Kiến thức chứng khoán - Kinh nghiệm đầu tư chứng khoán

Thứ Tư, 13 tháng 7, 2016

Ba bước biến cổ phiếu tốt không thanh khoản trở nên “hot” và hốt bạc

Chiến lược giao dịch này khá an toàn cho nhà đầu tư và mang lại suất sinh lợi hấp dẫn. Nhưng để áp dụng, không chỉ đòi hỏi nhà đầu tư về kỹ năng phân tích đánh giá mà còn phải thực sự kiên nhẫn, nhất là khi giá cổ phiếu khác tăng mà khoản danh mục đầu tư của mình nằm yên.

Trên sàn niêm yết có rất nhiều cổ phiếu kém thanh khoản. Lý do không phải doanh nghiệp quá tệ mà thực tế nhiều khi lại là những món rất “ngon”. Thanh khoản của các cổ phiếu này thấp do cơ cấu cổ đông cô đặc, lượng cổ phiếu trôi nổi ít. Và do đó, giá trị cổ phiếu đang bị thị trường đánh giá thấp.

Có một chiến lược đầu tư đối với loại cổ phiếu này. Nói văn hoa là đầu tư vào những cổ phiếu “Lọ Lem” có tiềm năng trở thành “công chúa”.

Bước 1. Tìm cổ phiếu

Đây là bước khó nhất của chiến lược bởi nó đòi hỏi kiến thức tài chính cũng như kinh nghiệm của nhà đầu tư. Các doanh nghiệp có yếu tố cơ bản tốt thường hoạt động trong các lĩnh vực đặc thù, có kết quả kinh doanh ổn định hoặc đang tình trạng thua lỗ chuyển sang có lãi nhờ tái cấu trúc hoặc chính sách.

Để lựa chọn được cổ phiếu như vậy, ngoài việc căn cứ vào các chỉ số tài chính hiện tại của doanh nghiệp như doanh thu, lợi nhuận, các khoản nợ... thì nhà đầu tư đòi hỏi phải có kiến thức tài chính và sự hiểu biết sâu về doanh nghiệp để dự báo xu hướng dòng tiền của doanh nghiệp trong tương lai. Chỉ số dự báo quan trọng là hệ số lãi cơ bản trên cổ phiếu (EPS forward) và P/E.

Hiển nhiên, EPS dự báo càng cao và P/E càng thấp thì doanh nghiệp càng hấp dẫn.

Bên cạnh đó, việc dự báo về chính sách cùng xu thế tăng trưởng của ngành mà doanh nghiệp đang hoạt động cũng là một yếu tố then chốt khi lựa chọn cổ phiếu.

Bước 2. Mua gom cổ phiếu

Sau khi đã tìm ra được cổ phiếu tiềm năng, bước tiếp theo thực hiện mua gom cổ phiếu. Do các cổ phiếu này thanh khoản rất thấp, có những cổ phiếu giao dịch hàng ngày chỉ vài ba ngàn đơn vị nên để mua được một lượng cổ phiếu lớn mà không làm ảnh hưởng đến giá cổ phiếu, những nhà đầu tư theo chiến lược này thường mất rất nhiều thời gian thậm chí hàng tháng trời mới mua đủ lượng cổ phiếu cần thiết.

Bước 3. PR cổ phiếu

Sau khi mua đủ lượng cổ phiếu, nhà đầu tư tổ chức bắt đầu truyền thông cho doanh nghiệp bằng các phương tiện như báo chí, diễn đàn tài chính hay công bố các báo cáo đánh giá nhằm mục đích để thị trường biết đến cổ phiếu đang dưới tiềm năng thực sự.

Khi thị trường bắt đầu biết về cổ phiếu thì thanh khoản và giá cổ phiếu ngày càng tăng lên. Khi đạt được lợi nhuận kỳ vọng, các chỉ số tài chính không còn hấp dẫn với nhà đầu tư ban đầu nữa, họ chính thức bán cổ phiếu ra thu về lợi nhuận kết thúc một khoản đầu tư.

