Những phiên cuối cùng của năm
2015, thị trường có phần khởi sắc hơn theo đúng dự báo của nhiều CTCK.
Nhiều ý kiến cho rằng, thị trường sẽ có những phiên giao dịch mang tính
“thăm dò” trong tuần tới. Theo nhận định của ông/bà, thị trường sẽ theo
xu hướng nào trong tuần đầu tiên của tháng 1?
Ông Trần Thăng Long, Trưởng phòng phân tích, CTCK BSC
Năm 2015 là một năm rất nhiều biến
động, trong báo cáo quý VI/2015, tôi cũng khá ngạc nhiên khi team
định lượng BSC xác định VN-Index có thể giảm về 553 điểm (khi
đó đa số nhà đầu tư chỉ nghĩ đến mốc trên 600), do vậy chúng tôi
cũng đã có sự chuẩn bị cho đợt giảm mạnh về sát 558 điểm
vừa rồi.
Hiện tại, thị trường vẫn đang phục
hồi nhẹ trong 2 tuần cuối năm, điều này cũng nằm trong dự báo
của BSC (trên Báo cáo How Long How Low và Sau cơn mưa trời lại
sáng).
Điểm số thực ra không quan trọng bằng xu hướng và việc lựa chọn cổ phiếu, ngành phù hợp.
Trong tuần cuối cùng của năm 2015, thị
trường diễn biến khá tích cực nhờ sự vận động của các cổ phiếu
Bluechips, một phần từ hoạt động chốt NAV của các quỹ đầu tư. Nhóm Phân
tích định lượng của BSC đánh giá, 580 điểm là ngưỡng kháng cự
mạnh với VN-Index, thị trường sẽ có đợt rung lắc ở vùng giá này trước
khi xác lập một xu thế rõ rệt. Do vậy, nhiều khả năng thị trường chuyển
sang trạng thái đi ngang và thanh khoản thấp chờ đợi thông tin hỗ trợ
trong những phiên đầu tuần năm mới.
Ông Vũ Minh Đức, Giám đốc Phân tích kỹ thuật - Khối phân tích CTCK VPBS
Việc thị trường tăng điểm tốt trong tuần
giao dịch cuối cùng của năm 2016 đã không nằm ngoài dự báo của một số
công ty chứng khoán do một số yếu tố.
Thứ nhất, hoạt động bán ròng của khối
ngoại, đặc biệt là dòng tiền nóng từ các quỹ ETF hay P-Note đều dừng
lại, có thể do hiệu ứng nghỉ lễ Noel và năm mới.
Thứ hai, hoạt động làm NAV cuối năm của
một số nhà đầu tư tổ chức tập trung vào các cổ phiếu vốn hóa lớn tác
động mạnh đến chỉ số, chúng ta có thể thấy cổ phiếu EIB bất ngờ tăng
trần trong phút giao dịch cuối cùng của thị trường ngày 30/12.
Cuối cùng là về mặt kỹ thuật, VN-Index
sau khi được hỗ trợ tại cận dưới của kênh tích lũy 560-580 điểm thì đang
có xu hướng kiểm định lại vùng cận trên ở 580.
Tất cả các hiệu ứng này kết thúc sau
ngày 31/12 và nhà đầu tư sẽ dõi theo động thái của khối ngoại trong tuần
giao dịch đầu năm mới. Những yếu tố cơ bản hiện tại vẫn đang ủng hộ cho
việc tiếp tục bán ròng của họ và tôi cũng đồng quan điểm, thị trường sẽ
có điều chỉnh nhẹ khi giao dịch trở lại sau kỳ nghỉ Tết Dương lịch để
“thăm dò”.
Ông Nguyễn Hồng Khanh, Trưởng phòng Phân tích CTCK SBS
Thị trường những phiên cuối năm đã bớt
ảm đạm hơn nhờ vào nhiều yếu tố hỗ trợ. Trước tiên là khối ngoại đã giảm
bán ra sau hơn 2 tháng bán ròng hơn 2.000 tỷ đồng. Ngoài ra, giá của
nhiều cổ phiếu đã giảm khá sâu và chạm vào các vùng hỗ trợ mạnh dài hạn.
