Không chỉ là người có công đầu tiên,
khai mở thị trường chứng khoán tại Việt Nam, trong bối cảnh thị trường
còn mới mẻ ông Lê Văn Châu lại có quan điểm về dùng người khá hiện đại
khi đề xuất dùng những người trẻ và trả lương cao cho nhân sự của UBCK.
Chúng tôi tìm gặp ông Lê Văn Châu vào một buổi sáng đầu tháng 7/2016, thời điểm TTCK đang chuẩn bị kỉ niệm 20 năm thành lập mà ông là người có công đầu tiên, khai mở thị trường tại Việt Nam.
Năm nay ông đã tròn 90 tuổi, độ tuổi xưa nay hiếm. Mặc dù dáng đi không còn nhanh nhẹn nhưng ông vẫn minh mẫn, trí tuệ và đặc biệt trí nhớ tuyệt vời. Từng chi tiết tỉ mỉ về ngày đầu gieo hạt và ươm mầm TTCK Việt Nam được ông kể lại một cách rõ ràng như những thước phim quay chậm tái hiện lại câu chuyện của 20 năm về trước.
Khi Bộ Chính trị vào cuộc phát triển thị trường vốn
Ông chậm rãi kể lại câu chuyện của những năm đầu thập niên 90, khi ấy ông đang là Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam.
Vào một buổi chiều năm 1991, Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng Đỗ Mười gọi cho điện cho ông cùng 4 đồng chí đến làm việc. Khi đó có ông, ông Đậu Ngọc Xuân, Chủ nhiệm Ủy ban Nhà nước về hợp tác và đầu tư; ông Đỗ Quốc Sam, Chủ nhiệm Ủy ban Kế hoạch Nhà nước kiêm Phó chủ nhiệm Ủy ban Nhà nước về hợp tác và đầu tư; ông Hồ Tế, Bộ trưởng Bộ Tài chính.
Đồng chí Đỗ Mười đặt vấn đề tình hình doanh nghiệp nước ngoài vào Việt Nam ngày càng nhiều, có cách nào để phát triển thị trường vốn hay không. Rồi đồng chí Đỗ Mười chỉ định: “Đồng chí Châu ở nước ngoài về có ý kiến gì không?”.
“Tôi đề xuất từ kinh nghiệm thế giới chúng ta phải xây dựng thị trường vốn, thị trường chứng khoán để huy động vốn chung và dài hạn cho đất nước”, ông Châu nói.
Khi đó, tất cả đều chưa hình dung được thị trường vốn ra sao. Nhưng kết thúc buổi gặp, đồng chí Đỗ Mười nhất trí ủng hộ ý tưởng này.
Ông Châu cho hay, từ ý tưởng ban đầu của một cá nhân, chuyện xây dựng thị trường vốn tại Việt Nam đã được đưa ra bàn tại Bộ Chính trị mà Thủ tướng Võ Văn Kiệt là người tâm huyết với vấn đề này nhất.
Sau khi trình bày ý tưởng với ông Đỗ Mười, ông Châu tiếp tục được Thủ tướng Võ Văn Kiệt gọi đến báo cáo về việc xây dựng thị trường chứng khoán tại cuộc họp của Bộ Chính trị. Tại cuộc họp này, sau khi nghe ông trình bày, có nhiều lãnh đạo cấp cao tỏ ra lo lắng, mơ hồ về thị trường.
Nhưng khi nghe ông phân tích, thật bất ngờ tất cả thành viên Bộ Chính trị đều tán thành ý tưởng, giao Chính phủ xây dựng đề án phát triển thị trường vốn.
Năm 1993-1994, tại Ngân hàng Nhà nước có thành lập ban nghiên cứu thị trường vốn Việt Nam. Bộ Tài chính, Viện kinh tế TP.HCM cũng có nhóm nghiên cứu để chuẩn bị cho đề án phát triển thị trường vốn. Sau đó tất cả các nhóm được tập hợp lại, Thủ tướng giao cho Ngân hàng Nhà nước, Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tư pháp để sẵn sàng phát triển thị trường.
“Xuyên suốt từ đầu đến cuối là sự đốc thúc chỉ đạo quyết liệt của cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt để thị trường chứng khoán Việt Nam ra đời”, ông Châu chia sẻ về vai trò lớn của cố Thủ tướng.
