Kiến thức chứng khoán - Kinh nghiệm đầu tư chứng khoán

Thứ Năm, 23 tháng 3, 2017

Cổ phiếu dược không còn quá rẻ

Hầu hết cổ phiếu ngành dược, cả lĩnh vực sản xuất và phân phối, đều đã có quãng thời gian tăng giá mạnh, chỉ số P/E hiện đạt trên 10 lần. Cổ phiếu ngành dược liệu có còn hấp dẫn?

http://www.blogchungkhoan.com/2014/09/9-cuon-sach-warren-buffett-cho-rang-ai.html
 
Triển vọng ngành dược 2017

Số liệu thống kê của Tổ chức Business Monitor International (BMI) cho biết, năm 2016, doanh thu ngành dược của Việt Nam đạt 106.000 tỷ đồng, tăng 12% so với năm 2015. BMI dự báo, tốc độ tăng trưởng kép của ngành dược Việt Nam giai đoạn 2016 - 2020 đạt khoảng 11,8%. 

Tính riêng các công ty dược đang niêm yết, doanh thu và lợi nhuận sau thuế năm 2016 lần lượt đạt 26.251 tỷ đồng và 1.627 tỷ đồng, tương ứng tăng 8,4% và 18,8% so với năm 2015. 

Theo ông Hoàng Huy, Trưởng phòng Phân tích, Công ty Chứng khoán KIS Việt Nam, năm 2017, các doanh nghiệp dược trong nước được dự đoán tiếp tục có một năm đạt kết quả kinh doanh khả quan, bởi kỳ vọng từ Luật Dược sửa đổi có hiệu lực từ 1/1/2017 với những chính sách ưu tiên cho các doanh nghiệp dược nội trong đấu thầu kênh ETC (bệnh viện) và cho phép doanh nghiệp đăng ký sớm thuốc generic. 

Ngoài ra, nhiều doanh nghiệp đã và đang nâng cấp xây dựng nhà máy với tiêu chuẩn EU-GMP/PICs nhằm tăng cường tính cạnh tranh trong kênh ETC với các doanh nghiệp nước ngoài. Theo đó, doanh thu của khối doanh nghiệp dược niêm yết trong năm 2017 có thể đạt 28.876 tỷ đồng, tăng 10% và lợi nhuận sau thuế đạt 1.822 tỷ đồng, tăng 12% so với năm 2015.

Triển vọng của ngành dược nhiều khả năng sẽ tiếp tục thu hút sự quan tâm của nhà đầu tư cả trong và ngoài nước. Công ty Chứng khoán Rồng Việt cho biết, không ít doanh nghiệp nước ngoài đang tìm kiếm cơ hội để tham gia vào chuỗi sản xuất và phân phối dược trong nước. Kỳ vọng, dòng vốn ngoại sẽ tiếp tục đổ mạnh vào ngành dược trong thời gian tới, đặc biệt là khi các vướng mắc trong nới tỷ lệ sở hữu tối đa cho nhà đầu tư nước ngoài sớm được tháo gỡ. 

Lựa chọn cổ phiếu nào?

Định giá của thị trường đối với các cổ phiếu ngành dược hiện tương đối cao so với trước, hầu hết đều đang có P/E trên 10 lần, cao hơn mức bình quân của thị trường. Với mức giá hiện nay, nhà đầu tư nên đầu tư cổ phiếu nào và theo chiến lược gì?

Công ty Chứng khoán Rồng Việt gợi ý, trong giai đoạn hiện nay, nhà đầu tư có thể lựa chọn 2 chiến lược: “đãi cát tìm vàng” ở những cổ phiếu nhỏ đang có mức P/E thấp so với mặt bằng chung, hoặc chấp nhận mua cổ phiếu với giá cao và kỳ vọng bán ở mức giá cao hơn. Thực tế, DHG là cổ phiếu có thị giá cao nhất ngành, nhưng vẫn được nhiều đơn vị tư vấn khuyến nghị đầu tư trong năm nay. 

Về DHG, ông Hoàng Huy nhận xét, đây là một trong số ít doanh nghiệp sản xuất thuốc generic và sở hữu kênh phân phối rộng khắp. Nhà máy Betalactam đã đi vào hoạt động từ tháng 10/2016, giúp Công ty tăng công suất, doanh thu, trong khi được ưu đãi thuế. Mặt khác, sự tham gia của đối tác Nhật Taisho kỳ vọng sẽ giúp DHG mở rộng hoạt động kinh doanh ra thị trường Đông Nam Á, bên cạnh việc nâng cao năng lực quản trị. Hiện Taisho có 14 công ty con tại Thái Lan, Indonesia, Singapore, Malaysia…

Giá cổ phiếu DHG, theo nhìn nhận của ông Huy, đang trong xu hướng tích lũy dài hạn sau khi bật tăng mạnh mẽ và phá đỉnh trung hạn vào tháng 10/2016. Năm 2017, KIS Việt Nam dự phóng, doanh thu của DHG đạt 4.326 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế đạt 792 tỷ đồng, tương ứng P/E 13,3 lần ở mức giá 120.000 đồng/cổ phiếu hiện tại.

Một cổ phiếu ngành dược nổi bật khác là TRA của Công ty cổ phần Traphaco, trong năm qua cũng đã đạt được mức tăng trưởng tích cực. Nhiều ý kiến trong giới phân tích cho rằng, lợi thế lớn nhất của TRA hiện nay nằm ở mảng đông dược và sở hữu hệ thống phân phối rộng trên cả 2 kênh phân phối ETC và OTC (nhà thuốc). Với kế hoạch lãi ròng 233 tỷ đồng trong năm nay, được ông Trần Túc Mã, Tổng giám đốc TRA chia sẻ mới đây, lợi nhuận trên mỗi cổ phiếu (EPS) dự phóng năm 2017 của TRA là 6.753 đồng, tương ứng mức P/E 17,7 lần.

Với Công ty cổ phần Dược phẩm Cửu Long, năm 2017, Công ty đặt kế hoạch doanh thu, lợi nhuận sau thuế lần lượt là 914 tỷ đồng và 96 tỷ đồng, theo đó EPS là 1.714 đồng. Với thị giá quanh mức 23.000 đồng/cổ phiếu hiện nay, hệ số P/E của cổ phiếu DCL là 13,9 lần. 

Cổ phiếu IMP của Công ty cổ phần Dược phẩm Imexpharm, dưới góc nhìn của Công ty Chứng khoán Rồng Việt, cũng đáng quan tâm. Bởi lẽ, doanh thu kênh ETC của IMP hứa hẹn tăng trưởng mạnh, doanh thu thuốc nhượng quyền phục hồi nhờ được đăng ký lại các sản phẩm hết hạn. Tuy nhiên, với mức lợi nhuận trước thuế ước đạt 180 tỷ đồng mà Chứng khoán Rồng Việt dự phóng cho năm 2017, EPS của IMP (sau khi trừ Quỹ khen thưởng, phúc lợi 12%) là 3.100 đồng, thì P/E tương ứng của cổ phiếu này khá cao, ở mức 19,3 lần, tại mức giá 60.000 đồng/cổ phiếu hiện nay.
 
ĐTCK
Share:

Trang

Nổi bật

Giới siêu giàu kiếm tiền từ đâu?