Kiến thức chứng khoán - Kinh nghiệm đầu tư chứng khoán

Thứ Tư, 17 tháng 5, 2017

Những vấn đề nóng mùa họp ĐHĐCĐ ngân hàng

Hầu hết các ngân hàng đã tổ chức họp đại hội đồng cổ đông (ĐHĐCĐ) năm 2017 trong tháng 4-2017, ngoại trừ một số ngân hàng đang trong giai đoạn kiểm soát đặc biệt hoặc chưa có định hướng rõ ràng về lộ trình tái cơ cấu. Tại các cuộc họp ĐHĐCĐ năm nay, những vấn đề nóng nhất vẫn là những vấn đề cố hữu trong những năm gần đây.

TPBank dự kiến sẽ lên sàn UpCom trong thời gian tới. Ảnh: HẢI NGUYỄN
 
Tăng vốn và cổ tức

Vấn đề cổ tức vẫn nóng hổi, gây tranh cãi giữa các cổ đông và ban lãnh đạo ngân hàng. Đứng ở góc độ điều hành, ban lãnh đạo ngân hàng luôn muốn giữ lại lợi nhuận hoặc chia cổ tức bằng cổ phiếu để tăng vốn nhằm gia tăng nội lực tài chính, sớm đáp ứng chỉ tiêu an toàn vốn theo chuẩn Basel 2, đồng thời có thêm nguồn lực để tiếp tục trích lập dự phòng, xử lý nợ xấu, nhất là với những ngân hàng vẫn đang gặp khó khăn trong công tác xử lý nợ xấu và không được phép chia cổ tức.

Đối với cổ đông thì nhu cầu được chi trả cổ tức bằng tiền mặt rất quan trọng. Thời gian qua, rất nhiều doanh nghiệp đã thực hiện chi trả cổ tức bằng tiền mặt khi hoạt động kinh doanh được cải thiện, trong khi hoạt động của một số ngân hàng cũng được cải thiện nhưng vẫn tiếp tục chính sách không chia cổ tức hoặc chia cổ tức bằng cổ phiếu. Đối với những cổ đông lớn là... Nhà nước (như Bộ Tài chính), thì nhu cầu nhận cổ tức bằng tiền mặt là rất cấp thiết trong bối cảnh nguồn thu ngân sách chịu nhiều áp lực.

Song song với vấn đề cổ tức, vấn đề tăng vốn cũng được quan tâm và đây là thách thức khá lớn của ngành ngân hàng trong thời gian tới. Tiếp nối năm 2016, tại kỳ họp ĐHĐCĐ năm nay, hàng loạt ngân hàng lại đặt ra kế hoạch tăng vốn “khủng”, thông qua các giải pháp như phát hành thêm hoặc thưởng cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu, phát hành cổ phiếu ESOP cho người lao động, chia cổ tức bằng cổ phiếu, phát hành cổ phiếu cho cổ đông mới hoặc cho đối tác chiến lược, cũng như phát hành trái phiếu dài hạn để tăng nguồn vốn tự có cấp 2.

Những năm qua tốc độ tăng tổng tài sản của các ngân hàng khá nhanh, trong khi tốc độ tăng vốn không theo kịp, cộng thêm nợ xấu tăng cao và các ngân hàng phải tiêu tốn nguồn lực để xử lý nợ xấu, dẫn đến hệ số an toàn vốn (CAR) gặp áp lực suy giảm. Do đó, để có thể tiếp tục mở rộng phát triển kinh doanh trong giai đoạn tới thì các ngân hàng phải tăng vốn tự có.

M&A, thoái vốn và thay đổi nhân sự

Vấn đề mua bán - sáp nhập (M&A) ngân hàng nóng bỏng trong giai đoạn 2014-2015, trầm lắng trong năm 2016 và đến mùa họp ĐHĐCĐ năm 2017 có vẻ như đang nóng trở lại. Đây cũng là điều dễ hiểu khi Đề án tái cấu trúc các tổ chức tín dụng (TCTD) giai đoạn 2016-2020 của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) sắp được triển khai. Vietcombank tiết lộ có kế hoạch M&A trong năm nay, MBbank cho biết có thể thực hiện M&A với một ngân hàng khác để tăng quy mô, Sacombank đã có đối tác tham gia tái cơ cấu, trong khi cổ đông PGBank yêu cầu lãnh đạo ngân hàng này phải có thái độ dứt khoát với VietinBank xem có sáp nhập hay không.

Trong khi đó, trên thị trường cũng xuất hiện một số tin đồn về khả năng M&A tại một số ngân hàng yếu kém trong thời gian tới. Riêng OCB có kế hoạch thành lập hoặc mua lại công ty tài chính, VIB có kế hoạch mua lại mảng bán lẻ của một ngân hàng khác.

