Vàng là vật đảm bảo giá trị ngăn ngừa những rủi ro từ các thử nghiệm ngày càng táo bạo về chính sách tiền tệ của các ngân hàng trung ương cũng như từ tình hình bất ổn kinh tế và chính trị gia tăng trên thế giới.
Trong bài phát biểu về vấn đề giảm phát vào năm 2002, ông Ben Bernanke, cựu Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed), đã từng nêu lên ý tưởng "tiền trực thăng" mà một ngân hàng trung ương có thể áp dụng để kích thích lạm phát. Mặc dù đây là công cụ đặc thù của ngân hàng trung ương trong bối cảnh tỉ lệ lãi suất ngày càng xuống thấp, song giải pháp "tiền trực thăng” có giới hạn nhất định về phạm vi thực hiện.
14 năm sau, rút cục chúng ta có thể đang cận kề thời kỳ "tiền trực thăng". Tại sao không?
Sau khi hầu hết các nước ở trong tình trạng tỉ lệ lãi suất 0%, nhiều ngân hàng trung ương còn toan tính đẩy tỉ lệ lãi suất xuống mức âm. Năm 2014, hiện tượng trái phiếu chính phủ lãi suất âm lần đầu tiên xuất hiện.
Cần ghi nhớ rằng tỉ lệ lãi suất âm có nghĩa là các nhà đầu tư có nguy cơ mất tiền với mỗi "phi vụ đầu tư”. Hiện nay, cùng với Ngân hàng Nhật (BOJ) và Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) dẫn đầu, trên 19 ngàn tỉ USD nợ chính phủ trên toàn thế giới được giao dịch với mức lãi suất âm. Khối lượng trái phiếu giao dịch với mức lãi suất âm bùng nổ và tăng ở mức ngoài tầm kiểm soát.
Điều đó khác xa so với sự vận hành của thế giới thực tế. Cái người dân cần là tỉ lệ lãi suất dương. Đó sẽ động lực thúc đẩy người có tiền cho vay vốn của mình. Tỉ lệ lãi suất dương còn giúp kiềm chế người vay tiền khỏi đi quá xa với những ý tưởng huyễn hoặc, phi kinh tế.
Hãy quên khoản vay thế chấp nhà hay vay để mua xe hơi đi. Nếu tỉ lệ lãi suất âm, bạn có thể được trả tiền nếu vay tiền. Hãy tưởng tượng bạn có thể vay 50 tỉ USD với tỉ lệ lãi suất âm. Với số vốn này, và khi bạn thường xuyên được trả tiền thì bạn sẽ không nhìn thấy giới hạn. Bạn sẽ thực hiện một dự án tát cạn Địa Trung Hải hay kiến tạo ra thêm nhiều đất nông nghiệp? Nếu bạn được trả công vay tiền thì bất cứ gì cũng có tính khả thi, bất kể dự án của bạn thực sự có tính khả thi hay không.
Chính vì vậy, tỉ lệ lãi suất âm như con dao hai lưỡi. Nó cũng là một dấu hiệu cho thấy rằng sau 30 năm nữa đầu tư vào trái phiếu chính phủ có thể sẽ chấm dứt. Bởi lợi tức của chúng quá thấp, đặc biệt khi các ngân hàng trung ương thú thực đang cố gắng tạo ra lạm phát.
Đó cũng là lý do tại sao sự lựa chọn giải pháp "tiền trực thăng" bắt đầu cất cánh.
Ông Bernanke hiện nay là một diễn giả nổi tiếng trên thế giới về các vấn đề kinh tế. Trung tuần tháng 7, ông Bernanke đã có cuộc gặp gỡ với các quan chức ngân hàng tại Nhật.
