Kiến thức chứng khoán - Kinh nghiệm đầu tư chứng khoán

Thứ Ba, 28 tháng 3, 2017

Tranh cãi quanh khoản thưởng cổ phiếu cho nhân viên

Phát hành cổ phiếu thưởng cho cán bộ, nhân viên được lãnh đạo nhiều doanh nghiệp coi là biện pháp giữ người tài, song lại khiến nhiều cổ đông lo ngại vì ảnh hưởng đến quyền lợi.

3 ngày trước, cuộc họp Đại hội đồng cổ đông của Công ty cổ phần Container Việt Nam - Viconship (Mã CK: VSC) tiếp tục diễn ra với những tranh luận tương tự nhiều năm gần đây, khi có ý kiến cổ đông không đồng tình với ban lãnh đạo về phương án phát hành cổ phiếu theo chương trình lựa chọn cho người lao động (ESOP), hay còn gọi là thưởng cổ phiếu cho cán bộ, nhân viên.

Với số lượng tối đa 900.000 cổ phần dự kiến năm nay, giá trị cổ phiếu ESOP tính theo giá phát hành đạt khoảng 13,5 tỷ đồng, song nếu căn cứ theo thị giá cổ phiếu VSC, con số này đạt gần 52 tỷ đồng.

Một số ý kiến tại cuộc họp cho rằng, câu chuyện ESOP của Viconship không phải giờ mới được nói đến mà nhiều năm nay đã không được sự ủng hộ của cổ đông, nguyên nhân là bởi doanh thu Viconship tuy tăng đều trong 4 năm nhưng lợi nhuận trồi sụt, hầu như không tăng trưởng. 

Cuối cùng, mặc dù tờ trình phát hành vẫn được thông qua nhưng tỷ lệ tán thành của cổ đông chỉ đạt gần 75%, số còn lại không đồng tình hoặc không có ý kiến. Trong khi đó, những tờ trình khác hầu hết được thông qua với tỷ lệ 100%.

Câu chuyện tương tự cũng diễn ra sau cuộc họp cổ đông hồi giữa tháng 3 của Công ty cổ phần Phú Tài (Mã CK: PTB). Dù kế hoạch kinh doanh năm 2017 tiếp tục giữ tốc độ tăng trưởng 26,5%, cổ tức cũng được hứa hẹn trả với tỷ lệ 30% (10% tiền mặt và 20% cổ phiếu)... nhưng thị giá cổ phiếu PTB vẫn giảm 10% sau 1 tuần diễn ra cuộc họp.

Nguyên nhân theo một số nhà đầu tư là bởi quyết định tiếp tục thực hiện phương án phát hành ESOP với tỷ lệ 5% cổ phiếu đang lưu hành cho cán bộ công nhân viên của Phú Tài. Tỷ lệ được đánh giá là khá cao so với nhiều công ty khác trên thị trường. 

Nhiều cổ đông tỏ ra nghi ngại khi doanh nghiệp liên tục thực hiện phát hành cổ phiếu theo chương trình lựa chọn dành cho người lao động (ESOP).

Anh Phương, một nhà đầu tư có 5 năm kinh nghiệm trên thị trường chứng khoán cho rằng việc các cổ đông phản ứng khi doanh nghiệp đề xuất phát hành ESOP chủ yếu do lo ngại pha loãng cổ phiếu, ảnh hưởng đến thị giá. Bên cạnh đó, việc thưởng bằng cổ phiếu đều đặn qua các năm với lý do giữ người tài khiến nhà đầu tư lo ngại có thể tác động tiêu cực đến động lực làm việc của nhân viên.

Một cổ đông cá nhân của Viconship tại Đại hội mới diễn ra đã chất vấn ban lãnh đạo: "Việc liên tục phát hành ESOP với mức giá gần như cho không sẽ khiến nhân viên có tư tưởng phải có ESOP mới gắn bó với công ty, điều này về lâu dài sẽ ảnh hưởng đến động lực phát triển".

Tại Đại hội đồng cổ đông của Công ty cổ phần Đầu tư Thế giới Di động (Mã CK: MWG) năm 2014, đại diện hai quỹ đầu tư là Dragon Capital và Vietnam Holdings đều lên tiếng cho rằng tỷ lệ phát hành ESOP 5% theo đề xuất của ban lãnh đạo MWG là quá cao, sẽ khiến sở hữu của những quỹ này bị pha loãng. 