Vấn đề mua bán - sáp nhập (M&A) ngân hàng nóng bỏng trong giai đoạn 2014-2015, trầm lắng trong năm 2016 và đến mùa họp ĐHĐCĐ năm 2017 có vẻ như đang nóng trở lại.
Ngược lại, câu chuyện thoái vốn cũng rộ lên tại các ngân hàng, theo định hướng của Chính phủ về tái cấu trúc các doanh nghiệp nhà nước cũng như quy định hạn chế sở hữu chéo giữa các ngân hàng. Theo đó, Vietcombank có kế hoạch thoái vốn tại Eximbank, Saigonbank, OCB và Công ty Tài chính cổ phần Xi măng; trong khi ban lãnh đạo Eximbank xin thoái vốn khỏi Sacombank; MBBank cũng có kế hoạch thoái vốn khỏi MBLand trong năm nay. Trước đó, Techcombank đã thoái vốn khá thành công tại Vietnam Airlines.

Trong khi đó, các cổ đông lớn tại một số ngân hàng cũng cho biết có kế hoạch thoái vốn, như MobiFone sẽ thoái vốn nốt trong năm 2017 tại TPbank; Standard Chartered Bank cho biết đã thảo luận việc bán cổ phần tại thị trường châu Á, trong đó có cổ phần tại ACB. Trong bối cảnh tăng vốn đang gặp nhiều khó khăn thì việc thoái vốn góp đầu tư vào ngân hàng của một số cổ đông lớn có thể khiến nguồn cung cổ phiếu ngân hàng tăng lên và càng gây tác động tiêu cực lên lộ trình tăng vốn của các ngân hàng này.

Ngoài ra, việc đề xuất thay đổi, miễn nhiệm, bổ sung nhân sự điều hành, quản trị tại các ngân hàng cũng là điểm đáng chú ý trong mùa họp ĐHĐCĐ năm nay. Nếu như việc NHNN đề cử nhân sự từ NHNN hoặc từ các ngân hàng thương mại (NHTM) nhà nước tham gia quản trị, điều hành NHTM cổ phần nhằm giám sát chặt chẽ và hỗ trợ nhiều hơn cho TCTD đó trong quá trình tái cấu trúc, thì việc nhân sự từ một số NHTM cổ phần sang tham gia hỗ trợ tái cơ cấu một TCTD khác đang dẫn đến những đồn đoán về khả năng sáp nhập hai ngân hàng này.

Xử lý nợ xấu, tái cấu trúc và câu chuyện lên sàn

Nếu như những năm trước đây, tại các cuộc họp ĐHĐCĐ thường niên của ngân hàng, mối quan tâm lớn nhất của cổ đông thường là định hướng chiến lược sắp tới của ngân hàng, sản phẩm dịch vụ mới, phân khúc khách hàng, thành tựu trong năm qua... thì những năm gần đây, các cổ đông thường chất vấn về tiến độ tái cơ cấu ngân hàng, kết quả xử lý những tồn đọng, nợ xấu cũng như thời điểm xử lý dứt điểm. Điều này cho thấy ngành ngân hàng vẫn chưa thật sự thoát khỏi khó khăn.

Các cuộc họp ĐHĐCĐ năm nay cũng không ngoại lệ, bên cạnh các vấn đề như chia cổ tức, tăng vốn, M&A, thay đổi nhân sự thì các cổ đông thường muốn biết chi tiết các khoản nợ xấu đã bán cho Công ty Quản lý tài sản của các TCTD Việt Nam (VAMC) là bao nhiêu, đã xử lý và thu hồi được bao nhiêu, trích lập dự phòng như thế nào và kế hoạch sắp tới sẽ xử lý ra sao. Ngoài ra, cổ đông tập trung hỏi về các khoản phải thu, các khoản cho vay tồn tại qua các năm liên quan đến các cổ đông lớn, các thành viên hội đồng quản trị trước đây, các khách hàng lớn...

Một vấn đề nữa cũng thường được chất vấn nhiều trong những năm qua đó là lộ trình niêm yết chính thức trên sàn chứng khoán của các ngân hàng. Theo thông tin được ban lãnh đạo các ngân hàng phản hồi thì Techcombank đã lên kế hoạch niêm yết trên HOSE, KienLong Bank, ABBank, TPbank dự kiến sẽ lên sàn UpCom, trong khi các ngân hàng khác vẫn chưa cho thấy ý định sớm niêm yết. Với thực tế cổ phiếu của nhiều ngân hàng đã rớt về dưới mệnh giá trên thị trường phi chính thức thì việc niêm yết chính thức trên sàn nhiều khả năng không thành công, chừng nào mà hoạt động kinh doanh của ngân hàng vẫn chưa khởi sắc, lợi nhuận chưa được cải thiện để giúp giá cổ phiếu phục hồi trở lại lên trên mệnh giá.


 TBKTSG
Share:

Trang

Nổi bật

Giới siêu giàu kiếm tiền từ đâu?