Tổng giám đốc
Công ty quản lý quỹ PXP Vietnam Asset Management - ông Kevin Snowball
mới đây lại xuất hiện trên kênh truyền hình nổi tiếng CNBC, ca ngợi nền
kinh tế Việt Nam đang cải thiện rất nhanh chuỗi giá trị sản xuất. Ông
cũng liệt kê khá nhiều những DN niêm yết rất hấp dẫn và phù hợp cho các
nhà đầu tư nước ngoài.
Diễn biến chỉ số VN-Index trong hơn 1
tháng qua cũng phản ánh sự tin tưởng của các nhà đầu tư trong và ngoài
nước lớn đến mức độ nào khi liên tục duy trì ở mức điểm khá cao 660 -
670 điểm, thậm chí còn đang mấp mé tiến lên cột mốc mới 680 điểm và có
thể là 700 điểm như dự đoán của một số chuyên gia.
Nhưng chúng ta hãy xem khối ngoại thực
tế đang làm gì? Trái ngược với nhiều dự đoán, biểu đồ giao dịch của khối
ngoại trong 1 tháng qua lại cho thấy khối ngoại đang rút vốn ra khỏi
thị trường với giá trị rất lớn và liên tục.
Ảnh minh họa |
Rõ ràng, trong lúc các nhà đầu tư trong nước đang hưng phấn, gọi nhau tham gia thị trường thì trái lại, các nhà đầu tư ngoại ma mãnh đang lặng lẽ thoái lui một cách quyết đoán, thậm chí có vẻ còn đi ngược lại với những lời ca ngợi của chính họ về Việt Nam!
Dĩ nhiên, chỉ số VN-Index đi lên vững
chắc là một điều đáng mừng bởi nó phản ánh triển vọng của nền kinh tế
đang sáng sủa trong các năm tới. Dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài
đăng ký vào Việt Nam trong 8 tháng đầu năm khá khả quan khi lên tới 14,4
tỷ USD, tăng 7,7% so với cùng kỳ năm trước, chứng tỏ quá trình xoay
chuyển từ Trung Quốc sang Đông Nam Á của dòng vốn ngoại vẫn đang diễn ra
tích cực.
Nhưng có một con số đáng lo ngại, hơn
70% giá trị xuất khẩu 8 tháng đầu năm nay của Việt Nam là từ các DN
ngoại. Con số này cho thấy những người kinh doanh hiệu quả nhất tại Việt
Nam hiện không phải là các DN trong nước mà rất nhiều trong số đó đang
niêm yết, vì thế VN-Index có thể chưa là phong vũ biểu phản ánh bản chất
thật của nền kinh tế thực như nhiều người lầm tưởng.
Khó khăn cho các DN nội vẫn còn rất lớn.
Ngành dệt may là một ví dụ. 7 tháng đầu năm, tổng giá trị xuất khẩu của
ngành dệt may chỉ đạt 13,2 tỷ USD, tăng trưởng khiêm tốn 5,4% so với
cùng kỳ và đây được xem là năm khó khăn nhất của toàn ngành trong khoảng
3 năm trở lại đây.
Khá nhiều DN nội đang cháy đơn hàng,
phải tiết giảm công suất sản xuất như Công ty May Đông Bình, May Thắng
Lợi, May Bình Dương, May Thành Thành Công… thậm chí ngay cả ông lớn là
Vinatext cũng phải lao đao.
Giải thích cho điều này không khó. Thị
trường tiêu thụ thế giới đang chật vật. Hàng may mặc Việt Nam lại chịu
áp lực cạnh tranh từ các quốc gia mới nổi như Campuchia, Lào khi các
quốc gia này được hưởng thuế suất ưu đãi 0% khi xuất vào EU và Mỹ, trong
khi các hiệp định FTA giữa Việt Nam với châu Âu hay TPP phải tốn ít
nhất 2-3 năm nữa mới đi vào thực thi.
Đó còn là áp lực về tỷ giá. Đồng USD
đang trở lại xu thế tăng sau khi Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) mới đây
phát đi tín hiệu sẽ không còn chần chừ trong việc nâng lãi suất. Các nhà
đầu tư ngoại vì thế cũng tỏ ra quan ngại về suất sinh lợi đầu tư của
mình tại Việt Nam khi quy ra USD.
Tất nhiên, bên cạnh hoài nghi cũng có
một số dấu hiệu tích cực thúc đẩy niềm tin của nhà đầu tư. Chính phủ
đang bàn thảo để thoái vốn khỏi một loạt các DN lớn trong các lĩnh vực
cơ bản và hấp dẫn như ngân hàng, bảo hiểm, bất động sản, nhựa, sữa và cả
bia như tại Sabeco và Habeco.
Đặt cược vào ván bài thoái vốn này, giá
cổ phiếu các DN lớn như Vinamilk (VNM) hay nhựa Bình Minh (BMP) đã xác
lập các kỷ lục về giá, thậm chí mức vốn hóa thị trường của VNM đã lên
tới 10 tỷ USD, trở thành DN Việt đầu tiên lọt vào top 50 DN hàng đầu
châu Á của Tạp chí Forbes châu Á mới đây.
Vietcombank mới đây đã bán 7,7% cổ phần
cho quỹ đầu tư GIC của Singapore thu về hàng trăm triệu USD,
Vietnamairlines bán cổ phần cho Tập đoàn ANA Holdings. Một số ngân hàng
lớn trong nước như: VietinBank, BIDV hay Techcombank đang lên kế hoạch
trở lại thị trường trái phiếu quốc tế nhằm bổ sung cho vốn cấp 2. Đó tất
nhiên là các dấu hiệu tích cực nhưng đối với một số nhà đầu tư ngoại
trên thị trường chứng khoán, có lẽ điều này là chưa đủ.
Nguyễn Sơn
Thời Báo Ngân Hàng