Dù giảm khá mạnh, nhưng thị trường vẫn
tránh được các phiên sụp đổ do phần lớn nhà đầu tư đã cơ cấu danh mục
cân bằng margin trước đó, vì vậy khi thị trường rơi đến điểm cân bằng
giữa cung và cầu, thì các tín hiệu hồi phục sẽ xuất hiện.
Hiện tại, các tín hiệu dòng tiền vẫn khá
yếu, nhưng vấn đề này không quá đáng lo ngại vì chỉ cần có các tin tức
hỗ trợ xuất hiện thì lập tức dòng tiền sẽ quay lại thị trường rất nhanh.
Tôi cho rằng, tuần đầu tiên của tháng 1 có thể chưa có nhiều biến động,
nhưng giao dịch sẽ tăng dần theo xu hướng tích cực hơn.
Sau một thời gian trầm lắng cùng
thị trường thì nhóm cổ phiếu ngân hàng đã có những phiên khởi sắc trong
tuần qua. Liệu trong tuần tới, nhóm cổ phiếu nào sẽ “dẫn dắt” thị trường
theo dự báo của ông?
Ông Trần Thăng Long, Trưởng phòng phân tích, CTCK BSC
Rất khó để dự báo đúng diễn biến
ngắn hạn cũng như ngành nào sẽ dẫn dắt trong 1 - 2 tuần. Nhóm
cổ phiếu dẫn dắt thị trường trong tuần qua chủ yếu là các cổ phiếu vốn
hóa lớn như BVH, VIC, MSN, VNM và VCB, chứ không riêng gì nhóm ngân
hàng. Tôi cho rằng, sẽ chưa có một ngành đơn lẻ có thể dẫn dắt thị
trường trong ngắn hạn, bởi chưa có thông tin tích cực nào đủ mạnh, trong
khi rủi ro vẫn còn nhiều như (1) dòng tiền vào thị trường hạn
chế và (2) tỷ giá USD/VND vẫn đang ở mức cao trong dịp cuối năm.
Trong năm 2015, BSC cũng dự báo khá
sát các ngành có cơ hội đầu tư tốt như ngân hàng (Tháng
1/2015), bảo hiểm và cảng biển (tháng 6/2015), công nghệ thông tin
và mía đường (tháng 9/2015).
Hiện tại, các cổ phiếu đang diễn biến
tích cực trên thị trường đa phần là các cổ phiếu cơ bản và được kỳ vọng
có kết quả kinh doanh. Chúng tôi cho rằng, trong thời gian tới, sự phân
hóa sẽ tiếp tục diễn ra, các nhóm cổ phiếu sẽ thay nhau tăng điểm, giữ
nhịp cho thị trường và dòng tiền sẽ tiếp tục tìm đến cổ phiếu cơ bản
thay vì nhóm cổ phiếu đầu cơ, nhất là trong bối cảnh thanh khoản thị
trường chung đang thấp.
BSC sẽ công bố Báo cáo triển vọng
vĩ mô và TTCK và báo cáo triển vọng ngành đầu năm 2016, quan
điểm của chúng tôi và những nhận định cơ hôi đầu tư sẽ chi
tiết hơn.
Ông Vũ Minh Đức, Giám đốc Phân tích kỹ thuật - Khối phân tích CTCK VPBS
Quan điểm của tôi cho rằng, nhóm cổ phiếu ngân hàng tăng điểm trong
tuần qua không chịu tác động nhiều bởi yếu tố nội tại, mà là do những
yếu tố kỹ thuật.
VCB bất ngờ được khối ngoại mua ròng
mạnh với giá trị gần 62 tỷ đồng trong 3 phiên đầu tuần đã giúp cổ phiếu
này tăng gần 4% giá trị so với giá đóng cửa thứ Sáu tuần trước đó, tạo
hiệu ứng cho những cổ phiếu như BID, CTG tăng giá.
