Kiến thức chứng khoán - Kinh nghiệm đầu tư chứng khoán

Chủ Nhật, 25 tháng 6, 2017

Góp phần hoàn thiện bức tranh chứng khoán Việt

Thị trường chứng khoán phái sinh (TTCKPS) ra đời giúp NĐT chuyên nghiệp như công ty quản lý quỹ có thể đa dạng hóa sản phẩm tốt hơn.

Sau 17 năm hình thành, thị trường chứng khoán (TTCK) Việt Nam đã phát triển ổn định và bắt đầu đi vào chiều sâu, đòi hỏi sự hoàn thiện tiếp theo của cấu trúc thị trường. Mà như ông Dương Ngọc Tuấn, Phó tổng giám đốc Trung tâm Lưu ký Chứng khoán Việt Nam (VSD), thì thị trường chứng khoán phái sinh (TTCKPS) là mảng cần thiết để hoàn thiện bức tranh tổng thể của TTCK Việt Nam. “Đây là thời điểm chín muồi cho sự ra đời của CKPS”, ông Tuấn nhấn mạnh.

Rủi ro giảm…

TTCKPS khai sinh sẽ tạo nhiều thuận lợi hơn cho các nhà đầu tư (NĐT) tham gia TTCK. Thứ nhất là phòng ngừa rủi ro; thứ hai là kinh doanh đầu cơ dựa vào biến động giá thị trường; thứ ba, khi tham gia TTCKPS, NĐT sẽ gặp được nhiều định chế tài chính có định mức tín nhiệm tốt hơn, có điều khoản vay tốt hơn. Cuối cùng, TTCKPS ra đời giúp NĐT chuyên nghiệp như công ty quản lý quỹ có thể đa dạng hóa sản phẩm tốt hơn.

Theo ông Nguyễn Anh Phong, Phó tổng giám đốc HNX, chức năng chính của TTCKPS là giúp NĐT phòng ngừa rủi ro. Khi NĐT có công cụ để hạn chế được rủi ro, sẽ yên tâm đầu tư hơn và sẽ giúp TTCK Việt Nam có thể thu hút thêm các nguồn lực đang còn tiềm ẩn.
TTCKPS ra đời thì thị trường cơ sở phát triển hiệu quả hơn

“TTCKPS chịu ảnh hưởng rất lớn của TTCK cơ sở, nên mối quan hệ giữa TTCKPS và cơ sở là rất mật thiết. TTCKPS ra đời thì thị trường cơ sở phát triển hiệu quả hơn. TTCKPS thể hiện kỳ vọng của các NĐT đối với TTCK cơ sở, làm cho giá hàng hóa cơ sở mang tính thị trường mạnh hơn. Theo chúng tôi, thời điểm này, khi đã hội tụ đủ các yếu tố cần thiết, TTCKPS ra đời sẽ hỗ trợ tích cực cho TTCK Việt Nam”, ông Phong nói.

Theo bà Nguyễn Vũ Thùy Hương, CTCP Chứng khoán Sài Gòn (SSI), NĐT có thể coi CKPS như một công cụ đầu tư và sản phẩm đầu tư thông thường, NĐT khi muốn giao dịch chỉ cần mở tài khoản và cách thức đặt lệnh giống thị trường cơ sở. Điểm khác biệt là trên thị trường cơ sở, tỷ lệ margin ở mức 50-50, nhưng trên TTCKPS, tỷ lệ margin lên đến 80-20 hoặc 70-30. Thứ nữa, NĐT có thể bán tài sản khi chưa sở hữu nó, NĐT mua và bán tài sản ngay trong ngày (T+0) với cơ chế “mark to market”, nghĩa là cứ đến cuối ngày biết lỗ và lãi bao nhiêu và lỗ lãi được hạch toán ngay trong tài khoản. Nếu lỗ, NĐT phải nộp bổ sung thêm vào khoản ký quỹ.

Vấn đề là NĐT cần nhận thức rõ về rủi ro khi tham gia thị trường.

Gia tăng cơ hội

Song, dưới góc nhìn của mình, ông Nguyễn Duy Hưng, Chủ tịch SSI cho rằng, TTCK được hình thành với sứ mệnh quan trọng nhất là huy động vốn cho nền kinh tế và DN, huy động vốn từ NĐT, nên đối tượng quan trọng nhất của TTCK là NĐT. Vấn đề là làm thế nào kiểm soát được và phát triển được.

“Mối quan tâm lớn của NĐT là tính thanh khoản, khả năng kiếm lợi nhuận và công cụ phòng ngừa rủi ro. Trên thị trường hiện nay có rất nhiều sản phẩm tài chính trá hình không được kiểm soát bởi cơ quan quản lý. TTCKPS giúp NĐT có công cụ hedging, như trường hợp “hãy chọn giá đúng”, nếu thị trường biến động không như dự đoán thì thị trường này sẽ cho NĐT có công cụ để cắt lỗ”, ông Hưng cho biết.

Liên quan đến tính minh bạch của thị trường và khả năng kiểm soát các giao dịch không rõ ràng của các thành viên thị trường, ông Dương Ngọc Tuấn cho biết, VSD chịu trách nhiệm đảm bảo thanh toán bù trừ để thị trường vận hành trơn tru, an toàn. Thành viên tham gia TTCKPS có điểm khác so với thị trường cơ sở ở chỗ, thành viên tham gia bù trừ thanh toán ở TTCKPS được yêu cầu cao hơn về vốn, cơ sở vật chất kỹ thuật và con người. Xét về vốn thì các thành viên bù trừ chung phải đáp ứng yêu cầu số vốn trên 1.200 tỷ đồng; đây là nhóm được cung cấp dịch vụ cho khách hàng, cho chính mình và cả các đối tượng khác. Nhóm đối tượng là thành viên bù trừ trực tiếp chỉ cho khách hàng của mình và chính mình, thì yêu cầu vốn thấp hơn, khoảng 900 tỷ đồng. Đối với NHTM thì mức yêu cầu tương đương 5.000 - 7.000 tỷ đồng.

Về phía NĐT, khi tham gia TTCKPS thì trước khi thực hiện giao dịch phải mở tài khoản ký quỹ tại các thành viên bù trừ để thực hiện ký quỹ cho VSD. Tài sản ký quỹ nộp lên VSD thông qua thành viên bù trừ, có thể bằng tiền hoặc chứng khoán. Nếu bằng tiền thì ở mức tối thiểu là 8% giá trị tài sản cơ sở, phần còn lại có thể là chứng khoán nhưng phải trong danh mục chứng khoán cho phép làm tài sản đảm bảo theo quy định của VSD. Lệnh giao dịch của NĐT sẽ được các thành viên giao dịch chuyển vào hệ thống, hàng ngày trong phiên giao dịch khi mà kết quả giao dịch được thực hiện xong, VSD sẽ nhận kết quả giao dịch từ sở giao dịch về và thực hiện thế vị. Lúc này, VSD trở thành đối tác trung tâm của các bên giao dịch.

Với cơ chế này, VSD trở thành đối tác chính thức của các đối tượng giao dịch và là bên chịu trách nhiệm thực hiện nghĩa vụ giao dịch. Trong trường hợp bên còn lại mất khả năng thanh toán thì VSD vẫn phải có trách nhiệm.


Thời Báo Ngân Hàng
Share:

Trang

Nổi bật

Giới siêu giàu kiếm tiền từ đâu?