Ngày 28/11/1996 Nghị định đầu tiên về thị trường chứng khoán Việt Nam ra đời đánh dấu cột mốc đầu tiên cho ngày đầu thị trường có mặt ở Việt Nam. UBCKNN được thành lập.
Sau khi Ủy ban chứng khoán được thành lập, một vấn đề khác nảy sinh là, Ủy ban sẽ theo kiểu gì, trực thuộc Bộ, ngành nào là chủ đề được nêu ra nhiều. Tuy nhiên, sau khi nghe ông đề nghị Ủy ban thành lập độc lập trực thuộc Chính phủ, lấy kinh nghiệm từ các nước đi trước và lấy tên là Ủy ban Chứng khoán Nhà nước Việt Nam mà không phải tên UBCK Quốc gia hay UBCK thì các vị lãnh đạo cao nhất đều đồng ý.
Về nhân sự lãnh đạo, ông Châu cho biết nhiều đề nghị để Bộ trưởng Bộ Tài chính kiêm Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán Nhà nước hoặc Bộ trưởng Bộ Kế hoạch Đầu tư kiêm Chủ tịch Ủy ban nhưng tất cả đều không ai nhận. Cuối cùng ông Đỗ Mười chỉ định ông vừa làm Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước kiêm Chủ tịch Ủy ban CKNN.
Thị trường chứng khoán đã ra đời sau quá trình gian nan và đầy áp lực mà nói như người có công khai phá thị trường này thì đó là “một quá trình chuyển biến từ nhận thức thành ý đồ chiến lược phát triển thị trường vốn”.
Những ngày đầu gian nan
Ông Lê Văn Châu là người của cách mạng, ông tham gia hoạt động cách mạng từ rất sớm. Từng đi học ở Trung Quốc, thông thạo cả ba ngoại ngữ Anh, Pháp, Trung, ông có nhiều điều kiện tìm hiểu về thị trường chứng khoán nước ngoài.
Năm 1962, ông nằm vùng ở Hồng Kong với nhiệm vụ đặc biệt mà cách mạng giao phó, vận chuyển tiền về miền Nam tiếp viện chiến trường. Thời gian tham gia “con đường huyền thoại tiền tệ” ông có điều kiện tiếp xúc, tìm hiểu thị trường chứng khoán Hồng Kông từ sớm. Và sau đó, khi đất nước hòa bình thống nhất, ông sang Mỹ nghiên cứu vài năm, có thêm điều kiện tìm hiểu sâu về thị trường chứng khoán ở nền kinh tế số 1 thế giới này.
TTCK sớm trở thành kênh đầu tư hấp dẫn tại VN
“Tất cả là sự may mắn, tôi đã tích lũy được kiến thức trong thời gian ở nước ngoài và áp dụng để xây dựng thị trường vốn tại Việt Nam. Mọi thứ hoàn toàn mới lạ, đi từng bước dò dẫm và cẩn trọng. Tôi có xin tổ chức hai điều: 1 là chọn cán bộ trẻ làm tại UBCKNN vì thị trường cần nhanh nhẹn, không phải cán bộ lão thành là làm được. 2 là xin lương gấp 3 lần các tổ chức khác tạo điều kiện và động lực để nhân sự tập trung làm”, ông Châu chia sẻ.
Ông bắt tay vào xây dựng bộ máy tổ chức, lấy bộ phận thị trường vốn của Ngân hàng Nhà nước sang và 3 nhân sự từ Bộ Tài chính. Ngoài ra, chính ông là người trực tiếp tuyển dụng nhân sự qua một cuộc thi tuyển.
Mô hình của UBCKNN cũng được sắp xếp ngay từ đầu gồm 12 đơn vị, trong đó có 10 đơn vị lo hoạt động chính sách, hoạt động chuyên môn và một trung tâm nghiên cứu đào tạo chứng khoán.
Bộ máy bắt đầu chạy, mở ra những bước đi đầu tiên cho TTCKVN, nhưng tiếp theo đó là những ngày khó khăn.
Khó khăn đầu tiên theo ông Châu phải kể đến chưa ai hiểu thị trường vốn là gì, nhận thức về thị trường chứng khoán của hầu hết mọi người còn chưa rõ ràng. Khó khăn thứ hai, các nhà niêm yết lên sàn còn nhiều hoài nghi, lo lắng và sợ.
