Đôi lúc, việc phải chịu đựng một vị sếp khó tính và chi li lại là điều tốt cho bước đường thăng tiến sau này của bạn.
Tuy không đồng ý với nhiều quan điểm của vị sếp này, nhưng Richard thừa nhận rằng mình vẫn học được một số điều từ ông này. Dưới đây là 3 bài học mà Richard nhận thấy là anh vẫn luôn ghi nhớ từ những ngày làm việc với “vị sếp tồi nhất thế giới”:
1/ Đôi khi sự chăm chú đến tiểu tiết là rất quan trọng
Thời gian đầu đi làm, Richard Moy thường cảm thấy tự hài lòng với mọi việc xung quanh. “Ờ, vậy là cũng ổn rồi”, đó là câu cửa miệng của anh. Richard thường nhìn vào các yêu cầu chung của công việc và cố gắng hết sức để hoàn thành chúng. Nếu có vài điều nhỏ nhặt nào đó không đạt yêu cầu trong quá trình này, chúng chẳng khiến Richard bận tâm.
Tuy nhiên, vị sếp khó tính đã khiến cho Richard hướng đến một tiêu chuẩn cao hơn. Những việc mà Richard từng xem là thứ bỏ đi, giờ đây đột nhiên trở nên cấp bách. Richard muốn điên đầu trong một thời gian dài vì áp lực phải bảo đảm cho mọi thứ đều hoàn hảo, không để một sai sót nhỏ nhặt nào xảy ra.
Nhưng cũng từ đó, Richard để ý một sự thay đổi: mọi người trong công ty bắt đầu tin tưởng và giao cho anh những dự án lớn hơn. Nhìn lại những gì đã qua, Richard tuy vẫn không thích bị quản lý theo kiểu “cầm tay chỉ việc” nhưng đã học được rằng việc biết để ý đến những chi tiết nhỏ nhặt có thể đem lại tác động rất lớn.
2/ Bạn luôn có thể cải thiện thêm năng lực bản thân
Quan hệ giữa Richard Moy và sếp khá là "đơn giản". Sếp nói cho Richard biết chỗ sai và cách để cải thiện, sau đó Richard về nhà và mất ngủ cả đêm vì trằn trọc suy nghĩ không biết ngày mai có bị đuổi việc hay không. Những ngày như thế, Richard bị ám ảnh rằng mình chẳng làm gì ra hồn tại công ty cả.
Cũng từ đó, Richard nhận rằng mặc dù anh hay khuyên người khác nên lắng nghe những chỉ trích mang tính xây dựng, nhưng chính anh cũng chưa làm tốt được điều đó.
Dù cho Richard có tiến bộ thế nào đi nữa, vẫn có một vài điều để sếp nghĩ ra và nhắc nhở anh: “Này, hãy cùng thảo luận cách để giúp cho cậu nâng cao trình độ nhé”. Dù Richard không thích việc thường xuyên bị sếp phê bình vì những chi tiết nhỏ nhặt, nhưng nhờ vậy mà anh đã có được những phản hồi trung thực giúp mình dần dần trở nên tốt hơn. Và Richard biết rằng bản thân anh được như ngày hôm nay, cũng một phần bởi vì ông sếp “khó tính” luôn thúc đẩy anh phải tiến về phía trước.
3/ Sếp cũng là người bình thường như mình
Khi làm việc với vị sếp cũ, rất nhiều lần Richard ngẩng mặt lên trời và thốt rằng: “Tại sao sếp của tôi lại như thế này? Liệu có phép màu nào giúp ông ta bớt nhăn nhó và cằn nhằn tôi về tất cả mọi thứ được không?”.
Sau khi Richard nghỉ việc, anh được nghe một vài lời kể của người ngoài về những nguyên nhân khiến cho vị sếp cũ đối xử nghiêm khắc với mình. Và khi đó, Richard mới nhận ra rằng những lúc như thế là lúc sếp đang phải đối mặt với rất nhiều áp lực.
Trên vị sếp của bạn còn có những vị sếp khác, những người luôn đặt ra cho cấp dưới những mục tiêu cần phải theo đuổi. Trong trường hợp vị sếp của Richard, quyền hạn của ông bị ràng buộc bởi nhiều thứ, điều này khiến ông quản lý nhân viên theo cách rất nghiêm khắc. Điều này không phải là lý do biện minh cho những lúc sếp đối xử không tốt, nhưng đó là bài học để bạn nhớ rằng đừng để bị ám ảnh quá nhiều bởi những phản hồi.
Rất khó để làm việc với những người luôn muốn kiểm soát bạn đang ở đâu và làm gì. Và nếu bạn luôn về nhà trong một trạng thái căng thẳng vì sếp, hãy thử bình tâm lại và nghĩ xem vì sao sếp lại cư xử với bạn như vậy. Nếu có thể nghĩ được một vài điều gì đó tích cực, đó là lúc bạn đang làm cho công việc của mình dễ chịu thêm một chút rồi đấy.
Nhịp Cầu Đầu Tư/ FastCompany