Kiến thức chứng khoán - Kinh nghiệm đầu tư chứng khoán

Thứ Năm, 30 tháng 3, 2017

Chủ tịch VN Oil: Muốn thành công phải tin ở chính mình

Mỗi năm, Việt Nam nhập khẩu khoảng 400.000 tấn dầu gốc, uớc tính tổng giá trị vào khoảng 500 triệu USD. Nhưng sau khi sử dụng, số lượng dầu này thải ra không được xử lý, vừa lãng phí vừa gây ô nhiễm môi trường. Ba mươi lăm năm kinh nghiệm trong ngành dầu khí, ông Nguyễn Hữu Văn - Chủ tịch HĐQT Công ty CP VN Oil, nhận ra cơ hội và quyết tâm biến nguồn dầu thải này thành nguyên liệu mang lại giá trị kinh tế cao. 


* Mục đích của ông khi trở về Việt Nam là do nhìn thấy nhiều cơ hội kinh doanh?


- Không hẳn vậy. Năm 1969 tôi sang Tây Đức học ngành kỹ sư cơ khí, sau đó qua Mỹ lập nghiệp. Hơn 30 năm sống xa đất nước, tôi vẫn luôn nhớ về nơi chôn nhau cắt rốn và mong có ngày được trở về sống ở quê nhà.

Ở nơi xứ người, dù cuộc sống không thiếu thốn và sự nghiệp ổn định, vợ tôi là kỹ sư hoá và bác sĩ nha, các con đều là bác sĩ, bản thân tôi được Công ty Smith International đánh giá cao, cụ thể vào thời điểm khủng hoảng tài chính toàn cầu 2008, Công ty sa thải gần 4.000 nhân viên nhưng trong số 400 người được giữ lại, tôi là người Việt Nam hiếm hoi trụ vững.

Tuy nhiên, ở nơi xa xôi ấy, tôi vẫn luôn thấy thiếu, thiếu sự ấm áp được sống trên xứ sở của mình, thiếu không khí nôn nao, chộn rộn mỗi khi Tết đến xuân về, thiếu tiếng rao đêm, thiếu gánh hàng rong của mẹ ngày xưa tảo tần và tiếng võng kẽo kẹt đã đi vào ký ức không thể quên thuở thiếu thời...

Năm 1990, lần đầu trở về Việt Nam, dù đất nước còn nghèo, tôi đã có ý định muốn làm một cái gì đó cho quê hương. Lúc đó, ngành dầu khí của Việt Nam rất tiềm năng nhưng công nghệ khoan lấy dầu còn lạc hậu, trong khi ở Mỹ công nghệ và kỹ thuật khoan rất tối tân, chẳng hạn như khoan xiên. Với kinh nghiệm nhiều năm làm việc trong ngành dầu khí và là kỹ sư thiết kế choòng khoan, tôi nghĩ, mình có thể đem sự hiểu biết, kinh nghiệm kỹ thuật khoan trên thế giới về áp dụng ở Việt Nam để giải quyết hạn chế này.

Đầu năm 1994, khi Mỹ bỏ cấm vận đối với Việt Nam, về nước, được sự chấp thuận của Petro Vietnam, tôi tổ chức Hội thảo Kỹ thuật khoan trên thế giới. Tôi mời các chuyên gia, giáo sư trong ngành khoan dầu về dạy kỹ thuật cho nhân viên trong ngành và đưa 15 kỹ sư Việt Nam qua Mỹ đào tạo.

Mười lăm người này lại trở về tiếp tục đào tạo cho các kỹ sư khác ở Trung tâm Đào tạo dầu khí Vũng Tàu, nay là Trường Đào tạo dầu khí Vũng Tàu. Tuy chỉ là những đóng góp nhỏ bé nhưng tôi cảm thấy rất vui vì đã đem lại sự thay đổi về tư duy cho một số chuyên viên, lãnh đạo trong ngành lúc bấy giờ, giúp họ có cái nhìn về công nghệ mới. Hiện nay, ngành dầu khí Việt Nam đã phát triển tốt, đóng góp quan trọng cho nền kinh tế. Có thể nói tôi là một trong những giọt dầu được đóng góp vào giá trị đó.

* Trong rất nhiều hạnh phúc có được khi trở về Việt Nam, hạnh phúc nào ông cho là lớn nhất?