Bên cạnh đó, như chúng tôi đã nói ở trên
về trường hợp của EIB và cùng với STB tăng giá bất ngờ vào phiên giao
dịch ATC có thể xuất phát từ hoạt động làm đẹp NAV cuối năm của các nhà
đầu tư tổ chức.
Hiệu ứng này sẽ mất đi sau kỳ nghỉ lễ và
tôi không nghĩ rằng, nhóm ngân hàng sẽ là tác nhân chính tác động đến
thị trường. Ngược lại, thị trường có thể sẽ biến động dựa trên tương
quan của rất nhiều cổ phiếu vốn hóa lớn.
Sức ép của khối ngoại (nếu có) sẽ trải
đều trên nhóm cổ phiếu chiếm tỷ trọng lớn trong rổ chỉ số như MSN, VIC,
BVH, VCB, SSI… Bên cạnh đó, không thể không tính đến vai trò của VNM, cổ
phiếu được quan tâm nhiều nhất trong lộ trình thoái vốn của SCIC cũng
như GAS, PVD, PVS… những cổ phiếu đang chịu hiệu ứng tiêu cực của việc
giá dầu thế giới vẫn trên đà đi xuống.
Ông Nguyễn Hồng Khanh, Trưởng phòng Phân tích CTCK SBS
Các nhóm cổ phiếu ngân hàng, đặc biệt là
ngân hàng có cổ phần quốc doanh như VCB, BID, CTG đều đã giảm 15 - 20%
so với đỉnh cao trong năm và đi ngang tại vùng hỗ trợ EMA 200 hơn cả
tháng nay. Một trong những yếu tố tác động mạnh đến cổ phiếu dòng ngân
hàng chính là động thái giao dịch khối ngoại.
Việc mua ròng trở lại thời gian gần đây
là một yếu tố tích cực cho nhóm ngành đang chiếm tỷ trọng vốn hóa thuộc
loại lớn nhất của thị trường. Hiện tại, có lẽ ngoài nhóm cổ phiếu ngân
hàng thì không có nhóm ngành nào đủ sức kéo thị trường vì các nhóm ngành
lớn như dầu khí, bất động sản đều thiếu động lực tăng trưởng dài hạn
trong khi các nhóm ngành khác có sự phân hóa lớn vào các cổ phiếu đầu
ngành.
Ngoài nhóm ngân hàng, thì một vài cổ
phiếu thuộc nhóm logistics, bất động sản và cả những cổ phiếu trong danh
mục thoái vốn của nhà nước sẽ thu hút quan tâm của nhà đầu tư trong
thời gian tới.
Trong dự thảo nghị quyết về những
nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu chỉ đạo điều hành thực hiện kế hoạch phát
triển kinh tế, chúng ta cũng đã đặt mục tiêu phấn đấu tăng trưởng kinh
tế cao hơn năm 2015 với mức tăng trưởng GDP dự báo 6,7%, lạm phát tăng
dưới 5%... Những chỉ tiêu này góp phần củng cố cho sự phát triển của thị
trường trong năm 2016?
Ông Trần Thăng Long, Trưởng phòng phân tích, CTCK BSC
Diễn biến thị trường trong năm 2015 vẫn
cho thấy kinh tế vĩ mô ổn định, tăng trưởng cao giúp giảm bớt hiệu ứng
tiêu cực từ dòng tiền suy yếu bởi Thông tư 36 và hoạt động rút vốn của
khối ngoại, cũng như các tin tức bên ngoài như Ngân hàng Trung ương
Trung Quốc điều chỉnh tỷ giá, FED tăng lãi suất.