Chiến lược giao dịch này khá an toàn cho nhà đầu tư và mang lại suất sinh lợi hấp dẫn. Nhưng để áp dụng chiến lược này, không chỉ đòi hỏi nhà đầu tư về kỹ năng phân tích đánh giá mà còn phải thực sự kiên nhẫn, nhất là khi giá cổ phiếu khác tăng mà khoản danh mục đầu tư của mình nằm yên.

Chiến lược này phù hợp nhà đầu tư theo trường phái ít theo dõi biến động của thị trường và mua và nắm giữ dài hạn.

Nhiều cổ phiếu trên thị trường chứng khoán đã “đi theo” chiến lược này như VIT, NET, QHD…
CTCP Viglacera Tiên Sơn (mã: VIT) hoạt động trong lĩnh vực gạch men xây dựng

Từ năm 2013 lợi nhuận của doanh nghiệp tăng trưởng đều. Năm 2015 lợi nhuận sau thuế đạt đạt 37,3 tỷ, tăng 35% so với năm 2014, EPS đạt 2.690 đồng/CP. Mức cổ tức cho năm 2015 đạt 15% bằng tiền mặt. Năm 2016 Công ty dự kiến sẽ huy động 100% công suất nhà máy Thái Bình 2 và lợi nhuận trước thuế 70,5 tỷ - tăng trưởng gấp rưỡi so với năm 2015.

Diễn biến giá cổ phiếu VIT trong vòng 1 năm trở lại đây
Diễn biến giá cổ phiếu VIT trong vòng 1 năm trở lại đây

Lật lại quá khứ giai đoạn từ năm 2014-2015 cổ phiếu hầu như không có thanh khoản, khối lượng giao dịch bình phiên dưới 5.000 đơn vị/phiên, thậm chí có những phiên chỉ có 1.000 đến 2.000 cổ phiếu được giao dịch. Nhưng trong vòng 1 năm trở lại đây nhà đầu tư kiên nhẫn mua và nắm giữ VIT sẽ mang lại một khoản lợi nhuận tương đối, khi giá tăng từ 14.000 đồng lên 24.800, tức tăng 77,14%. Hiện tại thanh khoản cổ phiếu đạt hơn 30.000 – 50.000 cổ phiếu/ phiên, có những phiên lên tới hàng trăm ngàn cổ phiếu và tất nhiên thị trường biết đến cổ phiếu này nhiều hơn.

Một ví dụ tiếp theo điển hình cho việc áp dụng chiến lược giao dịch này, CTCP Bột giặt Net (mã: NET) Từ năm 2013 trở lại đây, kết quả kinh doanh của công ty khá ấn tượng, hàng năm công ty đều trả cổ tức trên bằng tiền và cổ phiếu tỷ lệ trên 50%. Năm 2015, Công ty đạt 86,7 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế, tăng 87% so với năm 2014. Hiện nay, khối lượng giao dịch bình quân phiên đạt hơn 200.000 cổ phiếu, tuy nhiên, giai đoạn từ năm đầu năm 2015 thanh khoản cổ phiếu này bình quân chỉ khoảng 5.000 cổ phiếu đến 10.000 cổ phiếu, thậm chí có những phiên không có giao dịch, việc mua một lượng lớn cổ phiếu này với mức giá mong muốn là khá khó khăn.

Giá cổ phiếu NET trong vòng 1 năm qua
Giá cổ phiếu NET trong vòng 1 năm qua

Trong vòng 1 năm trở lại đây, nếu nhà đầu áp dụng chiến lược giao dịch này sẽ thu một khoản lợi nhuận cực kỳ lớn khi giá cổ phiểu NET tăng từ 27.000 đồng / cổ phiếu lên 68.800 đồng/ cổ phiếu (tăng 154,81%).
(Theo Trí thức trẻ)
>> Mở tài khoản chứng khoán - Tư vấn Đầu tư Chứng khoán

Share:

Trang

Nổi bật

Giới siêu giàu kiếm tiền từ đâu?