- Năm 2000, tôi làm đại diện cho một số công ty lớn trong ngành dầu khí như Smith International, ABB, Invensys, Ingersoll Ranch, WorleyParson tại thị trường Việt Nam, thực hiện nhiều chương trình tư vấn thiết kế, giám sát xây dựng Nhà máy Nhiệt điện Mông Dương, Vũng Áng và là một trong ba người thành lập Công ty Tư vấn thiết kế WorleyParson Petro Vietnam. Được sống và làm việc tại quê nhà, tôi cảm thấy ấm áp và cuộc đời có ý nghĩa hơn.

Ở nước ngoài, tôi đi làm đơn thuần chỉ để ăn lương, sau 8 giờ làm việc thì về nhà, không có mục đích gì, không có mục tiêu đóng góp, cống hiến gì cho ai. Vì vậy, khi được hòa mình vào công cuộc xây dựng đất nước, được cống hiến, đem sự hiểu biết làm những việc có ích cho quê hương mình, tôi thấy có nhiều động lực và đó là hạnh phúc lớn nhất.

Trong quá trình phát triển công nghiệp, tôi thấy Việt Nam có một lượng dầu nhờn thải khoảng 500 triệu lít mỗi năm. Nhiều năm qua, một phần lượng dầu này đã được người ta thu gom đem về xử lý sơ sài bằng cách đốt (hay còn gọi là chưng) làm giảm tạp chất, sau đó pha hóa chất đặc trưng để giả dầu nhờn mới rồi bán cho các chủ phương tiện vận chuyển cả cá nhân lẫn công cộng, thậm chí dùng cho máy phát điện.

Với cách làm ấy, chi phí vốn không nhiều nhưng nguồn lợi nhuận thu về rất cao, ít nhất là 50%, song nó lại gây hại rất lớn cho môi trường vì không được xử lý, lượng chất thải rắn, khí nguy hại cứ xả thẳng ra môi trường. Trên thế giới, để có dầu gốc, một là khoan trực tiếp vào mỏ dầu dưới lòng đất để lấy dầu thô về lọc, tiêu tốn hàng tỷ USD vì phải đầu tư nhà máy lọc dầu, tách tạp chất trong dầu thô cực kỳ phức tạp.

Hai là sử dụng công nghệ cao hydrotreating loại bỏ chất lưu huỳnh, ni tơ và nhiều chất độc hại khác trong dầu nhờn đã qua sử dụng để vừa có được nguồn dầu gốc chất lượng cao, vừa bảo vệ môi trường. Xét về mặt chi phí thì cách thứ hai ít tốn kém hơn, chi phí đầu tư nhà máy chỉ bằng một phần mười so với cách thứ nhất.

Sau một thời gian tìm tòi công nghệ phù hợp, tôi quyết tâm lên kế hoạch xây dựng nhà máy xử lý dầu nhờn thải và sản xuất dầu gốc trên diện tích 5ha tại Bình Dương, sau đó sản xuất dầu gốc chuẩn API II theo công nghệ của Công ty CEP, Mỹ. Đây là nhà máy đầu tiên ở Đông Nam Á và độc quyền ở Việt Nam ứng dụng công nghệ tiên tiến nhất, đáp ứng đồng thời hai tiêu chí bảo vệ môi trường qua việc xử lý dầu nhờn thải, tiết kiệm một khoảng không nhỏ ngoại tệ cho đất nước để nhập dầu gốc hằng năm.

* Nhưng cơ hội nào thì cũng có không ít thách thức và trở ngại? 

- Cái gì đi đầu, mới mẻ thì cũng gặp khó, huống chi đây là một công nghệ hoàn toàn mới và lĩnh vực này không phải ai cũng hiểu, cũng biết, thậm chí nhiều cơ quan cho rằng đây là lĩnh vực gây ô nhiễm môi trường nên không cấp phép. Phải qua sáu lần với đội ngũ 60 giáo sư, tiến sĩ am hiểu lĩnh vực này thẩm định, đánh giá là công nghệ tiên tiến, cần áp dụng tại Việt Nam nên sau ba năm tôi mới có được giấy chứng nhận đầu tư.

