Hiện tổng số tiền nhà đầu tư nước ngoài
rót vào chứng khoán Việt Nam đạt hơn 18,5 tỷ USD, song vẫn còn 1,5 tỷ
USD nữa trong tài khoản của họ chưa được giải ngân.
Sáng 9/3, Ủy ban chứng khoán Nhà nước (SSC) tổ chức họp báo chuyên đề
Một số giải pháp phát triển thị trường chứng khoán năm 2017, dưới sự chủ
trì của Chủ tịch Vũ Bằng, đại diện Sở giao dịch chứng khoán Hà Nội
(HNX) và Trung tâm lưu ký chứng khoán (VSD).
Nhận định về thị trường chứng khoán sau 2 tháng đầu năm 2017, ông Vũ
Bằng cho biết, tính đến ngày 6/3/2017, chỉ số Vn-Index đã lên mức cao
nhất trong vòng 10 năm, tăng 7,7% so với cuối năm 2016, trong khi chỉ số
HNX-Index cũng tăng 8%. Mức vốn hóa thị trường đạt hơn 2,26 triệu tỷ
đồng (tương đương 50,3% GDP), tăng 16% so với cuối năm 2016 và là mức
cao nhất từ khi thành lập thị trường.
Trong 2 tháng đầu năm, Việt Nam tiếp tục trở thành một trong những điểm sáng của khu vực về thu hút dòng vốn ngoại, khi nhà
đầu tư nước ngoài đã mua ròng hơn 220 triệu USD trên thị trường chứng
khoán, tăng 30% cùng kỳ. Trước đó, năm 2016 dù có nhiều lo ngại dòng vốn
đầu tư nước ngoài sẽ bị rút ra nhưng lượng mua ròng vẫn đạt hơn 1,2 tỷ
USD.
Người đứng đầu Uy ban chứng khoán cũng tiết lộ, hiện tổng danh mục đầu
tư vào thị trường của nhà đầu tư ngoại đạt 18,5 tỷ USD nhưng giá trị tài
khoản bao gồm cả tiền vả cổ phiếu của nhóm đầu tư này đạt hơn 20 tỷ
USD.
Đối với việc triển khai thị trường chứng khoán phái sinh, theo đại diện
Ủy ban chứng khoán, về cơ bản khuôn khổ pháp lý để vận hành thị trường
đã được hoàn thành, quá trình chạy thử giữa các bên cũng đã được tiến
hành thuận lợi. Thị trường dự kiến sẽ chính thức đi vào hoạt động vào
tháng 5 hoặc chậm nhất là đầu tháng 6/2017.
Hiện có 16 công ty chứng khoán và 6 ngân hàng có nguyện vọng tham
gia thị trường, tuy nhiên trong giai đoạn đầu khởi động, dự kiến sẽ chỉ
có khoảng 8-12 công ty chứng khoán và 5-6 ngân hàng được cấp phép.
Đối với vấn đề sáp nhập hai Sở giao dịch là Hà Nội và TP HCM, người đứng đầu Ủy ban cũng cho biết, đơn vị này đã
trình đề án, chờ lấy ý kiến của các bộ ngành và Chính phủ. Theo ông
Bằng, nhiều khả năng việc sáp nhập sẽ thực hiện theo cách xây dựng một
đơn vị quản lý và hai Sở sẽ hoạt động như hai công ty con trực thuộc một
công ty mẹ.
Vnexpress