Trước đó, khi Đại hội đồng cổ đông thường niên của Công ty Sữa Việt Nam (Vinamilk - Mã CK: VNM) họp năm 2013, ông Lê Song Lai - thành viên Hội đồng quản trị, đồng thời là đại diện cho phần vốn góp của SCIC tại Vinamilk cũng không đồng tình với đề xuất phát hành ESOP của ban lãnh đạo bởi lo ngại việc này sẽ làm pha loãng và ảnh hưởng đến tỷ lệ sở hữu. Kế hoạch này phải đợi đến năm 2016 mới được thông qua.

Theo một số nhà đầu tư chứng khoán, kế hoạch phát hành cổ phiếu ESOP liên tục của một số doanh nghiệp cũng khiến bản thân họ có sự nghi ngại về vấn đề quản trị trong dài hạn. "Việc phát hành ESOP thông thường đến từ kết quả kinh doanh tăng trưởng, song điều này có thể tạo động lực cho ban điều hành đặt kế hoạch thấp xuống hoặc tìm cách làm đẹp hơn số liệu kế toán", một nhà đầu tư chia sẻ.

Từ phía ban lãnh đạo doanh nghiệp, câu chuyện ESOP phần lớn được đưa ra với mục tiêu "giữ người tài". Ông Nguyễn Việt Hòa - Chủ tịch Viconship đã chia sẻ, mức lương bình quân của nhân viên Viconship ở mức thấp so với các doanh nghiệp cùng ngành (hơn 10 triệu đồng mỗi tháng). Bản thân đơn vị này cũng thường xuyên bị các công ty khác "câu" người tài.

Thực tế một số lãnh đạo doanh nghiệp cũng lên tiếng trấn an cổ đông rằng, việc phát hành ESOP thường kèm theo nhiều điều kiện ràng buộc như thời gian hạn chế chuyển nhượng, sẽ bị thu hồi khi nhân viên nghỉ trước hạn hay yêu cầu về độ tuổi và thời gian gắn bó. Quyền lợi của các cổ đông trong ngắn hạn, đặc biệt là lo ngại về pha loãng cổ phiếu sẽ không xảy ra.

Tuy vậy, vấn đề này cũng khiến nhiều nhà đầu tư đặt ra câu hỏi, tại sao không trực tiếp tăng thu nhập cho cán bộ công nhân viên mà phải phát hành cổ phiếu ESOP (thường đi kèm với điều kiện hạn chế chuyển nhượng 1-3 năm), khoản lợi ích những nhân viên nhận được nhưng không thể hiện thực hóa ngay lập tức.

Theo một số chuyên gia tài chính, việc sử dụng công cụ ESOP mặc dù đi kèm nhiều điều kiện ràng buộc nhưng đem lại nhiều lợi ích cho ban lãnh đạo của doanh nghiệp - những người đề xuất và được hưởng lượng cổ phiếu ESOP rất lớn (thường chiếm 30-60% tổng lượng phát hành và nhiều doanh nghiệp không công bố chi tiết danh sách các cá nhân nhận ESOP). 

Lợi ích đầu tiên là vấn đề thuế. Thông thường, doanh nghiệp quyết định thưởng trực tiếp cho nhân viên, phần thuế thu nhập tối đa phải chịu là 35% nhưng nếu thưởng ESOP, việc chuyển nhượng sau thời gian hạn chế chỉ chịu mức thuế 0,1% giá trị giao dịch chứng khoán. 

Ngoài ra, hiện chuẩn mực kế toán Việt Nam không có quy định về việc hạch toán chi phí phát hành ESOP, vốn được nhiều doanh nghiệp sử dụng từ nguồn lợi nhuận sau thuế chưa phân phối. Do vậy, so với phương án thưởng trực tiếp sẽ được ghi nhận vào chi phí quản lý, làm giảm lợi nhuận thì phương án phát hành ESOP, do không ghi nhận chi phí, việc này sẽ giúp doanh nghiệp giữ được kết quả lợi nhuận cao hơn, số liệu tài chính theo đó cũng "đẹp hơn".
 
>> Liên hệ Mua bán cổ phiếu - Tư vấn đầu tư - Ủy thác đầu tư
Vnexpress
Share:

Trang

Nổi bật

Giới siêu giàu kiếm tiền từ đâu?