Đặc biệt, năm 2014, dự án này được Chính phủ đưa vào danh mục công nghệ cao được ưu tiên phát triển theo Quyết định 66/2014/QĐ-TTg. Năm 2015, VN Oil được Bộ Khoa học và Công nghệ chứng nhận ứng dụng công nghệ cao, được hỗ trợ đến năm 2020, đồng thời được Bộ Tài chính hướng dẫn Ngân hàng Phát triển Việt Nam (VDB) cho vay 85% vốn để xây dựng nhà máy.

Tuy chủ trương đã có nhưng để thực hiện được dự án là cả chặng đường dài với nhiều trở ngại và một núi việc phải làm, nào là mặt bằng, khảo sát địa chất, đào tạo nguồn nhân lực..., việc gì cũng gặp không ít trở ngại. Song, khó nhất vẫn là vốn do dự án vẫn chưa được VDB giải ngân.

Để có tiền đầu tư, tôi đã tìm đến Ngân hàng Eximbank của Mỹ giải trình về hiệu quả kinh tế của dự án và đã được ngân hàng này bảo lãnh cho vay 100 triệu USD và Ngân hàng ING của Hà Lan đồng ý cung cấp tiền, chỉ còn thiếu một ngân hàng Việt Nam đứng ra làm thủ tục nhận tiền để giải ngân cho dự án. Vì vậy mà phải đến cuối năm nay VN Oil mới tiếp nhận dầu nhờn thải sau khi xây xong sáu bồn chứa mỗi bồn có dung tích 5.000 tấn và gần cuối năm 2018 nhà máy mới chạy thử đơn động, đầu năm 2019 vận hành thương mại.

* Ông có thể chia sẻ hiệu quả kinh tế của nhà máy mà ông đã thuyết phục được Eximbank?

- Một năm Việt Nam nhập 400.000 tấn dầu gốc, sau khi cộng thêm chi phí khoảng 20% phụ gia sẽ cho ra 500 triệu lít dầu nhờn. Năm trăm triệu lít dầu này sau khi sử dụng sẽ trở thành dầu thải, do đó, đây là nguồn nguyên liệu đầu vào rất lớn. Với một nhà máy có công suất 62.000 tấn/năm, VN Oil mới chỉ sử dụng một phần rất nhỏ của nguồn nguyên liệu thải ra mà lại sản xuất được 45.000 tấn dầu gốc một năm, sau khi trừ hết chi phí, nếu nhân 62.000 tấn với giá thuê xử lý dầu thời điểm này là 10.000 đồng/kg, ước tính lợi nhuận thu được sẽ là 620 tỷ đồng.

Nhà máy này còn thu thêm phụ phẩm là nhựa đường khoảng 9.000 tấn/năm, bán giá thấp nhất cũng được 500USD/tấn. Rõ ràng tái chế dầu nhờn có giá rẻ và đơn giản hơn nhập khẩu do không mất tiền chuyên chở, thuế nhập khẩu, phí logistics và không phải mở L/C. Đơn cử tại thời điểm này, giá dầu gốc dao động từ 650USD đến 700USD/tấn nhưng khi về Việt Nam cộng chi phí vận chuyển, môi giới sẽ có giá ít nhất là 1.000USD/tấn, trong khi giá dầu gốc của VN Oil thấp hơn khá nhiều.

Nhiều năm làm trong ngành dầu khí, từng là kỹ sư thiết kế hệ thống khoan dầu của Smith International, một trong hai Công ty chế tạo choòng khoan dầu lớn nhất trên thế giới, tôi hiểu rằng, ở đâu có dầu khí, ở đó có lợi nhuận. Lượng dầu thải ở Việt Nam quá lớn, trong khi ở Mỹ và các nước châu Âu, họ ước tính một lít dầu nhờn thải ra sẽ gây ô nhiễm 3,75km2 mặt đất nên đã tìm cách xử lý từ 30 năm trước, còn ở Việt Nam thì rất lạ lẫm với công nghệ này. Tôi chỉ nghĩ làm thế nào xử lý được nhanh vấn đề ô nhiễm môi trường, chứ chưa nghĩ đến lợi nhuận.

* Việc thu gom nguồn dầu thải chắc là không đơn giản, phải không, thưa ông?

