cho sự hồi sinh của nhiều cổ phiếu bị hủy niêm yết. Đặc biệt nhiều
cổ phiếu có mức tăng mạnh đã tạo ra câu chuyện về “sóng cổ phiếu giá
bèo” trên UPCoM. Điển hình trong số đó là các mã AVF, GGG, PXM…
Ở chiều ngược lại, mặc dù sàn UPCoM chưa
thực sự trở thành nơi tập dượt hiệu quả, bệ phóng lên niêm yết cho các
Công ty đại chúng khi đa phần doanh nghiệp trên sàn còn e dè, chưa chủ
động trong công bố thông tin, tuy nhiên, thị trường năm qua cũng ghi
nhận một số cái tên chuyển từ UPCoM lên sàn niêm yết như PTD, NT2 hay
sắp tới là SCI.
(ĐTCK)
(ĐTCK)