Việc cổ phiếu HAG của Tập đoàn Hoàng Anh Gia
Lai đã rớt xuống mức giá thấp kỷ lục, song giao dịch lại rất sôi động
trong những phiên gần đây cho thấy, lực cầu bắt đáy rất mạnh và mặt bằng
giá hiện nay khá an toàn cho nhà đầu tư thích “bắt dao rơi”.
Năm 2015 là một năm không may mắn đối
với cổ phiếu HAG khi suốt cả năm, cổ phiếu của đại gia nổi tiếng trong
nhiều lĩnh vực - ông Đoàn Nguyên Đức - luôn trong trạng thái đi xuống.
Nếu như cuối năm 2014, HAG còn ở mặt bằng giá trên 25.000 đồng/cổ phiếu,
thì đến cuối 2015, thị giá cổ phiếu HAG đã tuột xuống sát mốc 10.000
đồng/cổ phiếu.
Chưa dừng lại ở đây, chuỗi ngày đen đủi
của HAG vẫn kéo dài sang tháng đầu tiên của năm 2016. Giá HAG đã chạm
mức đáy kỷ lục chưa từng có từ trước đến nay, khi chỉ còn 7.900 đồng/cổ
phiếu và hiện chỉ giao dịch quanh mốc khoảng 8.200 đồng/cổ phiếu.
Tuy nhiên, HAG lại trở thành tâm điểm
chú ý của giới đầu tư trong giai đoạn hiện nay. Khi giá cổ phiếu này
xuống thấp kỷ lục thì cũng là lúc lực mua vào cũng tăng kỷ lục. Riêng
trong phiên giao dịch 22/1, khi giá HAG về mức đáy 7.900 đồng/cổ phiếu,
khối lượng giao dịch cũng tăng vọt lên mức “vô tiền khoáng hậu”, với
trên 19 triệu cổ phiếu được sang tay. Trong phiên giao dịch ngày 1/2,
với mức 8.200 đồng/cổ phiếu, HAG đạt khối lượng giao dịch gần 3,3 triệu
cổ phiếu, vẫn nằm trong tốp 5 cổ phiếu được giao dịch nhiều nhất.
Điều đáng chú ý là, phần lớn sức cầu mua
cổ phiếu HAG thời gian này là tiền tươi, thóc thật của nhà đầu tư,
không có tiền vay thông qua nghiệp vụ giao dịch ký quỹ (margin) do công
ty chứng khoán cung cấp. Bởi lẽ, chính sự rơi giá kéo dài của HAG trong
suốt hơn 1 năm qua đã khiến các công ty chứng khoán tỏ ra thận trọng với
HAG, hầu hết đã dừng dịch vụ margin cho các nhà đầu tư để vay tiền mua
HAG.
Điều này cho thấy, nếu thị trường tiếp
tục giảm thêm, cổ phiếu HAG cũng không bị rủi ro bán giải chấp như với
phần lớn các cổ phiếu khác trên thị trường chứng khoán. Đây có thể được
coi như một tín hiệu tốt của cổ phiếu HAG tại mặt bằng giá như hiện nay.
Thực tế, các nhà quan sát vẫn cho rằng,
hiện rất khó để đánh giá diễn biến HAG, nhưng cổ phiếu này vẫn được giới
chuyên môn liệt vào nhóm các cổ phiếu thuộc tầm blue-chip trên thị
trường. Trong khi đó, về các yếu tố nền tảng, giá trị tài sản của Hoàng
Anh Gia Lai vẫn tương đối lớn. Mặc dù Công ty có phần khó khăn trong
lĩnh vực trồng cao su do cao su liên tục giảm giá trong năm qua, nhưng
về trung hạn, các sản phẩm bò sữa và bò thịt có thể sẽ là một trong
những hy vọng mới cho Hoàng Anh Gia Lai.
Được biết, cuối năm 2015, Hoàng Anh Gia
Lai đã phối hợp với Công ty cổ phần Thực phẩm Dinh dưỡng NutiFood cho ra
mắt sản phẩm mới Nuti sữa tươi 100%.Dự án hợp tác chăn nuôi bò sữa giữa
hai bên đã được ký kết vào tháng 6/2014. Tổng kinh phí của Dự án là hơn
11.000 tỷ đồng, trong đó Hoàng Anh Gia Lai đầu tư 6.300 tỷ đồng để phát
triển đàn bò sữa với số lượng 120.000 con. NutiFood đầu tư xây dựng nhà
máy sữa tươi tại Gia Lai với kinh phí 5.000 tỷ đồng, công suất 500
triệu lít sữa/năm, để bao tiêu toàn bộ lượng sữa từ trang trại Hoàng Anh
Gia Lai.
Trong khi đó, trong lĩnh vực bò thịt,
Hoàng Anh Gia Lai cũng đang có dự án hợp tác với Tập đoàn An Phú để
thành lập Công ty cổ phần Chăn nuôi Bình Hà. Dự án có tổng vốn đầu tư
lên tới 4.582 tỷ đồng, với tổng diện tích 5.000 ha và quy mô 254.200 con
bò.
Đánh giá về tiềm năng của ngành chăn
nuôi bò, theo ông Nguyễn Văn Tiến, Vụ trưởng Vụ Nông nghiệp nông thôn,
Ban Kinh tế Trung ương, tiêu dùng thịt của Việt Nam tiếp tục có xu hướng
tăng theo mức độ tăng trưởng kinh tế. Do đó, đối với doanh nghiệp, nếu
chú trọng đầu tư chăn nuôi bò và ứng dụng tốt khoa học công nghệ để nâng
năng suất, thì cơ hội là rất lớn.