- Không khó. Luật Bảo vệ môi trường năm 2014 của Quốc hội Khóa XIII và Quyết định 16/2015 của Chính phủ có quy định: các công ty sản xuất dầu nhờn phải thu hồi và đưa đi xử lý nguồn dầu thải, vì vậy, các công ty dầu nhờn BP, Petrolimex, Shell, Motul, Castrol đều có phương án thu gom và hợp tác với VN Oil để xử lý nguồn dầu phế thải này. Chỉ tính mức giá trung bình 50cent/kg để thu gom, xử lý, doanh thu của VN Oil ở mảng này đủ trả chi phí vận hành nhà máy.

* Với lợi nhuận khá hấp dẫn cùng với nhiều lợi ích cho môi trường, ông có ngại sẽ có nhiều nhà đầu tư "lấn sân" sang lĩnh vực này để canh tranh với VN Oil?

- Khả năng của VN Oil cũng mới chỉ xử lý được một lượng nhỏ nguồn dầu thải và mới chỉ đáp ứng được 15% nhu cầu của thị trường. Lượng dầu thải phải xử lý cần ít nhất 4 nhà máy như của VN Oil mới đáp ứng đủ nhu cầu. Khi đó, Việt Nam tiết kiệm được ít nhất là 500 triệu USD mỗi năm để nhập khẩu dầu gốc đồng thời làm chủ nguồn năng lượng rất quan trọng này.

Tuy nhiên, muốn làm trong lĩnh vực này, ngoài nguồn vốn đầu tư khá lớn, khoảng 110 triệu USD cho một nhà máy công suất 62.000 tấn/năm, nhà đầu tư còn phải có kinh nghiệm và phải chấp nhận đi đường dài vì đây là lĩnh vực không dành cho nhà đầu tư muốn tìm ngay lợi nhuận.

* Cơ hội kinh doanh tại Việt Nam rất lớn, nhưng để thành công, yếu tố nào từ phía nhà đầu tư ông cho là quan trọng nhất?

- Phải có niềm tin vào chính mình cũng như lĩnh vực đầu tư và niềm tin này phải được đặt trên nền tảng kiến thức và nội lực. Bên cạnh đó, làm gì cũng phải có tâm, có chí, bởi không có tâm mà chỉ nghĩ đến lợi thì sẽ nóng lòng, mà nóng lòng thì sẽ không đủ sức bền và sự kiên nhẫn để theo đuổi ý tưởng.

* Theo ông, chính sách đầu tư của Việt Nam cho doanh nhân Việt kiều cần cải thiện thêm điều gì?

- Điểm mạnh của doanh nhân Việt kiều ngoài năng lực và nguồn tài chính, còn có mối quan hệ với cộng đồng kinh doanh các nước tiên tiến, với các công ty đa quốc gia nên dễ kết nối đầu tư và xây dựng lòng tin với đối tác quốc tế. Vì vậy, ngoài việc đầu tư, nhiều doanh nhân Việt kiều còn là cầu nối giúp doanh nghiệp nước ngoài mở rộng đầu tư sang Việt Nam.

Chính sách đầu tư của Việt Nam hiện nay là rộng mở, nhưng khi triển khai thì vẫn chưa thông thoáng khiến thủ tục vẫn còn nhiều rào cản và trở nên xa rời chính sách. Đó cũng là rào cản khiến nhiều doanh nhân Việt kiều ngại đầu tư.

* Ngoài kinh doanh, vấn đề nào trong xã hội hiện nay được ông quan tâm nhiều nhất?

- Giới trẻ Việt Nam hiện nay đang ngày càng bị "Tây hóa" và xa rời văn hóa gia đình. Đó là điều rất đáng tiếc, đáng lo. Với tâm niệm gia đình chính là nơi lưu giữ giá trị truyền thống tốt đẹp của văn hóa dân tộc, nên khi ở nước ngoài tôi đã dạy các con nhớ về văn hoá cội nguồn. Cụ thể, khi ở nhà thì không nói tiếng Mỹ, gia phong, lễ nghi của người Việt đều được tôi đưa vào nếp sống gia đình, nhất là phong tục trong những ngày Tết. Những bữa ăn gia đình vào cuối tuần là dịp cùng nhau chia sẻ, nhắc nhớ về cội nguồn, tổ tiên, ông bà và quê hương.

* Cám ơn ông về những chia sẻ rất cởi mở!
DNSG
Share:

Trang

Nổi bật

Giới siêu giàu kiếm tiền từ đâu?