Sau những đợt giảm điểm, thị trường
thường phục hồi rất nhanh và tiếp tục duy trì xu hướng tăng điểm. Tất
nhiên là còn rất nhiều thách thức và TTCK luôn có biến động
mạnh, nhưng tôi cho rằng, TTCK Việt Nam sẽ và có tăng trưởng so 2015
cùng với đà đi lên của kinh tế vĩ mô và cải thiện kết quả kinh doanh
của các doanh nghiệp niêm yết.
Ông Vũ Minh Đức, Giám đốc Phân tích kỹ thuật - Khối phân tích CTCK VPBS
Quan điểm của chúng tôi cũng cho rằng,
nền kinh tế Việt Nam vẫn đang trên đà hồi phục tích cực và điều này
không chỉ thể hiện ở những mục tiêu tăng trưởng kinh tế được công bố.
Nếu nhìn vào bức tranh tăng trưởng lợi
nhuận của các công ty niêm yết, dựa trên số liệu kết quả kinh doanh quý
III/2015 mà VPBS đã để cập trong Báo cáo Triển vọng thị trường gần nhất
thì các công ty trên HOSE đạt mức trung vị tăng trưởng thu nhập ròng 12
tháng (tính từ quý III/2014-quý III/2015) là 27,2% và EPS 12 tháng 6,7%.
Dù chưa có số liệu cập nhật đầy đủ cho
quý IV/2015, nhưng tôi cho rằng, số liệu tăng trưởng tích cực này sẽ vẫn
tiếp tục được duy trì. Cùng với việc chỉ số P/E bình quân của sàn HOSE
chỉ đạt khoảng 11,3 lần, thấp hơn khá nhiều so với các thị trường chứng
khoán khu vực, tôi cho rằng, về mặt nội tại, VN-Index có khả năng tăng
trưởng từ 7-10% so với điểm số đóng của ngày 31/12/2014 tại 545,63
điểm, đồng nghĩa với việc VN-Index sẽ có giá trị hợp lý cho năm 2016 tại
vùng 580-600 điểm.
Tuy nhiên, về mặt ngắn hạn (1-3 tháng),
thị trường lại chịu tác động của quan hệ cung cầu, hiện lại đang nghiêng
về phía dư cung do áp lực bán ròng của khối ngoại trước kỳ vọng tăng
giá của đồng USD, trong khi dòng tiền nội vẫn đang bị hạn chế do tác
động của Thông tư 36. Do đó, trong kịch bản xấu, tôi không loại trừ khả
năng VN-Index có thể sẽ giảm xuống vùng 520 điểm trước khi hồi phục trở
lại.
Ông Nguyễn Hồng Khanh, Trưởng phòng Phân tích CTCK SBS
Những mục tiêu phát triển vĩ mô trong
năm tới là những dấu hiệu lạc quan, nhưng bên cạnh mục tiêu tăng trưởng
còn có những mối lo khác chính là tỷ giá và lãi suất. Nền kinh tế tăng
trưởng cao sẽ tạo nên một sức ép với ngành ngân hàng là cần duy trì huy
động tín dụng lớn.
Tăng trưởng tín dụng dù mục tiêu sẽ giữ
bằng với 2015, nhưng cũng sẽ làm gia tăng nhu cầu hoạt động huy động vốn
và kéo mặt bằng lãi suất đầu vào lẫn đầu ra tăng lên.
Một viễn cảnh khó khăn kép cho doanh
nghiệp trong năm mới ở cả hai mặt tỷ giá và lãi suất có thể khiến các kế
hoạch kinh doanh phải thay đổi. Dù vậy, việc các nhiên liệu đầu vào
đang rẻ hơn nhờ giá dầu hạ là một trong những yếu tố hỗ trợ cho doanh
nghiệp.
Ngoài ra, nhiều chính sách cởi mở cho
thị trường chứng khoán trong năm nay như mở room chính thức, thay đổi
quy trình mua bán trong ngày, phát triển các sản phẩm phái sinh và thoát
vốn các doanh nghiệp nhà nước là các yếu tố quan tâm hàng đầu và giúp
thị trường chuyển mình lên một vị thế cao hơn trong năm nay.
ĐTCK