Đánh giá về cục diện kinh tế hiện nay tại Nhật Bản, ông Bernanke cho rằng Nhật cần chuyển hướng sang in tiền mặt và sau đó dùng số tiền này chuyển đến cho công chúng bằng một cách nào đó, ví dụ như "thả từ trực thăng”. Là đất nước đang phải chống chọi với vấn đề tăng trưởng thấp và tỉ lệ lãi suất dưới không, rất có thể đất nước mặt trời mọc phải nghiên cứu đề xuất "tiền trực thăng" của ông Bernanke.
Mặc dù vào ngày 21/7 BOJ tuyên bố rằng ngân hàng này chưa tìm kiếm phương cách "tiền trực thăng” ngay lúc này song bạn có thể phải thừa nhận giải pháp này tốt hơn là tỉ lệ lãi suất âm. Thay vì cấp tiền cho người vay vì những kế hoạch không khả thi về mặt kinh tế, số tiền này có thể đến tay người tiêu dùng trước thông qua những chương trình khuyến khích tiêu dùng. Nếu điều đó đúng, chúng có thể dẫn tới tiêu dùng tăng và về mặt lý thuyết sẽ kích thích nền kinh tế.
In tiền có nghĩa là không có nợ mới. Không có nợ mới nghĩa là không có giảm phát nợ trong tương lai - mối lo canh cánh của các quan chức ngân hàng trung ương. Chính vì thế, giải pháp "tiền trực thăng” xem ra tốt hơn là để tồn tại tình trạng lãi suất âm.
In tiền cũng có thể đồng nghĩa với lạm phát, ít nhất là lúc ban đầu. Đó là vẻ đẹp của "tiền bắt được” dù điều này không thể thường xuyên xảy ra. Giống như quyết định của Đế chế La Mã về việc cấp bánh mỳ và rạp xiếc cho công chúng, tiền trực tăng tạo ra một sự khích lệ to lớn cho sức chi tiêu với hy vọng sẽ được cấp thêm nữa. Song vấn đề là nó sẽ dừng lại ở đâu.
Tiền trực thăng sẽ tạo ra hành vi xấu, khuyến khích sự chi tiêu vô bổ không tính toán và không gây ra bất kỳ sự thay đổi nào về cơ cấu cần thiết để ngăn chặn các cuộc khủng hoảng mà cuộc sau bao giờ cũng lớn hơn cuộc trước.
Nếu giải pháp "tiền trực thăng” được thực thi bất kể ở đâu, đây sẽ là dấu hiệu về sự maọ hiểm ngày càng tăng của các nhà quản lý ngân hàng trung ương cho thấy tình hình không mấy sáng sủa.
Trong thế giới tiền trực thăng đang trở thành xu thế, vàng vốn trong lịch sử đã từng được giao dịch như tiền thật có cơ hội lên ngôi. Bởi, nó là vật đảm bảo giá trị ngăn ngừa những rủi ro từ các thử nghiệm ngày càng táo bạo về chính sách tiền tệ của các ngân hàng trung ương cũng như từ tình hình bất ổn kinh tế và chính trị gia tăng trên thế giới.
Tình hình bất ổn kinh tế và chính trị gia tăng đã khiến GFMS, nhóm chuyên gia tư vấn kinh tế hàng đầu thế giới về kim loại quý, sửa đổi dự báo giá vàng trung bình trong năm 2016.
Trong bản báo cáo khảo sát thị trường vàng công bố ngày 26/7, GFMS nhận định: "Vàng có thể vẫn giữ được vị thế là phương tiện ngăn ngừa rủi ro đến hết năm nay đặc biệt khi tình trạng bất ổn kéo dài và những rủi ro đối với nền kinh tế toàn cầu tiếp tục gia tăng”.
Theo GFMS, những yếu tố bất ổn bao gồm Brexit, khả năng Fed tăng tỉ lệ lãi suất suy giảm, hệ thống ngân hàng Italia chao đảo và cuộc bầu cử tổng thống Mỹ.
GFMS dự báo giá vàng trung bình năm 2016 sẽ đạt 1279 USD/ounce, cao hơn so với con số dự đoán 1184 USD/ounce được đưa ra vào tháng 4.
(Theo Trí thức trẻ)