“Chúng tôi chuẩn bị tất cả các công đoạn từ vận động đến sắp xếp được 16 doanh nghiệp cho lên sàn nhưng khi ra thị trường chính thức chị có hai doanh nghiệp. Thời gian vận động 1,5 năm mà kết quả thu về thật khiêm tốn”, ông Châu nói.
Đụng đến đâu khó đến đó khi trong túi không có tiền và tất cả mọi thứ còn rất mới. Điều may mắn theo ông Châu là khi là cơ quan Nhà nước đầu tiên huy động vốn trung và dài hạn cho đất nước nên ai cũng hiểu và tạo điều kiện.
Ông tỉ mẩn trong tìm địa điểm chỗ ngồi cho UBCKNN. Ban đầu chưa có địa điểm, các thành viên UBCKNN ngồi tại tòa nhà Tung Shing tại số 2 Ngô Quyền (Hà Nội) thuê lại của doanh nghiệp nước ngoài. Sau đó, ông Châu cho biết đã đi khảo sát và xin Chính phủ trụ sở của Bộ Thủy lợi tại 125 Trần Quang Khải làm trụ sở UBCKNN và được Chính phủ đồng ý.
Tìm nhà cho HOSE và trang lịch sử mới của TTCK
Quá trình tìm nhà cho Trung tâm Giao dịch chứng khoán TP.HCM nay là Sở GDCK TP. HCM – HOSE là cả một câu chuyện dài. Để gấp rút chuẩn bị cho thị trường chứng khoán Việt Nam ra đời tại TP.HCM, đích thân Chủ tịch UBCKNN đã đi tìm địa điểm.
Ông Châu cho hay ban đầu, Chính phủ quyết định cho phép sử dụng một phần trụ sở làm việc của Cơ quan đại diện Văn phòng Chính phủ ở phía Nam để lập trụ sở làm việc cho HOSE, nhưng địa điểm này khó đáp ứng được yêu cầu về lâu dài. Đó là một tòa nhà 7 tầng, chỉ phù hợp làm văn phòng, không thích hợp để làm sàn chứng khoán.
Và ông đã đến nhà Thủ tướng Võ Văn Kiệt tại TP.HCM để trình bày về địa điểm của Trung tâm Giao dịch chứng khoán TP.HCM. Không ngờ lúc đó thủ tướng gọi lái xe và cùng ông đến địa điểm mà ông “ngắm” từ trước đó. Đó chính là căn nhà số 45-47 Bến Chương Dương (TP.HCM), trụ sở của Thượng viện cũ của chế độ Sài Gòn. Tại thời điểm đó, nơi đây có phong thủy tốt, vị trí đắc địa.
"Nghe trình bày và ngắm vị trí xong, Thủ tướng đã đồng ý để HOSE đặt ở đây. Một tuần sau ra Hà Nội, Thủ tướng Võ Văn Kiện ra quyết định cho phép xây dựng trụ sở HOSE tại số 45 - 47 Bến Chương Dương (đường Võ Văn Kiệt hiện tại)”, ông Châu nhớ lại.
Sau này, việc tìm đất xây dựng trụ sở cho Trung tâm GDCK Hà Nội (nay là HNX) cũng thuận lợi tương tự như tìm đất làm trụ sở cho HOSE nhờ sự ủng hộ mạnh mẽ của lãnh đạo Chính phủ, UBND TP. Hà Nội.
Ngày 20/7/2000 thị trường tài chính Việt Nam bước sang trang mới khi Trung tâm GDCK đi vào hoạt động, với 2 cổ phiếu đầu tiên được giao dịch là REE và SAM.
Trải qua những ngày đầu chập chững, khó khăn, những sóng gió thị trường đã đón nhận sự lớn mạnh không ngừng với đỉnh cao của thị trường năm 2006 -2007 và tiếp nối sau đó là sự phát triển bền vững, ổn định.
Nhìn lại 20 năm qua, người có công đầu tiên khai mở thị trường không khỏi tự hào, xứng đáng với công sức mà ông đã dày công vun đắp bấy lâu, nguyên Chủ tịch UBCKNN đầu tiên của Việt Nam khẳng định: “Thị trường chứng khoán đã đi vào hoạt động ổn định và trở thành kênh dẫn vốn quan trọng của nền kinh tế”.
(Người đồng hành)